Bị cấm bởi Facebook, Instagram, TikTok, YouTube và X (Twitter) nhưng nhiều video tuyên truyền của Hamas trên Telegram vẫn lan rộng qua X và nhiều nền tảng mạng xã hội. Hamas đang gây tiếng vang với chiến thuật tuyên truyền hiệu quả và được vô số tổ chức hội đoàn cánh tả cực đoan chia sẻ, trở thành động lực cho những cuộc biểu tình phản chiến và lên án Israel bùng nổ toàn cầu.
Ngày 24 Tháng Mười, Hamas đăng một đoạn video từ một bệnh viện ở Gaza lên Telegram. Đó là một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp và gây chấn động: Những đứa trẻ Palestine mình mẩy đầy tro bụi, máu me be bết. Một số bị mất chân tay. Video có cảnh một y tá quấn xác bốn đứa trẻ sơ sinh vô hồn trong một cái mền. Hamas đã sử dụng đoạn video được dựng và biên tập chuyên nghiệp này để cho thế giới thấy tội ác không thể dung thứ của Israel.
Tuy nhiên, nhiều video khác – mà Hamas quay trực tiếp, Israel thu được và cung cấp cho báo chí phương Tây, trong cuộc tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười – lại không xuất hiện trong chiến dịch truyền thông của Hamas. Đó là cảnh các tay súng Hamas tàn sát phụ nữ, trẻ em và người già. Trong một video, người ta thấy cảnh một tay súng Hamas chặt đầu một nạn nhân bằng xẻng.
Dù cũng cung cấp một số hình ảnh và video man rợ trong cuộc tấn công ngày 7 Tháng Mười nhằm chứng minh cho thế giới thấy Israel không thật sự mạnh như được tưởng, Hamas cùng lúc xoáy mạnh vào chiến thuật xây dựng hình ảnh nhân đạo của các chiến binh.
Trong cuộc tấn công khu định cư Holit của Do Thái, người ta thấy cảnh một tay súng Hamas dỗ một em bé Israel; trong khi một chiến binh khác, mặc đồng phục rằn ri, băng bó chân cho một em bé sau đó đặt em vào lòng… Cảnh video cho thấy tay súng Hamas còn dạy đứa bé nói “bismillah” (nhân danh Thượng đế). Cuối cùng, video chiếu cảnh tay súng Hamas mang mặt nạ bế hai đứa trẻ và nói trước ống kính: “Hãy nhìn vào sự rung cảm thương xót trong trái tim chúng tôi. Chúng tôi không giết trẻ em như các anh (ám chỉ Israel).”
Hamas tung đoạn video “bismillah” lên kênh Telegram sáu ngày sau vụ tấn công, vào thời điểm mà các phương tiện truyền thông phương Tây và nhiều cơ quan truyền thông lớn của Ả Rập tràn ngập hình ảnh cuộc thảm sát 7 Tháng Mười. Tuy nhiên, sự “nhân đạo” của Hamas nhanh chóng bị lật tẩy. The New Yorker cho biết, một trong những chi tiết đáng chú ý nhất là video không có mặt cha mẹ những đứa trẻ. Đó là hai anh em: Negev, ba tuổi và Eshel, khoảng năm tháng tuổi. Mẹ của chúng đã bị giết trong cuộc đột kích, trong khi cha chúng không có mặt tại nhà lúc xảy ra cuộc tấn công. Hamas đưa hai đứa trẻ đến Gaza nhưng sau đó thả ra.
Michael Milshtein, một quan chức tình báo Israel nghỉ hưu, chuyên phân tích truyền thông Palestine, nói rằng video “bismillah” được thực hiện để phỉnh gạt những trái tim nhân hậu trong thế giới phương Tây. Hamas nghĩ rằng, “bọn phương Tây là một lũ ngu, khi thấy các tay súng Hamas ôm dỗ những đứa trẻ, họ sẽ xúc động và thốt lên, ‘chiến binh Hamas thật đáng yêu và chúng ta đã nghĩ sai về họ”.
Bất luận thế nào, video “bismillah” đã đạt được hiệu quả tuyên truyền. Video được đăng lên trang Facebook của hãng tin Al Jazeera và được xem hơn 1.4 triệu lần. Gần 75,000 lượt người đã bấm nút “like” và gần 3,000 lượt người để lại bình luận, với một số nội dung ca ngợi “đạo đức của những chiến binh kháng chiến Hồi giáo”. Ba ngày sau, một video “nhân đạo” nữa lại xuất hiện, với cảnh một con tin Israel tên Mia Shem, 21 tuổi, nói về việc mình được Hamas chăm sóc y tế một cách tử tế…
Những video như vậy hẳn nhiên có tính thuyết phục cao trong thế giới Ả Rập. Người ta dễ dàng tin rằng chiến binh Hamas, không như lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), là những kẻ “nhân đạo và tôn trọng luật chiến tranh”. Chiến thuật tuyên truyền này thậm chí “đánh rụng” được những con tim “mẫn cảm” trong thế giới trí thức phương Tây. Sản phẩm tuyên truyền của họ được phát đi phát lại nhiều lần trên các kênh tin tức vốn ủng hộ Palestine như Al-Aqsa TV và Al Jazeera; và tác động đáng kể đến động lực thôi thúc làn sóng ký vào các thư ngỏ lên án Israel.
Một cách toàn cảnh, Hamas đang triển khai một chiến dịch truyền thông chưa từng có để kể lại phiên bản riêng của họ về cuộc xung đột với Israel, nỗ lực thuyết phục thế giới rằng các chiến binh của họ là những người đấu tranh cho tự do và cuộc chiến của họ là cuộc chiến chính nghĩa. Đó là lý do mà Hamas “sản xuất” một video với cảnh các tay súng Hamas đẩy chiếc xe nôi bên trong có một đứa trẻ đang khóc (bên ngoài một ngôi nhà ở Israel). Đoạn clip này, với chú thích “Các chiến binh Hamas thể hiện lòng nhân ái với trẻ em”, đã được xem 200,000 lần.
Joel Finkelstein, đồng sáng lập nhóm nghiên cứu Network Contagion Research Institute, cho biết chiến lược truyền thông xã hội của Hamas đã bắt đầu từ hai năm trước, trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa họ và Israel. Thời điểm đó, một trong năm hashtag phổ biến toàn cầu về cuộc xung đột là #Tội ác Israel (#IsraeliCrimes). Điều đáng chú ý là Hamas vẫn có thể tung ra các video và lan truyền thông điệp của họ suốt 24/7 trong thời gian mất điện và internet trên diện rộng ở Gaza.
Hamas có một văn phòng quan hệ công chúng để điều hành các nhóm truyền thông như Al-Aqsa TV có trụ sở tại Gaza. Theo The Washington Post, website của Lữ đoàn al-Qassam từng được quản lý bởi DigitalOcean, một nhà cung cấp máy chủ đám mây (cloud server provider) có trụ sở tại New York. DigitalOcean cho biết, mặc dù tên miền vẫn trỏ đến địa chỉ giao thức internet thuộc sở hữu của công ty nhưng DigitalOcean đã loại Lữ đoàn al-Qassam khỏi danh sách khách hàng vào năm 2020. Một trang web mới được Lữ đoàn al-Qassam sử dụng gần đây dường như có máy chủ ở Nga, thuộc một công ty có tên Iroko Networks Corporation.
Tổng quát, Hamas đang xem “thánh chiến bằng hình ảnh” là một trong những vũ khí có tính quyết định của họ. Hamas biết rằng hệ thống chính trị phương Tây là nơi vĩnh viễn họ không thể lọt vào nhưng nền dân chủ phương Tây và xã hội phương Tây luôn tồn tại nhiều kẽ hở với những tiêu chuẩn kép có thể phá thủng mà không cần tốn bất kỳ phát đạn nào.