Lật lại vụ án Đồng Tâm – lời kể của người trong cuộc (1)

VẤN ĐỀ THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA
Nạn nhân Lê Đình Kình và cái chết oan ức trong vụ án Đồng Tâm (MXH)

Ba năm trước, cũng vào những ngày này, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đưa vụ án Đồng Tâm ra xét xử. Đây là một trong số ít vụ án gây nhức nhối, rúng động xã hội vào thời điểm ấy. Cho đến nay, mỗi khi nhớ lại vụ án, với tư cách luật sư bào chữa trong vụ án, tôi vẫn chưa thôi hết băn khoăn, vì món nợ công lý của bà con thôn Hoành, xã Đồng Tâm là nỗi niềm mình đeo mang khi chưa thể làm gì để trả món nợ công lý ấy.

Vụ án bắt đầu vào lúc 3h00 sáng ngày 9 Tháng Giêng 2020, với sự tham gia của 3,000 cảnh sát thuộc Bộ Công an và Công an Thành phố Hà Nội. Lực lượng cảnh sát được trang bị vũ khí các loại đến tận răng, bao gồm súng ống, hơi cay, lựu đạn, chất nổ… Khởi đầu họ cắt sóng điện thoại và mạng internet trong khu vực. Sau đó, không hề cảnh báo trước, họ chủ động bao vây, tấn công vào nhà riêng ông Lê Đình Công và nhà cụ Lê Đình Kình sát bên. Ông Lê Đình Công là con trai cụ Lê Đình Kình.

Hoàn toàn không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào, công an cung cấp cho báo chí rằng đây là những “hung khí” mà gia đình ông Lê Đình Kình sử dụng để tấn công công an (VNE)

Khi đột nhập đến phòng ngủ cụ Lê Đình Kình, sát thủ đã chĩa súng bắn thẳng vào ngực cụ Lê Đình Kình gây tử vong, sau đó, sát thủ cũng chĩa súng bắn thẳng vào ngực cụ Bùi Viết Hiểu, nhưng may mắn cụ Hiểu bị trọng thương, nhưng thoát chết và phải ra tòa. Sau cuộc tấn công, phía công an tung tin cho rằng có ba công an bị các con của cụ Kình tấn công giết chết trong bối cảnh hiện trường vụ án bị họ phong tỏa hoàn toàn. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không có bất kỳ ai trong số dân thôn Hoành được chứng kiến. Vì tất cả họ đều bị bắt và giữ lại tại cơ quan công an cho đến khi hiện trường được cơ quan công an dọn sạch và rời đi.

Vụ tấn công xảy ra rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng 2020 thì chỉ một ngày sau, ba chiến sĩ công an bị cho là tử vong trong vụ tấn công đã được vội vã phong liệt sĩ, bằng tổ quốc ghi công, thăng quân hàm vượt cấp và truy tặng huân chương, mặc dù chưa từng có bất kỳ kết quả điều tra nào. Những hành xử như thế này đã là sự áp đặt dư luận về tính chính danh của lực lượng 3,000 công an tấn công vào Đồng Tâm.

Ba công an được cho là chết do bị “người dân Đồng Tâm sát hại” (ảnh: NOW)

Chưa kể, lần lượt các phát ngôn viên của Bộ Công an cung cấp thông tin bất nhất về hiện trường vụ án, khi có đến ba phiên bản khác nhau. Mở đầu tại khu vực tường rào Miếu Môn, rồi dời dần về Thôn Hoành nơi cách khu vực Miếu Môn đến 3km. Cũng bất nhất như vậy về phát sinh xô xát, ban đầu cơ quan công an nói dân thôn Hoành tấn công lực lượng công an khi họ đang xây dựng tường rào Miếu Môn. Sau lại sửa thành dân tấn công công an ở cổng thôn Hoành…

Với một cách suy nghĩ thông thường, thật khó mà hình dung sự thật về cảnh tượng vài chục người dân với vũ khí thô sơ trong tay lại dám chủ động tấn công vào lực lượng 3,000 cảnh sát được trang bị vũ khí hiện đại các loại đến tận răng (!?). Chín tháng sau, ngày 17 Tháng Chín 2020, vụ án Đồng Tâm xét xử tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội do thẩm phán Trương Việt Toàn chủ tọa. Hội đồng xét xử gồm năm thẩm phán. 29 bị cáo là dân thôn Hoành, Đồng Tâm phải ra tòa. Vụ án có 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.

Vụ án Đồng Tâm là một vụ án lớn. Không chỉ vì số lượng bị cáo, số lượng luật sư tham gia bào chữa hoặc độ dày của hồ sơ vụ án… mà là về tầm vóc ảnh hưởng của vụ án đối với xã hội, thậm chí, với chế độ. Lớn cũng vì sự khuất tất từ điểm khởi đầu vụ án cho đến khi đã kết thúc phần làm rõ chứng cứ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, thì bản thân luật sư vẫn chưa tự tin cho rằng mình hiểu hết về vụ án, về những góc khuất chưa từng được làm sáng tỏ, dù trách nhiệm tối hậu của một phiên tòa hình sự là làm điều đó.

Cái hố mà “ba chiến sĩ công an bị xô ngã xuống và bị thiêu cháy” theo như qui kết không có bằng chứng xác đáng của công an (VNE)

Các luật sư không chủ quan ngồi bàn giấy nghiền ngẫm về chồng hồ sơ hơn tám nghìn bút lục do cơ quan điều tra lập nên, mà trước đó, tôi cùng với hai đồng nghiệp đã về tận Thôn Hoành để xem tận mắt cái hố sâu 4m oan nghiệt, sờ tận tay từng vết đạn, cả vỏ nhựa pháo sáng còn rơi rớt lại và để nghe tận tai những điều khủng khiếp đã xảy ra rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng 2020, tại nơi bị cho là hiện trường vụ án.

Chúng tôi quá hiểu về sinh hoạt pháp đình, nên đã không đặt kỳ vọng khi bước chân vào phiên tòa, nhưng vẫn phải thất vọng vì những khuất tất chưa được làm sáng tỏ, cho đến khi tôi bị nhân viên công lực hành hung, xốc nách từ sảnh tòa án xô thẳng tay xuống bậc tam cấp trong buổi chiều ngày 10 Tháng Chín, khi kết thúc phần nói lời sau cùng của các thân chủ.

Một trong những điều đáng thất vọng, mang tính chất tố tụng, được chúng tôi chủ động nêu ra ngay từ khi phiên tòa chưa xét xử: Thẩm quyền điều tra vụ án.

Tác giả trong lần đến Đồng Tâm và tìm hiểu những chi tiết mờ ám trong vụ án (ảnh: tác giả gửi)

VẤN ĐỀ THẨM QUYỀN ĐIỀU TRA VỤ ÁN

Sự kiện rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng 2020 xảy ra tại Thôn Hoành, Xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức, thuộc Thành phố Hà Nội gây tử vong bốn người, gồm ba công an và cụ Lê Đình Kình. Do đó, về thẩm quyền lãnh thổ và về mức độ nghiêm trọng của sự việc, thì thẩm quyền điều tra vụ án sẽ thuộc về Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Thành phố Hà Nội là điều không phải nghi ngờ.

Tuy nhiên, một khi nhiều lực lượng cảnh sát cũng thuộc Công an Thành phố Hà Nội đã có vai trò rất lớn, rất quan trọng trong sự kiện ngày 9 Tháng Giêng, trong đó, cá nhân tôi phát hiện bao gồm cả Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra lại là sát thủ trong vụ án, người bắn cụ Lê Đình Kình [*], thì việc giao cho chính Cơ quan Cảnh sát Điều tra điều tra vụ án sẽ không còn bảo đảm được sự khách quan, vô tư trong công tác điều tra. Nhất là trong bối cảnh có hai đơn tố giác tội phạm của bà Dư Thị Thành là vợ cụ Lê Đình Kình và một số công dân yêu cầu xem xét trách nhiệm trong việc gây ra cái chết của cụ Lê Đình Kình. Theo đó, bản thân Công an Thành phố Hà Nội cũng bị nghi vấn về trách nhiệm.

Thế nên, việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hà Nội, một đơn vị cũng thuộc về Công an Thành phố Hà Nội đứng ra đảm trách việc điều tra vụ án. Đồng thời, cũng tự đánh giá, ra kết luận về đơn tố giác tội phạm của bà Dư Thị Thành và các công dân là không đảm bảo sự khách quan, vô tư như điều 21 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định. Bản thân tôi đã lập văn bản yêu cầu không giao điều tra vụ án Đồng Tâm cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hà Nội. Dĩ nhiên, không khó đoán rằng văn bản của tôi đã bị phớt lờ.

(còn tiếp)

_____

Sát thủ bắn tử thương cụ Lê Đình Kình là thượng tá Đặng Văn Quảng, khi ấy là Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Thành phố Hà Nội, được bổ nhiệm từ Tháng Giêng 2019. Link thông tin bổ nhiệm Bổ nhiệm nhân sự CATP Hà Nội (tienphong.vn)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: