Thái Bình: Một phụ nữ thiệt mạng vì ăn tiết canh heo

Tiết canh heo là món rất độc nhưng lại được nhiều người Việt ưa thích – Ảnh cắt từ video

Tiết canh là máu sống, nên có thể có rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng trong đó, vậy mà hiện nay vẫn có người ăn để rồi thiệt mạng oan uổng.

Ngày 12 Tháng Mười, tại huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến món tiết canh, khiến một người chết, hai người vẫn đang cấp cứu tại bệnh viện.

Theo thông tin ban đầu, ngày 8 Tháng Mười, một người tại huyện Thái Thụy mua tiết heo sống từ một nhà giết mổ heo ở xã Thụy Dân về đánh tiết canh cho gia đình ăn trưa. Có bốn người cùng ăn, và tất cả đều có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Qua hôm sau, ba người trong nhà đó phải nhập viện điều trị và một trường hợp khác tiếp tục theo dõi tại nhà. Trong ba người phải đi viện cấp cứu, bà Bùi Thị Nh. (69 tuổi, trú thôn An Dân, xã Thụy Dân) đã tử vong với chẩn đoán ban đầu là do sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn.

Hai trường hợp còn lại vẫn đang điều trị tại khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Ngoài ra, cùng sử dụng nguồn tiết heo tại cơ sở giết mổ đó còn có năm người khác, trong đó có một người phải nhập viện do bị rối loạn tiêu hóa, các trường hợp còn lại không có biểu hiện gì.

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, sau khi xảy ra vụ ngộ độc thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã lấy mẫu bệnh phẩm của người bệnh và đang chờ kết quả.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ăn tiết canh heo dễ bị nhiễm độc do chính con vật mắc bệnh hoặc quá trình giết mổ không bảo đảm vệ sinh. Ông giải thích thêm:

“Tiết canh bản chất là máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt, dê… đang nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm chất độc từ máu động vật rất cao”.

Vi khuẩn từ tiết canh khi vào cơ thể có nguy cơ nhiễm giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, liên cầu khuẩn. Căn bệnh đầu tiên dễ mắc nhất là nhiễm sán dây lợn. Trứng sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Sán chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh.

Căn bệnh hay gặp thứ hai nguy hiểm là liên cầu khuẩn lợn. Bệnh lây truyền trực tiếp sang người chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn thịt heo và các sản phẩm từ heo bệnh hay động vật mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc tiếp xúc từ tổn thương trên da.

Nói chung đừng ăn thịt sống, uống máu sống như người tiền sử là được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: