Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa công bố tiểu thuyết gia và nhà viết kịch Na Uy Jon Fosse 64 tuổi giành được giải Nobel văn học cho các tác phẩm “lên tiếng cho những điều không thể nói”.
“Kiệt tác của Fosse là Septology,” đại diện của Viện Hàn lâm cho biết, “(tác phẩm được) hoàn thành vào năm 2021, trong đó một nghệ sĩ lớn tuổi nói chuyện với chính mình như một người khác” trong suốt bảy ngày.
Nhà xuất bản Transit Books tại California đã xuất bản “Septology” do Damion Searls dịch và gom lại một tập vào năm 2022. Trước đó, Transit đã xuất bản tác phẩm này thành ba tập riêng biệt có tựa đề “The Other Name”, “I Is Another” và “A New Name.” “A New Name” đã lọt vào vòng chung kết của Giải Sách Quốc gia Hoa Kỳ ở hạng mục văn học dịch và Giải Hội Phê bình Sách Quốc gia Hoa Kỳ ở hạng mục tiểu thuyết. Transit Books sẽ phát hành cuốn tiểu thuyết tiếp theo của Fosse, “A Shining”, câu chuyện về một người đàn ông Na Uy bị lạc trong một khu rừng hẻo lánh, cũng do Damion Searls dịch, vào cuối tháng này.
Jon Fosse sinh năm 1959 ở bờ biển phía Tây Na Uy. Khối lượng tác phẩm lớn của ông trải dài ở nhiều thể loại, từ kịch, tiểu thuyết và tuyển tập thơ cho đến tiểu luận, bản dịch và sách thiếu nhi. Giải Nobel danh giá do 18 giám khảo của Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng, vinh danh toàn bộ tác phẩm của một nhà văn chứ không phải một tác phẩm cụ thể nào.
Viết trên The New Yorker, nhà phê bình Merve Emre, nói về Jon Fosse:
“Từ mà tôi nghĩ đến để mô tả tất cả những điều này – ánh sáng, âm nhạc, nước thánh, trang phục thiêng liêng – là “cuộc hành hương”. Người ta hiếm khi thấy các nhà văn còn sống được đối xử tôn kính như vậy. Fosse nói với tôi: “Tôi chỉ là một chàng trai xa lạ đến từ miền Tây Na Uy, từ vùng nông thôn Na Uy…”
Jon Fosse học Đại học Bergen, nơi ông nghiên cứu văn học so sánh (comparative literature). Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, “Red, Black,” được xuất bản năm 1983, tiếp theo trong suốt ba thập niên tiếp theo là “Melancholy I” và “Melancholy II”, “Morning and Evening”, “Aliss at the Fire” và “Trilogy”.
Sau đó, ông bắt đầu viết “Septology”, bộ tiểu thuyết bảy tập. Người kể chuyện “Septology” là một họa sĩ tên Asle, một người cải sang đạo Công giáo, đau buồn vì cái chết của vợ ông, Ales. Đêm trước đêm Giáng sinh, Asle tìm thấy người bạn của mình, cũng là một họa sĩ tên Asle, bất tỉnh trong một con hẻm ở Bergen, chết vì ngộ độc rượu. Ký ức của họ được nhân đôi, lặp lại và dần dần mờ đi thành một giọng nói duy nhất, một ý thức lan tỏa có khả năng tồn tại ở nhiều thời điểm và nhiều nơi cùng một lúc.
Nhà phê bình Merve Emre nhận xét: Đọc các vở kịch và tiểu thuyết của Fosse là tham gia vào sự giao cảm với một nhà văn mà sự hiện diện của ông ấy khiến người ta cảm thấy mãnh liệt hơn nhờ vẻ dè dặt, cùng với sự thoái bộ của ông ấy. Những vở kịch của ông, với các nhân vật thường có tên chung – Người Đàn ông, Người Phụ nữ, Mẹ, Con – nắm bắt được cường độ của các mối quan hệ nguyên thủy của chúng ta và đôi khi trở nên ảm đạm và hài hước”.
Merve Emre kết luận: “Septology” là cuốn tiểu thuyết duy nhất khiến tôi tin vào sự tồn tại của thần thánh, như nhà thần học thế kỷ 14 Meister Eckhart, người mà Fosse nghiền ngẫm đọc, đã mô tả: “Chính trong bóng tối mà người ta tìm thấy ánh sáng, nên khi chúng ta đau buồn thì ánh sáng là thứ gần với chúng ta nhất.”
Jon Fosse nổi tiếng trong giới văn học quốc tế và được mệnh danh là “nhà viết kịch còn sống sáng tác nhiều nhất”. Ông giành nhiều giải thưởng danh giá của châu Âu và từ lâu đã được chính phủ Na Uy trợ cấp toàn phần, trọn đời và có nơi ở gần Cung điện Hoàng gia ở Oslo.
Năm 2007, ông được phong Hiệp sĩ cùng với Huân chương Quốc gia Pháp. Nhà phê bình Damion Searls đã đưa ra một so sánh trong một bài tiểu luận năm 2015 trên tờ The Paris Review: “Hãy nghĩ về bốn nhân vật lão làng trên văn đàn Na Uy như bốn người trong nhóm Beatles. Per Petterson là Ringo (Starr) vững chãi, luôn đáng tin cậy; Dag Solstad là John (Lennon), nhà thực nghiệm, người có ý tưởng; Karl Ove Knausgaard là Paul (McCartney), người dễ thương; và Fosse là George (Harrison), người trầm lặng, thần bí, tâm linh, có lẽ là nhân vật giỏi nhất trong tất cả.”
Ủy ban Nobel lâu nay đã bị chỉ trích với việc chỉ chăm chú vào các nhà văn châu Âu và giới văn sĩ da trắng. Chỉ có năm nhà văn da màu được trao Nobel văn học trong hai mươi năm qua. Nhà văn Pháp Annie Ernaux đã giành được giải này vào năm ngoái, “vì sự can đảm và nhạy bén mổ xẻ mà nhờ đó bà khám phá ra cội nguồn, sự ghẻ lạnh và những hạn chế chung của ký ức cá nhân”. Nhà văn người Tanzania Abdulrazak Gurnah đoạt Nobel văn học 2021 và nhà thơ Mỹ Louise Glück đoạt năm 2020.