Từ năm 2024, tất cả các loại tivi bán tại thị trường Việt Nam (sản xuất trong nước hay nhập cảng) buộc phải tích hợp các kênh báo chí trong nước.
Đó là thông báo của thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm trong cuộc họp báo về kết quả hội nghị Bộ trưởng phụ trách thông tin các nước ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23 Tháng Chín.
Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lâm cho biết thêm, các nhà sản xuất sẽ xây dựng những phím tắt trên điều khiển thiết bị để truy cập nhanh vào các nền tảng này.
Đây là kết quả làm việc giữa Bộ TT&TT cùng các nhà sản xuất tivi và các bên liên quan, nhằm “giúp người dân dễ dàng tiếp cận một cách nhanh chóng các thông tin và chương trình có chất lượng từ những nền tảng báo chí chính thống; Bảo đảm an ninh thông tin, bảo vệ người dân trước vấn nạn tin giả, tin sai sự thật từ các nguồn thiếu kiểm chứng đang lan tràn trên không gian mạng”.
Đây cũng là một trong những sáng kiến Việt Nam đã trình bày với các nước ASEAN tại AMRI 16 (?) Theo ông Lâm, ngoài Việt Nam, hiện nay Malaysia đã triển khai giải pháp này đối với tivi và điện thoại thông minh. Tại Việt Nam, sau khi thực hiện tích hợp các kênh báo chí chính thống trên tivi thông minh thì sẽ tiến hành buộc tích hợp trên điện thoại thông minh!
Thanh Niên cho biết thêm, đầu tiên các loại tivi bán tại Việt Nam phải tích hợp nền tảng truyền hình số quốc gia (VTV Go), ngoài các kênh VTV còn có 7 kênh truyền hình “thiết yếu của quốc gia”. Hết năm 2023, các loại tivi bán tại Việt Nam phải tích hợp tất cả 63 kênh truyền hình của các tỉnh, thành trên cả nước.
Trên thực tế thì hiện còn bao nhiêu người Việt xem tivi như một thói quen hằng ngày? Đáng tiếc là hiện chỉ có người già và người dân vùng thôn quê hẻo lánh mới còn xem tivi để có thông tin.
VTV ngày 4 Tháng Ba 2019 dẫn kết quả khảo sát của Kantar TNS, cho biết năm 1999, trung bình người Việt Nam xem tivi 2.3 tiếng/ngày, đến năm 2018, số thời gian bỏ ra xem các kênh có hình ảnh là 2.5 tiếng/ngày, nhưng trong đó tivi chỉ còn chiếm 1.2 tiếng/ngày, còn lại là lướt mạng 1.3 tiếng/ngày.
Điều này cho thấy người Việt đã chuyển cách giải trí từ màn hình tivi sang màn hình máy tính, điện thoại.
Cũng theo Kantar TNS, cuối 2018, Việt Nam có hơn 57 triệu người dùng internet, chiếm tới 60% dân số và xếp thứ 16 thế giới về số người dùng, tập trung đông đảo nhất là thế hệ Gen Z (sinh ra trong thời gian từ 1996 – 2005) và Millenial (sinh ra trong thời gian từ 1980-1995).
Trong đó, tỷ lệ sử dụng internet của Gen Z là 90% và Millenial là 78%.
Còn theo Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2018, Việt Nam có tới 51 triệu thuê bao di động 3G/4G. Tỷ lệ người sở hữu smartphone tại các thành phố lớn là 72%, còn máy tính (để bàn và xách tay) chỉ có 43%.
Người dùng Việt Nam ưa thích mạng xã hội và hầu hết đều sử dụng hai mạng xã hội là Facebook và Zalo để liên lạc và xem tin tức.
Theo khảo sát năm 2018 của Decision Lab thực hiện với hơn 700,000 người, trung bình có tới 50% người Việt Nam cho rằng họ xem tivi truyền thống ít hơn so với năm trước. Đặc biệt có đến 64% Gen Z trả lời họ ít xem tivi, thậm chí không xem.
Thậm chí có tới 67% Gen Z trả lời họ sẵn sàng hủy gói cước truyền hình (số, cáp, vệ tinh) ngay lập tức.
So với hình thức giải trí qua tivi, đọc báo, nghe đài mang tính một chiều, người Việt Nam hướng tới giải trí số có tính tương tác cao hơn như game online, livestream, game show trực tiếp, online video trên mạng xã hội, vì cho phép họ được tương tác trực tiếp như được bày tỏ ý kiến, cảm xúc, cũng như có thể sáng tạo nội dung cho nhiều người xem khác.
Trang BrandsVietnam ngày 14 Tháng Sáu 2018 dẫn lời bà Trần Thị Thanh Mai, giám đốc Kantar Media, đã cho biết có đến 84% người Việt tại bốn thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Cần Thơ) sử dụng internet hàng ngày.
Trong số đó, người Hà Nội đang dành nhiều thời gian nhất cho internet và cũng có tỷ lệ truy cập internet bằng điện thoại di động cũng cao nhất, kế tiếp là Cần Thơ, Sài Gòn, Đà Nẵng.
Đối nghịch, thời gian xem tivi của người Việt ngày càng giảm. Trong số bốn thành phố kể trên thì dân Cần Thơ xem tivi nhiều nhất, kế tiếp là Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng… và khách hàng của tivi là người già! Bà Mai kết luận đây là xu hướng tất yếu, giống như những nước khác trên thế giới.
Những thống kê trên đều xảy ra trước dịch COVID-19. Sau dịch COVID-19, số người xem tivi ở Việt Nam chắc chắn càng giảm hơn, khi chung quanh hàng xóm nhà tôi chả còn nhà nào có cái tivi.
Oái ăm thay, số khách hàng Việt ít ỏi còn xem tivi lại đang dùng tivi để mở xem các chương trình đa dạng trên YouTube!
Một bài báo của Tuổi Trẻ ngày 28 Tháng Mười 2021 dẫn công bố số liệu từ Google cho biết có hơn 25 triệu người Việt đã xem YouTube trên màn hình tivi có kết nối mạng, cao nhất trong khu vực châu Á-Thái BÌnh Dương!
Cụ thể hồi Tháng Năm 2021, thời lượng xem trung bình các nội dung YouTube trên tivi kết nối mạng dài hơn 90% so với thiết bị di động và máy tính để bàn.
Trong đó, người xem chọn các trận đá banh từ YouTube trên màn hình tivi đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ 2020; nội dung hài hước từ YouTube trên màn hình tivi đã tăng hơn 150%; nội dung chương trình tạp kỹ từ YouTube trên màn hình tivi đã tăng hơn 200% so với 2020.
Bên cạnh đó, số kênh YouTube có hơn một triệu lượt đăng ký theo dõi (subscribers) tại Việt Nam đã vượt mốc 950 kênh, tăng đến 35% so với cùng kỳ 2020.
Mạng internet phủ sóng khắp nơi đã giúp người Việt có nhiều lựa chọn hơn khi muốn xem tin tức hay giải trí. Và dĩ nhiên, nắm được xu hướng người dùng, doanh thu quảng cáo cũng đổ vào mạng xã hội như Facebook, YouTube, thay vì truyền hình VTV, HTV như trước.
Cũng tại hội nghị Bộ trưởng phụ trách thông tin các nước ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16), ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục báo chí cho biết doanh thu truyền thông của Việt Nam khoảng $4 tỷ nhưng 50% rơi vào các nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội, khiến cơ quan truyền thông trong nước hụt nguồn thu!
Theo ông Phúc, các cơ quan truyền thông Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn thu, sụt giảm bạn đọc.
Dĩ nhiên là vậy rồi, khi truyền thông trong nước giờ chỉ còn một giọng, phải tuân theo chỉ thị của Tuyên giáo và có bộ lọc khắt khe với những vấn đề chạm đến dân sinh và môi trường, không còn sự khác biệt!