Dấu ấn của Kazik ở phố cổ Hội An

Share:
Ảnh: pop-zebra-unsplash

Kazimierz Kwiatkowski, mà người Hội An gọi thân mật là Kazik, sinh ngày 2 Tháng Bảy 1944 tại Pachole ở Lublin Voivodeship, Ba Lan, cha mẹ là nông dân. Ông sống không có cha tới năm lên 9 tuổi vì cha ông chống chính quyền Cộng sản Ba Lan nên bị bắt giam, mãi đến khi Stalin chết vào năm 1953 mới được ân xá.

Ông có năng khiếu vẽ từ thời thơ ấu, sau khi tốt nghiệp trung học đã vào học ở hai trường đại học: Học viện Nghệ thuật Kraków và Đại học Bách khoa Kraków. Tại Đại học Bách khoa Kraków, ông học khoa Kiến trúc, tốt nghiệp cao học vào năm 1969. Năm sau, ông lập gia đình với bà Wieceslawa và sống, làm việc tại Lublin.

Tượng Kazimierz Kwiatkowski tại Hội An (ảnh: Mel Longhurst/VW Pics/Universal Images Group via Getty Images)
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính trong một buổi tưởng niệm Kazimierz Kwiatkowski vào Tháng Ba 2022 (Tuổi Trẻ)

Tháng Chín 1969, Kazimierz Kwiatkowski làm trợ lý tại văn phòng Quy hoạch đô thị tại Ủy ban tỉnh Lublin. Từ Tháng Ba 1972 đến Tháng Mười 1974, ông làm thiết kế tại chi nhánh Công ty Nhà nước – Văn phòng Trùng tu Di tích (Przedsiębiorstwo Państwowe Pracowni Konserwacji Zabytków – PP PKZ) tại Lublin. Trong thời gian này, ông đã đậu kỳ thi quốc gia và nhận được giấy phép hành nghề xây dựng và thiết kế.

Từ giữa Tháng Mười Một 1974 đến cuối Tháng Mười Một 1979, ông làm việc tại Văn phòng Thiết kế – Nghiên cứu Xây dựng Tổng hợp “Miastoprojekt” (Thiết kế Thành phố). Ở vị trí trưởng nhóm thiết kế, ông phụ trách việc lập quy hoạch không gian cũng như quy hoạch đô thị. Những công việc đầu tiên của ông liên quan đến việc bảo vệ các di tích là điều tra các công trình dân tộc được xây dựng trên địa bàn địa phương nhằm mục đích phục vụ việc xây dựng Bảo tàng Nông thôn Lublin ở thành phố Lublin. Tháng Mười Hai 1979, ông quay trở lại làm việc tại Văn phòng Trùng tu Di tích (Przedsiębiorstwo Państwowe Pracownie Konserwacji Zabytków – PP PKZ).

Vào đầu thập niên 1980, ông được giao nhiệm vụ trùng tu các di tích lịch sử vốn đã bị tàn phá sau 40 năm chiến tranh ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ trong việc trùng tu các di tích lịch sử và Sứ mệnh Trùng tu Di tích Ba Lan – Việt Nam là dự án đầu tiên thuộc loại này mà Văn phòng Trùng tu Di tích thực hiện ở châu Á.

Ảnh: pexels-anna-tarazevich
Ảnh: hieu-tran-unsplash
Ảnh: hieu-tran-unsplash
Ảnh: Unsplash

Từ năm 1981, ông sang Việt Nam trùng tu các di tích ở thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam, hợp tác với các chuyên gia Việt Nam trùng tu gần 70 tháp Chàm của tiểu quốc Amavarati thuở xưa.

Ông là người đầu tiên phát hiện ra Hội An như một đô thị có kiến trúc cổ gần như nguyên vẹn. Đó là vào một ngày Tháng Sáu 1981, khi đến Hội An, ông say mê vẻ đẹp độc đáo của khu phố cổ. Khu phố cổ Hội An lúc ấy rất đìu hiu, vắng lặng, nhưng với ông, nó xứng đáng ở vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa của Việt Nam và di tích văn hóa của nhân loại.

Nhìn ra được vẻ đẹp của một đô thị cổ, nhưng đồng thời Kazik đã tiên liệu những nguy cơ tiềm ẩn nếu không kịp thời trùng tu và bảo tồn đô thị cổ này. Ông đã vận động chính quyền Hội An bảo tồn và trùng tu phố cổ Hội An. Theo lời những cộng sự của Kazimierz Kwiatkowski, ông đã phải tiến hành một cuộc chiến với nhà cầm quyền ở Việt Nam muốn thay những ngôi nhà gỗ cổ xưa bằng những toà nhà mới có nhiều căn hộ.

Hội An vốn là một cảng thị, có kiến trúc đặc trưng hoà trộn nhiều phong cách kiến trúc: Trung Hoa, Việt Nam, Champa và Nhật Bản. Ông đã thuyết phục chính quyền Hội An giữ nguyên hiện trạng của Hội An, không cho xây thêm những ngôi nhà mới trong chiều hướng đô thị hoá.

Ông cũng đề nghị với chính quyền địa phương cho ông được tự nguyện làm việc ngoài giờ để tham gia khảo sát lập hồ sơ di tích cho khu phố cổ. Vậy là, ngoài những ngày làm việc ở Mỹ Sơn, ngày cuối tuần, ông tranh thủ về Hội An để nghiên cứu, khảo sát từng ngôi nhà. Thời gian này, hình bóng của ông đã quen thuộc với người dân khu phố cổ và họ đã nhiệt tình giúp đỡ ông trong công việc. Kết quả của những công việc thầm lặng đó là đến năm 1985, phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Với tầm nhìn của một chuyên gia có nhiều năm làm công tác bảo tồn di tích, Kazic đã nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai của phố cổ Hội An. Ông tiên đoán rồi đây, hàng năm Hội An sẽ đón tiếp rất nhiều du khách nước ngoài. Ông đã nói với ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An lúc đó: “Các ông đang có trong tay những khách sạn tuyệt vời và độc đáo từ những ngôi nhà cổ. Chỉ cần sửa sang và trang bị thêm một chút nữa thôi thì có thể đón khách được rồi. Tôi sẵn sàng bỏ nhiều tiền để ở một đêm trong ngôi nhà cổ”.

Ảnh: pexels-quang-nguyen-vinh
Ảnh: Linh Pham/Getty Images

Không những vậy, ông là người đầu tiên đưa Hội An ra thế giới bên ngoài bằng các bài nghiên cứu với những số liệu thực tế về giá trị văn hóa của phố cổ Hội An trên các tạp chí nghiên cứu quốc tế. Từ đó, nhiều chuyên gia nghiên cứu về kiến trúc cổ, phố cổ trên thế giới đã bắt đầu quan tâm đến phố cổ Hội An. Hội An được phục hồi trong vinh quang của quá khứ, gây sự chú ý của tổ chức UNESCO và thu hút nhiều du khách trên thế giới, trở thành một trong những điểm du lịch được viếng thăm nhiều nhất ở Việt Nam.

Trong thời gian ở Mỹ Sơn, tám người trong đoàn chuyên gia khảo cổ của ông đã tử vong vì bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Năm 1991, khi tài chánh dành cho hoạt động của đoàn chuyên gia khảo cổ tại Mỹ Sơn đã cạn kiệt, ông đứng ra gây quỹ, vận động sự tài trợ của các tổ chức quốc tế và có được nguồn tài trợ của Hiệp hội Những người bạn Văn hoá Champa tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ông đã trở về Ba Lan lấy hoá chất để trùng tu các tháp Chàm ở Mỹ Sơn. Chính những nỗ lực của ông đã giúp cho Mỹ Sơn và Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của thế giới. Ngày 4 Tháng Mười Hai 1999, Hội An chính thức được vinh danh Di sản văn hóa thế giới của nhân loại.

Làm việc ở Việt Nam suốt 17 năm, Kazimierz Kwiatkowski từ trần sau một cơn đột quỵ trong một khách sạn tại Huế vào ngày 19 Tháng Ba 1997, khi đang tham gia dự án trùng tu cố đô Huế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: