Nhiều người cảm thấy có lỗi nên không dám “say no” (nói không), nhưng với người khác, đó là cách để tiếp thêm sức mạnh, tạo cảm giác dễ chịu hơn.
Xã hội dạy cho mọi người là nếu từ chối, hoặc nói không với ai đó, là bất lịch sự, và làm phật ý người nghe. Nhiều người cảm thấy có nghĩa vụ phải làm những việc mà thật lòng không muốn làm, để được xã hội chấp nhận.
Tuy nhiên, từ “không” có những lợi ích rõ ràng. Nói “không” có thể tạo ra sự ổn định hơn về sức khỏe tâm thần bằng cách giúp bạn tự chăm sóc bản thân và xây dựng lòng tự trọng, cũng như sự tự tin bằng cách đặt ra các ranh giới. Nói không có thể là một việc khó khăn, nhưng có nhiều cách để làm cho quá trình này dễ dàng hơn một chút.
Có nhiều cách để nói không. Một trong những bước đầu tiên là tìm cách nói không mà bạn cảm thấy tự nhiên và chân thực, gọi là “sandwich method” khá hữu ích.
“Sandwich method” có thể hiểu nôm na, là cách tiếp cận liên quan đến việc kẹp một thứ gì đó mà các cá nhân có thể coi là tiêu cực vào giữa hai mặt tích cực. Nói với người ấy điều gì đó tích cực, sau đó khéo léo từ chối kiểu “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và kết thúc bằng điều gì đó mang tính hỗ trợ hoặc tích cực.
Ví dụ, khi bạn nhận được lời mời đến dự một bữa tiệc, nhưng bạn không thoải mái để tới, bạn có thể trả lời: “Wow, vui vậy ta! Cám ơn cậu đã mời mình tới nhe, sao mà chu đáo thế cơ chứ! Nhưng bữa đó mình lại không tới được. Tiếc quá! Thôi thì có gì tụi mình gặp nhau cà phê cà pháo sau nhe, lâu rồi tụi mình chưa có thời gian ‘tám’ chuyện mà!”
Có thể vì biết khi tới sẽ gặp vài người mà bạn không thoải mái khi tiếp xúc, hoặc đó là ngày nghỉ, bạn không muốn đi đâu ra khỏi nhà sau một tuần làm việc mệt mỏi. Hiểu lý do tại sao không, có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi “say no”. Hãy nhớ rằng nhu cầu của bạn rất quan trọng và những quyết định của bạn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và sức lực của mình.
Tất cả chúng ta đều có những vai trò khác nhau trong công việc, nuôi dạy con cái, nghĩa vụ xã hội và động lực gia đình. Những vai trò này có thể thách thức khả năng thiết lập ranh giới. Tìm hiểu về bản thân và tìm ra sức mạnh nội tâm là điều quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của bạn.
Hãy cân nhắc việc thiết lập ranh giới xung quanh các mục tiêu mà bạn đặt ra cho chính mình. Ví dụ: nếu một trong những mục tiêu của bạn là tạo ra sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, bạn có thể từ chối, nói “không” với một cuộc gọi hoặc cuộc họp ngoài giờ làm việc bình thường, bằng cách sử dụng một số kỹ thuật được nêu ở trên.
Hãy dành thời gian để đánh giá lại ranh giới của bạn, có tính đến những ưu và nhược điểm. Và hãy nhớ: Ranh giới không nhất thiết phải là vĩnh viễn. Ví dụ hiện tại, bạn không thoải mái khi nói chuyện với ai đó, nhưng sau một thời gian, bạn sẽ nghĩ lại, “Okay! Nói chuyện một chút cho vui, cũng không sao!”
Ngoài việc nói không, bạn cũng có thể muốn kết hợp thêm các hoạt động tự chăm sóc bản thân. Ví dụ, bằng cách từ chối lời mời (ngay cả khi đó là điều bạn muốn làm) khi bạn đang kiệt sức, bạn sẽ tạo cho mình cơ hội có nhiều năng lượng hơn và ít căng thẳng hơn cho hoạt động tiếp theo trong lịch trình, hoặc cho các mối quan hệ quan trọng của bạn.
Một kiểu tự chăm sóc khác mà bạn có thể thử là những lời khẳng định tích cực, đây là một cách tuyệt vời để nhắc nhở bản thân về những chiến thắng và những phẩm chất tích cực mà bạn sở hữu. Một hình thức chăm sóc bản thân khác là tham gia vào các hoạt động sáng tạo như nghệ thuật, khiêu vũ, thiền và yoga.
Điều quan trọng là tìm cách cải thiện tư duy của bạn. Suy nghĩ của chúng ta có thể đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc. Các nghiên cứu cho thấy việc tự chăm sóc bản thân có thể cải thiện sức khỏe, các mối quan hệ và lợi ích có thể kéo dài trong nhiều năm.
Nhìn chung, bạn sẽ không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người và bạn sẽ không bao giờ biết được kết quả nếu không thử. Hãy nhớ, sự tự tin sẽ soi đường cho bạn đi đến các quyết định, và cả khả năng “say no”.
(theo Psychology Today)