Tại sao uống rượu vang đỏ lại bị đau đầu?

Minh họa: Helena Lopes/Unsplash

Có một bí ẩn trong rượu vang mà xưa nay người ta không biết nguyên nhân. Đó là ở một số người (cũng nhiều lắm) nhanh chóng bị đau đầu khi uống rượu vang đỏ. Điều kỳ lạ ở chỗ, họ là những tay “bợm nhậu”, chứ không phải dân “a-ma-tơ” về rượu. Uống rượu vang trắng, hay rượu mạnh vẫn bình thường, nhưng chỉ nhấp chút rượu vang đỏ là bị đau đầu. Lạ không?

Một nghiên cứu mới cuối cùng có thể giúp giải quyết một bí ẩn liên quan đến vấn đề này. Các nhà khoa học tại Đại học California Davis tin rằng họ đã tìm ra lý do: Đó là trong rượu vang đỏ có quá nhiều một loại flavonoid đặc biệt khó hòa hợp với rượu.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng nhỏ để kiểm tra thêm lý thuyết của họ.

Đau đầu do rượu vang đỏ dường như là hiện tượng riêng biệt của chúng – một hiện tượng khó có thể giải thích dễ dàng. Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng có thể là do dư thừa histamine trong vỏ nho dùng để làm rượu vang đỏ. Một số chuyên gia khác lại suy đoán rằng lượng tannin dồi dào hoặc một loại chất bảo quản gọi là sulfites trong rượu vang đỏ là nguyên nhân.

Dường như những nhận định trên đều không đúng, và nhóm tác giả nghiên cứu của Đại học California Davis, đã tìm ra một thủ phạm khác. Đó là do chất flavonoid quercetin.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.

Minh họa: Sergey Raikin/Unsplash

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng flavonoid cũng có thể gây đau đầu khi uống rượu vang đỏ, dựa trên một vấn đề sinh học khác liên quan đến rượu.

Flavonoid là chất dinh dưỡng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm chocolate và nho. Chúng có thể có những lợi ích tiềm năng cho sức khỏe, chẳng hạn như đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, đồng thời chúng giúp tạo nên màu sắc của rượu vang đỏ.

Một số người, đặc biệt là những người gốc Á, có xu hướng bị đỏ da và các triệu chứng khác chỉ sau khi uống một chút rượu. Điều này thường xảy ra do có một biến thể của một số gene giúp chúng ta chuyển hóa rượu. Một trong những gene này chịu trách nhiệm sản xuất enzyme ALDH2, có tác dụng phân hủy acetaldehyde, một sản phẩm phụ độc hại của rượu.

Nếu không có enzyme này, acetaldehyde sẽ tích tụ trong cơ thể và khiến con người mệt mỏi.

Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng flavonoid có thể gây ra vấn đề tương tự với ALDH2 và acetaldehyde. Trong phòng thí nghiệm, họ phát hiện ra rằng sản phẩm phụ của flavonoid thực sự có thể ức chế việc sản xuất ALDH2. Dựa trên lượng flavonoid được tìm thấy trong một loại rượu vang đỏ thông thường và cách nó phân hủy trong máu của chúng ta, nhóm nghiên cứu ước tính rằng một ly tiêu chuẩn phải chứa đủ flavonoid để ức chế sản xuất ALDH2 khoảng 37%.

“Chúng tôi cho rằng khi những người nhạy cảm tiêu thụ rượu vang với lượng flavonoid thậm chí còn khiêm tốn, họ sẽ bị đau đầu, đặc biệt nếu họ bị chứng đau nửa đầu từ trước hoặc một tình trạng đau đầu nguyên phát khác”, đồng tác giả Morris Levin, giáo sư thần kinh học nói.

Minh họa: Eason F/Unsplash

Những phát hiện này chưa phải là bằng chứng chắc chắn cho thấy flavonoid gây đau đầu do rượu vang đỏ. Và có vẻ như đây không phải là mảnh ghép quan trọng duy nhất của câu đố, nhóm nghiên cứu lưu ý. Một số người có thể dễ mắc phải tình trạng này hơn, có thể do cách họ phản ứng với acetaldehyde hoặc phân hủy flavonoid. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số loại rượu vang đỏ chứa nhiều flavonoid hơn những loại khác, do sự khác biệt trong quy trình sản xuất rượu vang, chẳng hạn như được làm bằng nho phơi nắng nhiều hơn.

Theo ông Levin thì nhóm nghiên cứu của ông đang đi đúng hướng trong việc giải thích bí ẩn hàng thiên niên kỷ này. Bước tiếp theo là thử nghiệm nó một cách khoa học trên những người mắc chứng đau đầu này vì rượu vang đỏ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất những người bị nhức đầu khi uống rượu vang đỏ quan tâm là làm sao để họ không còn bị nhức đầu nữa, thì chẳng ai nghiên cứu cả.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: