Lời hứa thịnh vượng của Trung Quốc (TQ) đang mang lại nợ nần cho Lào, và cả… đau khổ! Hơn $1 ngàn tỷ TQ cho các nước đang phát triển vay xây dựng các cơ sở hạ tầng bề thế đã trở thành cái bẫy nợ khổng lồ và phía sau đó là những nhượng bộ chủ quyền. Tình hình ngày càng tệ hơn, vượt qua sức chịu đựng của nhiều người dân.
Trung Quốc gây đau khổ cho Lào như thế nào?
Với tốc độ gần 100 dặm một giờ, đoàn tàu hoả do TQ chế tạo chạy qua sông Mekong và đi qua hàng chục đường hầm mới đào từ thủ đô Vientiane tiến về phía Bắc đất nước Lào. Tại điểm dừng cuối cùng, gần biên giới Trung Quốc, có những tòa tháp dân cư mới mọc lên từ nơi từng là rừng rậm.
TQ đã tài trợ phần lớn cơ sở hạ tầng mới bề thế, giúp biến đổi đáng kể một quốc gia không có biển với 7.5 triệu dân. Sự bùng nổ xây dựng là những gì TQ mang đến cho thế giới đang phát triển, mà ở đây là tuyến đường sắt cao tốc Lào-TQ, một kỳ công về kỹ thuật rút ngắn hai ngày đi xuyên Lào xuống còn ba giờ! Tuyến đường này được các kỹ sư TQ xây dựng theo tiêu chuẩn đường sắt TQ để kết nối với mạng lưới đường sắt tốc độ cao của TQ, phục vụ cho mục tiêu lâu dài. Nhưng tất cả đều không tạo ra sự thay đổi đối với người dân Lào mà chỉ có lợi cho TQ.
Lào vẫn là một nền kinh tế khó khăn với lạm phát đạt đỉnh hơn 41% vào từ mùa xuân năm nay. Đồng kip Lào mất giá hơn 43% so với đồng đôla. Ở một đất nước mà hầu như mọi thứ đều phải nhập khẩu, số liệu thống kê thể hiện nỗi thống khổ: Nông dân không có tiền mua phân bón, trẻ em bỏ học để đi làm phụ giúp gia đình và cả xã hội phải cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
Cái gọi là “chiến lược hiện đại hoá” do TQ dẫn đầu để bảo vệ Lào khỏi cú sốc kinh tế lại tăng “đô” cho cú sốc đó. Chiến lược phát triển này là để phục vụ ý đồ lâu dài của TQ mà những nước nghèo không kịp tìm hiểu. Hiện chính phủ Lào không biết làm cách nào hoàn trả hàng tỷ đôla vay của TQ để tài trợ cho các đập thủy điện, xe lửa và đường cao tốc (do TQ gợi ý) khi nguồn dự trữ ngoại hối của đất nước đã cạn kiệt.
Trả nợ nước ngoài càng dây dưa, tổng nợ càng tăng, người dân Lào càng dễ bị tổn thương hơn khi giá nhiên liệu và giá lương thực toàn cầu tăng cao. Theo phòng nghiên cứu AidData thuộc công ty William & Mary chuyên theo dõi các khoản cho vay của TQ, tổng số nợ Lào vay của TQ trong 18 năm bắt đầu từ năm 2000 đã lên đến $12.2 tỷ, bằng khoảng 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cộng thêm các khoản vay từ các cơ quan và quốc gia khác, nợ của Lào đã đạt mức hơn 120%!
“Không có quốc gia nào trên thế giới mắc nợ TQ nhiều hơn Lào. Đây là một vấn đề rất lớn – Brad Parks, giám đốc điều hành AidData nhận định – Lào vay mượn quá xa khả năng của mình!”
Các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động Lào cho biết, để xoa dịu Bắc Kinh và… vay thêm nợ, Lào phải nhân nhượng nhiều thứ, kể cả chủ quyền (ví dụ, cho phép các đặc vụ an ninh và cảnh sát TQ theo dõi và đưa về nước những đối tượng chống TQ tại Lào). Để được hoãn trả nợ, Lào phải cho TQ kiểm soát một phần lưới điện. Giữ an ninh cho tuyến đường sắt mới cũng là một công ty TQ.
Tuyến đường sắt cắt qua Lào sẽ kéo dài sang Thái Lan và Malaysia rồi đến Singapore là để đáp ứng tham vọng của lãnh đạo TQ Tập Cận Bình. Lào phải được duy trì như một trong số ít câu chuyện thành công. Khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative) của TQ đang bị thu hẹp hoặc được đánh giá lại ở những nơi khác, Bắc Kinh phải tập trung vào mục tiêu ưu tiên: Hội nhập các nước láng giềng gần nhất.
Toshiro Nishizawa, giáo sư tại Đại học Tokyo, chuyên gia chính sách kinh tế và phát triển từng cố vấn cho chính phủ Lào, giải thích: “Lào là tấm vé đưa TQ đến gần hơn các quốc gia Đông Nam Á hơn. Cho đến nay, TQ vẫn rất hào phóng khi cho phép Lào hoãn trả nợ. Nhưng không thể hoãn vô thời hạn”.
Xóa nợ (hay một phần nợ) cho Lào sẽ dẫn đến việc cũng phải xoá nợ cho các chính phủ khác để công bằng. Tính đến nay, Bắc Kinh đã cho các quốc gia đang phát triển vay gần $1 ngàn tỷ trong hai thập niên qua. Chính khoản tiền khổng lồ này đã giúp định hình lại vị thế của TQ trên thế giới trước khi các con nợ phát hiện mình rơi vào “bẫy nợ”.
TQ đã khôn khéo đưa ra nhiều trao đổi với các con nợ. Đi trên tuyến đường sắt cao tốc mới do TQ xây dựng từ thủ đô Vientiane đến Boten, rồi quay trở lại thị trấn du lịch yên tĩnh Luang Prabang, du khách sẽ thấy một đất nước nghèo đang bị giằng xé giữa sự thật “không thể đạt được tiến bộ như thế nếu không có TQ” và lo lắng sâu sắc về sự phụ thuộc nặng nề vào túi tiền của Bắc Kinh.
Trên mạng xã hội, người dân Lào bắt đầu bày tỏ sự bất mãn chưa từng có, nhắm vào chính phủ TQ (điều hiếm thấy ở một quốc gia xã hội chủ nghĩa độc đảng, nơi những người chỉ trích luôn bị quấy rối, thậm chí biến mất!). Gần đây, trên mạng xã hội nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ với một bài viết vào cuối Tháng Tám về việc một công ty khai thác mỏ của TQ bắt giữ khoảng 50 dân làng vì đào vàng trái phép ở phía Bắc Lào trước khi công ty này nhượng bộ và đòi tiền chuộc để thả người.
The Washington Post thuật, một người bán rau và gia vị 23 tuổi giấu tên tại một chợ địa phương ở Vientiane, nói: “Lào mắc nợ TQ đến mức người TQ có thể sang đây và chiếm đất của chúng tôi. Các công ty TQ có thể sử dụng lao động Lào theo cách họ muốn!”
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý về cái nhìn của người dân Lào đối với TQ và các quốc gia châu Á cũng như phương Tây. Đáng ngạc nhiên là Mỹ, quốc gia đã ném khoảng 270 triệu quả bom chùm xuống Lào trong một chiến dịch bí mật song song với Chiến tranh Việt Nam trong hai thập niên 1960 và 1970, lại là quốc gia đang được người Lào mến mộ và tin cậy. Cuộc khảo sát Tình trạng Đông Nam Á (State of Southeast Asia) năm 2023 do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore thực hiện cho thấy gần 60% người Lào được hỏi nói rằng họ muốn liên kết với Hoa Kỳ hơn là TQ, một sự đảo ngược đáng kể so với năm trước. Hơn 72% tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng kinh tế của TQ.
Bẫy nợ được giăng ra một cách nham hiểm
Khi xây dựng tầm nhìn “Battery of Asia” (Nguồn năng lượng của châu Á) với hy vọng xuất khẩu thủy điện, Lào đã tìm đến TQ để xin hỗ trợ. Các công ty xây đập và cơ sở hạ tầng TQ đến trước, các doanh nghiệp khác theo sau. Họ đầu tư quy mô lớn vào khai thác mỏ, nông nghiệp, viễn thông. Năm 2013, TQ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Lào với khoảng $5 tỷ cho 745 dự án, vượt qua Thái Lan.
Tuyến đường sắt cao tốc từ thủ đô Vientiane đến thị trấn biên giới Boten rồi đến tỉnh Vân Nam của TQ được xem là “biểu tượng” trong mối quan hệ mới này. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chi phí của tuyến đường vượt xa những lợi ích mang lại, ngay cả khi đã kết nối với Malaysia và Singapore.
Với 75 đường hầm, 167 cây cầu và $6 tỷ chi phí, tuyến đường (đơn tuyến) được khánh thành vào Tháng Mười Hai, 2021. Truyền thông nhà nước TQ “tự sướng” “kể công” về một trong những thách thức lớn nhất của quá trình xây dựng tuyến đường: Rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến dịch ném bom của Mỹ. Tờ Global Times ví von: “Mỹ đã thả bom xuống Lào, còn TQ xây dựng đường sắt”!
Dịch vụ vận chuyển hành khách xuyên biên giới hai chiều giữa Lào và TQ bắt đầu hoạt động từ Tháng Tư 2021. Bên ngoài nhà ga Vientiane, một công trình kiến trúc hoành tráng hơn cả sân bay thủ đô mọc lên gần đây khiến các hành khách phấn khích giơ gậy selfie ra chụp ảnh.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tuyến đường không dành cho du lịch mà chủ yếu dùng vận chuyển hàng hóa theo một hướng: Đưa hàng xuất khẩu từ TQ đến Thái Lan. Chỉ có một số công ty ở Lào (nhưng do người TQ điều hành) sử dụng tuyến đường để xuất khẩu sang TQ. Một giám đốc điều hành làm việc ở Lào nhận xét: “Là một công ty Úc, chúng tôi chưa thấy con đường mang lại lợi ích gì. Chỉ những công ty có quan hệ với các nhà đầu tư TQ và Lào trong dự án mới được sử dụng đường sắt”.
Chính phủ Lào hy vọng tuyến đường sắt (liên doanh 70-30 giữa các công ty nhà nước TQ và một công ty Lào) sẽ có lãi vào năm 2026. Nhưng trước mắt là phải trả khoản vay $3.54 tỷ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc!
“Thành phố vàng Boten”, TQ nhỏ bên trong Lào
Thị trấn Boten vào đầu thập niên 2000 được một công ty tư nhân tại Hong Kong chuyển đổi từ một tiền đồn xa xôi ở rìa phía Bắc Lào thành một thị trấn sòng bạc ăn chơi sa đoạ. Khách du lịch từ TQ, cũng như từ các vùng khác của Lào và nước láng giềng Thái Lan, đổ xô đến các hộp đêm và sòng bạc ở đây.
Boten được chỉ định là “đặc khu kinh tế” nhưng kinh doanh chủ yếu cờ bạc. Được xây dựng cho du khách TQ (ở Lào đánh bạc là bất hợp pháp), thị trấn nhanh chóng rơi vào tình trạng vô luật pháp. Chính phủ TQ buộc phải cắt các dịch vụ điện và viễn thông từ Vân Nam và sòng bạc không còn chọn lựa nào khác là đóng cửa.
Boten hồi sinh từ khi TQ chọn đây là trạm dừng cuối cùng của tuyến đường sắt Lào-Trung. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã mang lại cho Boten sức sống mới và là thành công đầu tiên trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm hội nhập các nước láng giềng về cả kinh tế lẫn hạ tầng.
Đặc khu kinh tế được đổi tên thành “Vùng đất xinh đẹp Boten”. Haicheng Holdings, một công ty phát triển tư nhân có trụ sở tại Vân Nam bắt đầu xây dựng các tòa nhà dân cư và trường học trong thị trấn, với hy vọng thu hút một làn sóng người TQ di cư. Các quan chức Lào xem Boten là “khu vực thí điểm” để tăng cường hợp tác khu vực.
Bên ngoài phòng trưng bày lát đá cẩm thạch, Boten không thể rũ bỏ hết quá khứ đen tối. Không có doanh nhân và những nhà máy sầm uất như kỳ vọng và thiếu cả du khách. Thay vào đó, người TQ chiếm đa số trong vài ngàn cư dân của Boten. Đó là các công nhân xây dựng các tòa tháp dân cư mới và những người TQ phục vụ trong các nhà hàng, cửa hàng và… nhà thổ. Các nhân viên bảo vệ tư nhân mang cờ TQ trên áo khoác. Đêm xuống, các cô gái trẻ ngồi bên ngoài các nhà chứa trong ánh đèn neon màu tím và hồng. Hầu như không có cửa hàng nào do người Lào điều hành hoặc làm chủ. Hầu như chỉ có đồng nhân dân tệ của TQ được chấp nhận ở đây.
Nói xấu Trung Quốc còn nguy hiểm hơn nói xấu Lào!
Tháng Ba 2022, Anousa Luangsuphom, 25 tuổi (một nhà hoạt động được biết đến với cái tên Jack ở Lào) ra mắt trang Facebook “The Power of the Keyboard”, sử dụng châm biếm và meme để chỉ trích chính phủ Lào và việc TQ xâm nhập vào đất nước mình. Anh cũng kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng ở Lào.
Ngày 29 Tháng Tư, Jack đổi ảnh đại diện Facebook kèm khẩu hiệu “Đấu tranh vì sự sống còn của Lào, để không trở thành nô lệ của TQ”. Công việc hàng ngày của anh là bán khao piak sen, một món súp gà của Lào. Tối hôm đó, một người đàn ông bước vào quán và hỏi xem Jack có ở đây không rồi quay lại và bắn vào mặt và ngực anh.
Jack được điều trị tại một bệnh viện của chính phủ Lào trước khi Tổ chức Manushya (một nhóm nhân quyền), sơ tán anh đi nơi khác. Các bác sĩ bên ngoài Lào cố tái tạo lại hàm của anh, nhưng có thể anh sẽ không nói lại được vì tổn thương quá nặng. Hiện đang ở một nơi an toàn, Jack gặp khó khăn khi nhai và nói.
Jack không biết ai bắn mình và chưa hề xem lại đoạn video vụ mưu sát được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Lào. Tất cả những gì anh biết là vào ngày bị bắn, anh đã đăng tải cái mà anh ta gọi là “sự độc quyền của TQ đối với Lào” và mô tả nó “tương đương với một cuộc xâm lược”. Hiện Jack vẫn giúp các nhà hoạt động sử dụng mạng xã hội trong khi chờ đợi giai đoạn phẫu thuật tiếp theo để chỉnh hàm và khôi phục giọng nói. Tuy nhiên anh đã ngừng nói bất cứ điều gì tiêu cực về chính phủ TQ hoặc các dự án liên quan đến TQ ở Lào.
Trong những tháng sau vụ nổ súng, hai nhà bất đồng chính kiến TQ (nhà hoạt động tự do ngôn luận Yang Zewei (杨泽伟 – Dương Trạch Vỹ) và luật sư nhân quyền nổi tiếng Lu Siwei (卢思位 – Lô Tư Vị) bị bắt giam tại Lào. Hơn hai tháng sau, Dương Trạch Vỹ xuất hiện trong một trại giam ở TQ với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”. Lô Tư Vị bị trục xuất về TQ giữa Tháng Chín, bất chấp áp lực từ các chính phủ phương Tây và Liên Hợp Quốc yêu cầu trả tự do để ông đến Hoa Kỳ đoàn tụ với vợ và con gái (định cư vào năm 2022). Trong một tuyên bố ngày 11 Tháng Mười 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án Lào “cưỡng bức hồi hương Lô Tư Vị theo yêu cầu của chính quyền TQ”.