Làm sao để tránh bị thông tin sai lệch và hình ảnh do A.I. tạo ra? 

Minh họa: Jaap Arriens/NurPhoto via Getty Images

Có rất nhiều tin tức, hình ảnh và video nóng hổi, cả thật lẫn giả đang gây hoang mang trên mạng xã hội. Hãy thận trọng khi tiếp cận và biết cách phòng chống để khỏi trở thành nạn nhân của các màn lừa đảo và thao túng thông tin.

Bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể xem các tin tức mới nhất diễn ra trong thời gian thực. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, những tin tức thời sự chính trị và xã hội luôn đưa lên nhanh hơn khả năng thẩm tra của người dùng. Kiểm duyệt trong thời gian thực gần như không thể sàng lọc tức thời giữa cái nào là thật, cái nào là giả; cái nào sai bối cảnh và cái nào là tuyên truyền.

Bối rối còn lớn hơn với các tin tức chiến tranh như cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza. Sự lan rộng nhanh chóng của các công cụ AI càng khiến vấn đề sàng lọc khó khăn hơn (ví dụ bức ảnh giả về Giáo hoàng trong chiếc áo khoác đắt tiền hoặc một bài đăng bịa đặt giống như thật trên mạng xã hội về một vụ nổ gần Ngũ Giác Đài). The Washington Post đưa ra vài nhắc nhở quan trọng.

Nhận thức được những thông tin nào có thể là thông tin sai lệch

Hãy suy nghĩ xem ai được hưởng lợi từ việc truyền bá thông tin sai lệch về một vấn đề cụ thể. Ví dụ, trong thời gian bầu cử, các chuyên gia khuyên hãy chú ý đến những thông tin mâu thuẫn và thuyết âm mưu; những cáo buộc và những lo ngại vô căn cứ về gian lận bầu cử có lợi cho một đảng chính trị hoặc ứng cử viên nào đó.

Tuyên truyền được sử dụng như “vũ khí” trong các cuộc xung đột vũ trang. Nó có cả trong các bản tin chính thức và trong các kênh không chính thức. Nếu điều gì đó khiến bạn cảm thấy “thái quá” một cách bất thường thì bất kể nó phù hợp với quan điểm của bạn hay không, hãy đừng vội tin để thẩm tra thêm.

Thông tin sai lệch thường vô tình được lan truyền bởi những người “muốn” tin đó là thật. Họ quên rằng, mục tiêu của những kẻ tạo ra nó là để gây thêm căng thẳng giữa các phe đối lập và gây hoang mang cho công chúng. Không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy phiên bản chính xác của các sự kiện, đặc biệt là các sự kiện diễn tiến nhanh. Tốt nhất là hãy có thêm thời gian kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ hoặc đưa ra kết luận. Không phải tất cả thông tin sai lệch đều “gây hậu quả nghiêm trọng” mà một số được tạo ra chỉ để mua vui hoặc để “troll” mọi người. Vì vậy hãy hoài nghi cả những câu chuyện ngớ ngẩn lẫn những câu chuyện có vẻ nghiêm túc.

Khoan vội chia sẻ những gì vừa đọc và xem

Đừng nhấn nút chia sẻ ngay. Các phương tiện truyền thông xã hội được xây dựng để mọi thứ dễ lan truyền và kích thích người dùng nhanh chóng chia sẻ trước khi đọc xong những từ họ thấy thích thú. Cho dù đó là TikTok, bài đăng trên mạng xã hội hay video trên YouTube, chúng đều vừa giúp mở mang kiến thức, vừa có sức tàn phá, nên hãy cẩn thận trước khi phát tán chúng lên mạng. Hãy tạm nghi ngờ cho đến khi bạn biết chắc là thực.

Hãy kiểm tra nguồn tin, vì không phải lúc nào thông tin nằm trong các tài khoản “đáng tin cậy” cũng đúng.

Hãy xem ai đang chia sẻ thông tin. Cho dù đó là bạn bè hoặc thành viên gia đình, cũng đừng vội tin, trừ khi họ có mặt tại hiện trường hoặc lấy từ một nguồn khả tín. Nếu đó là một người lạ hoặc một tổ chức, hãy nhớ, “dấu kiểm” xác minh trên tài khoản không đủ để tin tức đáng tin cậy hơn. Rất nhiều chuyên gia chính trị và các nhân vật tên tuổi đang tung lên internet những thông tin không chính xác.

Hãy tự điều tra xem bài viết và hình ảnh lấy từ tài khoản Facebook, YouTube hoặc mạng xã hội “gốc” nào. Nếu không thể xác định nguồn gốc thì đó là dấu hiệu nguy hiểm. Hãy cảnh giác với ảnh chụp màn hình và bất kỳ thứ gì tạo ra phản ứng cảm xúc đặc biệt để bạn dễ tin. Các thông tin sai lệch thường đánh động vào tâm lý này.

Khi sàng lọc một tài khoản cá nhân để xem có đáng tin không, hãy nhìn vào ngày tạo tài khoản trong hồ sơ (profile). Hãy cảnh giác với các tài khoản quá mới (chẳng hạn như vừa tạo được vài tháng) hoặc chỉ có một vài người theo dõi. Đối với một trang web, hãy vào Google kiểm tra xem nó thành lập vào năm nào. Tìm kiếm tên của trang web, sau đó nhấp vào ba dấu chấm dọc bên cạnh URL trong kết quả để xem ngày nó được công cụ tìm kiếm lập chỉ mục lần đầu tiên. Cũng nên dùng Google để tìm tên người hoặc tổ chức đứng sau tài khoản.

Lập bộ sưu tập các nguồn tin đáng tin cậy

Kiểm tra lý lịch trên mọi tài khoản mạng xã hội ngẫu nhiên sẽ rất tốn thời gian, đặc biệt là với một thông tin mới “tập kích” bạn từ nhiều tài khoản cùng lúc. Thay vào đó, hãy tin tưởng các chuyên gia. Các tổ chức tin tức chính thống hợp pháp thường chỉ đăng video và ảnh do người thật chụp sau khi đã xác nhận nguồn gốc của chúng.

Các trang tin tức chuyên dụng như Apple News, Google News, Yahoo News chỉ đăng các nguồn tin đã được thẩm tra và được kiểm duyệt bởi các công cụ tích hợp sẵn. Trên mạng xã hội, bạn chỉ nên tin vào các chuyên gia và cơ quan truyền thông đáng tin cậy, đặc biệt là tin tức về chủ đề bạn muốn theo dõi. Nếu xem tin nóng trên X (Twitter cũ), chỉ nên vào trang của các phóng viên làm việc cho các cơ quan truyền thông đáng tin cậy trên thực địa. Tốt nhất là hãy lập bộ sưu tập các nguồn tin đáng tin cậy.

Tìm kiếm thêm bối cảnh bổ sung cho tin tức

Thông tin sai lệch thường tăng đột biến trước, trong và sau những sự kiện quan trọng (như cuộc chiến Ukraine, cuộc chiến Israel-Hamas, bầu cử Mỹ). Các sự kiện tin tức trong thời gian thực thường gồm các thông tin rời rạc (như video trên điện thoại thông minh) và tường thuật tại chỗ ở góc nhìn thứ nhất.

Ngay cả khi bạn xem được những bài đăng hợp pháp, chúng vẫn có thể gây nhầm lẫn hoặc hiểu lầm vì có khi chỉ là những “mảnh ghép chọn lọc hấp dẫn” chứ không phải toàn bộ bức tranh của sự kiện. Hãy cố gắng bổ sung thêm clip và câu chuyện trong bối cảnh rộng hơn về những gì đang diễn ra. Xem thêm bình luận từ các chuyên gia (chính sách đối ngoại, chiến tranh mạng, lịch sử, chính trị) có uy tín. Bạn cũng có thể vào các kênh truyền hình hoặc trực tuyến đáng tin cậy để lấp đầy những “khoảng trống” thông tin.

Sử dụng các trợ thủ để phát hiện ảnh do AI tạo thành

Các công cụ tạo ảnh AI khiến việc phát hiện ảnh giả khó hơn rất nhiều. Nhưng không phải là không thể. Trong các công cụ phát hiện ảnh do AI tạo ra, có cả việc quan sát bàn tay trong ảnh, nền ảnh và các vật thể tĩnh. Bàn tay con người do AI tạo ra thường dư ngón hoặc có những bất thường khác. Phóng to bất kỳ vật thể “tĩnh” nào trong ảnh như kính mắt, hàng rào, xe đạp để xem chúng có gì sai sót không.

Phát hiện ảnh do AI tạo ra cũng có thể bằng cách xem chữ viết trên các vật thể như biển báo hoặc bảng quảng cáo có lạc hậu hay vô nghĩa không. Ảnh của AI thường có các chi tiết bị mờ hoặc bị biến dạng ở nền ảnh. Đây cũng là đặc điểm “tố cáo”. Kiểm tra xem ảnh có quá bóng hoặc quá “trau chuốt” không (ảnh người thật của AI thường sặc sỡ và có nét mặt vô hồn).

Cảnh giác với video

Nếu bạn muốn tìm hiểu tính xác thực của video vừa nhận, hãy kiểm tra xem có chỉnh sửa, ráp nối không khớp hoặc âm thanh đáng ngờ bằng các ứng dụng của bên thứ ba như InVid (sẽ khó hơn đối với video phát trực tiếp trên Twitch hoặc livestream). Để biết chắc ảnh không phải do AI tạo ra, bạn hãy chụp màn hình ảnh và kéo nó vào thanh tìm kiếm ảnh của Google. Nếu đó là một ảnh cũ dùng lại, kết quả sẽ hiển thị.

Dùng các trang web và công cụ chuyên kiểm tra thực tế

Một số trang mạng xã hội có công cụ xác minh tính xác thực và gắn nhãn cảnh báo. Tuy nhiên, với số lượng bài đăng khổng lồ phải xử lý, một video hoặc bài đăng có vấn đề vẫn được hàng triệu người xem trước khi bị gắn cờ cảnh báo. Hãy để ý cảnh báo nội dung trên các trang mạng xã hội (xuất hiện dưới dạng nhãn bên dưới các liên kết hoặc dưới dạng cảnh báo) trước khi bạn đăng lại tin tức mình thích. Các trang mạng The Washington Post’s Fact Checker, Snopes và PolitiFact cũng giúp kiểm tra tin giả cho bạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: