Huế: Nước chưa rút, dân lại nơm nớp đón chờ đợt lũ mới

Khu vực thấp trũng nhất của xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, (Thừa Thiên – Huế). Khu vực này nước lũ có lúc lên cao gần 3 mét – Ảnh: Thanh Niên

Khi nước lũ trước nhà vẫn còn mấp mé ngang đầu gối, nhiều người dân vùng “rốn lũ” huyện Quảng Điền, (Thừa Thiên – Huế) lại phải nơm nớp lo sợ vì theo dự báo thời tiết, họ sẽ còn phải tiếp tục đón đợt mưa lớn sắp tới. Nhiều nhà lo kê cao đồ đạc, đi mua thêm thức ăn dự trữ, đề phòng bị chia cắt với bên ngoài nhiều ngày.

Dầm mình trong nước bạc đi mua thêm thức ăn dự trữ, bà Ngô Thị Nguyệt (48 tuổi, thôn Tây Thành, xã Quảng Thành) kể với phóng viên Báo Thanh Niên, đợt lũ năm 2020, nước dâng cao lên gần 3m, ngập hết tầng một. Những ngày sống chung với lũ, hàng chục gia đình vùng trũng này này bị cô lập, chỉ biết ngồi chờ nước rút. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa, người dân ở đấy lại phải tính chuyện sống chung với lũ nhiều ngày.

Bà Nguyệt lội nước lũ đi mua thêm thức ăn dự trữ – Ảnh: Thanh Niên

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, xã đã lên phương án để di dời các hộ dân nằm trong khu vực thấp trũng, trong đó ưu tiên những hộ neo đơn, người già, người yếu thế… “Như thường năm, chúng tôi khuyến cáo những người ở lại cần tích trữ thức ăn tối thiểu 7 ngày, phòng tránh việc không đi được vì ngập sâu”, ông Sơn nói.

Từ chiều 17 Tháng Mười, các huyện ven biển gồm Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền và vùng ven biển của TP. Huế có gió giật cấp 5, cấp 6. Mưa lớn lại đến, nước lũ bắt đầu dâng cao trong nỗi lo của người dân nơi đây.

TP. Huế chìm trong biển nước, hàng trăm sinh viên ở trọ loay hoay chống chọi

Nhiều dãy trọ tại đường Nguyễn Hữu Cảnh bị nước lũ bủa vây – Ảnh: Thanh Niên

Người dân miền Trung đã quen sống chung với lũ, còn sinh viên từ nơi khác đến TP. Huế theo học thì không. Nhất là những em vừa đến Huế học năm đầu tiên.

Theo Báo Thanh Niên, chiều 18 Tháng Mười, mực nước tại đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn cao, nhiều nơi xấp xỉ gần hơn 1 mét, đây là một trong những khu vực thấp trũng nhất TP. Huế, với hàng loạt dãy trọ sinh viên.

Nguyễn Đức Huy (sinh viên năm nhất, quê Quảng Ngãi) quyết lội nước ra bên ngoài để kiếm gì ăn dù vừa đi vừa run lập cập. Phải mất hơn 30 phút, Huy mới thoát khỏi dòng lũ và đã ướt sũng. Đôi môi tím vì lạnh, Huy kể:

“Năm giờ sáng nay nước bắt đầu lên, em quá bất ngờ và cảm thấy khá chênh vênh khi lần đầu tiên thấy lụt lớn như vậy. Do không có kinh nghiệm mưa lũ nên em cũng không biết dự trữ thực phẩm, nên cả ngày nay em chưa ăn gì cả”.

Lò Minh Thuận (sinh viên năm nhất, quê Thanh Hóa) buồn và nhớ nhà vì năm đầu tiên sống chung với lũ – Ảnh: Thanh Niên

Lò Minh Thuận (sinh viên năm nhất, quê Thanh Hóa) cố bám vào tường rào nhà dân từ trường học về phòng trọ. Có nơi nước ngập đến ngang ngực khiến việc di chuyển rất vất vả. May mà em về đến nơi. Thuận nói:

“Trước đây em thuê phòng thì cô chủ trọ bảo không lụt, cao ráo, đến hôm nay thì em bị sốc. Mưa lớn nên em ăn cơm ở trường, đợi đến khi nước rút để về vì em không còn chỗ nào để ở cả…”

Cố che đi đôi mắt đỏ au, Thuận nghẹn giọng: “Những lúc như này em thấy sợ hãi. Em càng buồn và nhớ nhà nhiều hơn”.

Nhiều sinh viên lội lụt để ra được bên ngoài mua thức ăn – Ảnh: Thanh Niên

Người dân địa phương cho hay, độ sâu của nước tới ngang ngực (hơn 1 mét) vẫn chưa phải đỉnh điểm của lũ. Trong đợt lụt năm 2020, nước lũ tại đây dâng lên gần 2m, khiến mọi sinh hoạt đều bị cô lập.

Thế nhưng, đối với sinh viên từ nơi khác đến, nhất là sinh viên từ vùng cao, các em không thể hình dung lũ lụt miền Trung là gì, thì rất lo sợ, tìm mọi cách để tránh lũ, nhưng cũng chẳng biết làm sao để tránh. Các em cứ loay hoay chống đỡ trong vô vọng, rồi cuối cùng, chỉ biết ngồi bần thần chờ nước lũ rút đi…

Tại các nhà trọ bị ngập, người dân và sinh viên trèo lên giàn giáo để tránh – Ảnh: Thanh Niên

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: