Có thể nhiều người không biết danh tính ông chủ tịch nước đương nhiệm nhưng tôi tin có đến 50% dân số xứ này biết đến danh tính cô Ngọc Trinh, một cô gái xinh đẹp, người từng được biết đến với danh xưng “Nữ hoàng nội y”. Cô ấy vừa… bị bắt!
Truyền thông trong nước loan tin, ngày 12 Tháng Mười 2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an TP.HCM đã bắt giữ, tạm giam và khởi tố cô Ngọc Trinh về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định điều 318 Bộ luật Hình sự.
Vẫn theo thông tin từ truyền thông, Ngọc Trinh bị cáo buộc vì hành vi đăng video biểu diễn xe phân khối lớn lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người theo dõi, gây “ảnh hưởng xấu” đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Cô gái này rất biết cách gây tiếng tăm hoặc tai tiếng cho mình một cách rất hiệu quả. Trong quá khứ, Ngọc Trinh từng nổi tiếng với những câu nói đầy thực dụng gây sốc công chúng, mặc dù chúng rất thật, kiểu như: “Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”, hoặc “Yêu tôi tốn kém lắm!”… Nổi tiếng hơn với chuyện đời tư khi cô ấy nhận lời hẹn hò với tỷ phú Hoàng Kiều, một cuộc tình chóng vánh, ồn ào và để lại nhiều nghi vấn với những công chúng thích theo dõi những chuyện thị phi giới showbiz…
Nhưng đấy là chuyện quá khứ. Câu chuyện hôm nay, sau khi nghe đọc lệnh bắt giữ, phải tra tay vào đôi còng kim loại sắc lạnh, có vẻ như cô ấy đã chính thức trở thành một “dân oan” dưới khía cạnh pháp lý qua hai vấn đề sau:
CÓ BỊ XỬ LÝ HAI LẦN VỀ MỘT HÀNH VI PHẠM TỘI KHÔNG?
Thông tin chính thức cho biết, Ngọc Trinh đã hai lần có hành vi vi phạm pháp luật, như sau:
Lần 1, vào đầu Tháng Chín 2023, Ngọc Trinh điều khiển môtô hiệu Kawasaki Ninja tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), thực hiện các động tác như đứng hai chân một bên xe, thả hai tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy… Và,
Lần 2, vào ngày 6 Tháng Mười 2023, Ngọc Trinh điều khiển xe BMW tại đường D15 Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức), thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe…
Do đó, ngày 9 Tháng Mười 2023, Ngọc Trinh bị Đội Cảnh sát Giao thông Công an Thành phố Thủ Đức lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 8,5 triệu đồng.
Nhưng chỉ ba ngày sau, ngày 12 Tháng Mười 2023, cô ấy lại bị công an bắt với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” cũng với các hành vi nêu trên. Như vậy, có vẻ như cô ấy đã bị xử lý hai lần cho một hành vi vi phạm pháp luật chăng? Nếu đúng thế, điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc pháp lý rằng chỉ xử lý một lần đối với hành vi vi phạm pháp luật mà thôi.
Thế nên, theo các bạn, đã có thể kết luận rằng cô Ngọc Trinh chính thức gia nhập hàng ngũ “dân oan” được chưa?
GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG TRÊN… MẠNG?
Thông tin chính thức cho rằng cô Ngọc Trinh bị cáo buộc vì hành vi đăng video biểu diễn xe phân khối lớn lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu người theo dõi, “gây ảnh hưởng xấu” đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Như thế thì hiện trường vụ án, địa điểm được xem là nơi cô Ngọc Trinh phạm tội không phải là trên đường phố, nơi cô ấy điều khiển xe mô tô phân khối lớn, thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, mà là trên không gian mạng xã hội. Điều này chắc chắn gây bất ngờ cho tất cả những ai từng am hiểu pháp luật.
Từ điều luật 318 Bộ luật Hình sự quy định tội danh “Gây rối trật tự công cộng” cho thấy hiện trường vụ án bắt buộc phải là nơi công cộng. Vậy thì, “nơi công cộng” có bao gồm cả trên không gian mạng xã hội hay không? Hiện nay, khái niệm “nơi công cộng” chưa có một định nghĩa mang tính pháp lý rõ ràng. Thử tham chiếu các văn bản pháp lý hiện hành nêu về khái niệm “nơi công cộng” sau đây:
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định các địa điểm công cộng không được sử dụng rượu, bia;
Nghị định 103/2009/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
_____
Tất cả cho thấy: “Nơi công cộng” được hiểu là địa điểm diễn ra các hoạt động chung của xã hội, có thể thường xuyên hoặc không. Theo đó, “nơi công cộng” có thể là đường phố, công viên, chợ búa, trường học, rạp chiếu phim, sân vận động…
Với từ ngữ “Địa điểm” được sử dụng trong nhiều văn bản luật pháp có liên quan, cho thấy “Nơi công cộng” được xác định bằng một nơi chốn cụ thể trên mặt đất chứ không phải trên không gian mạng xã hội như cách hiểu của các cơ quan tư pháp TP.HCM hiện nay trong trường hợp khởi tố Ngọc Trinh.
Chưa kể rằng, luật hình sự vốn đòi hỏi sự giải thích chặt chẽ, theo nguyên tắc “Vô luật bất hình”, tức “Không có điều luật thì không có hình phạt”. Nếu muốn mở rộng khái niệm “Nơi công cộng” bao gồm cả không gian mạng thì phải có điều luật của Quốc hội quy định hoặc định nghĩa về vấn đề đó. Cơ quan Cảnh sát Điều tra hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân chỉ là cơ quan thực thi luật pháp. Cả hai đều không có thẩm quyền nới rộng phạm vi áp dụng luật hình sự một cách tùy tiện.
Với sự bùng nổ truyền thông hiện nay, cùng với chiếc điện thoại di động có nối mạng trong tay, mỗi cá nhân đều có thể là một nhà truyền thông độc lập, thì rõ ràng, việc nới rộng, bành trướng khái niệm “Nơi công cộng” bao gồm cả không gian mạng đã thể hiện tham vọng lẫn ý đồ không hề đơn giản của cơ quan an ninh: Họ sẽ vươn đôi tay trừng phạt dài hơn, sâu rộng hơn để trấn áp mọi tiếng nói, nhất là tiếng nói đang thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng. Theo đó, “dân oan” Ngọc Trinh rõ ràng là nhân vật lý tưởng cho vai trò nạn nhân đầu tiên để mở màn cho sự bành trướng của cơ quan an ninh mà thôi.