Phật Giáo Hòa Hảo tại Little Saigon làm giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực

Làm lễ trước bàn thờ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – Lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực được tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại Little Saigon trang trọng tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 15 Tháng Mười, tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, 2114 W. McFadden, Santa Ana, CA 92704.

Ông Nguyễn Trung Trực không những là một vị anh hùng dân tộc mà trong lãnh vực tôn giáo, ông còn có một chỗ đứng rất trang trọng trong lòng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ngoài cương vị của một vị lãnh đạo kháng chiến tài ba, triết lý sống và cuộc đời thường của ông đầy đủ những đức tính Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa rất gần gũi với giáo lý Tứ Ân của Phật Giáo Hòa Hảo. Lòng yêu nước nồng nàn và ý chí chống ngoại xâm là bài học rất ý nghĩa trong giai đoạn hôm nay.

Đồng đạo Trang Văn Mến, thủ bổn Ban Trị Sự, sau khi nói về tiểu sử của Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực đã trình bày về ý nghĩa lễ giỗ của ông, trong đó nêu cao lý do vì sao từ xưa đến nay có biết bao vị anh hùng liệt nữ, nhưng tại sao Phật Giáo Hòa Hảo hằng năm lại có lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Ông cho hay, ông Nguyễn Trung Trực đã hành đúng theo bốn điều ân lớn “Tứ Đại Trọng Ân” trong pháp môn “Tu Nhân Học Phật” mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã dạy.

Bốn điều ân ấy đối với ông Nguyễn Trung Trực gồm ân tổ tiên cha mẹ: Dù bận rộn việc chuẩn bị đánh chiếm thành Kiên Giang, nhưng khi hay tin mẹ bệnh nặng, ông liền về Hòn Chông thăm viếng và đích thân nấu thuốc cho mẹ uống. Và khi mẹ bị giặc Pháp bắt làm con tin, ông phải tự trói mình ra hàng giặc để cứu mạng mẹ già và cả sinh mạng của dân làng.

Hai đồng đạo Mỹ Hạnh (trái) và Ngô Văn Ẩn diễn ngâm bài thơ “Huyết Lệ” gởi cho quân đội Pháp của ông Nguyễn Trung Trực, do cư sĩ Đặng Thành Quý phổ biến. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ân đất nước: Ông đã một mực từ chối tiền bạc và chức tước mà giặc Pháp phủ dụ, để đi theo con đường “Đã mang lấy nợ non sông/ Quyết lòng báo quốc tồn vong sá gì” để đền ơn nước.

Ân Tam Bảo: Theo sử liệu thì khi di quân về miền Tây, ông Nguyễn Trung Trực đã cho đóng quân ở Tà Niên, còn ông nương náu nơi gia đình họ Lâm tại Mỹ Hội Đông, gia đình này tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An. Có lẽ trong thời gian này ông Nguyễn Trung Trực quy y theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Hơn nữa, trong bài nguyện cúng lạy của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo có câu “Nam mô Phật tổ, Phật thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị năm non bảy núi…” Chữ Quan Thượng Đẳng Đại Thần là để chỉ ông Nguyễn Trung Trực.

Ân đồng bào và nhân loại: Một trong những điều kiện khi ông Nguyễn Trung Trực ra hàng giặc Pháp là quân Pháp phải thả hết đồng bào và nghĩa binh bị bắt. Đây là tình yêu đại đồng mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn thuộc nằm lòng.

Đồng đạo Trang Văn Mến nói về ý nghĩa lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mọi người dân nước Việt đều nhớ đến hai chiến công hiển hách vang lừng, khi ông Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân phục kích đốt chìm tàu chiến L’Ésperance và tiêu diệt lính do viên sĩ quan Parfait chỉ huy tại vàm Nhật Tảo (Tân An), và trận đánh úp đồn Rạch Giá, giết năm võ quan Pháp, 67 lính Tây bị hỏa thiêu, sáu Việt gian bị bắt sống, tịch thu hơn 100 khẩu súng và nhiều đạn dược.

Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Huy Bích giải thích về bài “Điếu Nguyễn Trung Trực” bằng chữ Hán của cụ Huỳnh Mẫn Đạt, nguyên văn như sau: “Thắng phụ nhung trường bất túc luân/ Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân/ Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạch Kiên Giang khấp quỷ thần/ Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa/ Lưỡng toàn vô úy báo quân thân/ Anh hùng cường cảnh phương danh thọ/ Tu sát đê đầu vị tử nhân.”

Dịch thơ: “Thắng bại sa trường chẳng đủ phân/ Giữa dòng ngăn sóng nhớ ngư dân/ Lửa hồng Nhựt Tảo ran trời đất/ Kiếm trắng Kiên Giang rợn quỷ thần/ Tiết nghĩa lẫy lừng nêu một sớm/ Hiếu trung vẹn vẻ đủ đôi phần/ Anh hùng cứng cổ danh thơm mãi/ Còn sống mình đây nghĩ thẹn thân” (Cao Tự Thanh – Việt Nam Bách Gia Thi, 2005).

Tiếp tục là bài thơ “Viết Cho Mẹ” của Đại Thần Nguyễn Trung Trực do hai đồng đạo Nguyễn Kim và Mai Thị Huyền diễn ngâm.

Cô Diệu Mai từ Lancaster về, trình bày món gà hon chay để cúng ông Nguyễn Trung Trực. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Tôn Thất Khoát, ở Santa Ana, đi cùng gia đình đến lễ giỗ để nghe về những chuyện hào hùng trong lịch sử của ông Nguyễn Trung Trực, nói: “Tôi đọc rất nhiều qua cuốn ‘Đại Nam Thực Lục,’ cảm giác của tôi rất xúc động khi ngồi nghe các vị giáo sư nói và phân tích về sự nghiệp kháng chiến chống Pháp của ông Nguyễn Trung Trực. Nước mắt tôi cứ rưng rưng khi nghe Giáo Sư Trần Huy Bích thuyết trình về đề tài này, và tôi rất khâm phục những sinh hoạt của Phật Giáo Hòa Hảo.”

Đồng đạo Ngô Văn Ẩn, nguyên trưởng Ban Phổ Thông Giáo Lý của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, cho hay: “Tôi từ Riverside về dự lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần, để người Việt xa xứ luôn nhớ về quê hương, và nhắc nhở con cháu mai sau không quên nguồn cội. Ông Nguyễn Trung Trực là người toàn trung vẹn hiếu, được Đức Huỳnh Giáo Chủ đưa vào bài nguyện cho tín đồ quy y trước Tam Bảo, và hai thời cúng lạy, để Phật Giáo Hòa Hảo ngày giờ nào cũng có người cầu nguyện.”

“Đối với tôi, là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tôi ngày nào cũng nguyện bài này và rất vui khi mỗi năm được dự lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực ngay tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo Nam California này,” ông Ẩn chia sẻ.

Giáo Sư Trần Huy Bích nói về bài “Điếu Nguyễn Trung Trực.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Diệu Mai cho hay 18 năm nay, mỗi lần cúng quảy là cô từ Lancaster, mất khoảng hơn 2 giờ đồng hồ chở nguyên một xe nguyên vật liệu thực phẩm về Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo Nam California để nấu các món chay cúng ông, gồm ba món chính là món gà hon, cá kho tộ, và bò kho, ngoài ra còn nhiều món khác nữa. Và bánh Trung Thu từ tiệm bánh Los Angeles kính gởi đến cúng ông.

Cô giải thích: “Một năm có ba lần cúng, thứ nhất là Tết Nguyên Đán, thứ nhì là cúng ông, thứ ba là cúng cửu huyền thất tổ nội ngoại hai bên. Món gà hon gồm có hột sen, bạch quả, hạt dẻ, nấm tuyết, táo tàu, nấm đông cô, và tàu hủ ky. Tất cả bó vô bắp cải hầm lên, có thể ăn chung với bánh mì, bún, hoặc cơm đều được. Ngoài các món dâng cúng còn có canh chua cá kho tộ, bánh tét hay bánh ú.”

“Tôi thấy rất vui khi được làm những món cúng giỗ ông, cùng là các đồng đạo, bá gia bá tánh từ khắp nơi về đây dự lễ, để trước khi ăn đều nhớ đến ông với những món ăn đơn sơ nhưng thắm tình quê hương xứ sở của mình từ Việt Nam sang đây. Ông Nguyễn Trung Trực là vị anh hùng quyết lấy cái chết để đền ơn đất nước, trong đó có dân chúng và cha mẹ của mình, đó là ‘Tứ ân hiếu nghĩa’ lúc nào cũng trọn vẹn. Hôm nay lễ giỗ ông, lúc nào cũng hộ trì cho bá gia bá tánh con cháu Lạc Hồng, bảo vệ đất nước luôn được bình an,” cô tiếp.

Ông bà Ngô Văn Ẩn từ Riverside về dự lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Có 20 đền thờ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực khắp miền Nam Việt Nam. Hằng năm cứ đến ngày 28 Tháng Tám Âm Lịch, hàng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói riêng và đồng bào các tỉnh miền Tây đều cử hành trọng thể lễ tưởng niệm để ghi nhớ công đức của người anh hùng Nguyễn Trung Trực, dù đã mất nhưng hùng khí vẫn còn sống mãi với non sông.

Lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực thật trang trọng để nhìn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông là vị thủ lãnh tài ba của phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Kỳ.

Cuối cùng là buổi tiệc theo truyền thống Kiên Giang Rạch Giá do đoàn phụ nữ Phật Giáo Hòa Hảo khoản đãi gồm cơm gà hon chay, mì căn xào xả ớt, đồ xào thập cẩm, chè đậu…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: