Nhiều người thường chọn ăn gà hơn ăn vịt, vì theo lời giải thích: “Thịt gà lành hơn thịt vịt. Hơn nữa thịt vịt có tính hàn, mỡ nhiều nên không nên ăn thường xuyên”.
Thực ra, chúng ta mơ hồ về dinh dưỡng có trong thịt vịt nên có phần lo lắng khi chọn vịt làm thức ăn hàng ngày. Trong thịt vịt mặc dù thường có hàm lượng chất béo cao, nhưng cũng là một nguồn thực phẩm giàu và đa dạng chất dinh dưỡng. Nó chứa hầu hết là chất béo lành mạnh, bao gồm một lượng lớn chất béo không bão hòa đơn, là sự kết hợp của axit béo omega-3 và omega-6; và có hương vị thịt đậm đà.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), một phần ức vịt Bắc Kinh (Pekin) nướng không da nặng 3 ounce (85g) có chứa: Calories: 119. Chất béo: 2g. Muối: 89mg. Protein: 23.5g.
Nhưng ngay khi bạn ăn da vịt, nơi chứa nhiều mỡ nhất thì cũng nên biết mỡ vịt cũng là một nguồn giàu axit linoleic. Đây là loại chất béo không bão hòa (khác với chất béo bão hòa trong động vật), được đánh giá là lành mạnh, ít gây hại đến sức khỏe con người.
Chân vịt và đùi vịt có tổng lượng chất béo cao hơn ức, nhưng nếu so sánh với thịt gà, chân vịt vẫn có ít chất béo hơn so với đùi gà không da.
Như vậy, có thể thấy, thịt vịt là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và ít có khả năng gây béo phì đối với cơ thể con người. Đây cũng là loại thực phẩm được chọn nhiều trong các chế độ ăn kiêng – giảm mỡ.
Chất béo không bão hòa đơn trong mỡ vịt còn có thể giúp duy trì mức cholesterol HDL “tốt” mong muốn. Ngoài ra, nó có thể đóng một vai trò trong việc giảm mức độ cholesterol LDL “xấu”.
Ít ai biết thịt vịt là nguồn protein tốt cho chế độ ăn uống, mỗi 100 gram thịt vịt (kể cả da) có tới 23.5 gram protein, giúp tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch, cấu trúc và sửa chữa các tế bào cơ thể và nhiều tác dụng hữu ích khác.
Ngoài ra, thịt vịt còn có nhiều Selen. Đây là khoáng chất chủ chốt trong các hoạt động chống oxy hóa, có nhiều lợi ích đối với phản ứng viêm và miễn dịch. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ cao tuổi có nồng độ selen trong máu thấp sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể trong vòng 5 năm.
Cũng ít ai biết thịt vịt rất dồi dào các acid có lợi cho tim mạch. Do đó, ăn thịt vịt thường xuyên có thể giảm thiểu và ngăn ngừa các vấn đề tim mạch một cách hiệu quả.
Điều quan trọng cuối cùng bạn cần nhớ là có hai bộ phận của con vịt bạn nên hạn chế ăn, hoặc không ăn càng tốt. Đó là cổ vịt và phao câu.
Cổ vịt chứa các hạch bạch huyết độc hại có thể ảnh hưởng sức khỏe nếu ăn vào. Khi ăn cổ vịt, các tuyến độc đó có thể vào đường tiêu hóa, gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Nếu bạn thích ăn cổ thì nên bỏ da trước khi ăn.
Bên cạnh cổ, bộ phận tiếp theo cần tránh ăn của vịt là phao câu. Phao câu là nơi chứa tuyến dịch bạch huyết và đại thực bào. Tế bào này có khả năng ăn vi khuẩn nhưng không thể tiêu hóa chúng, tạo nên môi trường chứa đầy vi khuẩn. Vi khuẩn và độc tố có thể gây hại sức khỏe, thậm chí gây ra ung thư khi xâm nhập vào cơ thể.
Đừng nghe lời “đường mật” rằng ăn phao câu sẽ giúp tóc bạn đen hơn, mượt hơn, hay nó sẽ giúp da bạn bóng mượt (như được bôi mỡ vịt) rồi ăn nhiều thì khổ.