Có nàng Tô Thị…

Di tích thành nhà Mạc (ảnh: tác giả)

Khi biết tôi đi Lạng Sơn về, người nào cũng hỏi, có mua được gì không? Dường như bây giờ ai cũng quen với khái niệm đi Lạng Sơn là phải sắm… hàng Trung Quốc.

Tôi nhăn mặt, nhíu mày, lắc đầu. Lạng Sơn ngày nay đối với nhiều người là một cửa khẩu tấp nập giao thương với Trung Quốc, là những chuyến hàng buôn nhộn nhịp, nhờ vào chiều dài biên giới 253 km. Nhưng với tôi, Lạng Sơn trước hết là miền đất của những câu chuyện lịch sử, của một truyền thuyết về nàng Tô Thị mang sắc màu nhớ nhung, chờ đợi mỏi mòn, là miền đất của câu ca dao:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em

Tay cầm bầu rượu nắm nem

Mảng vui quên hết lời em dặn dò”.

Nằm trên cung đường Đông Bắc, Lạng Sơn có những địa danh nổi tiếng như Ải Chi Lăng, Quỷ Môn Quan. Tại đây có hai khối núi đối nhau, có khoảng cách rộng chừng 30 bước, tục gọi Quỷ Môn Quan. Mã Viện ngày xưa đánh Việt Nam qua đấy dựng bia và tạc rùa đá, chẳng biết có phải cũng dựng cột đồng hay không.

Binh lính Trung Hoa trong suốt ngàn năm giao tranh nơi đất Việt, khi qua đó bị giết nhiều nên tương truyền lính Tàu có câu “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn.” (Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan, mười người ra đi, một người trở về). Lạng Sơn cũng có ngọn núi Mẫu Sơn mà đôi khi Đông về, có tuyết phủ trắng xóa và bây giờ đang nổi tiếng là ngọn núi Phia Pò, điểm đến mới của những người đam mê leo núi.

Tôi đến Lạng Sơn vào một buổi chiều cuối tuần, sau một chuyến xe nhiều mệt nhọc. Buổi tối  ra đường, đường phố khá vắng, du khách có lẽ ít ai ngủ lại Lạng Sơn, chỉ hối hả vượt sang bên kia biên giới để mua hàng. Trong tâm thức của tôi, vẫn có chút gì nuối tiếc về một mảnh đất cổ với những chiến tích lịch sử nay trở thành một phố thị ồn ào kẻ bán người mua. Chợ Kỳ Lừa vào đêm và tôi dạo trong chợ thấy toàn hàng Trung Quốc. 

Chợ Kỳ Lừa (ảnh: tác giả)

Chợ khá vắng người, đèn đuốc sáng trưng, hàng hóa xanh đỏ đủ loại. Chợ Kỳ Lừa ngày xưa mỗi tháng họp vỏn vẹn có sáu phiên, cuối năm có một dịp họp chợ lớn, kéo dài từ 22 đến 27 Tháng Giêng Âm lịch, là nơi trai gái không chỉ đến mua bán, mà còn là dịp để giao duyên. Nhưng ngày nay thì chợ Kỳ Lừa mở cửa suốt đêm ngày, giao duyên không còn thấy, chỉ thấy thiên hạ giao… hàng và giao… tiền.

Qua một giấc ngủ ngon, sáng hôm sau tôi lên tầng 12 khách sạn Mường Thanh uống cà phê. Thời điểm đó, khách sạn Mường Thanh có lẽ là cao nhất khu vực này. Từ trên sân thượng nhìn xuống, trong bình minh mưa phùn, Lạng Sơn nhỏ bé và yên bình, không còn dáng dấp phố thị ồn ào nữa. Tôi thấy lòng mình chùng xuống, bâng khuâng. Cứ nhắc đến Lạng Sơn, tôi lại hình dung về một thị xã Lạng Sơn nhỏ bé, buồn dịu dàng trong tầm tay với. 

Ra khỏi khách sạn, ý nghĩ đầu tiên của tôi là đi tìm nàng Tô Thị. Nhưng trước hết phải đến biên giới. Trời mưa, mù sương. Chốt biên giới hiện ra trước mặt, nhưng chỉ có thể dừng chân mà không thể bước qua. Không phải chiều mưa biên giới, cũng không nghe văng vẳng câu hát “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu, sao còn đứng ngóng nơi giang đầu”, nhưng không gian vẫn trầm buồn, vẫn nặng trĩu. Đường biên giới lạnh lùng với những biển báo cấm, nhưng tôi tin nơi đây hẳn vẫn có những đợt sóng ngầm náu dưới vẻ bình yên.

Quay trở về đi tìm chút dấu tích của người xưa. Vùng đất Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn một thời là đất dung thân của nhà Mạc. Cái nhìn lịch sử giờ cũng không còn khắt khe như trước nữa. Người ta đã có những đánh giá xác đáng về công tội của vương triều nhà Mạc. Suốt gần trăm năm hùng cứ nơi miền biên giới, nhà Mạc vẫn liên tiếp mở những khoa thi tìm kiếm nhân tài. 

Và vào năm 1594, có một phụ nữ đã giả trai đi thi, trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam. Đó là bà Nguyễn Thị Duệ. Sau này bà được tuyển vào làm phi của vua Mạc Kính Cung. Khi quân Lê – Trịnh lên dẹp nhà Mạc, nhờ có tài, có sắc, bà lại được tiếp tục giữ lại trong cung vua Lê làm nữ quan dạy học. Số phận tròn đầy, viên mãn qua mọi thời cuộc đảo điên, nhờ vào chút tài năng và nhan sắc. Bà là hình ảnh hiếm hoi đối lập với bao thân phận phụ nữ trôi dạt theo từng cuộc chiến chinh, mà nàng Tô Thị là mẫu hình đại diện.

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn và pho tượng nàng Tô Thị là một khu di tích, thấy rõ bàn tay của con người mới sửa sang, tô điểm, nên tôi không thú vị lắm. Dấu xưa còn lại chỉ là vài bức tường thành, chắc cũng đã được phục chế, nhưng vẻ cũ kỹ rêu phong hãy còn. Nội chiến trăm năm vì quyền lợi và ngôi vị của một vài cá nhân, nhưng là nguyên nhân của bao cảnh chia ly, bao gia đình lìa xa, bao phận người không mong có ngày sum họp. Trên mảnh đất này đã có bao cuộc giao tranh, có chống giặc ngoại xâm, nhưng cũng có nội chiến. Kết cục bao giờ cũng có kẻ thắng người thua, nhưng chỉ người dân là chịu phận thiệt thòi.

Đường lên thành có tấm biển ghi rõ tên di tích. Bậc thang lên được xây mới nhưng tường thành vẫn còn giữ được chút vẻ cũ kỹ, cổ kính. Thời gian như đi lướt qua nơi này và không dừng lại. Sắc đá xám thâm trầm lạnh lẽo. Dẫu biết nàng Tô Thị ngày nay chỉ là nàng Tô Thị bằng đá và xi măng làm lại, nhưng tôi vẫn muốn ngắm dung nhan của nàng. Nghe bảo năm 1991, tượng đá nàng Tô Thị đã bị giật sập và bị nung vôi.

Có nhiều truyền thuyết về nàng Tô Thị. Tục truyền rằng, nơi đây ngày xưa có một cô gái tên là Tô Thị. Nàng lấy chồng sinh được đứa con trai. Một hôm người chồng ra đi rồi mãi mãi không về. Chiều chiều nàng Tô Thị bế con lên đỉnh núi mong ngóng. Trải qua bao năm dãi dầu mưa nắng nàng mỏi mòn và rồi hóa đá. 

Di tích thành nhà Mạc (ảnh: tác giả)

Trong dân gian có nhiều câu chuyện giải thích thêm lý do tại sao người chồng của nàng Tô Thị bỏ đi mãi không về. Có người nói rằng chồng nàng là Đậu Thao, làm lính, đi đánh giặc Tàu và bỏ mạng nơi sa trường không ngày trở lại. Cũng có một huyền thoại khác kịch tính hơn. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, một gia đình nọ sinh được hai anh em – một trai một gái. Một hôm người anh nghịch ngợm kê một lóng mía trên đầu em gái để róc vỏ. Lưỡi dao bén phạm vào đầu làm cô em gái bất tỉnh. 

Người anh sợ nên bỏ xứ mà đi. Mười lăm năm sau hai người gặp nhau và họ kết nghĩa vợ chồng. Một hôm, khi âu yếm, người chồng nhận ra trên đầu vợ có vết sẹo dài, anh hỏi và nghe vợ kể lại lai lịch. Thế là không nói một lời, anh bỏ nhà ra đi, biền biệt. Người vợ chờ, chờ mãi. Nàng lên núi, đứng đó, ngóng hình bóng của chồng, và hóa đá.

Từ đó, nói đến nàng Tô Thị, người ta nghĩ đến sự chung thủy mỏi mòn sắt son của người phụ nữ. Đất nước qua quá nhiều cuộc chiến, quá nhiều cuộc chia ly, nên hình ảnh phụ nữ ôm con chờ chồng là một hình ảnh có sức mỹ cảm lớn, rung động, đi vào tâm thức dân tộc.

Từ thành nhà Mạc nhìn lên, tìm mãi không thấy bóng dáng nàng Tô Thị. Chẳng có lấy một tấm biển chỉ đường, lại bước xuống những bậc thang hỏi dò. Xa xa dưới chân núi có một quán nước, một người phụ nữ trung niên khắc khổ đang ngồi thờ ơ. Thấy tôi rụt rè hỏi thăm, người phụ nữ bỗng sôi nổi khác thường. Bà mời ngồi uống nước, rồi chả hiểu sao bảo tôi chờ một lát. Lát sau bà lấy ra một khung ảnh laminate, cẩn thận đưa tôi xem một bài báo được ép kỹ lưỡng. Nội dung bài báo minh oan cho một người về tội “giết” nàng Tô Thị, có đoạn như sau: 

“Vào lúc khoảng 17 giờ ngày 27 Tháng Bảy 1991 trời mưa như trút nước và đất trời tối sầm. Sau đó, một tiếng nổ lớn rúng động quanh vùng, mọi người đổ xô ra đường thì thấy tượng nàng Tô Thị trên núi Tô Thị (hay còn gọi là núi Vọng Phu thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) – biểu tượng bất hủ của sự thuỷ chung – đã đổ ập xuống. 

Biển báo di tích Tô Thị (ảnh: tác giả)

Sau đó, người ta xây tượng nàng Tô Thị mới và khép cho một người địa phương đặt mìn phá tượng. Người bị khép là “kẻ tội đồ’ nung vôi nàng Tô Thị chính là cựu chiến binh Đoàn Văn Quyết, tên thật là Đoàn Văn Thường, sinh năm 1956, là thương binh nặng, loại 4/4. Gần 20 năm trời theo đuổi sự việc và tìm hiểu, thầy Trương Hoàng Phương, hiện là thạc sĩ, giảng viên khoa địa lý của trường Đại học Sư phạm ở Sài Gòn, đồng thời là giám đốc marketing của Công ty du lịch Vietmark, đã tìm ra nguyên nhân tượng nàng Tô Thị bị đổ và minh oan cho ông Quyết.

Sự thật là tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. 

Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Nghi án tượng nàng Tô Thị đổ được giải, Tô Thị bị sập không phải là do mìn, mà chính do sự bào mòn của các lớp đá vôi, khiến tượng bị trượt dài từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27 Tháng Bảy 1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp gây đổ tượng.”

Đây… nàng Tô Thị (ảnh: tác giả)

Hóa ra quán nước xa xa dưới chân nàng Tô Thị là quán nước của vợ chồng ông Đoàn Văn Quyết. Người phụ nữ trung niên ấy là vợ của ông. Họ mở quán bán nước, vừa để mưu sinh, vừa để tận dụng tìm cơ hội minh oan. Nỗi oan của một thời, dù chỉ hơn một tháng tạm giam, nhưng lời lẽ, điều tiếng đã đổ lên đầu ông Quyết bao nhiêu năm. 

Chia tay bà Quyết với nỗi ngậm ngùi thương cảm về một thời ấu trĩ, tôi lại tìm đường lên gặp nàng Tô Thị với diện mạo mới. Đường núi chật hẹp, nhiều chỗ phải bám vào đá. Cuối cùng tôi cũng lên đến nơi. Tôi thấy một nàng Tô Thị tân thời, nhan sắc thô thiển được đắp vụng về bằng đá và xi măng, gần bằng kích cỡ người thật, làm tôi thất vọng vô cùng. Đành tự an ủi bằng ý nghĩ, không phải là hồn đá ngày xưa, nhưng câu chuyện và tấm lòng thủy chung son sắt của nàng Tô Thị thì sẽ còn được nói đến mãi. Tượng đá chỉ là hình hài vật chất, lời truyền tụng qua ngàn năm mới là điều còn ở lại.

Tôi còn quay lại Lạng Sơn nhiều lần nhưng không còn gặp quán nước của ông bà Đoàn Văn Quyết, dù có ý muốn tìm gặp lại ông bà. Nghe nói ông bà đã buộc phải dọn về trong một ngõ hẻm nào đó bởi vì Lạng Sơn quy hoạch khu vực này. Sau này mỗi khi nhớ đến Lạng Sơn, tôi lại nhớ buổi sáng mù sương, nhớ tượng đá nàng Tô Thị tân thời được vụng về phục chế. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: