Bị chấn thương tâm lý, để càng lâu, càng khó chữa

Một thành viên của đội Dịch vụ Chấn thương (Trauma Services) giúp dọn dẹp quán bar Schengees – một trong hai vụ xả súng hàng loạt diễn ra vào ngày 29 Tháng Mười năm 2023 ở Lewiston, Maine. Nạn nhân và những người chứng kiến vụ việc, dễ bị chấn thương tâm lý. (minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

Các vụ xả súng hàng loạt, tội ác căm thù và bạo lực gia đình, nhiều người từng một vài lần phải trải qua những chấn thương tâm lý.

Do những câu chuyện bi thảm xảy ra gần đây, hằng ngày trong thế giới này, chiến tranh, những tin tức đau buồn về các vụ xả súng hàng loạt, tội ác căm thù và bạo lực gia đình, nhiều người đều từng một vài lần phải trải qua những chấn thương tâm lý.

Karina Hester, nhà trị liệu được cấp phép chuyên về chấn thương, cho biết những người may mắn sống sót trong những sự kiện bi thảm như kể trên thường cảm thấy “như thể cứ liên tục diễn ra, lặp đi lặp lại” cả về tinh thần và thể chất. 

Như mới đây nhất, vụ bốn đứa trẻ dưới 10 tuổi sống chung với người cha ở Lancaster, California, bị hành hạ đến mức khi cảnh sát ập đến thì hai bé đã không còn sống, hai bé được đưa đi nhà thương nhưng không nguy hại đến tính mạng.

Liệu hai đứa bé còn sống sót kia, sẽ lưu giữ đến bao giờ hình ảnh những “người anh em” của mình bị sát hại ngay trước mắt mình. Những ký ức đau buồn, kinh khủng, thường rất khó quên, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần lâu dài, khó chữa.

Theo Hester, những ký ức ấy sẽ nhanh chóng ùa về nếu xuất hiện những yếu tố gợi nhớ, như khung cảnh căn phòng, bài hát, mùi hương, hoặc chỉ một tiếng động.

Sau một sự kiện đau thương, những người sống sót thường trải qua một loạt phản ứng. Hester cho biết, những phản ứng này bao gồm tự trách bản thân và hạ thấp lòng tự trọng, cũng như “cô lập tuyệt đối, mất niềm vui trong các hoạt động từng quan trọng  với mình” và tách biệt khỏi thế giới như thể đang đứng ngoài quan sát.

Thi thể những thường dân Israel tại Sderot bị Hamas sát hại ngày 7 Tháng Mười. Người yếu tinh thần, dễ bị ám ảnh bởi những hình ảnh như vậy. (ảnh: Ilia Yefimovich/picture alliance via Getty Images)

Janina Fisher, nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia về chấn thương, cho biết: “Nhiều người bị mắc kẹt trong trạng thái tức giận. Họ phản ứng giận dữ với những người thân yêu xung quanh.”

Về mặt thể chất, những người này hay khó ngủ, “các vấn đề về tiêu hóa thức ăn, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, chuyển động mắt nhanh, adrenaline tăng cao, cùng với các triệu chứng khác.

Để hỗ trợ quá trình chữa bệnh, các chuyên gia đưa ra một số phương cách, giúp người từng bị chấn thương tâm lý, có thể vượt qua khó khăn để tiếp tục sống.

Nếu bạn từng mang trong mình “vết thương lòng”, Hester cho biết: “Hãy thực hành một số hoạt động thể chất” với sự tư vấn của bác sĩ và nói thêm rằng “ngay cả một cuộc đi bộ ngắn, đơn giản cũng khá hữu ích.” Ăn thực phẩm lành mạnh và uống nhiều nước tinh khiết. Ngủ nghỉ đầy đủ. Hester cũng đề nghị hãy áp dụng một số bài tập thở.

Ngoài ra, hãy nương tựa vào những người thân thiết, những người đem đến cho bạn cảm giác an toàn, giàu lòng nhân ái, đồng cảm với nỗi đau của bạn.

Nhưng hơn ai hết, các nhà trị liệu, chuyên gia tâm lý là người biết cách giúp bạn, đừng ngại, nếu bạn cần gặp họ. Hester cho biết, hãy tìm kiếm “bác sĩ lâm sàng về sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm và được đào tạo để hỗ trợ những người có các triệu chứng chấn thương.”

Cô cũng đề nghị gọi cho công ty bảo hiểm y tế của bạn, hỏi tên của một số chuyên gia mà có thể người thân hay bạn bè của bạn biết và gọi điện hỏi trực tiếp, xem họ có được đào tạo về điều trị chấn thương tâm lý hay không.

Ngoài ra còn có các dịch vụ sức khỏe tâm thần dành cho những người không có bảo hiểm. Tìm kiếm các lựa chọn địa phương hoặc trực tuyến và gọi điện thoại hỏi xem họ có khả năng cung cấp được những gì.

Fisher cho biết việc điều trị mất bao lâu tùy thuộc vào từng người, nhưng điều quan trọng nhất là phải bắt đầu vượt qua nỗi đau càng sớm càng tốt.

(theo CNBC)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: