Hoa hậu Bồ Đào (27)

Nghi hẹn và đến đúng giờ. Cố nhiên là như vậy. Hiếu cũng đúng giờ hết sức vì nàng chưa biết làm cao, cũng chưa bận quá về trang điểm.

-Sao lại hẹn nhau ở đây? Nghi hỏi.

-Anh không thấy ở đây đường vắng vẻ à?

-Thấy, nhưng chắc có lý gì khác. Có phải ở đây xa nhà Bích-Lệ lắm không? Bích-Lệ cười ngặt nghẹo mà thấy Nghi đoán rất khoa học, rất lý trí nhưng lại sai.

-Xa nhà thì đành rồi nhưng lại gần nhà chị Hoàng cỡ khỏi đi xe cũng được, nhưng thôi, không bắt anh đẩy xe đâu.

Nói rồi nàng lên yên sau một cách tự nhiên không ngượng ngập như lúc mới quen với Trọng và Nghi chỉ chạy vừa hết trớn số 2 thì Hiếu đã kêu ngừng.

-Tới rồi à?

-Tới rồi.

Nhà Hoàng mở rộng cửa nhưng Hiếu dòm vào không thấy gì cả. Đôi bạn bước lên thềm và Hiếu đánh tiếng:

-Chị Hoàng ơi!

Không nghe trả lời, nàng gọi to hơn:

-Chị Hoàng có nhà không?

-Cô Hiếu đó hả? Đợi chị một chút, chị rửa mặt rồi lên ngay. Nghi trố mắt nhìn bạn rồi mỉm cười hỏi:

-Té ra Hiếu là tên riêng của Bích-Lệ?

-Ờ, tên ở nhà. Anh có thất vọng lắm không?

-Sao lại thất vọng. Hiếu vẫn đẹp, vẫn dễ mến y như Bích-Lệ, thì có sao đâu.

Hoàng vừa lau mặt vừa đi lên. Chợt thấy khách lạ, nàng nói xin lỗi rồi lộn trở vào buồng để cất khăn và có lẽ để chải lại mớ tóc.

Khi Hoàng trở ra thì bắt gặp người khách lạ đang nhìn nàng trân trối. Hiếu giới thiệu:

-Anh Nghi, một người bạn.

Hoàng chào khách nhưng hóm hỉnh nhìn Hiếu mà cười như thầm nói: “Đã có bồ rồi à? Giỏi lắm! Nhưng đừng có chê cười gì Hoàng nữa nhé. Sống là đi qua hết chỗ nầy tới chỗ khác, dứt với Trọng thì phải có hạn mới vậy.”

Hiếu ngượng quá nhưng không thể đính chánh được. Nàng chỉ biết giới thiệu thêm:

-Anh Nghi, người thủ vai chánh phía bên nam, trong phim mà em đóng.

-Vậy à? Đã làm minh tinh rồi à? Mau lẹ quá.

-Minh tinh nhưng chưa sáng. Vậy phải gọi em là u tinh thì đúng hơn.

-Rồi em sẽ sáng, không hề gì. Có nhiều cô chưa đóng lần nào mà đã xưng là minh tinh rồi thì đã sao. Thế nào còn nam minh tinh đã sáng tỏ ở đâu chưa?

Nghi cười hề hề:

-Chưa, chỉ vừa sáng mắt ra khi bước chơn vào đây thôi.

-Thế à ? Sao lạ vậy?

-Tôi vừa mới thấy một người đáng vẽ là chị.

-Hay, nịnh đầm tài lắm. Cũng là tay bản lĩnh phi thường chớ không vừa. Nhưng anh nên vẽ Bích-Lệ thôi.

-Tôi đã vẽ Bích-Lệ ở trong lòng tôi rồi, tưởng không nên vẽ lên vải mà mất cả thiêng liêng.

-À… a. Té ra tôi chỉ đáng được ghi vào vải thôi à?

-Nhưng ghi vào vải lại để đời ngàn năm.

-Nếu thế thì Bích-Lệ lại không được lưu hậu thế sao?

-Bích-Lệ rất xứng đáng được lưu hậu thế. Nhưng tôi lại ganh tị với người đời, chỉ muốn mang nàng theo xuống mồ thôi.

-Khá bẻm mép, tráo trở khá tài.

Trong khi đôi bạn gái nói với nhau những câu chuyện không đâu thì Nghi cứ quan sát cô gái Việt Ấn mãi. Đây là một nhân vật khả họa, có những nét đặc biệt thấy là muốn vẽ ngay, muốn tạc tượng ngay, mặc dầu nàng không đẹp bằng bạn của chàng.

Trong đời chàng, tới đây chàng chỉ mới bị xúc động trước mặt hai cô gái: trước Bích- Lệ, chàng đã rung động vì ái tình, trước Hoàng, chàng rung động vì nghệ thuật.

Chàng không nghe Bích-Lệ rủ nhỏ Hoàng đi ra sau, nên khi họ kéo nhau đi, chàng cụt hứng, ngồi đó mà xem tranh trong nhà. Tranh ở đây toàn là tranh rẻ tiền – hiểu theo nghĩa nghệ thuật – và chỉ có bức ảnh bán thân của hai vợ chồng so le là khiến chàng chú ý đến nhiều.

Hai chị em bạn gái nói gì với nhau trong ấy mà lâu đến thế? Chàng băn khoăn tự hỏi và không sao đoán được sự quan trọng của câu chuyện giữa Hoàng và Hiếu.

Hiếu chỉ muốn vào bên trong để thỏ thẻ nhờ Hoàng đến nhà nàng xin phép bà Trung cho nàng đi ăn cơm tối ở ngoài với Hoàng thôi. Nhưng nàng đã khơi ngòi cho một câu chuyện triết lý hai xu.

Nghe xong lời yêu cầu của bạn, Hoàng mỉm cười hóm hỉnh hỏi:

-Hiểu rồi, muốn bắt chị làm tùng đảng phải không? Được, sẵn lòng. Nhưng phải nói cho chị biết Trọng có lỗi gì hay không cái đã.

Hiếu khổ sở quá không trốn được câu hỏi mà nàng rất sợ.

-Anh ấy bất lịch sự với em.

-Có lý. Nhưng sự bất lịch sự ấy chọc giận em và cơn giận của em nếu bỏ lên mà cân, có nặng hơn tình em yêu anh ấy hay không.

-Không thế nào cân như vậy được.

Cân trong trí thôi, chớ ai lại cân tình cảm. Hiếu chỉ làm thinh nên Hoàng lại nói:

-Chắc chắn là không thế nào mà sóng mới dậy lên một chút là chìm ghe. Chắc em không yêu Trọng nữa chớ gì? Có phải không? Chị chỉ a tùng với người thẳng thắn thôi.

-Phải, nhưng em không phụ bạc anh ấy. Chưa có gì giữa anh ấy và em.

-Có chớ, có thề non hẹn biển mà!

-Không!

-Phải, đó chỉ là một lối nói mà thôi. Trọng có xin với em và em bằng lòng.

-Nhưng chỉ có thế thôi.

-Ừ, nhưng cũng đã nhiều lắm rồi đó. Sự bằng lòng của em có nghĩa là một ước hẹn một hợp đồng ký bằng miệng.

Hiếu ôm mặt khóc ròng và nói:

-Chị lại không cho phép em có quyền đổi ý sao?

-Sao lại không, chị hỏi cho biết thôi chớ, để xem coi có nên theo phe em hay không. Được, chị sẽ giúp em, vì chị nhìn nhận rằng em có quyền đổi ý. Chị chỉ tiếc rằng em là thủ phạm chớ không phải là nạn nhân.

-Tội em chắc không to lắm. Vả lại giữa Nghi với em, cũng chưa có gì. Hoàng nhìn xa vào khoảng không mà nói tiếp ý nghĩ của nàng:

-Nạn nhân tuy phải chịu đau khổ, nhưng mà về sau, lòng dạ thảnh thơi, còn thủ phạm thì cứ bị cái gì nó đè nặng mãi lên tâm trí.

-Chị làm em sợ hãi quá, không thiết đi với Nghi nữa.

-Không, em cứ đi, vì em phải sống.

-Quả thật em không an lòng từ giây phút mà em định dứt với anh Trọng.

-Nhưng trở lại với Trọng, em khổ hơn vì tiếc Nghi. Phải sống em à, nếu không, hận cả đời. Em rủi ro phải làm thủ phạm thì phải chịu vậy. Con trai họ cũng có ý muốn làm thủ phạm đâu, chẳng qua là may ai nấy nhờ, rủi ai nấy chịu thôi.

-Từ thuở giờ em cứ ngỡ nạn nhân là kẻ thiệt thòi, ai dè chị lại cho là họ may mắn.

-Thì thiệt thòi chớ sao, nhưng lại may về mặt tinh thần.

-Chị tham quá.

-Không phải là chị muốn được cả hai, vật chất và tinh thần, nhưng chị thấy tinh thần cũng quan trọng lắm. Khi càng đi sâu vào cuộc đời, ta càng nghĩ nhiều về lẽ sống và ta thấy tinh thần rất là quan trọng.

Hiếu đã ráo lệ, và đôi bạn trở ra ngoài.

-Âm mưu gì bí mật dữ vậy? Nghi hỏi bông đùa.

-Không được phép len vào nội bộ của người ta. Có muốn được đi với người đẹp thì phải coi nhà nghe chưa?

-Vâng.

-Và ở nhà một mình đừng có tháy máy tay chơn, ăn cắp chén dĩa bỏ túi nghe chưa?

-Xin thề.

-Nhứt là nếu có ổng tới thì…

-Ông nào?

-Ông nầy đây nè… Hoàng vừa nói vừa chỉ vào bức chơn dung của hai vợ chồng.

-Thì làm sao?

-Thì nên nói mau là bồ của Bích-Lệ, nghe chưa?

-Nghe rồi. Nhưng tại sao?

-Nếu không mau miệng thì ổng ghen, ổng bắn cho nát óc.

Cả ba cười xòa và Hoàng mặc áo bà-ba đi ra ngoài với Hiếu. Nghi biết rằng Hoàng đi vận động cho bạn chàng, và căn cứ vào chiếc áo ngắn của Hoàng, chàng đoán biết là Hiếu ở gần đâu đó. Chàng không phải là kẻ mò mò xấu xa, nhưng không sao không muốn tìm biết gia đạo, nhà cửa của cô gái mà chàng đã bắt đầu yêu.

***

Phim trường ở hẻm Cô Bắc được nhà trang trí biến thành bên trong một nếp nhà tranh. Bích-Lệ sửa soạn nấu cơm khuya cho cha ăn để ra đồng, trong khi cả nhà còn đang ngon giấc thì có tiếng gọi khẽ bên ngoài.

-Ngộ! Ngộ ơi!

Bích-Lệ ngẩng lên, nghe ngóng và khi nhận được giọng của bạn, nàng vừa mừng, vừa lo lắng, chạy lại mở nhẹ cánh cửa tre.

Nghi ló mặt vào khung cửa và nói:

-Cho anh vô một chút, nguy đến nơi rồi!

Bích-Lệ hốt hoảng, run rẩy kéo bạn vào rồi vội vàng đóng cửa lại. Trong ánh lửa thổi cơm soi mờ hai gương mặt sợ hãi, Lệ hỏi lăng xăng:

-Sao anh, gì đó?

-Vụ cháy…

-Ừ, ta đã lo sợ từ đêm hôm qua tới nay.

-Thằng Quít nó xé áo anh…

-Ừ… rồi sao ?

-Nó đi cáo rằng chính anh đốt ghe, và hồi đầu hôm, hương quản dắt người tới vây nhà anh. Anh may mắn thoát được, lẩn trốn từ lúc đó đến giờ ngoài các đám mía.

-Sao anh không đi thật xa?

-Anh đợi em thức dậy nấu cơm khuya để từ biệt em.

-Trời ơi, bây giờ làm sao anh?

-Không sao hết. Anh có chỗ trốn thật yên. Chỉ khổ là phải xa em, có thể xa mãi đến trọn đời…

-Trời!

Bích-Lệ kêu lên rồi bất giác đưa hai tay ra níu lấy tay bạn. Nghi rút cánh tay mặt ra rồi xoa lên tóc người bạn tình mà có lẽ chàng vĩnh biệt ngàn năm.

Vì không có tập dượt nên đây là lần đầu tiên mà Nghi chạm vào người nàng. Người con trai ấy, nàng đã nhiều lần trao đổi tâm sự trong các bữa ăn, các bữa đi dạo mát trong thành phố.

Bích-Lệ rùng mình, nghe như một luồng điện chạy dài từ ót, theo xương sống nàng rồi tỏa khắp thân thể nàng. Toàn da nàng mọc ốc lên và khi Nghi cúi xuống hôn lên mái tóc nàng thì thân thể nàng như biến ra thành hơi, thành khói.

Bấy giờ nàng sẵn sàng hiến dâng tất cả cho Nghi nếu đây là một nơi hẹn hò vắng vẻ. Tuy nhiên nàng vẫn có cử chỉ hiến dâng ấy, không, chỉ kín đáo thôi, nhưng không thoát khỏi mắt quan sát của đoàn, và Hai mừng đến nhảy lang ba, muốn kêu lên, khi hắn thấy cô nữ diễn viên bị rung động thật mà diễn được một cách thần tình như vậy.

Đây là đoạn phim hay nhứt của cả bộ phim, hay nhứt trong phim phẩm của ta được quay trong vòng mười năm nay.

Cô gái sắp chia ly với người nhân tình, cố thu mình lại cho nhỏ nhoi để được nghe lần cuối cùng sự che chở của bạn, được hưởng lần chót trong đời nàng cái giây phút mà hơi ấm của hai người truyền lẫn cho nhau.

Hiếu say ngây ngất không còn biết đây là thật hay là cảnh nữa, nên chi khi Nghi giựt mình chợt tỉnh dang ra thì nàng có một cử chỉ bám níu một cách bất giác mà nàng hành động theo bản năng của một kẻ sắp mất một vật quí báu nhứt đời. Cử chỉ nầy không được người viết phân cảnh ghi ra, nhưng nó linh động tuyệt vời và cả phim trường đều hồi hộp sợ người ca-mơ-ra-men quay hỏng đoạn đó rồi không một nghệ sĩ nào trên đời nầy tái diễn lại được nữa cả.

Giấc mộng đã tàn, mộng thật giữa đôi bạn trẻ và mộng trong chuyện phim, mộng của anh thợ trét ghe bị hàm oan và cô gái chăn trâu nhơn tình của anh ta.

Nghi đưa hai tay ra để ngăn Hiếu bám lấy chàng (theo trong phân cảnh) và Hiếu cũng đưa hai tay ra nhưng chỉ chụp được khoảng không và trong khi chàng lùi từ từ lại cánh cửa thì Hiếu gọi:

-Anh!

-Em! Vĩnh biệt!

Nghi mở cửa rồi biến mất trong bóng tối, trong khi Hiếu ngồi phệt xuống đất, trước lò lửa rồi ôm mặt, nức nở lên mà khóc.

Hai chắp tay sau mông đi qua đi lại thật nhanh, ăn nhịp với bao nhiêu phấn khởi rộn lên trong lòng anh ta, và khi bộ đèn rọi tắt hết thì anh ta xoa tay nói:

-Hay, cô Bích-Lệ hay tuyệt diệu. Tôi không ngờ, quả tôi không ngờ mà ta thành công đến như thế.

Hai và cả đoàn cũng không ngờ đến điều nầy là về sau, phim hỏng toàn thể, vì một cảnh hay không cứu nổi toàn bộ yếu. Người diễn viên giỏi không được phép dựa vào một hoàn cảnh may mắn hợp với đời tư thật của họ, mà phải biết rung động giả một cách khéo léo, bất cứ trong trường hợp nào.

Cô gái trong sạch ấy chỉ nghe ớn lạnh được có mỗi một lần đó thôi, những lần sau, cô ta đã quen rồi, không ngây ngất giả được nữa và trong những cảnh khác, sợ hãi, nổi giận, bi thương, cô ta diễn tả không nổi.

Nhưng hiện giờ thì cả đoàn đều phấn khởi và vui mừng. Họ nhiều thiện chí nhưng thiếu khả năng, lại làm việc một cách nhảy dù như vậy nên thành công đoạn nào họ mừng đoạn nấy.

Câu chuyện tuy nói ra thật ngắn ngủi nhưng họ quay cảnh đó suốt cả một ngày mới xong, trưa ở lại mua cơm của hiệu khách ngoài đường mà ăn.

Người thường, không ai tưởng tượng được sự phí sức ghê hồn của người trong nghề suốt một phim dài, từ hình ảnh đầu đến hình ảnh chót, nhứt là khi họ làm việc trong một phim trường lợp tôn nằm mút một ngõ hẹp, lại không dám mở cửa sợ thiên hạ bu lại xem.

Ai nấy đều mệt nhừ, và sắp sửa giải tán trừ Thức không được đi đâu cả. Họ phải quay liên tiếp bảy tám cảnh trong nhà nầy, máy móc thì nặng nề khó chuyển vận, nên họ cất tại đây, nhưng phải đặt người canh gác cả ngày lẫn đêm, sợ trộm cạy cửa lấy mất. Con người vô phúc ấy là Thức. Anh ta được bạn hữu mang thực phẩm đến nuôi như nuôi bồ-câu ra ràng chưa ra được khỏi lồng.

Khi trở về với đời sống thật, Hiếu mắc cỡ quá, tưởng như ai cũng chê cười thầm nàng. Nàng không biết rằng họ xem thường chuyện trai gái phải lòng nhau vì ai lo phận nấy, không ai thèm tò mò về đời tình cảm của ai cả.

Nàng mắc cỡ nhứt là với Nghi, nên chi Nghi ngạc nhiên hết sức mà thấy nàng từ chối lời mời lên xe của chàng.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: