Hưởng, đấy là khôn ngoan; khiến hưởng, đấy là đức hạnh
(Cách ngôn Ả-rập)
Ngày Tết, đối với nhiều người, chỉ có thú vị khi nào nghĩ lại – người ta thường hay cùng nhau nhắc tới những Tết năm ngoái, năm xưa với một vẻ mến tiếc âu yếm, lẫn với đôi chút ngậm ngùi. Nhất là những Tết ngày người ta còn nhỏ… Lúc ấy, cùng với những nỗi vui ngày Tết đã qua, còn vướng niềm thương tiếc tuổi niên hoa, cái tuổi mà người ta nhận là “vô tư lự”, ngây thơ và sung sướng.
Nhưng nỗi nhớ tiếc ấy chẳng ích lợi gì, mà lại ngăn chúng ta không toàn hưởng được thời khắc hiện giờ. Đậm đà, mạnh mẽ hơn bao nhiêu là sự hưởng thụ ngay hiện tại, thêm vào cái thú hưởng những giờ vui, cái thú vô song của sự mình biết mình đương hưởng.
Ngày còn ít tuổi, tôi không hiểu biết được cái thú uống trà. Chén trà thơm lúc đó với tôi làm sao bằng được những mộng đẹp tôi đang mơ tưởng trong lòng. Bây giờ tôi đã biết rồi — và thỉnh thoảng một buổi sớm hay trưa, tôi nâng chén trà lên để nhìn đời qua hương khói. Hưởng hương vị chén trà thì ít, nhưng hưởng cái thú ở đời, và nhất là hưởng cái giờ khắc nghỉ ngơi, nhàn nhã, mà tự mình cho phép. Người ta chỉ có thể hưởng được cái Khoái lạc của Nghỉ ngơi, khi biết cái Nghệ thuật Nghỉ ngơi cũng như biết cái Nghệ thuật Làm việc.
Tôi hiểu là vô ích và điên dại cuộc theo đuổi mộng ảo không cùng, việc lần lưã để hạnh phúc lại ngày lại ngày. Tôi hiểu rằng hoa nở sớm nay cũng tươi đẹp chẳng kém hoa nở ngày mai, thời tiết Xuân nay êm dịu hơn Xuân bao giờ hết, và trời trong cùng ánh nắng kia hiện giờ đang đẹp vô ngần…
Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. Ngày Tết nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ. Đêm Giao thừa “thời gian qua nghỉ bước trên từng cao” là giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hưởng mùi thơm thuỷ tiên, cánh hồng hoa đào nở, hưởng làn khói trầm vấn vít bay lên cao. Hưởng đi, trong cái khoái lạc của sáng suốt, trong cái minh mẫn của tinh thần, trong sự thư thái thảnh thơi của lòng bình tĩnh. Tiếc thương như gia vị và mong mỏi như làm ấm nóng cái thú vô cùng.
Rượu sánh trong cốc pha lê trong trộn mùi khói pháo với hương thuỷ tiên. Tiếng pháo nổ vui từ nhà nọ sang nhà kia, liên tiếp, đi mãi vào trong đêm để làm vang động bầu không khí Xuân của khắp cả các gia đình. Đó là tiếng hiệu lệnh của sự thông đồng chung hưởng.
*****
Lúc đó mỗi nhà đều uống rượu thưởng năm mới. Rồi chiếc bánh chưng đầu năm mang lên, xanh mịn trên đĩa trắng. Bánh chưng gói khéo thì vuông và chắc rắn: gạo mềm và nhiễn, nhân đậu và mỡ quánh vào nhau. Chỗ nạc thì tơi ra như bông gạo. Có nhà gói lắm nạc, nhưng nhiều mỡ vẫn ngon hơn: mỡ phần, chỗ giọi, lúc chín thì trong, và không có thớ. Bánh chưng kể mặn là phải vị. Nhưng có dăm bảy chiếc gói ngọt cũng hay. Chỉ khó làm sao cho đừng sượng, và đường với đậu phải biến với nhau mà thôi.
Tưởng lúc xén đũa đưa miếng bánh chưng lên, thoảng mùi lá dong thơm và mùi nếp cái, ăn với dưa hành trong như ngọc thạch, hoặc với củ cải đậm và ròn như pháo xuân! Đó là tất cả hương vị của cái Tết Annam, ngày nay và ngày xưa.
*****
Sáng Mồng Một Tết, chúng ta uống rượu và ăn mứt. Rượu hẳn là phải rượu Tây: những thứ vang cũ ngọt như Porto, nồng chua như Vermouth, hay say như Cognac. Uống những thứ ấy thích hơn liqueurs. Nhưng sao ta không có rượu ngon của ta? Tiếc vì bây giờ cái gì của người mình cũng vụng về và giả dối. Còn đâu thứ rượu Cau có tiếng ở Hoàng Mai, thứ rượu Cúc nổi danh ở tỉnh Bắc? Cái hào nhoáng, cái lộng lẫy bề ngoài đã thay cái chân thực, cái cẩn thận của người xưa. Đơn sơ và cẩu thả đã cướp chỗ của tốt bền, ở tất cả những sản phẩm của nước mình.
*****
Mứt ngày trước cũng ngon và khéo hơn mứt bây giờ. May gần đây, việc làm Mứt ngày Tết đã khá hơn. Đã có mứt Sen Cự Hương, mứt Khoai Việt Hương, vị cũng nhã, mà trình bày lại sạch sẽ, tinh tươm. Đem làm quà ngày Tết kể cũng tạm được.
Mứt phải đủ ngũ vị: ngọt, bùi, đậm, béo và cay. Thứ mứt Gừng cay là quý nhất. Chỉ tiếc thay mứt Gừng ngoài Bắc thô và mạnh quá. Tôi ước ao được một ngành mứt Gừng ở trong Trung — mứt Gừng của Huế, làm bằng mầm gừng non và cả nhánh, trong như ngọc và cay mềm dịu cũng như con gái Huế.
*****
Thế rồi đi Du Xuân ngày Mồng Một Tết, nhìn cây Nêu phấp phới trước các nhà, tiếng Khánh sành reo theo gió. Một cuộc hoà nhạc của sắc màu: quần áo mới của bầy trẻ, xác pháo đỏ trên gạch rêu, màu hồng nhạt hay đỏ tươi của câu đối giấy dán trên cổng, và màu củ cẩm, hay cánh sen, trên những tranh Tết — nhất là cái màu tím mát ấy, màu của đất nước Annam, của thời xưa chân thật mà không bao giờ nhìn tôi không thương nhớ ngậm ngùi…
Trong lúc đó, trời xuân đầy mây thấp và gần gụi, thời tiết êm ả như đợi chờ, gió xuân nhẹ như hơi thở, và cây cối đều nở mầm non, lộc mới – tất cả cái gì như đầm ấm, như dịu dàng. Còn hưởng cái thú nào man mác và thanh cao hơn nữa?
Cho nên ngày Tết, tôi mong các bạn cùng vui vẻ tươi sáng như ánh mùa xuân, trong khi lần giở những trang của tập báo vì các bạn này.
———
Bài viết trên đây của Thạch Lam được viết ra đầu xuân 1941. Năm đó, cả Phong Hoá, Ngày Nay đều đã đình bản, tờ Chủ Nhật ra được mấy số cũng bị rút giấy phép, nhóm Tự Lực không còn báo trong tay, đành phải xuất bản một quyển sách gọi là “Sách Tết Đời Nay.” Lạ một điều là trong cuốn nửa sách, nửa báo 48 trang khổ to như khổ báo Ngày Nay, Phong Hoá, các tác giả Thế Lữ, Khái Hưng.. đều không ký tên thật của mình sau các bài viết. Và Thạch Lam cũng vậy. Chúng tôi chỉ căn cứ vào giọng văn và nội dung bài viết mà khôi phục lại tên tác giả. (Theo trang hoanghaithuy)