Cơ sở kinh doanh trầm hương đội lốt bảo tàng, chính quyền ‘bó tay’!

Công trình Bảo tàng Trầm Hương nhìn từ trên cao. Ảnh: Lao Động

Năm 2020 tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện một công trình “Bảo tàng Trầm hương” trên miếng đất rộng 2.2ha. Trong đó, riêng nhà trưng bày rộng tới 5,000m2.

Nghe nói, chỉ riêng tiền đầu tư vào cơ sở vật chất, chưa kể tiền đất đã trên 200 tỉ đồng.

Nhìn từ bên ngoài, công trình được xây dựng bê tông kiên cố, có người bảo vệ và nhân viên làm việc hằng ngày. Bên ngoài cổng có hai tấm bảng với dòng chữ lớn “Trầm Hương Khánh Hòa”.

Công trình Bảo tàng Trầm Hương xây dựng chưa có giấy phép xây dựng, công ty không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động công khai. Ảnh: Lao Động

Theo lời giới thiệu một nhân viên tại khu vực này, hiện nay, bảo tàng vẫn đón các đoàn khách đến thăm quan và mua trầm hương lưu niệm. Với khách đi theo đoàn có thể liên hệ quản lý trước qua điện thoại để bảo tàng có thể đón đoàn chu đáo.

Một số phương triện truyền thông tại Khánh Hòa giới thiệu đó là “Bảo tàng Trầm Hương”, hoặc “Nhà hát Trầm Hương” y như trầm hương có thể hát!

Thế nhưng, hỏi lãnh đạo UBND xã Phước Đồng thì được biết công trình này thuộc Công ty Cổ phần Bảo tàng Trầm Hương ATC, là một công ty tư nhân. Họ lấy tên công ty là “Bảo tàng Trầm Hương”, chứ không phải là bảo tàng về trầm hương, với ý nghĩa trưng bày tất cả các loại trầm hương quý hiếm.

“Đó là kiểu ‘đánh lận con đen’, nâng giá trị của công ty lên để trục lợi”, một lãnh đạo xã Phước Đồng xin giấu tên nói như thế, và cho biết thêm, đây là công trình xây dựng sai phép, và sử dụng không đúng mục đích.

Cho đến thời điểm này, Công ty Cổ phần Bảo tàng Trầm Hương ATC chỉ cung cấp cho chính quyền xã Phước Đồng một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Trần Văn Nhân (SN 1966), thửa đất số 832, tờ bản đồ 20. Thửa đất này được cấp năm 2019 có diện tích hơn 1,600m2, mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm.

Công trình Bảo tàng Trầm Hương đã hoạt động từ nhiều năm nay nhưng chưa có giấy phép hoạt động. Ảnh: Lao Động

Cũng theo UBND xã Phước Đồng, trước đây, công trình Bảo tàng Trầm Hương đã nhiều lần bị UBND TP Nha Trang xử phạt hành chính vì hành vi xây dựng công trình trái phép vào những năm 2019, 2020.

“Từ đó đến nay, chính quyền xã Phước Đồng không biết họ đã hoàn tất các thủ tục chưa”, lãnh đạo xã Phước Đồng thắc mắc, vì theo nhiệm vụ, họ không có quyền kiểm tra các thủ tục này.

Đến đây mới xuất hiện một chuyện lạ (mà quen), đó là Công ty cổ phần Bảo tàng Trầm Hương ATC được Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp năm 2017 địa chỉ đường Nguyễn Tất Thành, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, do ông Nguyễn Văn Tưởng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Trong năm 2020, công ty này có đơn đề nghị xác nhận đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập và cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập.

Khuôn viên bảo tàng được xây dựng kiên cố. Ảnh: Lao Động

Thế nhưng, đến khi cơ quan chức năng TP. Nha Trang tiến hành kiểm tra lại tất cả hồ sơ đất đai, và xây dựng thì lãnh đạo công ty này xin… rút đơn xin hoạt động. Thế nên cho đến nay, công ty này vẫn chưa có giấy phép hoạt động, nhưng họ vẫn mở cửa đón khách, vẫn buôn bán trầm hương trong “bảo tàng” xây dựng không phép của họ.

Chuyện Công ty cổ phần Bảo tàng Trầm Hương ATC hoạt động chui, qua mặt chính quyền, từ lãnh đạo xã lên đến lãnh đạo các ban ngành TP. Nha Trang ai cũng biết, nhưng chẳng ai biết làm gì cả.

“Hình như chính quyền thành phố có ‘cổ phần’ trong công ty này, nên họ mới ‘án binh bất động’ như thế”, ông Trần Đình Phước, một người dân Nha Trang đặt câu hỏi trên Facebook. Ông viết:

“Ngay cả cái lệnh đơn giản của Sở VHTT yêu cầu doanh nghiệp này để đúng tên theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Bảo tàng Trầm Hương ATC, trong 2 tấm bảng quảng cáo phía trưởng cổng doanh nghiệp, đã 3 năm nay mà họ vẫn không chịu sửa mà chính quyền không dám làm gì họ thì đủ biết thế lực của họ lớn thế nào”.

Bởi thế, khách du lịch đến đây vẫn tiếp tục bị “dắt mũi” vào “bảo tàng” để tham quan trầm hương, rồi tiếp tục bị dụ mua những sản phẩm mà phần chất lượng chẳng biết đường nào đánh giá.

Riêng xã Phước Đồng, người dân địa phương cho biết đó là một nơi lộn xộn nhất thành phố Nha Trang về đất đai và trật tự xây dựng. Họ nói “mũi bọn trật tự xây dựng thính lắm, dân làm cái chòi trên đất của họ thì chúng đến phạt ngay, có người phải đóng tới hơn 50 triệu đồng. Thế mà công trình ‘bảo tàng’ hơn 5,000m2 xây trong hai năm mà hỏi thì ‘chẳng ai biết’. Thế mới tài”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: