Trên chuyến bay từ Sài Gòn đi Seoul (Hàn Quốc) cuối Tháng Mười Hai, tôi gặp một bà trên 50 tuổi và hai vợ chồng trên 70 tuổi sang Mỹ thăm con. Câu chuyện từ họ cho thấy người Việt luôn sẵn sàng làm tất cả vì con.
Người phụ nữ trên 50 tuổi tên Du, đã quen thuộc với việc bay đường dài sang Mỹ thăm con. Hành lý của bà mang lên phi cơ gồm một túi đeo vai hiệu Louis Vuitton, một valy cabin cùng nhãn hiệu. Chân bà đi giày sneakers cũng nhãn hiệu Louis Vuitton, tay đeo nhẫn kim cương. Khuôn mặt của bà bình thường trông nghiêm nghị, nhưng khi cười thì thân thiện.
Ba người con của bà (một nữ, hai nam) đã sang Mỹ học từ năm lớp 9 đến đại học, một năm học tốn hơn $100,000/người. Bà kể các con bà không có ý định ở lại Mỹ như các du học sinh Việt Nam khác, vì gia đình bà có công ty đang làm ăn tốt ở Sài Gòn.
Đứa con gái đầu học xong trung học và hai năm đại học ở Mỹ đã sang Canada học tiếp hai năm cuối, sau đó sang Nhật học tiếp thạc sĩ. Hiện tại, cô là phụ tá đắc lực của cha, giám đốc một công ty xuất nhập cảng, chuyên nhập các loại xe phục vụ cho xây dựng từ Nhật. Cô gái này vừa giỏi tiếng Anh vừa giỏi tiếng Nhật.
Dù nay đã trên 30 tuổi, cô gái vẫn mê đời sống độc thân, chưa gắn bó với ai và khi nào được cha cho “nghỉ phép” lại xách valy đi du lịch ra nước ngoài một mình.
Người con trai thứ hai học xong đại học đã tiếp tục học thạc sĩ ở New York City, một chàng trai cao 1.75m, vừa giỏi tiếng Anh vừa giỏi tiếng Hoa. Người con trai út của bà sanh năm 2004, cũng cao lớn gần 1.8m, đang học đại học ở Boston, ngoài tiếng Anh còn thông thạo cả tiếng Hàn Quốc.
Cậu út lúc đầu tính học đại học ở Hàn Quốc vì mê các ban nhạc của xứ sở này nhưng cha cậu không đồng ý, bảo phải có bằng đại học Mỹ rồi muốn học tiếp ở đâu thì học. Thế là cậu vâng lịnh cha.
Điều đáng khen là cả ba đứa con của bà Du dù giỏi ngoại ngữ nhưng cũng giỏi viết tiếng Việt, bà tự hào không đứa nào viết sai chánh tả vì hồi cho học trung học quốc tế ở Việt Nam, bà chọn trường song ngữ, vừa học chương trình tiếng Anh song song với chương trình tiếng Việt.
Vì học cả hai chương trình song song, bà phải cho con đi học thêm văn-toán-lý-hóa. Thời gian đưa đón ba đứa con đi học thêm, ngoài giờ học chính ở trường quốc tế, rất cực – bà nhớ lại. Mỗi ngày, sau giờ học ở trường quốc tế, trên đường đến lớp học thêm văn- toán- lý- hóa của chương trình tiếng Việt, các con bà phải ăn hay uống nhanh một thứ gì đó để khỏi đói.
Tuy nhiên, vợ chồng bà chấp nhận và quan niệm: “Nó nói giỏi mấy thứ tiếng cũng được, nhưng trước tiên phải giỏi tiếng mẹ đẻ”.
Bà Du kể chuyến đi Mỹ lần này là bà sang thăm con trai thứ hai và con trai út. Bà cười: “Hai đứa không chịu về Sài Gòn dịp lễ thì mình đi thăm nó”.
Ba mẹ con bà hẹn gặp nhau ở Nam Cali, tại nhà một người quen, sau đó mẹ con bà đến Las Vegas chơi đêm Noel. Đón Lễ Giáng Sinh xong, cả ba mẹ con bà Du sẽ quay lại New York City để đón năm mới. Sau đó, từ phi trường Boston, bà sẽ bay thẳng về Sài Gòn.
Lịch đi Mỹ thăm con của bà là một tháng, muốn đi hơn cũng không được vì “nhà bao việc”. Quá cảnh ở Seoul, sau đó, bà sẽ tìm đến cổng để lên chuyến bay Korean Air đến Nam Cali.
Với sự thông thạo của người từng đi nước ngoài nhiều, bà so sánh: Lần đầu tiên tui đi hãng bay Korean Air, ghế hạng phổ thông của hãng này có chỗ ngồi rộng, khoảng cách giữa hai hàng ghế và lối đi giữa cũng rộng hơn các hãng khác. Bà nhẩm tính sẽ bảo hai chàng trai của mình đặt chuyến bay Korean Air khi từ Mỹ về Việt Nam, vì cả hai chàng đều cao lớn, chân dài.
Hóa ra bà là dân Công giáo, gia đình có đạo gốc lâu đời thuộc giáo xứ Thủ Thiêm, trước thuộc quận 2, Sài Gòn. Bà kể những kỷ niệm thuở nhỏ khi sống trong căn nhà cha mẹ tại Thủ Thiêm: chị em bà thường chơi đùa thỏa thích trong nghĩa trang Công giáo và tu viện Mến Thánh Giá. Lễ cưới của bà và người chị được cha xứ làm tại nhà thờ này.
Điều may mắn là khi toàn bộ giáo dân Thủ Thiêm buộc phải dời khỏi nơi cư trú ổn định của họ hơn 20 năm trước, lúc đó sáu chị em của bà Du đã có gia đình riêng, cư ngụ ở nơi khác, còn mẹ của bà đã mất, nên việc giải tỏa khu đất này không còn ảnh hưởng đến họ như các gia đình khác.
Trước Tháng Tư 1975, cha của bà Du là một sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông bị buộc phải “học tập cải tạo” và sau hơn sáu năm ở trong tù, ông trở về với thân thể ốm o, bị nhiều chứng bệnh và một năm sau đó thì ông mất đột ngột vì bị “xuất huyết não”. Mẹ bà Du và sáu anh chị em của bà không có cơ hội định cư diện HO ở nước Mỹ, vì ông “chết bên ngoài trại” – theo lời bà.
Hỏi bà có ý định mua nhà bên Mỹ cho con ở không, vì tiền mướn phòng của các con bà mỗi tháng cũng hơn $1,000, ba năm trung học và bốn năm đại học cũng tốn bộn. Bà cười: “Chồng tui và tui không mua vì các con cũng không có ý định ở lại Mỹ. Mặt khác, làm chủ một căn nhà ở Mỹ đóng thuế nhà, thuế đất hằng năm cao lắm, nên thôi, để tiền đó ở Việt Nam làm ăn”.
Trong hàng mớ câu chuyện về gia đình, bà kể hồi năm 2020, khi đại dịch COVID bùng nổ ở Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác, bà và ba đứa con ở bốn quốc gia khác nhau. Lo sợ cho tính mạng của vợ và ba đứa con, chồng bà đã vận dụng mọi sự quen biết để mua vé “chuyến bay giải cứu” cho vợ con. Cả bốn mẹ con bà trở về Sài Gòn trên bốn “chuyến bay giải cứu” khác nhau, với tổng tiền vé gần $50,000.
Khi tòa án xử các quan tham của đường dây “chuyến bay giải cứu”, chồng bà nói với bà: “Xử họ nhưng sao không hoàn tiền cho mình?”. Hỏi vui thôi chứ hai vợ chồng bà đều biết câu trả lời: “Tiền vô túi quan là của quan”.
Xuống phi trường Incheon của Hàn Quốc, sau khi chia tay bà Du, tôi gặp một cặp vợ chồng dược sĩ cùng tên Thanh trên 70 tuổi, đi chung chuyến bay thứ hai, từ Seoul đến Atlanta. Đây là lần đầu tiên ông bà đi Mỹ, với mục đích thăm con gái út sắp chuyển dạ sanh đứa con đầu lòng.
Bà Thanh xởi lởi kể: “Anh chị tính đến đây chơi khoảng hơn tháng, khi đầy tháng cháu ngoại xong mới về”.
Nhà có hai con gái, ông bà muốn các con theo nghề dược vì nhà có sẵn tiệm thuốc tây, làm ăn cũng tốt ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Nhưng con gái đầu theo nghề kiến trúc, rồi cùng chồng lập công ty xây dựng ở Sài Gòn; con gái thứ hai học xong đại học ngành kinh tế ở Sài Gòn, khi lấy chồng quốc tịch Mỹ, sang Mỹ phải học lại đại học và học luôn thạc sĩ.
Sau tám năm sang Mỹ định cư, khi học hành xong và có việc làm, con gái bà mới nghĩ đến chuyện có con.
Bà Thanh thật thà nói: “Anh chị cũng không muốn gả con đi xa, ngặt chồng nó trước cùng quê, học chung với nhau từ nhỏ đến lớn, sau khi định cư ở Mỹ cùng cha mẹ đã quay về Việt Nam hỏi cưới nó. Chị và ông bà thông gia cũng biết nhau vì ở cùng thành phố, chị đã giao hẹn: Sang Mỹ phải cho con gái tui đi học, đừng bắt nó làm dâu”.
Trước khi rời nhà, ông bà phải chuẩn bị cả tháng: kiếm chỗ gửi hai con mèo, một con chó; kiếm người giao trông nhà và quản lý tiệm thuốc tây.
Họ phải nghỉ lại nhà con gái lớn ở Sài Gòn một đêm, để chờ ra phi trường lên chuyến bay đầu tiên đi Seoul.
Vốn chỉ rành tiếng Pháp, ông bà khá lóng ngóng khi lên chuyến bay thứ hai sang Mỹ của hãng Delta. May nhờ con gái đăng ký dịch vụ wheelchair, ông bà có hai nhân viên của hãng Delta trợ giúp khi làm thủ tục nhập cảnh Mỹ ở phi trường Atlanta. Họ cũng giúp ông bà đi nhận hành lý và gửi hành lý, trước khi đưa ông bà đến cổng chờ, tiếp tục lên chuyến bay nội địa đến Florida.
Khi chia tay ông bà, tôi còn nhớ lời bà nhận xét: “Hãng Delta này cho ăn đồ lạnh quá, lại nhiều phô mai, may mà thằng rể có mua ít đồ chay cho chị mang theo. Ngoài ra, chỗ ngồi của hãng bay này hẹp quá, anh chị không ai mập mà còn khó cựa quậy, duỗi chân”.
Chuyến bay của hãng Delta từ Seoul sang miền Nam nước Mỹ dài hơn 18 tiếng đúng là nỗi ám ảnh của người Việt lớn tuổi lần đầu tiên sang Mỹ, vốn không quen với đồ ăn tây và phải ngồi trong không gian chật hẹp, tiếng ồn lớn. Riêng chuyến bay nội địa của hãng Delta thì tốt hơn, với chỗ ngồi rộng hơn, chiêu đãi viên hàng không thân thiện hơn.
Lần nào đi Mỹ, tôi cũng gặp những ông bà già trên 70 tuổi từ quê miền Nam sang Mỹ lần đầu thăm con. Đi cả vợ chồng như ông bà dược sĩ còn đỡ, có người tôi gặp chỉ đi một mình, với một đống hành lý và một tấm bảng trước ngực viết sẵn tiếng Việt và tiếng Anh: “Tôi không biết tiếng Anh, xin trợ giúp”.
Khi con cháu không thể bay về quê nhà, cha mẹ Việt sẵn sàng từ bỏ mọi thói quen sinh hoạt thường nhật ở nhà để nếm mùi hành trình muôn dặm vất vả, với động lực mạnh mẽ là sắp được gặp con, gặp cháu.