Đối với nhiều người lớn tuổi, chuyển sang giai đoạn nghỉ hưu là thời điểm họ dành ra để suy ngẫm, nhưng không phải ai cũng thích quay lưng nhìn lại.
Dòng thời gian cứ trôi, nên cũng phải có lúc bạn dừng chân, và ngoảnh lại thời gian đã qua, có thể bạn sẽ tiếc nuối quãng đời thanh xuân của mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mặc dù đúng là khá khó khăn để bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đời sau khi nghỉ hưu, nhưng mọi chuyện không đến nỗi u ám như bạn nghĩ. Trên thực tế, việc xem xét cuộc sống tương lai của bạn và quyết định một cách có chủ đích tiến về phía trước sẽ mang lại sức mạnh sâu sắc, khi bạn bắt đầu nghỉ hưu.
Nếu chưa chạm đến giai đoạn đặc biệt này của cuộc đời, bạn có nhiều thời gian hơn để điều chỉnh và tận dụng tối đa những năm tháng tuổi trẻ của mình. Quan trọng là biết trước những vấn đề phổ biến nào mà người nghỉ hưu sẽ phải va chạm, hoặc hối tiếc, để từ đó rút kinh nghiệm cho mình, tránh được bao nhiêu, hay bấy nhiêu.
Mặc dù không có điều hối tiếc nào mà tất cả mọi người về hưu đều phải trải qua, nhưng theo một số chuyên gia tâm lý, có năm điều hối tiếc khá phổ biến, mà mọi người cần biết để tránh, trước khi quá trễ.
1.Xem thường sức khỏe
Khi còn trẻ, bạn thường ít để ý đến sức khỏe, vì trẻ thì có bệnh tật gì đâu! Nhưng mỗi năm trôi qua, nhưng dần dần, cứ nhiều hơn một tuổi, sức khỏe của bạn lại giảm đi một tí. Càng ngày, mọi người càng nhận thức được vai trò trung tâm của sức khỏe.
Bayu Prihandito, người sáng lập Life Architekture, cho biết: “Nhiều người về hưu tỏ ra hối tiếc, khi lúc còn đi làm, chỉ ưu tiên cho công việc. Họ làm quên ăn, quên ngủ, bỏ tập thể dục luôn, và khi tuổi không còn trẻ, họ mới nghiệm ra, mình đã phí phạm sức khỏe của mình như thế nào, mà… muộn rồi!
Để tránh sự hối tiếc này, bạn nên cân bằng giữa công việc và sức khỏe trong suốt sự nghiệp của mình, đừng chờ đến lúc nghỉ hưu.”
Lachlan Brown, người sáng lập trang web Hack Spirit chuyên về tâm lý, các mối quan hệ và phát triển cá nhân, cho biết ngay từ bây giờ, lúc này đây, bạn hãy chủ động chăm sóc sức khỏe của mình, thay đổi ngay những thiếu sót, thói quen xấu, mà hậu quả xảy ra, có khi không chờ cho đến khi bạn nghỉ hưu.
2.Không có những mối quan hệ sâu sắc
Có một thực tế là khi nhiều người ngừng làm việc, họ mới thất vọng nhận ra rằng vòng tròn xã hội của họ chỉ tồn tại phần lớn trong bức tường nơi họ làm việc. Các chuyên gia nói rằng bạn thường hối tiếc vì đã không nuôi dưỡng những mối quan hệ sâu sắc hơn ngoài công việc mà bạn có thể mang theo trong những năm nghỉ hưu.
Brown nói: “Rất nhiều người về hưu nói rằng họ ước mình dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè, thay vì bị cuốn vào công việc bận rộn hàng ngày. Sự nghiệp, tuy quan trọng nhưng thường phải trả giá bằng những kỷ niệm và trải nghiệm bị bỏ lỡ với những người thân yêu”.
Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý cho rằng nếu bạn nhận ra sớm điều này, cảm thấy hối tiếc, thì không bao giờ là quá muộn để kết nối lại với những người thân yêu. Khi không còn phải lo lắng cho công việc, bạn có nhiều thời gian hơn để ưu tiên những mối quan hệ này.
Ông gợi ý: “Hãy bắt đầu bằng cách tiếp cận và khơi dậy các mối quan hệ. Hãy dành thời gian quý giá cho con cháu, hoặc bạn cũ của bạn”.
3.Không biết khám phá bản thân
Nhiều người về hưu nhận thấy rằng khi không có việc làm, ý thức về mục đích và bản sắc cá nhân của họ trở nên mờ mịt. Khi Prihandito nhìn thấy điều này ở khách hàng của mình, ông nói rằng đó thường là do họ đã bỏ bê việc dành thời gian để khám phá bản thân khi còn trẻ.
Nếu không có nền tảng vững chắc về mình và những gì bạn thích, bạn sẽ bị hụt hẫng khi về hưu, và khó khăn để tìm ra điều gì giúp bạn sống an vui trong thời gian cuối chặng đường đời.
Prihandito đưa ra lời khuyên, hãy khám phá những sở thích, hứng thú và đam mê trước khi nghỉ hưu để xây dựng ý thức mạnh mẽ về bản thân. Cuộc sống, dù ở lứa tuổi nào, cũng cần có niềm đam mê, là bàn đạp giúp bạn vượt qua mọi khó khăn của cuộc đời.
4.Không lập kế hoạch tài chính
Nhiều người không lập kế hoạch tài chính tốt cho việc nghỉ hưu, cũng chẳng có gì là lạ. Mặc dù Prihandito lưu ý rằng “điều quan trọng là phải bắt đầu lập kế hoạch và tiết kiệm sớm để nghỉ hưu”, nhưng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Thậm chí 5 hoặc 10 năm tiết kiệm cũng có thể giúp tạo sự an toàn tài chính cho những ngày khỏe re, không phải làm gì.
5.Thận trọng quá mức
Nếu quá thận trọng khi còn trẻ, bạn có nguy cơ bỏ lỡ những trải nghiệm ý nghĩa đó.
“Nhiều người về hưu ước họ từng gặp nhiều rủi ro hơn, cả về cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Họ cảm thấy quá an toàn và bỏ lỡ những cơ hội thay đổi cuộc sống. Điều quan trọng cần nhớ là không bao giờ là quá muộn để chấp nhận những rủi ro có tính toán và bước ra ngoài những giới hạn, ‘vùng an toàn’ của chính mình,” Prihandito nói.
Prihandito khuyên: “Nếu bạn còn trẻ, và khi còn có thể, hãy khám phá những nơi xa lạ, thực hiện các chuyến đi trong ngày hoặc lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ dài. Ngay cả khi bạn không thể đi xa, hãy khám phá môi trường xung quanh địa phương và tận hưởng những điều mới mẻ xung quanh bạn.
(theo Best Life)