Hơn ba năm nay, rác nhựa thải ra từ lồng nuôi tôm hùm tràn ngập một cây số đường ven biển xã Cam Lập, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Mớ rác nhựa này bị thải ra bao gồm dàn lưới mùng và các bao nylon, bị ngư dân vứt bỏ sau khi làm vệ sinh lồng nuôi tôm hùm. Trên bờ những tấm lưới mùng rách nát nằm lẫn lộn với cát biển.
Phía dưới mặt nước, lưới mùng đã qua sử dụng bị vứt bỏ khắp nơi. Đáng nói là những tấm lưới mùng sau một thời gian hóa màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Bất cứ động vật, con người tiếp xúc với loại lưới này đều bị mẩn đỏ, ngứa toàn thân…
Theo người dân địa phương, mỗi ngày có hàng trăm lồng nuôi tôm hùm từ khắp nơi được đưa vào vùng biển xã Cam Lập để dọn vệ sinh, thay lưới mới. Trong tiến trình vệ sinh, chất thải như túi nylon, lưới mùng cũ, vỏ sò, ốc, hàu được đổ trực tiếp xuống bãi biển. Đường bờ biển ở đây giờ toàn rác nhựa, bốc mùi hôi thối.
Trao đổi với Lao Động ngày 13 Tháng Mười 2023, một ngư dân 88 tuổi sinh sống đầu tiên ở làng Bình Lập, xã Cam Lập, hồi tưởng cách nay hơn ba năm, đường bờ biển thôn Bình Lập là một bờ cát trắng mịn, nước xanh trong như ngọc.
Thế rồi vài năm lại đây, hàng ngàn gia đình nuôi tôm hùm gần khu vực đảo Bình Ba đã đổ rác nhựa ra bãi biển của xã. Từ đó, bãi biển bốc mùi hôi thối tràn ngập khắp làng.
Một người dân trong làng khác là bà Nguyễn Thị Bé (41 tuổi) than thở chủ lồng nuôi là dân nơi khác đến, không phải người địa phương (?) Họ nuôi tôm hùm bán cho thương nhân xong rồi vứt bỏ các lưới nhựa xuống bãi biển, cuối cùng dân trong làng lãnh đủ!
Ông Lê Ngọc Thạch, chủ tịch UBND TP.Cam Ranh xác nhận thực trạng ô nhiễm bãi biển đang diễn ra ngày một tệ hơn tại khu vực xã Cam Lập và thành phố đang chuẩn bị sẽ dọn dẹp vệ sinh khu vực đó.
Ngoài ra, ông Thạch cho biết thêm việc nuôi trồng thuỷ sản (trong đó có tôm hùm, cá, hàu) gần bờ của người dân không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản ven bờ của vịnh Cam Ranh, cũng như quy hoạch chung tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030.
“Không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản”, thế mà theo báo cáo chưa đầy đủ, vùng biển ở khu vực xã Cam Lập là trung tâm nuôi tôm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa, với hơn 45,000 lồng nuôi tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm xanh, chiếm tỷ lệ 95%.
Tiền Phong cùng ngày làm một phóng sự ảnh về tình trạng ô nhiễm rác nhựa đã hủy hoại bãi biển đẹp như Maldives ở vịnh Cam Ranh như thế nào.
Nhìn hình ảnh thấy tiếc cho vịnh Cam Ranh, thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động và nổi tiếng là có màu nước biển trong xanh chả khác gì thiên đường nghỉ dưỡng Maldives.
Tiền Phong cho biết vùng biển Tứ Bình quanh vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa bao gồm: Bình Tiên, Bình Hưng, Bình Ba và Bình Lập quanh năm có biển xanh cát trắng, nắng vàng được ca ngợi đẹp như Maldives của Việt Nam.
Nhưng hiện nay, một “nghĩa địa rác” đang bao phủ Bình Lập và tàn phá bãi biển đẹp như tranh này.
Rác ngập trên bờ, mắc kẹt ở các khe đá, bãi cát, lơ lửng trong làn nước trong xanh và vương vãi khắp nơi.
Nguyên do là mỗi ngày có hàng trăm lồng nuôi tôm hùm từ khắp nơi được đưa vào vùng biển xã thôn Bình Lập để dọn vệ sinh, thay lưới mới. Đáng nói, trong quá trình vệ sinh, chất thải như túi nylon, lưới mùng cũ, vỏ sò – ốc – hàu được đổ trực tiếp xuống bãi biển!
Dân nuôi tôm hùm sẽ thiết kế lồng nuôi với các tấm lưới mắt dày màu xanh, thể tích lớn, đánh chìm dưới nước biển để nuôi tôm hùm. Sau khi tôm hùm lớn được vớt lên để bán, thì các lồng này sẽ được đưa lên bờ và thay các tấm lưới. Lưới cũ không bán ve chai được nên dân nuôi tôm hùm vứt bỏ bừa bãi trên bãi biển.
Ngoài Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa bị ô nhiễm bởi rác nhựa từ lồng nuôi tôm hùm thì vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên cũng đang tràn đầy túi nylon bị thải ra sau khi chứa đựng thức ăn cho tôm hùm.
VTV ngày 9 Tháng Hai 2023 cũng quay video và đưa hình ảnh cho thấy ở vịnh Vũng Rô (thị xã Đông Hòa), nơi cung cấp thức ăn cho tôm hùm tràn ngập túi nylon.
Với lợi thế đường bờ biển dài, nhiều vùng vịnh thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, có nhiều nhà bè tôm hùm nhất tại miền Trung. Tuy nhiên, lợi thế về kinh tế lại đem lại bất lợi về môi trường.
Vịnh Vũng Rô có gần 390 bè nuôi tôm hùm, với khoảng 16,400 ô lồng. Hằng ngày, người nuôi cho tôm ăn một – hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Lượng thức ăn cho tôm đều được lấy từ bờ rồi đưa đến các bè nuôi trong vịnh.
Ở vịnh Vũng Rô có gần 10 điểm cung cấp thức ăn cho tôm hùm. Mỗi điểm cung cấp khoảng 10 tấn thức ăn/ngày, tức 10 điểm cung cấp khoảng 100 tấn thức ăn/ngày. Hầu hết lượng thức ăn cho tôm hùm đều được chia ra trong nhiều túi nylon nhỏ, mỗi túi đựng khoảng 10 ký thức ăn.
Như vậy một bè nuôi tôm cần một tấn thức ăn cho tôm thì phải dùng đến 100 túi nylon. Nếu cung cấp 10 tấn thức ăn một ngày thì cần đến 1,000 bao nylon, còn cung cấp 100 tấn thì cần 10,000 túi nylon/ngày.
Sau khi cho tôm ăn, rất ít túi nylon được thu dọn lại một chỗ để đưa vào bờ xử lý, mà bị quăng vô tội vạ trên bãi biển, đủ hiểu vịnh Vũng Rô phải gánh chịu số bọc nylon thải ra khủng khiếp như thế nào.
Thôi xong, quan có cách phá hoại của quan, thì dân cũng có cách phá hoại của dân. Tài nguyên của đất nước thì hữu hạn, còn lòng tham và sự vô ý thức của con người là vô hạn.