Một bà cán bộ Hội Phụ Nữ thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vừa bị bắt giam vì hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Tiền Phong ngày 29 Tháng Chín, trong khi đương chức cán bộ Hội Phụ Nữ thị xã, bà Trần Thị Lệ Hoa (46 tuổi) còn làm thêm nghề cho người khác vay tiền để lấy lãi và kinh doanh cho thuê xe hơi.
Để có nhiều vốn cho vay, Hoa mượn thêm nợ. Đến năm 2019, một số người vay tiền của Hoa không trả tiền vì làm ăn thua lỗ, Hoa phải đi vay tiền của người A trả cho người B, cứ mỗi lần như vậy, số nợ và chủ nợ ngày càng phát sinh chồng chất, Hoa hết khả năng chi trả.
Một trong các chủ nợ của Hoa là vợ chồng L.H.T.U và N.V.V đã cho Hoa vay 2.6 tỷ đồng (trên $100,000), sau đó Hoa không có tiền trả lại nên đã tố giác Hoa.
Tiếp nhận tố giác, cơ quan công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoa và thực hiện lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của bà cán bộ Hội Phụ Nữ này.
Hình ảnh khám xét nhà ở của bà này (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) do Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế chụp cho thấy trong nhà bà Hoa toàn đồ đạc bằng gỗ quý, đắt tiền. Cán bộ Hội Phụ Nữ lương bao nhiêu mà sắm sanh toàn đồ gỗ quý?
Trước đó, báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 6 Tháng Sáu 2023 cũng đưa tin một nữ cán bộ Quỹ Phát triển Phụ Nữ huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã rủ rê sáu đồng nghiệp lập khống hồ sơ, tham ô hơn 10 tỷ đồng ($411,000).
Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giam một lúc bảy người đều là cán bộ thuộc Văn phòng giao dịch Quỹ Phát triển Phụ nữ huyện Hương Khê để điều tra về tội “tham ô tài sản”.
Các nghi phạm bị bắt giam, bao gồm: Nguyễn Thị Mai (38 tuổi) – trưởng Văn phòng giao dịch Quỹ Phát triển Phụ nữ huyện Hương Khê và sáu cán bộ tín dụng của Văn phòng là Lê Thị Tuyết (42 tuổi), Trần Thị Nguyệt (48 tuổi), Đinh Thị Phượng (39 tuổi), Nguyễn Thị Kiều Oanh (37 tuổi), Lê Thị Hồng Nhung (36 tuổi) và Đặng Thị Anh (52 tuổi).
Theo tài liệu của công an, hồi Tháng Tư 2021, bà Nguyễn Thị Mai đặt vấn đề với sáu cán bộ tín dụng của Văn phòng giao dịch về việc bà ta cần một số vốn để kinh doanh nên nhờ lập khống một số bộ hồ sơ vay vốn của quỹ.
Vì bà ta là trưởng phòng, lại cam kết sẽ chịu trách nhiệm trả đủ gốc và lãi hàng tháng, không để ảnh hưởng đến các cán bộ tín dụng, nên sáu cán bộ dưới quyền bà Mai đã đồng ý giúp bà ta lập khống các hợp đồng vay vốn.
Từ Tháng Tư 2021 đến Tháng Tư 2023, dưới chỉ thị của Nguyễn Thị Mai, sáu cán bộ tín dụng đã lập khống 354 bộ hồ sơ vay vốn tại 10 xã thuộc huyện Hương Khê, với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng.
Để lập khống các bộ hồ sơ vay vốn, Nguyễn Thị Mai đã tự nghĩ ra thông tin người vay vốn, người thừa kế trong hồ sơ vay vốn, thuê người làm giả các bản photo căn cước công dân, sau đó tự viết hoặc nhờ cán bộ tín dụng viết đơn xin vay vốn.
Mai còn gọi điện trao đổi với chủ tịch Hội Phụ Nữ các xã và Tổ tín dụng tiết kiệm của huyện Hương Khê để nhờ ký xác nhận vào đơn và các thủ tục xin vay vốn.
Sau khi hoàn thiện các bộ hồ sơ để phát vốn và thu hồi vốn theo từng đợt giải ngân, Mai trực tiếp lấy tiền từ kế toán của quỹ, sau đó ký giả tên người nhận trong danh sách phát vốn.
Đối với cán bộ tín dụng phụ trách hồ sơ, Mai ký xác nhận vào các quyển sổ tay theo dõi của cán bộ tín dụng. Hằng tháng Mai nộp tiền lãi, gốc theo quy định cho cán bộ tín dụng và ký vào bảng kê thu tiền tiết kiệm và vốn vay.
Số tiền rút ra từ việc lập khống hồ sơ, Mai sử dụng để trả các khoản vay đến hạn, kinh doanh bất động sản, đầu tư tiền ảo. Do kinh doanh thua lỗ nên Mai không có khả năng trả lại cho Quỹ Phát triển Phụ nữ huyện Hương Khê.
Được biết Quỹ Phát triển Phụ nữ huyện Hương Khê trực thuộc UBND huyện, được rót tiền (nguồn tiền từ ngân sách của tỉnh hoặc tiền viện trợ của các tổ chức quốc tế) để cho người dân nghèo vay vốn làm ăn và trả dần với lãi suất thấp, với điều kiện phải có hồ sơ vay vốn và được sự giới thiệu của Hội Phụ Nữ địa phương.