Sài Gòn có thêm một ca bệnh đậu mùa khỉ không rõ nguyên nhân

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được chẩn đoán qua xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương đương) – Ảnh: AFP

Sài Gòn vừa ghi nhận thêm một ca bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) cư trú tại huyện Bình Chánh.

Đây là ca bệnh thứ tư ở Sài Gòn và là ca bệnh thứ năm của cả nước. Điều đáng lưu ý là ca bệnh thứ ba (người Đồng Nai, tạm trú Sài Gòn) và ca bệnh thứ năm của Việt Nam (người Sài Gòn) đều không rõ nguyên nhân từ đâu.

Vì trong thời gian 21 ngày trước khi phát giác bệnh, cả hai nam bệnh nhân đều ở trong nước, không đi nước ngoài, không trở về từ nước ngoài và cũng không tiếp xúc với người nước ngoài.

Truyền thông trong nước ngày 1 Tháng Mười 2023 dẫn thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho hay ngày 28 Tháng Chín, một bệnh nhân nam 34 tuổi đến khám tại bệnh viện Da Liễu (TP.HCM) với các dấu hiệu nghi ngờ mắc Mpox.

Bệnh viện Da Liễu đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM.

Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân dương tính với virus Mpox. Bệnh nhân hiện đang được cách ly để điều trị.

Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân thường trú tại huyện Bình Chánh, trong 21 ngày vừa qua không tiếp xúc người nước ngoài và cũng không đi nước ngoài.

Bệnh nhân mắc Mpox mới nhất vừa được phát giác tại bệnh viện Da Liễu TP.HCM – Ảnh: Thanh Niên

Sau khi biết đã mắc Mpox, bệnh nhân thông báo cho những người tiếp xúc gần thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày. Bên cạnh đó, người ở chung với bệnh nhân được hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ căn nhà, phòng và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.

Những người tiếp xúc với nam bệnh nhân mắc bệnh Mpox hiện sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận dấu hiệu mắc bệnh. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang tiếp tục điều tra, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân và người tiếp xúc.

Trường hợp bệnh nhân mắc Mpox trước đó tạm trú tại Sài Gòn (bệnh nhân thứ ba, nam, 25 tuổi, quê Đồng Nai) hiện vẫn được cách ly điều trị, sức khỏe ổn định.

Ngoại trừ bạn gái người này tại Bình Dương đã bị lây Mpox (bệnh nhân thứ tư bị Mpox ở Việt Nam), bảy người tiếp xúc gần còn lại chưa có dấu hiệu bị Mpox.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đang khám cho nữ bệnh nhân Mpox bị lây từ bạn trai – Ảnh: Sở Y tế tỉnh Bình Dương

Như vậy, tính đến nay Việt Nam đã ghi nhận năm trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó hai nữ bệnh nhân đầu tiên ở Sài Gòn mắc Mpox khi đi từ Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) về.

Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B, nên Sở Y tế thành phố khuyến cáo người dân nếu nhận ra bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng của Mpox thì đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị đúng, ngăn chặn sự lây lan kịp thời.

Sở Y tế TP.HCM thông tin bệnh Mpox lây qua các chất tiết có mang virus từ các khối mô phát triển bất thường nằm trên bề mặt hay ngay dưới da, gây ra phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh Mpox tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch khi mắc bệnh có thể bị tử vong.

Sau khi phát giác ca bệnh thứ ba (bệnh nhân nam 25 tuổi, quê Đồng Nai, sinh sống ở Sài Gòn) bị Mpox không rõ nguồn lây, ngày 27 Tháng Chín, Tuổi Trẻ đặt vấn đề: “Bệnh nhân chỉ ở trong nước, làm sao lây bệnh đậu mùa khỉ từ nước ngoài?”.

Bác sĩ Lương Chấn Quang, phó khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Viện Pasteur TP.HCM, nhận định:

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào mỗi quốc gia là hoàn toàn có thể”.

Viện Pasteur xét nghiệm tìm tác nhân các bệnh mới nổi tại TP.HCM – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ca bệnh thứ ba đã được cách ly và điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Sài Gòn. Trong khi đó, Bộ Y tế chỉ thị HCDC tiếp tục phối hợp với CDC tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Với hai ca bệnh Mpox sinh sống ở Sài Gòn mới phát giác, có thể nói trong không khí của Sài Gòn đã có virus Mpox. Như vậy phòng chống căn bệnh này bằng cách nào?

Bác sĩ Lương Chấn Quang hướng dẫn:

– Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

– Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

– Tránh tiếp xúc gần với người lạ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng của người lạ. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

– Người dân đang đi đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh Mpox (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, linh trưởng có thể chứa virus Mpox. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Sở Y tế dẫn thông tin của CDC Mỹ cho biết, tính đến ngày 27 Tháng Chín 2023, trên thế giới đã có 90,630 ca bệnh Mpox. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Thái Lan và Trung Quốc có sự gia tăng mạnh số ca Mpox mới, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: