Học tại nhà đang phát triển thành dòng chủ lưu

Bà Ashley Perisian ở Buffalo, Minnesota áp dụng hình thức học tại nhà cho hai con trai Hendrix Perisian 7 tuổi và Gibson 9 tuổi (ảnh: Nicole Neri for The Washington Post via Getty Images)

Học tại nhà (home schooling) đã phát triển nhanh chóng từ cái được xem là “bất hợp pháp” hay “giáo dục ngoài luồng” (fringe) sang giáo dục chủ lưu với rất nhiều phụ huynh học sinh đồng tình.

Phát triển không ngừng cả sau đại dịch

Phân tích số liệu từ nhiều học khu về sự phát triển bùng nổ của hình thái “trường học tại nhà”, tờ The Washington Post nhận thấy tỷ lệ học sinh tham gia đang lấn lướt tỷ lệ học sinh theo học các trường công lập và tư thục ở nhiều học khu.

Học tại nhà là hình thức giáo dục phát triển nhanh nhất ở Mỹ, khi các gia đình từ Thượng Manhattan đến Đông Kentucky áp dụng một phương pháp hầu như không được kiểm soát và từng bị xem là “đứa con rơi” của hệ thống giáo dục Mỹ. Phân tích gần 7,000 học khu trên cả nước của The Washington Post cho thấy mức tăng đáng kể giáo dục tại nhà từ khi bắt đầu đại dịch đã được duy trì trong suốt năm học 2022-23, bất chấp dự đoán là hầu hết phụ huynh sẽ cho con quay lại các trường học khi không còn bắt buộc đeo khẩu trang và các hạn chế Covid-19 khác.

Sự phát triển này chứng tỏ mô hình học tại nhà đang dần được chấp nhận và trở thành “chủ lưu” của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Tác động của nó đối với xã hội, đối với các trường công lập, tư thực và trên hết là đối với hàng trăm ngàn trẻ em đang học tập bên ngoài môi trường học tập thông thường là rất lớn.

Ở 11 tiểu bang như Texas, Michigan, Connecticut, Illinois, học khu không yêu cầu gia đình thông báo khi quyết định cho con học tại nhà. Học khu cũng không theo dõi chất lượng học tập tại nhà. The Washington Post chỉ có thể thu thập dữ liệu đáng tin cậy từ 32 tiểu bang và Washington DC, đại diện cho hơn 60% dân số trong độ tuổi đi học của đất nước.

Sách giáo khoa và cẩm nang cho giáo dục tại nhà bùng nổ (ảnh: Bill O’Leary/The Washington Post via Getty Images)

Tại 18 tiểu bang, số liệu tuyển sinh trường công và tư có sẵn để so sánh, số học sinh học tại nhà tăng 51% trong sáu năm học vừa qua, vượt xa mức tăng 7% của tuyển sinh trường tư. Ngược lại, tỷ lệ tuyển sinh vào trường công giảm 4% ở các bang này trong cùng thời kỳ. Với 88,626 học sinh ghi danh học tại nhà trong năm học 2021-22, học khu Washington DC có tỷ lệ ghi danh học tại nhà tăng 108% kể từ năm học 2017-18.

Sự phổ biến ngày càng tăng của học tại nhà đã vượt qua mọi ranh giới chính trị, địa lý và nhân khẩu học. Số trẻ em học tại nhà đã tăng 373% trong sáu năm qua tại thành phố nhỏ Anderson, South Carolina và tăng 358% ở học khu Bronx. 390 học khu có 10% học sinh trường công chuyển sang học tại nhà trong năm học 2021-2022, so với khoảng 100 học khu có tỷ lệ này trong năm 2017-2018.

Thực tế này cho thấy có sự thay đổi lớn về cách giáo dục con cái và là một thách thức mà hệ thống giáo dục công đang đối mặt: Tuyển sinh suy giảm từ trước đại dịch. Bất chấp ý kiến cho rằng sự bùng nổ giáo dục tại nhà là kết quả của việc các trường công lập thất bại, The Washington Post không tìm thấy mối tương quan giữa chất lượng (được học khu đo bằng điểm kiểm tra tiêu chuẩn) và sự phát triển mô hình giáo dục tại nhà. Trên thực tế, các học khu có mức tăng đột biến lớn nhất về dạy học tại nhà vào thời kỳ đầu của đại dịch và vào mùa thu năm 2022 vẫn tiếp tục tăng bất kể thành tích học tập thế nào.

Theo báo cáo của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (National Center for Education Statistics), năm 2019 (trước khi việc học tại nhà mở rộng đáng kể) có 1.5 triệu trẻ em Mỹ học tại nhà. Dựa trên con số này và sự tăng trưởng sau đó ở các tiểu bang có theo dõi việc học tại nhà, The Washington Post ước tính hiện có từ 1.9 triệu đến 2.7 triệu học sinh đang học tại nhà, tức nhiều hơn 1.7 triệu học sinh theo học tại các trường Công giáo (theo National Catholic Educational Association-Hiệp hội Giáo dục Công giáo Quốc gia) nhưng ít hơn 3.7 triệu học sinh theo học các trường bán công vào mùa thu năm 2021 (số liệu liên bang).

Đây là sự mở rộng đáng chú ý đối với một hình thức giảng dạy mà cách nay 40 năm vẫn bị xem là “bất hợp pháp” ở phần lớn nước Mỹ. Theo Liên minh về Giáo dục Tại nhà Có trách nhiệm (Coalition for Responsible Home Education), ở hầu hết các tiểu bang, trẻ em học tại nhà không phải nộp bất kỳ bài kiểm tra nào về tiến bộ học tập. Ngay cả những tiểu bang yêu cầu đánh giá cũng không làm đến nơi đến chốn.

Liên minh kết luận: “Nhiều trẻ em được học tại nhà bước vào một thế giới khác mà không có quan chức chính phủ nào kiểm tra xem chúng được dạy những gì và có tốt hay không. Chúng tôi kêu gọi sự giám sát chặt chẽ hơn”. Elizabeth Bartholet, giáo sư danh dự tại Trường Luật Harvard và là người ủng hộ phúc lợi trẻ em, cảnh báo: “Trước sự phát triển của giáo dục tại nhà, các nhà hoạch định chính sách nên tự hỏi: Học sinh học tại nhà có học được gì không?”.

Những yếu tố thúc đẩy xu thế học tại nhà

Nếu có “thủ đô của giáo dục tại nhà” ở Mỹ thì đó có thể là học khu Hillsborough, Florida. Học khu với 1.5 triệu dân (gồm cả Tampa và các vùng ngoại ô) nổi tiếng như một “phong vũ biểu tâm trạng chính trị của quốc gia” (kết quả bỏ phiếu tại đây đã đoán trúng người chiến thắng ở 22 trong số 24 cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất) và là “thước đo” cho xu thế “áp dụng và chấp nhận” rộng rãi giáo dục tại nhà.

Học khu Hillsborough có 10,680 trẻ em học tại nhà vào đầu năm học 2022. Số học sinh học tại nhà ở đây đông hơn tổng số học sinh ghi danh trường công ở hàng ngàn học khu khác trên toàn quốc và tăng 74% kể từ năm 2017 (trong cùng thời gian này, số học sinh ghi danh vào trường công ở hàng ngàn học khu khác chỉ tăng 3,4%, lên 224,538 học sinh). Điều đáng chú ý nữa là cơ sở hạ tầng cũng phát triển để hỗ trợ học sinh học tại nhà.

Nếu trước đây ở Carrollwood, ngoại ô Tampa, cứ một hoặc hai lần một tuần, các tổ hợp tác học tại nhà do phụ huynh điều hành sẽ giúp học sinh cơ hội hòa nhập với cộng đồng nhỏ thì ngày nay, học sinh học tại nhà được sống trong một hệ sinh thái học thuật và ngoại khóa giống hệt hệ sinh thái của trường công hay trường tư về nhiều mặt. Trẻ em học tại nhà chơi cũng thi đấu các môn thể thao, biểu diễn các tác phẩm “Mary Poppins”, “Les Miserables”, tổ chức các buổi lễ tốt nghiệp trung học với vũ hội đầy đủ. Năm 2011, tổ hợp tác học tại nhà chỉ có khoảng 40 trẻ em thì nay đã tăng lên gần 600 em.

Trong số 10 học khu có nhiều trẻ em học tại nhà nhất trong phân tích của The Washington Post, có đến 9 học khu ở Florida. Con số này có được là do tầm nhìn mới của các học khu nhưng cũng vì các quan chức được bầu của tiểu bang thân thiện hơn với giáo dục tại nhà khi các trường công lập bị buộc phải hạn chế những gì được dạy về chủng tộc và giới tính. Học sinh học tại nhà ở Florida không bị làm các bài kiểm tra quy định như các bạn cùng lứa ở trường công nhưng chúng được tham gia các đội thể thao trường trung học và được phép nhận cùng loại học bổng của các trường đại học công lập.

Một số chi phí của giáo dục tại nhà đối với xã hội sẽ sớm được đo lường trực tiếp ở Florida. Đầu năm nay, Thống đốc Ron DeSantis khi tham khảo các nhà hoạch định chính sách ở các tiểu bang bảo thủ khác đã mở rộng chương trình phiếu thưởng giáo dục của tiểu bang. Mỗi năm các gia đình ở học khu Hillsborough có thể nhận được $8,000 cho một học sinh học tại nhà từ nguồn tiền của người đóng thuế. Kết quả, số học sinh học tại nhà ở Florida đã vượt quá 154,000, đông nhất trong số các tiểu bang có sẵn dữ liệu.

Home schooling sẽ làm thay đổi diện mạo hệ thống trường công Hoa Kỳ (ảnh: Matt McClain/The Washington Post via Getty Images)

Nhưng không có tiểu bang nào tăng nhanh hơn New York, nơi số học sinh học tại nhà đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2017, lên gần 52,000. Tại 24 trong 33 học khu của thành phố, số học sinh học tại nhà đã tăng ít nhất 200% trong sáu năm qua. Mức tăng trưởng lớn nhất thuộc về Brooklyn và Bronx, nơi một số học khu tăng quá 300%.

Xu thế học tại nhà của người Mỹ sẽ tiếp tục nhờ một số yếu tố thúc đẩy trong những năm tới. Mối lo các vụ xả súng ở trường học, nạn bắt nạt và chất lượng chung của môi trường học đường là những lý do hàng đầu dẫn đến việc học tại nhà.

Năm nay, nhiều người cũng cho biết họ lo sợ sự xâm nhập của chính trị vào giáo dục công (mối lo ngại này khó giảm bớt trong bối cảnh có những tranh cãi về cách xử lý bản sắc giới tính, lịch sử người da đen và các môn học khác trong lớp học). Ngoài Florida, việc hỗ trợ hàng ngàn đôla mỗi năm cho học sinh ngoài hệ thống trường công (được ở các tiểu bang như Arizona, Arkansas, Utah, West Virginia và New Hampshire áp dụng) cũng là động lực kích thích học tại nhà. Nhờ những chính sách như vậy, giáo dục tại nhà sẽ chia sẻ tiền thuế với hệ thống giáo dục công và có thể làm suy yếu vai trò truyền thống của trường công trong đời sống người Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: