Sài Gòn: Tại sao chợ truyền thống ế?

Đã cấp giấy phép kinh doanh vải cho tiểu thương trong chợ Tân Định, chính quyền Thành Hồ lại cấp phép kinh doanh cho các tiệm bán vải đối diện chợ Tân Định – Ảnh: Minh Anh

Hai tuần nay, nhiều bài báo nêu tình cảnh buôn bán ế ẩm của tiểu thương trong các chợ truyền thống ở Sài Gòn như Bến Thành, An Đông, Bình Tây, Tân Bình, Bà Chiểu… Có người ngồi ngóng khách suốt ngày cũng chả có ai mở hàng, chợ nào cũng nhiều sạp đóng cửa treo bảng cho thuê.

Nhìn quanh, giờ có mấy ai ở Sài Gòn vào nhà lồng chợ để mua đồ? Thật vậy, sáng sớm mở cửa bước ra đầu hẻm là có các xe thùng bán đủ thứ mặt hàng. Từ rau củ quả đến trứng gà, cá, thịt, trái cây, chả thiếu thứ gì.

Sau đại dịch, các căn nhà trong hẻm và ngoài đường ở Sài Gòn vẫn tiếp tục cho thuê bán thực phẩm tươi sống, bán trái cây, còn ngoài đường thì bùng nổ các xe bán rong (xe thùng được kéo bởi xe gắn máy hoặc một cái thùng nhỏ có bánh xe để đẩy bộ).

Những gì trong chợ bán thì các cửa hàng trên đường đã bán đầy, thế thì đâu ai cần vào chợ? – Ảnh: Minh Anh

Ngay cả quần áo may sẵn, đồ tạp hóa, chén đĩa… người bán cũng chất lên xe đẩy vào từng con hẻm. Không chỉ là bánh mì, bánh chưng- bánh giò, tàu hũ nước đường… – thứ quà ăn vặt, giờ thì tất tần tật từ thực phẩm tươi sống đến nhu yếu phẩm thiết yếu, người ta đều bỏ vào thùng, kéo đi khắp nơi bằng… chân hoặc bằng xe gắn máy.

Nếu ai không thích mua hàng ở các xe thùng này thì cứ dạo một vòng quanh nhà bằng xe đạp hoặc xe gắn máy là đã có đủ đồ để mua mà không cần phải xuống xe: Từ hẻm đến đường lộ, chỗ nào cũng có người bán.

Nép vào một góc vỉa hè trước cửa một nhà dân để bán thứ gì đó, là cách mưu sinh của rất nhiều người ở Sài Gòn hiện nay – Ảnh: Minh Anh

Nghèo thì bày vài mẹt hàng dưới đất hoặc bỏ lên xe đẩy, nương theo hàng hiên nhà ai đó; khá hơn chút thì thuê hàng hiên, thuê một góc nhà hoặc căn phòng phía trước. Thượng vàng hạ cám, thứ gì cũng bán trong hẻm và ngoài đường, từ đồ ăn sáng đến thực phẩm, trái cây, thức uống, quần áo, giày dép, tạp hóa… Kể cả cà phê, trà sữa, bông hoa… cũng có trên xe gắn máy bán rong, thế thì ai cần vào chợ?

Các xe này ngoài đi rong vào tận các con hẻm thì hằng ngày còn đậu ở các ngã ba, ngã tư, thậm chí nép trên các cây cầu. Họ nhộn nhịp họp chợ lộ thiên ở lề đường, vỉa hè… khi nhác thấy bóng dáng xe tải của cán bộ trật tự đô thị thì vội vàng đẩy các thùng hàng tháo chạy.

Tấp vào vỉa hè, không cần xuống xe, người Sài Gòn có thể mua đủ các thứ họ cần dùng – Ảnh: Minh Anh

Lạ lùng nhất là người bán sỉ thịt heo mảnh, rau củ quả, trái cây cũng thuê cửa hàng mặt tiền đường để đổ hàng. Cứ đi trên quốc lộ 22, đoạn gần chợ đầu mối Tân Xuân (huyện Hóc Môn) sẽ thấy: Các cửa hàng trên quốc lộ, trên đường dẫn vào chợ có đầy đủ các mặt hàng với giá sỉ, hệt như trong chợ. Thế thì ai còn “chui” vào nhà lồng chợ đầu mối Tân Xuân để cất hàng?

Ngày tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi sống ở một vùng ngoại ô Sài Gòn. Tôi thường được mẹ dẫn ra chợ mua đồ, phòng khi mẹ bận thì tôi đi thay. Chợ lúc ấy họp trong một nhà lồng nhỏ bên quốc lộ, cách xa nhà tôi khoảng 700m. Tôi vẫn còn nhớ vị trí vài sạp bán cá, bán thịt, bán rau mà mẹ thường dẫn tôi tới.

Xe gắn máy kéo theo cái thùng chứa đủ thứ thực phẩm hiện là cách mưu sinh phổ biến của người dân khi bị thất nghiệp hoặc không có nghề nghiệp – Ảnh: Minh Anh

Ngày đó, mẹ tôi vào chợ chỉ mua hàng ở một số sạp nhất định và tôi phải ghi nhớ để sau thay bà đi chợ thì cũng đến đúng nơi đó, gặp đúng người bán đó.

Thế mà khoảng 10 năm nay, cái nhà lồng chợ đó bỏ trống, chả ai còn ngồi trong đó. Chính quyền có hô hào tiểu thương bỏ tiền xây lại chợ thì cũng không ai đóng. Mặt chợ giáp đường quốc lộ thì chỉ còn vài sạp bán bông hoa và trái cây, bên trong trống lốc.

Thế nhưng hai con đường bên hông chợ thì người bán ngồi đầy, từ trong nhà, trước cửa nhà và cả dưới lòng đường. Người bán ở đâu cứ tấp vào, tấp vào và giờ… cái chợ ở trước cửa nhà cha mẹ tôi!

Những chiếc xe thực phẩm rong ruổi khắp các con đường và hẻm Sài Gòn. Cả Sài Gòn giờ thành một cái chợ khổng lồ – Ảnh: Minh Anh

Đa số người bán vẫn quen thuộc, nhưng thay vì ngồi trong nhà lồng chợ thì họ trở về nhà của mình – chung quanh chợ, và mở cửa hàng. Người bán ở nơi khác đến thì thuê hàng hiên của dân địa phương.

Một cái chợ… nối dài từ cái nền của chợ cũ, ngày càng dài ra đến bất tiện, lòng đường bị thu hẹp, muốn vào nhà ai trong cái chợ lề đường đó cũng khó.

Trước “Trăm người bán, vạn người mua” chứ giờ Sài Gòn có “Trăm người mua, vạn người bán” – Ảnh: Minh Anh

Ở nội ô Sài Gòn thì khác. Các chợ truyền thống ở quận 1, quận 3, quận 5, quận 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… vẫn có tiểu thương họp chợ trong nhà lồng. Khi bán ế thì tiểu thương trong chợ giống như ngồi trên “đống lửa”, vì phải gánh bao nhiêu là chi phí: Tiền thuê sạp (giờ hiếm ai là chính chủ sạp còn bán hàng), tiền thuê nhân viên, tiền phí đóng cho ban quản lý chợ, tiền thuế khoán nộp cho quận/huyện… mà bao giờ cũng “năm sau cao hơn năm trước”.

Mới đây, khi vào nhà lồng chợ Tân Định (quận 1) để kiếm một thứ đồ không thấy bán bên ngoài, sau khi mua xong, tôi hỏi người bán hàng: “Mua vải may áo dài thì tìm đến sạp nào?”. Chị bán hàng liền chỉ ra ngoài đường Hai Bà Trưng: “Em cứ ra các cửa hàng đối diện chợ đó, đầy vải may áo dài đẹp”.

Khi người mua có thể dựng xe gắn máy trên vỉa hè và vào tiệm bán vải trên đường Hai Bà Trưng để lựa chọn thì tại sao họ phải vào chợ Tân Định để mua? – Ảnh: Minh Anh

Đúng là các cửa hàng bán vải trên đường Hai Bà Trưng đối diện chợ Tân Định có đủ loại vải, thậm chí còn bán vải ký với giá rất rẻ. Đi qua những sạp bán vải trong nhà lồng chợ Tân Định mà không khỏi ngậm ngùi.

Đến bao giờ thì các sạp vải trong chợ phải dẹp vì không cạnh tranh nổi với các cửa hàng bán vải bên ngoài chợ? Tại sao đã cấp phép bán vải bên trong nhà lồng chợ, chính quyền lại cấp phép kinh doanh vải ở các cửa hàng bên ngoài, phía đối diện chợ?

Vải giảm giá, vải ký bán đầy ở các cửa hàng đối diện chợ Tân Định, quận 1 – Ảnh: Minh Anh

Bây giờ, chưa cho phép mà chợ lòng lề đường và hàng rong đã “trăm hoa đua nở” thế này, thử tưởng tượng đầu năm 2024, khi chính quyền Thành Hồ cấp phép kinh doanh trên vỉa hè (cộng với phố ẩm thực ban đêm quy hoạch ở nhiều quận nội ô như một cách phát triển “kinh tế đêm”) thì lúc đó áng chừng cả Sài Gòn sẽ biến thành một cái chợ lộ thiên khổng lồ, càng o ép những tiểu thương ngồi trong chợ!

Bộ mặt đô thị – trung tâm Sài Gòn, lúc đó sẽ méo mó một cách kỳ dị.

Vỉa hè Sài Gòn là nơi người ta có thể bán đủ thứ – khi chính quyền không lo được cho dân thì dân phải tự bươn chải theo cách của họ – Ảnh: Minh Anh

Những ngày ngắn ngủi sống ở Singapore và miền Đông nước Mỹ, tôi thấy muốn mua đồ phải đi bộ khá xa hoặc phải đi bus. Chợ ở Singapore chỉ họp từ sáng đến trưa, chuyên bán thực phẩm tươi sống và đồ ăn đã sơ chế hoặc chế biến sẵn. Nếu muốn mua các thứ đồ dùng, quần áo hay đồ trang trí… thì phải đến siêu thị.

Chợ và siêu thị ở Singapore luôn cách xa nhau, không có chuyện chợ đàng sau, siêu thị đàng trước như chợ Phú Lâm ở quận 6, cũng không có chuyện người dân có thể mua đủ thứ đồ khi chưa đến chợ hoặc chưa đến siêu thị.

Sài Gòn là chốn mưu sinh của người dân cả nước và người đàn ông từ miền Bắc lưu lạc vào đây có thể kiếm sống bằng xe bán bánh ngọt và cả… rau salad – Ảnh: Minh Anh

Ở Mỹ thì chợ hiếm. Chợ châu Á chỉ họp ở khu China Town, còn chợ Mỹ chỉ họp vào cuối tuần, tại một địa điểm đã ấn định – nơi mọi người có thể mua đủ thứ đồ với giá rẻ hoặc mua đồ đặc sản địa phương, với bảng giá niêm yết rõ ràng, không cò cưa trả giá.

Nói chung, ở các tiểu bang miền Đông nước Mỹ mà tôi đến, buôn bán cái gì đều có nơi chốn nhất định, không phải bạ đâu cũng bán, bạ đâu cũng có thể mua được hàng… như ở Sài Gòn.

Nếu không quy hoạch được nơi chốn buôn bán rõ ràng và ổn định như ở xứ người thì đã đến lúc, các chợ truyền thống ở Sài Gòn phải thay đổi: Mỗi chợ chỉ nên bán chuyên một thứ nhất định, mang tính chất riêng biệt và khác biệt với hàng hóa bên ngoài chợ. Bên cạnh đó, để duy trì chợ truyền thống, chính sách thuế cho tiểu thương phải ổn định, đừng có kiểu khoán thuế “năm sau cao hơn năm trước”.

Lúc đó, chợ mới hấp dẫn được người vào và tiểu thương trong chợ không phải “ngồi trên đống lửa” và than phiền ế ẩm khi năm hết tết đến.

Chợ truyền thống phải thay đổi hoặc phải đóng cửa vì đến năm 2024, chính quyền cho phép kinh doanh trên các vỉa hè – Ảnh: Minh Anh

Cuối cùng, tôi vừa đọc thấy một bài báo khuyến khích tiểu thương tích cực bán hàng online: Nếu tiểu thương giỏi bán hàng online thì họ có cần ngồi trong nhà lồng chợ  – đóng đủ thứ chi phí, để bán hàng không? Chắc chắn là không.

Đó là chọn lựa của rất nhiều chủ shop quần áo, trang sức, đồ lưu niệm… ở trung tâm quận 1, quận 3. Khi không trụ nổi với giá thuê mặt bằng (ngày càng tăng), họ đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sự chọn lựa đó đã khiến nhiều cửa hàng ở trung tâm quận 1 (Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lý Tự Trọng), quận 3 (Hai Bà Trưng) đóng cửa từ hồi sau dịch đến giờ mà vẫn chẳng có ai thuê.

Khi người tiêu dùng có thể mua hàng ở khắp mọi nơi mà chợ truyền thống vẫn không thay đổi, còn quy hoạch đô thị vẫn “làm ngơ”, thậm chí cho phép dân bán hàng ở vỉa hè, lòng đường, thì tất yếu, mô hình chợ truyền thống sẽ tự… chết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: