Lăng mộ vợ vua Tự Đức được xây dựng mới sau khi bị san ủi

Khu lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê (thuộc cấp bậc Cửu giai phi của vua Tự Đức) đã được xây mới ở vị trí cũ – Ảnh: Lao Động

Lăng mộ bà Tài nhân (cấp bậc Cửu giai phi) họ Lê, một trong nhiều bà vợ của vua Tự Đức, đã được xây mới hoàn toàn sau khi bị đơn vị thi công dự án bãi đậu xe du lịch ở Huế san ủi hồi sáu năm trước.

Truyền thông trong nước ngày 1 Tháng Mười 2023 đã đưa nhiều hình ảnh về khu lăng mộ được xây mới hoàn toàn này, với thông tin cho biết khu lăng mộ nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 5km về phía Tây, tọa lạc tại đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Xuân, TP. Huế), cách không xa lăng mộ của vua Tự Đức và vua Đồng Khánh.

Tổng diện tích khu lăng mộ bà Tài nhân họ Lê rộng 202m2, trong đó khu lăng chính rộng 35m2, xung quanh được lát đá và trồng cây sứ.

Tấm bia khắc dòng chữ Hán “Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê thị thụy Thục Thuận chi mộ” được đặt trước phần mộ mới – Ảnh: Lao Động

Phía trước phần mộ là tấm bia đá khắc dòng chữ Hán “Tiền triều Tài nhân Cửu giai Lê thị thụy Thục Thuận chi mộ” – tấm bia này là tấm bia cũ, được tìm thấy sau khi mộ bà Tài nhân họ Lê bị san ủi. Nhờ tấm bia này, mọi người mới nhận ra đây là lăng mộ của một trong những phi tần của vua Tự Đức.

Kiến trúc khu lăng mộ mới của bà Tài nhân họ Lê được thiết kế theo mẫu lăng Tài nhân họ Nguyễn (bà Nguyễn trang Thị) hiện nằm ở đường Bùi Thị Xuân, TP. Huế, do Phòng nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng.

Hồi sáu năm trước (Tháng Sáu 2017), khi thi công xây dựng bãi đậu xe du lịch cho khách tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh (phường Thủy Xuân, TP.Huế), công nhân lái xe ủi của đơn vị thi công đã san ủi phần lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê.

Công trình này được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép cho công ty Chuỗi Giá Trị, với diện tích 17,000 m2, trong đó có nhiều ngôi mộ cổ.

Nhờ có tấm bia đá ghi “Mộ của bà Tài Nhân Cửu Giai họ Lê thị thụy Thục Thuận đời trước” mà mọi người mới xác định ngôi mộ bị san ủi là mộ bà Tài nhân họ Lê, vợ vua Tự Đức – Dân Trí

Sự việc bị người dân phát giác, thông qua tấm bia đá khắc dòng chữ Hán, họ báo cho nhà cầm quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc có ngôi mộ vợ vua bị san ủi, vùi lấp.

Việc thi công dự án bãi đậu xe liền bị dừng lại để làm sáng tỏ vấn đề về lăng mộ bị san ủi, cũng như trách nhiệm liên quan.

Cơ quan chức năng và Hội đồng Nguyễn Phước Tộc sau đó đã xác định đây là bia mộ của bà Tài nhân họ Lê, thụy Thục Thuận, là vợ vua Tự Đức thuộc cấp bậc Cửu giai phi.

Sau khi tìm thấy tấm bia đá, huyệt mộ bà Tài nhân họ Lê cũng được tìm thấy và đã được Hội đồng Nguyễn Phước Tộc đắp đất, xếp gạch vồ khôi phục tạm.

Nhiều cuộc bàn luận sau đó giữa Hội đồng Nguyễn Phước tộc cùng các đơn vị liên quan đã đề nghị xây mới lại phần mộ tại vị trí cũ.

Đến Tháng Tám 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành văn bản về việc tái xây dựng bãi đậu xe du lịch dành cho khách tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh và đồng ý giữ nguyên vị trí khu lăng mộ bà Tài nhân họ Lê trong phần đất bãi đậu xe đó.

Lăng mộ bà Tài nhân họ Lê trong ngày làm lễ khởi công xây dựng lại hồi Tháng Tư 2023 – Ảnh: VnExpress

Cuối Tháng Tư 2023, Hội đồng Nguyễn Phước Tộc và công ty Chuỗi Giá Trị, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe, đã  tiến hành khởi công xây lại khu lăng mộ bà Tài nhân họ Lê.

Chi phí xây mới khu lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê do công ty Chuỗi Giá Trị đảm trách, với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

Trong lễ khởi công xây dựng hồi Tháng Tư 2023, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Phước Bửu Nam, chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước Tộc, cho biết xây dựng lại lăng mộ bà Tài nhân họ Lê là mong mỏi của dòng tộc suốt sáu năm qua.

Suốt tiến trình thi công xây dựng mới lăng mộ bà Tài nhân họ Lê, Hội đồng Nguyễn Phước Tộc đã giám sát để lăng mộ xây dựng đúng với mẫu mà Trung tâm Bảo tồn di tích Huế vẽ.

Khu lăng mộ bà Tài nhân Nguyễn trang Thị – vợ vua Tự Đức, ở đường Bùi Thị Xuân được tham khảo để thiết kế phục dựng mộ của bà Tài nhân họ Lê – Ảnh: Người Lao Động

Cũng VnExpress ngày 1 Tháng Bảy 2017, cho biết Huế có nhiều lăng mộ của phi tần triều Nguyễn, mà ngay cả con cháu cũng không nắm được vị trí, lai lịch, dẫn đến thất lạc và hoang phế.

Sau việc lăng mộ Tài nhân Lê thị thụy Thục Thuận, vợ vua Tự Đức, bị vô tình san ủi, rất nhiều người dân gốc Huế đặt vấn đề còn bao nhiêu mộ vợ vua đang nằm ẩn khuất đâu đó ở Huế có thể rơi vào tình cảnh tương tự!

Bởi theo lịch sử, triều Nguyễn tồn tại 143 năm, có 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long cho đến Bảo Đại. Hầu hết các vua triều Nguyễn đều có rất nhiều vợ, như vua Tự Đức – ghi chép trong gia phả nhà Nguyễn, vua Tự Đức có đến 103 vợ, còn vua Minh Mạng không rõ bao nhiêu bà vợ nhưng có tới 142 người con (78 hoàng tử, 64 công chúa).

Theo quy định của nội cung triều Nguyễn, phi tần của vua được chia thành chín (cửu) bậc, từ hàng nhất giai cho đến cửu giai, được gọi lần lượt là Nhất giai phi, Nhị giai phi, Tam giai tần, Tứ giai tần, Ngũ giai tiệp dư, Lục giai tiệp dư, Thất giai quý nhân, Bát giai mỹ nhân, Cửu giai tài nhân.

Gia phả dòng Nguyễn Phước Tộc nêu rõ, các vua triều Nguyễn có hàng ngàn bà vợ, tương đương có hàng ngàn lăng mộ tồn tại trên đất Huế, nhưng trải qua chiến tranh nhiều lăng mộ bị bom đạn tàn phá, hoặc không còn nguyên vẹn, hoặc mất dấu tích. Việc xác định số lượng, vị trí mộ vợ vua Nguyễn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài lăng tẩm các bà hoàng hậu, phi tần trong khuôn viên lăng vua triều Nguyễn được UNESCO công nhận di tích, nhiều lăng tẩm phi tần cấp bậc thấp nằm rải rác trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện rất hoang tàn, ngay cả con cháu trong hoàng tộc cũng không xác định được vị trí, lai lịch.

Lăng Học phi Nguyễn văn thị Hương, vợ vua Tự Đức, không còn nguyên vẹn – Ảnh: VnExpress

Mặc dù các bà vợ vua Tự Đức được xây dựng lăng mộ nằm gần lăng vua Tự Đức, nhưng chỉ sau khi lăng mộ Tài nhân họ Lê bị san ủi, thì mọi người mới phát giác ra khu vực này còn có lăng mộ Học phi Nguyễn văn thị Hương, một trong những phi tần được vua Tự Đức sủng ái.

Nhìn bên ngoài, lăng Học phi Nguyễn văn thị Hương rất hoang phế, bức tường gạch không còn nguyên vẹn. Bao quanh lăng mộ Học phi dày đặc mồ mả của người dân.

Ông Vĩnh Dũng, ban nghiên cứu Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc thừa nhận, số lượng lăng mộ vợ vua Nguyễn, chưa kể đến mộ công chúa, hoàng tử quá lớn, sức lực của Hội đồng trị sự có hạn nên không thể quản lý hết.

Trước mắt, Hội đồng chỉ quản lý trục chính là lăng chúa Nguyễn và vua Nguyễn, do kinh phí có hạn, việc tu bổ chủ yếu trông cậy vào chính quyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: