Lãi suất tăng đã giúp các công ty lớn giàu hơn chứ không phải nghèo đi. Số tiền các công ty lớn kiếm được từ khoản tiền mặt tích cóp gửi trong ngân hàng đang tăng lên, vượt xa khoản lãi vay phải trả.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để làm chậm nền kinh tế quá nóng dẫn đến lạm phát. Nhưng tại một số công ty lớn nhất và an toàn nhất của Hoa Kỳ, ý đồ của Fed lại diễn ra theo chiều hướng khác trong thực tế. Lợi nhuận của các ông lớn không giảm mà tăng. Quyền lực cũng tăng. Những người chiến thắng lãi suất cao chính là những con nợ “có máu mặt” được lợi nhờ lãi suất thấp trong đại dịch và thủ giữ số trái phiếu mang lại lợi nhuận nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong thế kỷ này khi đến hạn thanh toán.
Lãi suất cao hơn ít có tác động ngay lập tức đến chi phí đi vay của họ. Nó chỉ ảnh hưởng đến trái phiếu sau khi đáo hạn và tái cấp vốn (refinanced), còn ngay lúc này tiền vẫn đổ về từ khoản tích luỹ khổng lồ gửi ngân hàng với mức lãi suất mới “hậu hĩnh” của Fed. Các công ty có thêm nhiều tiền hơn nhờ lãi suất cao hơn sẽ tăng cổ tức, tăng đầu tư và sẵn sàng trả lương cao cho những nhân viên thiết yếu. Điều đó có nghĩa là “số má” sẽ được củng cố trên thị trường.
Lấy ví dụ Microsoft, công ty có giá trị thứ hai thế giới hiện có nhiều tiền mặt gửi ngân hàng và những khoản đầu tư ngắn hạn hơn là số nợ đang mang nên không bao giờ bị đe dọa bởi lãi suất cao. Công ty giữ nguyên được khoản nợ phải trả trong Quý II là $492 triệu, bằng cùng kỳ năm ngoái nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn từ kho tiền tích luỹ và từ các khoản đầu tư ngắn hạn, bất chấp lãi suất tăng. Cộng cả số tiền kiếm thêm từ khoản tiền gửi $111 tỷ, Microsoft kiếm được tổng cộng $905 triệu tiền lãi trong Quí II, tăng từ $552 triệu của cùng kỳ năm ngoái. Kinh nghiệm của Microsoft được nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Các khoản thanh toán lãi vay của doanh nghiệp lớn đã giảm dù lãi suất tăng, ngược với lẽ thường!
Tất nhiên, thế giới doanh nghiệp vẫn phải chịu nỗi đau do lãi suất cao hơn và khoảng cách rộng hơn giữa các ông lớn và bé hạt tiêu. Nhưng nỗi đau thuộc về những công ty yếu không có khoản vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc phải vay trôi nổi khi Fed tăng lãi suất. Các công ty được đánh giá là yếu nhất thường có các khoản vay ngắn nhất, tức là phải đáo hạn và tái cấp vốn sớm hơn dù lãi suất tăng. Tiền chi nhiều hơn để trả lãi đồng nghĩa với việc ít có người đầu tư vào các công ty này, khó tuyển lao động, khó mở rộng sản xuất.
Các công ty trung bình tương đối ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng. Tỷ lệ vỡ nợ và phá sản đang tăng nhưng chưa đến mức thảm khốc. Christian Stracke, chủ tịch công ty quản lý quỹ Pimco ở California, nhận định: “Các công ty được hưởng lợi từ lạm phát cao và có lợi nhuận cao sẽ ứng phó với lãi suất cao tốt hơn”. Rõ ràng, nếu chia thị trường theo phân khúc, các công ty lớn nhất ít bị ảnh hưởng nhất khi lãi suất tăng.
Tính toán của Andrew Lapthorne, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu định lượng tại Société Générale, cho thấy khoản thanh toán lãi suất mà 10 công ty lớn nhất trong Chỉ số S&P 1500 (S&P 1500 index) phải trả hầu như không tăng và vẫn thấp hơn mức đỉnh trước đại dịch. Trái lại, khoản thanh toán mà một nửa số công ty nhỏ nhất trong Chỉ số S&P 1500 phải trả đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên. Còn những công ty ở giữa gần như quay trở lại mức lãi suất trước đại dịch. Các nhà hoạch định chính sách muốn làm chậm nền kinh tế khi dùng lá bài tăng lãi suất phải đối mặt với sự lựa chọn giữa việc bảo vệ các công ty dễ bị tổn thương và hạ nhiệt các “ông lớn”.
Những công ty như Microsoft vẫn trả khoản lãi vay tương tự trong khi kiếm được nhiều hơn từ tiền tích luỹ trong khi những công ty nhỏ cần vay ngay lúc này phải gồng mình hứng chịu đợt tăng lãi suất của Fed. Sự khác biệt giữa người thắng và người thua do tăng lãi suất là một lý do nữa cho thấy tại sao những cổ phiếu của các ông lớn vẫn được săn đón. Và nếu nền kinh tế sụp đổ, các công ty nhạy cảm nhất với suy thoái như các nhà sản xuất xe hơi khi đối mặt với dòng tiền giảm mạnh sẽ phải chật vật với việc trả lãi vay. Trong khi chờ đến lúc đó, chúng ta đang sống trong thời đại “kỳ lạ”: lãi suất tăng giúp nhiều ông lớn giàu hơn chứ không phải nghèo đi – nhận định của Wall Street Journal.