Kể từ ngày UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả đấu giá (8 Tháng Mười Một 2023), đến nay đã tám ngày mà người trúng đấu giá quyền thuê nhà hàng Thủy Tạ vẫn im hơi lặng tiếng.
Theo phương án đấu giá đã đưa ra, khoản tiền người đấu giá phải đặt cọc là 20% giá trị khởi điểm của một năm thuê (hơn 608 triệu đồng), sau khi trúng đấu giá thì phải nộp số tiền còn lại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá (tức hạn chót nộp tiền là ngày 22 Tháng Mười Một 2023).
Nhà hàng Thủy Tạ – một đảo nổi, có vị trí đẹp, tọa lạc trên hồ Xuân Hương giữa TP.Đà Lạt, có tổng diện tích 3,876m2, trong đó khu vực có mái che chỉ 383m2, còn lại là bồn hoa, sân bãi.
Thủy Tạ đối diện Dalat Palace, cách chợ Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên và công viên Yersin chỉ vài trăm mét nên được giới kinh doanh dịch vụ du lịch xem là “đất vàng”.
Tuy nhiên, vì thuộc quyền sở hữu nhà nước – mà đại diện là UBND tỉnh Lâm Đồng, nên nhà hàng này lâu nay đã được tỉnh đem ra đấu giá cho thuê.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng, cuộc đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ được tổ chức ngày 30 Tháng Mười 2023 với nhiều đơn vị và cá nhân tham gia. Để được đấu giá, người đấu giá phải trả tiền mua hồ sơ 1 triệu đồng/bộ và đặt cọc 608 triệu đồng ($24,928).
Giá khởi điểm đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ hơn 3.04 tỷ đồng/năm, gồm giá thuê nhà 378 triệu đồng/năm và giá thuê đất 2.6 tỷ đồng/năm, thời hạn thuê 10 năm.
Cuối cùng, sau 63 bước giá, ông Đoàn Hải Hà (không rõ tuổi, ngụ tổ dân phố Viên 1, Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã thắng đấu giá thuê khu đất vàng này với giá 15.15 tỷ đồng/năm ($621,150/năm).
Tiền Phong ngày 2 Tháng Mười Một dẫn nhận định của một vị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết ông Đoàn Hải Hà là một người lạ, không biết là ai, nguyên văn: “Hôm đó nhiều đơn vị tham gia. Người trúng đấu giá lạ hoắc, ở tận Hà Nội. Chúng tôi cũng không biết ông ấy là ai…”.
Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt kết quả đấu giá (ngày 8 Tháng Mười Một), Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng đã gửi thông báo cho ông Đoàn Hải Hà đề nghị nộp tiền thuê 10 năm trong một lần (hơn 151 tỷ đồng tiền thuê/10 năm, tương đương hơn $6,191,000/10 năm, trừ đi số tiền đã cọc).
Nếu trả tiền thuê chậm hơn 15 ngày, ông Hà phải chịu phạt vi phạm nghĩa vụ thanh toán và nếu chậm trên 90 ngày thì UBND TP.Đà Lạt có quyền trình UBND tỉnh Lâm Đồng hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
Lúc đó, người trúng đấu giá không chỉ mất tiền cọc mà phải trả thêm tiền thuê, tiền lãi chậm nộp theo số ngày thực tế, kể từ ngày UBND tỉnh phê duyệt kết quả trúng đấu giá cho đến ngày hủy kết quả trúng đấu giá!
Thế nhưng đến ngày 13 Tháng Mười Một, ông Hà vẫn im hơi lặng tiếng, chưa làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, theo nguồn tin của Dân Trí và Kinh Tế Môi Trường.
Được biết, số tiền ông Hà trúng đấu giá thuê nhà hàng Thuỷ Tạ là 15.150 tỷ đồng/năm ($621,150/năm), cao gấp năm lần so với giá khởi điểm là 3.040 tỷ đồng/năm ($124,640). Theo quy định, người thuê phải nộp tiền thuê một lần cho 10 năm, như vậy tổng số tiền ông Hà phải “xuống” một lúc là hơn 151 tỷ đồng.
Theo Dân Trí, giá thuê khu đất này tính theo ngày tầm khoảng 41.6 triệu đồng/ngày, khoảng 1.2 tỷ đồng/tháng ($1,705/ngày, khoảng $51,150/tháng) là rất cao so với mặt bằng thuê nhà hàng ở Đà Lạt nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, lâu nay, nhà hàng này không được dân địa phương lui tới vì giá cả dịch vụ ăn uống cao, ngay cả du khách thỉnh thoảng đến Đà Lạt ghé vào cũng chê đắt. Ai cũng ngầm hiểu dịch vụ ăn uống ở đây giá cao vì phải đóng tiền thuê cao cho chính quyền tỉnh Lâm Đồng.
Trong năm năm (từ 2015-2020), chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho một công ty du lịch thuê nhà hàng Thủy Tạ để kinh doanh ăn uống, với giá 378 triệu đồng/năm, tương đương 31.5 triệu đồng/tháng ($1,291/tháng).
Tiền thuê mặt bằng chỉ $1,291/tháng lúc đó mà giá bán đồ ăn thức uống đã bị chê đắt thì với tiền thuê mới hơn $51,000/tháng thì ai dám bước vào?
Vì thế, chung quanh vụ thắng đấu giá này của đại gia Hà Nội, đã có rất nhiều đồn đoán, rằng ông Hà hoặc chỉ muốn nổi tiếng (rồi sau đó bỏ cọc), hoặc chỉ muốn “rửa tiền” dùm cho quan nào đó?
Dân Trí ngày 1 Tháng Mười Một 2023 cũng đặt vấn đề: Với giá thuê mặt bằng nhà hàng cao như vậy mà không được sửa chữa để cơi nới thêm chỗ ngồi (như điều kiện của tỉnh Lâm Đồng đưa ra) thì đại gia Hà Nội làm gì để thu hồi vốn?
Tờ báo này trích dẫn ý kiến của một số nhà đầu tư cho thấy việc thu hồi vốn trên mảnh đất nhà hàng Thủy Tạ là điều bất khả thi.
Ông H.B., từng có kinh nghiệm đầu tư bất động sản tại Đà Lạt trong nhiều năm, nhận định: Theo tính toán, công trình có mái che ở khu vực đấu giá có diện tích 383m2, như vậy sức chứa khoảng 250 khách (mỗi khách 1.6m2). Nếu đón được lượng khách tối đa, trung bình mỗi khách phải chi trả khoảng 170,000 đồng tiền ăn uống thì Thủy Tạ mới vừa đủ để trả tiền mặt bằng (41.6 triệu đồng/ngày), chưa tính thuế, chi phí nhân viên, điện, nước, nguyên liệu đầu vào.
Ông B. cũng khẳng định vị trí của nhà hàng Thủy Tạ chỉ phù hợp kinh doanh đồ ăn uống, không phù hợp làm lĩnh vực khác.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, giám đốc một công ty tư vấn bất động sản, cho rằng việc đóng trước tiền thuê 10 năm là 151 tỷ đồng sẽ khiến giá thuê thực tế của nhà hàng Thủy Tạ cao hơn con số đó, vì nếu dùng 151 tỷ đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng, sau 10 năm, lợi nhuận thu về cũng đạt cả trăm tỷ đồng (tính theo lãi suất khoảng 6% – 7%/năm).
Độc giả Dân Trí thì dự đoán đại gia Hà Nội chỉ bốc đồng trong lúc đấu giá, còn thực tế sẽ bỏ cọc, vì với mức giá thuê ấy, dư sức mua một khu đất rồi xây dựng lên để kinh doanh chứ tội gì thuê – trả tiền thuê một lần, rồi sau đó nhặt nhạnh từng đồng, chả nhà đầu tư nào làm thế cả!
Ngoài ra, độc giả Tạo Đỗ Văn suy đoán: “Chỉ là bài toán bắt tay nhau đẩy giá trị thuê mặt bằng lên để cứu bất động sản thôi, chứ thực chất thương vụ chỉ là tiền từ túi này sang túi khác”.
Vẫn còn một tuần nữa để chờ xem đại gia Hà Nội có xuất hiện, giúp Lâm Đồng tự tin thiết lập một đỉnh giá mới cho bất động sản vùng cao nguyên đang ế ẩm vì sạt lở?