Lạm phát giảm, người Mỹ vẫn ‘liệu cơm gắp mắm’

Đi chợ, chỉ mua những thứ thiết yếu. (minh họa: Michael Loccisano/Getty Images)

Mặc dù suy thoái kinh tế vẫn có khả năng xảy ra, nhưng cho đến nay tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, tổng sản phẩm quốc nội đang tăng trưởng và lạm phát đã giảm so với mức đỉnh điểm vào Tháng Sáu năm 2022, nhưng nhiều người vẫn chưa thấy niềm hy vọng nào cho một nền kinh tế phục hưng, nên vẫn phải hạn chế tiêu dùng.

Olivia Thomas, một chuyên gia giáo dục ở New Jersey, nói với CNBC Make It: “Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên cứ phải… nín thở mà chờ.”

Khi những người như Thomas xem xét hoàn cảnh cá nhân của họ và nền kinh tế rộng lớn hơn, một số người đang thực hiện các điều chỉnh việc chi tiêu của mình. Theo dữ liệu từ giám sát bán lẻ mới của CNBC và National Retail Federation, chi tiêu của người tiêu dùng đã bắt đầu giảm dần. Doanh số bán lẻ không bao gồm xe hơi và gas đã giảm 0.08% trong Tháng Mười.

Rất nhiều yếu tố có thể góp phần vào việc này. Các khoản thanh toán khoản vay sinh viên liên bang được tiếp tục vào Tháng Mười, thế là phải lấy đi một khoản trong thu nhập hàng tháng. Nhưng mùa lễ tới rồi, không thể không chi tiêu.

Hơn nữa, sau đại dịch COVID-19, nhiều người nghĩ rằng họ đã phải nhịn ăn, bớt mặc trong hơn hai năm trời, giờ đến lúc phải “bung lụa” chứ! Và sự “vung tay quá trán” dẫn đến nợ tín dụng. Đúng vậy, nợ thẻ tín dụng đã đạt mức cao kỷ lục vào cuối Quý III năm 2023. Chẳng ai vui vẻ gì khi ôm một cục nợ.

Mặc dù sự lạm phát -tốc độ tăng giá – đã chậm lại chỉ còn 3.2% trong Tháng Mười, nhưng giá các mặt hàng thiết yếu như tiền thuê nhà và thực phẩm đang ở mức cao ngất ngưởng so với năm 2019. Cùng với tình hình chính trị không ổn định, khiến người tiêu dùng có tâm lý cảnh giác hơn với nền kinh tế.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với Squawk Box của CNBC: “Tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm lạm phát, nhưng mọi người vẫn nhận thấy mức giá cao hơn so với những gì họ từng quen thuộc.”

Peter Hughes, nhà phân tích tài chính và người sáng lập Evolve Investing, cho biết khách hàng của ông, đa số là người trẻ sống ở New York hoặc California, chưa sẵn sàng để “nhịn” đi du lịch khi nghỉ phép năm, nhưng họ sẽ chịu khó săn lùng giá rẻ, tour rẻ và giảm bớt chi tiêu. Họ nhận thức rõ hơn, ý thức hơn nhiều về chi tiêu của mình và xem đó là chuyện cần phải “liệu cơm gắp mắm”.

Mặt khác, có những yếu tố kinh tế nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân có khả năng cản trở mục tiêu của họ. Chẳng hạn như Thomas, là một trong nhiều người đang cố gắng mua nhà và phải vật lộn với giá cả tăng vọt hoặc lãi suất thế chấp đáng báo động, nếu không muốn nói là cả hai.

Bà đang tự nhủ: “Thay vì chờ đợi điều gì đó xảy ra, giá cả giảm xuống và mọi thứ thay đổi, bạn cần phải tự mình thay đổi trước, vì mình không thể biết được những gì đang diễn ra và sẽ diễn ra.”

Đúng vậy, chúng ta không thể kiểm soát nền kinh tế. Chuyện cố gắng tính thời gian cho thị trường chứng khoán hoặc thị trường nhà đất, luôn là những nỗ lực ngoài tầm với.

Mua nhà giờ chỉ còn là giấc mơ. (minh họa: Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images)

Tuy nhiên, một kết quả tích cực từ môi trường kinh tế hiện tại là mọi người có thể chú ý hơn đến thói quen của mình. Hughes cho biết mặc dù khách hàng của ông không khó khăn đến mức phải coi xem mình còn bao nhiêu tiền để mà đi ăn nhà hàng, nhưng “họ nhận thức rõ hơn một chút về những gì mình đang làm và cách mình chi tiêu.”

“Tôi nghĩ đó thật sự là điều lành mạnh sau khi mọi người chi tiêu ở mức cao, bù lại thời gian bị tù túng quá lâu trong đại dịch,” ông nói.

Tương tự như các khách hàng của Hughes, Noah Damsky, CFA và đồng sáng lập của Marina Wealth Advisors ở California, cho biết các khách hàng của ông, trong đó có Thomas, không chỉ đang xem xét lại ngân sách của mình mà còn nhìn vào bức tranh toàn cảnh.

Ông nói: “Họ hiểu rõ hơn về vị thế của chúng ta ngày nay và nó có thể thay đổi như thế nào trong tương lai. Hành vi của mọi người thường là thiển cận, vì vậy tôi nghĩ khi đó chúng ta sẽ ít trò chuyện về lãi suất hơn.”

Thomas không quá lạc quan về tương lai của nền kinh tế, nhưng bà cũng thấy le lói vài điểm sáng, như giá xăng đang giảm, hoặc các chiến dịch đòi lương và điều kiện cho người lao động thành, chẳng hạn như cuộc đình công gần đây của United Auto Workers.

Tuy nhiên, Thomas biết mọi thứ có khả năng thay đổi ngay lập tức, và bà luôn trong tâm tư thế sẵn sàng để đối phó, cho dù chuyện gì xảy ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: