Không thể tiếp tục gánh lỗ, nhà máy đường lớn nhất miền Tây buộc lòng đóng cửa, đẩy nông dân trồng mía đến gần “bước đường cùng”: Phá bỏ ruộng mía trồng cây khác.
Theo ông Trần Vĩnh Chung – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) – cho biết, do nguồn nguyên liệu không đủ phục vụ sản xuất cho nhà máy đường Phụng Hiệp, nếu tiếp tục hoạt động sẽ dẫn đến thua lỗ nặng.
Nhà máy Phụng Hiệp có công suất ép 2,500 tấn mía nguyên liệu mỗi ngày, lớn nhất miền Tây hiện nay, đặt tại TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Việc ngừng sản xuất nhà máy đường Phụng Hiệp niên vụ 2023-2024, công ty Casuco sẽ chịu lỗ 26.5 tỷ đồng cho các chi phí về khấu hao nhà máy, giải quyết nhân sự nghỉ việc, bảo dưỡng, bảo vệ… Tuy nhiên, số lỗ này chỉ bằng một phần ba so với phương án tiếp tục hoạt động.
Lý do đóng cửa nhà máy vì “nguyên liệu không đủ cho sản xuất” không có nghĩa là nông dân không trồng mía, mà họ không bán mía cho nhà máy.
Theo lời tường trình của một số người trên mạng xã hội, trước đây nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng khi giá thị trường cao hơn giá thu mua, họ phá vỡ hợp đồng dẫn tới nhà máy phải đóng cửa.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang – cho biết vụ mùa này nhà máy chưa ký hợp đồng bao tiêu với nông dân. Vì thế, nếu nhà máy ngưng hoạt động cũng không ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của bà con.
Theo tìm hiểu của VNExpress, người trồng mía bán cho nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ 1,380-1,420 đồng mỗi kg, trong khi bán cho người làm nước giải khát giá 2,200-3,200 đồng mỗi kg, hoặc các lò đường thủ công là 1,600-1,700 đồng mỗi kg. Còn thương lái thu mua mía của nông dân giá trên 1,800 đồng mỗi kg rồi chở đến Long An, Tây Ninh bán lại.
Như thế có thể hiểu, thương lái lợi dụng nhà máy đóng cửa ép giá mía nông dân chỉ là cách làm “đục nước béo cò”. Ông Tuấn cho biết, các thương lái đồng loạt ép giá nông dân chứ không chỉ một hai người, khiến “bà con mất lãi lớn”.
Nông dân Nguyễn Văn Buôi, 55 tuổi, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, rất lo lắng vì giá mía sụt giảm nhanh, tuy vậy thương lái vẫn kỳ kèo chưa chịu thu mua, muốn giảm giá thêm nữa. Ông Buôi cho biết:
“Hôm giữa Tháng Mười, thương lái đến tận ruộng đặt cọc mua mía chục (làm nước giải khát) với giá 2,300-2,500 đồng nhưng nay chỉ còn 1,100-1,200 đồng mỗi kg. Trong khi đó, một số thương lái mua mía nguyên liệu để bán cho nhà máy đường ở Trà Vinh cũng từ 900-1,000 đồng mỗi kg, tùy chữ đường (chỉ số xác định chất lượng mía)”.
Ông Buôi nói, cho biết gia đình còn 0.5 ha mía chưa thu hoạch, năng suất khoảng 60 tấn. Với giá hiện tại, mỗi tấn mía ông mất lãi hơn một triệu đồng.
Nhiều nông dân ở huyện Phụng Hiệp cho biết thêm, đối với những ruộng mía đã đặt cọc với giá cao trước đây, thương lái kỳ kèo yêu cầu giảm giá mới thu hoạch còn không họ bỏ tiền cọc (10-20 triệu cho sản lượng 50-100 tấn). Một số trường hợp, lái cho người vào ruộng mía của dân thu hoạch một phần rồi bỏ ngang. Sau đó các ruộng mía này khó có người mua, buộc lòng nông dân phải giảm giá.
Một chuyên gia kinh tế tại Sài Gòn nói, chuyện nhà máy đường Phụng Hiệp đóng cửa là hệ quả của việc quản lý nhà nước yếu kém. “Trong hệ thống quản lý đó, ngay cả người lãnh đạo giỏi cỡ nào chăng nữa cũng không thể làm gì khác hơn được. Họ phải chịu nhiều áp lực từ trên xuống, rồi từ thương lái, đến nông dân. Trong khi thị trường thay đổi từng ngày nhưng họ không được phép làm trái quy định. Thế thì làm sao có đủ mía để sản xuất đường!”
Một nghịch lý khác được người dân nhìn nhận là đường nhập về lại rẻ hơn đường trong nước. “Không những rẻ mà chất lượng còn hơn hẳn”. Một người dân viết trên VNExpress:
“Tôi ra tiệm tạp hóa mua đường, thấy chủ tiệm san đường từ bao bự (to cỡ bao xi măng 50kg) sang bọc nhỏ, thấy chữ Thái Lan in trên bao đường, tôi hỏi chủ tiệm ‘Việt Nam mình nhiều mía đường sao không bán đường sản xuất trong nước’, thì họ nói đường Thái rẻ hơn đường Việt Nam một bao cả mấy chục ngàn. Họ còn nói không hiểu sao đường Việt Nam mắc thế trong khi ở nước ta trồng mía khá nhiều. Đường nước ngoài nhập về mà còn rẻ hơn cả đường trong nước sản xuất!”
“Chắc vài năm nữa, cả nước dùng đường Thái Lan cho ngon lại rẻ, còn nông dân thì chuyển qua trồng cây khác cho hiệu quả”.