Ba hôm sau, tới nhà Nghi thì nàng thấy bạn đang hướng dẫn cô gái ấy xem tranh của chàng ở trong cái xưởng vẽ hẹp, đặt dưới nhà. Hai người mê mệt vì tranh, không hay biết có Hiếu đến và người vui sướng mê say là kẻ cho xem chớ không phải người được xem. Cô gái chỉ hỏi qua vài tiếng mỗi khi đến trước một bức tranh rồi thì người hướng dẫn nói như liên thinh nổ, y như là hắn cần khoe hàng để bán.
Hiếu nhớ ra rằng chưa bao giờ nàng xem tranh ở đây cả. Nghi có đề nghị giải thích cho nàng hiểu nghệ thuật hội họa với những thí dụ cụ thể là những bức tranh của chàng, nhưng nàng chỉ cười mà hẹn: “Để khi khác”. Làm văn nghệ (ừ, đóng phim là làm văn nghệ, chớ còn gì nữa?), Hiếu lại không thích văn nghệ.
Nàng đóng phim chỉ để được tiền, được nổi tiếng thôi. Cái đẹp của văn nghệ, nàng không biết là có, không thưởng thức nổi riêng cái đẹp ấy. Nghệ thuật đối với nàng là những gì gần gũi đời sống lắm, như là ngôi nhà đẹp, chiếc áo khéo, nhưng cũng không cần đi sâu vào chi tiết của những của đẹp ấy cho lắm, thấy áo đẹp là đủ rồi.
Hàng triệu cô gái, kể cả nhưng cô gái đẹp tuyệt trần đều như Hiếu, nên tới giờ, nàng thấy nàng vẫn không kém ai và không ai hơn nàng về chỗ nào cả.
“Sao lại có người hơn mình?” Hiếu ngẩn ngơ tự hỏi như vậy, khi đứng nơi ngưỡng cửa mà nhìn vào cảnh thân mật bên trong và người con trai rất đẹp đang sung sướng được đứng bên cạnh một cô gái xấu xí lại hơi quê.
Nàng phân vân không biết nên âm thầm trở gót hay là cứ vào. Chưa quyết định được thì đã bị người bên trong thấy nàng.
-Kìa, Bích-Lệ! Nghi kêu như vậy rồi vội vã bước ra cửa, sự vội vã cố chuộc tội ấy rõ rệt quá, không sao Hiếu không thấy được.
Cô khách bất động, và cứ tiếp tục nhìn tranh, làm như là nàng không có nơi đó.
-Em đến sao không vào?
Nàng chỉ làm thinh sau câu hỏi của bạn, nhưng chợt nghĩ thái độ như vậy khó coi, nàng cố mỉm cười rồi lặng lẽ vào xưởng.
-Bích-Lệ, em tôi.
Họa sĩ giới thiệu với cô khách như thế và cô chào nàng rồi hỏi:
-Có phải chị đóng cùng phim với anh Nghi hay không?
-Vâng, chính tôi.
-Hân hạnh được quen với chị.
Cô khách nầy mới dễ ghét chớ. Tới bây giờ, không một ai mà không nhảy nhổm lên khi nghe cái tên Bích-Lệ của nàng, nó đã vang danh khắp nước vì chức hoa hậu, chỉ có con người nầy là không thèm biết đến thôi.
Cô ta nói xong mấy câu xã giao lạt lẽo ấy rồi xin phép ra liền. Nghi chưng hửng:
-Kìa cô ở chớ, còn mớ tài liệu…
-Thôi, anh cho khi khác vậy. Em phải đi ngay, có chút việc. Khi cô gái đã ra khỏi cửa Hiếu nói mỉa:
-Em đã vô tình làm kỳ đà, bậy quá. Có hẹn nhau và hẹn dài hạn?
-Ừ, cô ấy xin đến xem tranh và xem tài liệu về tranh lập thể Âu-Châu.
-Bác học dữ. Em thì không biết lập thể là gì. Có phải lập thể là lõa thể hay không?
-Không.
-Nhưng xem tranh lập thể rồi… lại xem tranh lõa thể chớ? Nghi nhìn bạn mà cười:
-Trong nhà anh, không có tranh lõa thể như em biết.
-Nhưng trong tài liệu thì có.
-Cũng không tuốt.
-Nếu vậy thì ngoài đời có.
-Em muốn nói gì?
-Nói gì anh đoán mà hiểu.
-Bậy nào! Người ta là người trí thức. Hiếu cười dòn rất mỉa mai:
-Chớ không phải ngu dốt như em. Nhưng trí thức lại không biết lõa thể à? Họ cũng là người, ngoài cái trí thức của họ.
Nghi cười hề hề, tiến lại gần sát Hiếu, xoa tay lên đầu nàng mà rằng:
-Em nhỏ ghen à! Anh cảm động lắm.
Thình lình nàng tát vào má của Nghi một cái thật mạnh khiến Nghi kinh ngạc hết sức. Chàng vội bước lùi ra sau, lấy tay xoa má và nói:
-Em thật nóng tánh hết sức.
Trút được cơn ghen tức vào cái tát tai ấy, Hiếu nghe nhẹ trong lòng, và bấy giờ nàng mới hối hận là đã hành động xằng.
Giận, ăn năn, lo sợ, bao nhiêu tình cảm hỗn độn ấy nơi một phụ nữ, dồn dập một cách mau lẹ tự nhiên đưa đến một hình thức thoát lung là khóc.
Hiếu ngồi phệt lên một chiếc ghế không lưng dựa rồi ôm mặt mà khóc òa. Nghi chỉ giận bạn có nửa phút đồng hồ thôi. Chàng bước đến sau lưng Hiếu, không nói nhưng chàng tin rằng bạn hiểu được qua sự im lặng của chàng.
Khi hả được những gì đè nặng trong lòng nàng, Hiếu đứng lên, toan đi. Nghi vịn lên vai bạn mà rằng:
-Em, anh cứ xin lỗi em, mặc dầu anh không có lỗi gì hết. Nếu em vui lòng tha thứ, em nên ở lại.
Hiếu đang có những tình cảm lộn xộn hết sức. Nàng cảm động mà thấy Nghi còn yêu nàng nhiều nên mới xuống nước như thế, nhưng không sao không giận bạn đã chia cảm tình chàng cho người khác, nhứt là không sao không hoảng sợ vì một tai họa rất gần mà trực giác của phụ nữ đã cho nàng thấy trước.
Nàng ngả đầu vào ngực Nghi rồi khóc nức nở. Nghi hôn lên tóc bạn:
-Em, anh vẫn yêu em như ngày nào.
-Em tin là thế, nhưng em cũng hiểu chắc chắn rằng anh đã gặp bạn đồng tâm rồi.
-Em lạ quá, cứ đoán lôi thôi về chuyện chưa xảy ra.
Hiếu bỗng nhớ lại rằng chính nàng đã trách móc Trọng như vậy khi anh ấy đoán rằng nàng sẽ lên rồi bỏ rơi anh ấy, và quả về sau sự việc xảy ra y như Trọng đã đoán. Nàng nói:
-Phải, chưa có gì cả, vì thế, em chỉ khóc mà thôi. Phải chăng phản ứng của em như vậy là nhẹ lắm và thụ động lắm?
-Nhưng anh cũng không muốn thấy, không muốn nghe em khóc. Anh muốn ta cùng vui. Nếu phải buồn thì chỉ nên buồn vì một chuyện đáng buồn kia.
Hiếu khóc một hơi thì cạn nước mắt. Nàng hỏi bạn.
-Cô ấy thích hội họa và hiểu hội họa thật tình, hay chỉ làm bộ cho anh ưa?
-Cô ta hiểu thật.
-Sao anh không cắt nghĩa cho em hiểu?
Anh chỉ mong có thế thôi. Em đã là bạn của anh rồi, người bạn thích nhứt của anh và hoàn- toàn-hóa người bạn ấy có phải thú hơn là tìm bạn mới hay không. Nhưng lần nào anh nói về tranh, em cũng bảo rằng nghe buồn ngủ và nhức đầu lắm.
Nói rồi chàng lại hôn lên tóc bạn và thêm:
-Hôm nay ta học buổi đầu em nhé! Chỉ học vỡ lòng thôi, anh cố nói rất dễ hiểu.
-Em muốn lắm! Nhưng nghĩ ra thật vô lý nên em nhứt định không học. Té ra muốn yêu phải học sao?
-Em cứ ngỡ yêu nhau vì tâm hồn, vì nết hạnh, hay tệ lắm thì cũng vì dung mạo bên ngoài chớ.
-Thì cố nhiên là anh yêu em vì những thứ đó.
-Nhưng anh sắp yêu người khác vì thứ khác.
-Em cứ nói như vậy mãi, anh thề với em là cô ấy chỉ là người khách thôi.
-Một người khách mà anh rất mến.
-Phải, chỉ có thế.
-Và từ mến, anh bước lên đến yêu rất dễ dàng. Chỉ có mấy bước là đến nơi. Cô ta không xấu lắm để cho anh an phận trong tình bạn văn nghệ với nhau.
Hiếu nhớ rõ là lúc sau nầy, Nghi có những lúc lo ra rất là khó hiểu. Ngồi bên cạnh nàng mà y như chàng vắng mặt đi đâu xa lắm, khác trước biết bao mà chàng chỉ sống mãnh liệt trong tình yêu, không cần thiết bên ngoài có gì nữa, thời gian, không gian, vạn vật như là không có quanh chàng.
Nghi như nhớ nhung cái gì, như không toại chí với mối tình của chàng. Nay rõ ra, chàng cần một người bạn. Người bạn ấy, hiểu chàng chưa đủ, mà phải hiểu cả đến những việc chàng đeo đuổi, bởi vì công việc của chàng là tâm hồn của chàng.
“Tại sao mình không là người bạn ấy?” Hiếu tự hỏi như vậy và thấy rằng không thể được. Không làm sao mà nàng thưởng thức nổi những bức họa của Nghi mà nàng thấy là rất xấu. Nghi vẽ những con người mặt xấu như ma, cao quá, ốm quá, tay chơn dài nhằng, vẽ những cảnh cằn cỗi với những cây già trụi lá, những con thú kỳ dị trông không ra con gì hết. Thế mà nhiều bạn trai của chàng đã khen là danh họa, thì nàng thật không biết nói sao, và từ thuở giờ nàng xem tất cả bọn đó là một lũ điên như nhau.
Hiếu chỉ biết thưởng thức những bức tranh vẽ người đẹp, cảnh đẹp và nhứt là phải giống cảnh thật người thật bên ngoài, thứ tranh bày bán trên vỉa hè đường Lê-Lợi. Nàng thấy hàng vạn hàng triệu cô gái khác cũng đồng sở thích với nàng, thế mà họ vẫn làm giàu, làm có được, nhứt là vẫn hạnh phúc được trong tình yêu vì đàn ông không hề đòi hỏi nơi họ gì khác hơn là sắc đẹp và sự giỏi giang.
Có phải chăng Nghi thuộc vào một loài khác hơn loài người, và nếu như vậy, cố gắng cũng chỉ vô ích thôi vì nàng chỉ thuộc loài với những cảm nghĩ thường của con người.
-Thôi anh cho khi khác vậy.
-Ừ, chừng nào học tùy em, anh có dám ép em khi nào đâu.
Một cuốn phim từ ngày quay xong đến ngày được đưa lên màn bạc, qua một thời gian lâu quá! Nào rửa, nào cắt, nào dán, nào chuẩn bị lăng-xê, tốn thì giờ không kém giai đoạn thực hiện chút nào.
Suốt thời gian ấy Nghi và Hiếu lơi gặp nhau; kể ra thì vì lúc quay phim họ gặp nhau thường quá, nên giờ, Hiếu có cảm giác là xa bạn, chớ một đôi nhân tình mỗi tuần gặp mặt một hoặc hai lần là vừa phải.
Hiếu không còn lý do để ra đi mỗi ngày nữa, nên không đến thăm Nghi được, mà Nghi cũng không thể đến nhà nàng. Những ngày không gặp nhau như vậy, Hiếu xốn xang, bứt rứt vô cùng và bây giờ nàng mới hiểu được tâm trạng của Trọng trong thời nàng được bầu hoa hậu.
Mỗi lần nhớ đến cô gái thạo hội họa, nàng đau như thuở bé, khi mẹ nàng sinh ra đứa em thứ nhì của nàng, nàng không được ngủ chung với mẹ nữa, và mỗi lần thấy mẹ hôn em, nàng nghe đau thốn trong tim một cái.
Cô gái ấy xấu hơn nàng nhiều, nhưng không xấu tệ. Cái miệng của cô ta rất có duyên, nhứt là đôi mắt sáng một cách kỳ lạ, chứng tỏ một sức thông minh trên mức thường.
Còn thân hình của cô thì… Hiếu nhớ ra Nghi đã say sưa khi vẽ chơn dung cho Hoàng nó ngồi làm mẫu cho chàng vẽ gần ba tuần lễ mới xong.
Nàng tin chắc là Nghi vẽ bức chơn dung ấy, chỉ để ngắm cho thỏa thích thân hình khêu gợi của Hoàng mà thôi.
“Phải, chàng không có yêu Hoàng lần nào, vì Hoàng còn kém hơn mình nữa về mặt tâm hồn. Nhưng cô gái nầy lại thuộc vào một ca-líp khác rồi!”
“Nàng không xấu, thân thể nàng lại quyến rũ, mà không gì quyến rũ cho bằng cái tâm hồn nàng nó biết xúc cảm trước những vẻ đẹp kín đáo mà chàng đã xúc cảm mà không biết trao gởi niềm vui văn nghệ ấy với ai, không có ai để cùng thưởng thức, như người nghiện rượu ưa tìm bạn rượu để đối ẩm cho vui.
Cái xưởng vẽ của Nghi mà nàng thờ ơ đi qua từ mấy tháng nay, Hiếu tưởng tượng giờ nó linh động lắm nhờ những cuộc đàm thoại văn nghệ giữa hai người nhờ tiếng cười của cô khách.
Hiếu hình dung một họa sĩ Nghi mãn nguyện khi đã tìm được người bạn mà chàng mơ ước, bắt đầu hoài nghi về uy lực của sắc đẹp mà nàng ngỡ là yếu tố quan trọng bực nhứt trong tình yêu.
Những lần hiếm hoi trong một tháng mà nàng gặp mặt Nghi tại nhà chàng hay ở nơi khác, nàng thấy mặt Nghi tươi hơn trước bội phần, tươi cái vui tươi phỉ chí, nhưng không còn say gì hương sắc nàng như trước nữa.
Và những lần gặp nhau trước mặt bọn đóng phim của đoàn Bạch-Thủ, Hiếu thường thấy họ nhìn nàng một cách khác trước nhiều.
Họ là những người tốt về mặt không tò mò khi Nghi và nàng bắt đầu yêu nhau, và về sau tự nhiên mặc nhận mối tình giữa hai người.
Nhưng lần nầy sao mà họ cười với nhau, thầm lặng nhưng hóm hỉnh, như là chế giễu nàng đã bị thua kém ai về cái gì, đôi khi thương xót nàng một chút.
Hiếu đoán biết việc gì đã xảy ra nhưng không dám nghĩ nhiều về cái việc đau lòng ấy. Nàng càng tin chắc nơi cảm giác của nàng hơn khi mà Hùng bắt đầu tán tỉnh nàng gần như công khai.
Từ ngày Nghi và nàng yêu nhau, Hùng lui bước một cách lịch sự, không ganh tị cũng chẳng hờn giận ai cả. Nàng và Nghi đã biết cho Hùng ở chỗ đó và rất mến người bạn nhạc sĩ ấy. Hắn không phải là một kẻ phản bạn thì cớ sao hắn lại trở lại mà tán tỉnh nàng mà hắn biết đã có chủ?
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP