Melissa và Mark Wimmer chia sẻ họ không bao giờ ép buộc cậu con trai Mike của mình làm bài tập về nhà, nhưng lại rất cứng rắn trong việc kết bạn của con.
Mike 14 tuổi, là thần đồng, thành viên của Mensa, sống ở Salisbury, North Carolina. Cậu bé lấy bằng trung học, bằng cao đẳng và bằng cử nhân chỉ trong vòng ba năm. Cùng với những thành tựu đó, Mike còn điều hành hai công ty về công nghệ, thành lập công ty thứ ba và hợp tác với Atlantic Lionshare, một tổ chức có trụ sở tại Bermuda, nhằm bảo vệ các hệ sinh thái dưới nước bằng cách điều chỉnh các loài cá mao tiên xâm lấn.
Mike tự nhận mình là người hướng ngoại, trong khi một nghiên cứu cho thấy có một mối tương quan được thống kê giữa tính hướng nội và chỉ số IQ cao. “Thành thật mà nói, mọi người mong đợi sẽ được gặp một ‘Young Sheldon’ khác khi họ gặp Mike,” Melissa nói với CNBC Make It, đề cập đến một chương trình truyền hình của CBS.
Nhưng sau khi nói chuyện với cậu bé, họ nhận ra “cu cậu chỉ là một bé trai 14 tuổi bình thường với khả năng làm được những điều hoàn toàn đáng kinh ngạc.”
“Young Sheldon” là bộ phim truyền hình sitcom dành cho lứa tuổi mới lớn của Mỹ do Chuck Lorre và Steven Molaro sáng tạo cho CBS. Loạt phim lấy bối cảnh vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, kể về nhân vật chính Sheldon Cooper là một thần đồng ở thị trấn hư cấu Medford, Texas. Khi lớn lên, anh cố gắng hòa nhập vào thế giới của mọi người, kể cả bố mẹ, anh chị em bạn bè.
Cha của Mike, ông Mark Wimmer nói gia đình ông rất tự hào đã giúp Mike có được các kỹ năng xã hội phù hợp với kỹ năng trí tuệ của lứa tuổi của cậu bé. Quy tắc hàng đầu của Wimmers trong việc nuôi dạy một đứa trẻ, là hòa đồng và thân thiện khi kết bạn với bất kỳ ai. “Hãy để con cứ được là trẻ em và luôn ủng hộ điều đó,” Mark nói. “Bạn chỉ cần liên tục theo dõi nhịp độ phát triển của chúng và những gì mà các cháu cần.”
Mark và Melissa phát hiện ra trí thông minh của con trai họ trước khi cậu bé vào trường mầm non. Một nhà tâm lý học về trẻ em nói với hai bậc phụ huynh này rằng Mike đã đạt mức IQ tối đa, theo đúng nghĩa đen, và kết luận: một chương trình giáo dục đúng tiêu chuẩn không hỗ trợ được sự phát triển nhanh chóng cho cậu bé.
Một số bậc cha mẹ chọn cách dạy học tại nhà cho con, cảm thấy “không ổn” khi đưa đứa con 12 tuổi của mình vào một căn phòng toàn những học sinh 18 tuổi. Nhưng Melissa và Mark nhìn thấy giá trị của việc giúp cậu bé giải quyết những tình huống đó.
Melissa nói: “Tôi muốn con mình có khả năng hòa nhập xã hội và có thể xử lý tất cả các tính cách khác nhau trong lớp học với những đàn anh lớn tuổi hơn. Mike nói cha mẹ cậu không bao giờ thúc ép cháu phải học thật giỏi, phải nhảy lớp.
Nghiên cứu gần đây cho thấy trẻ em có nhiều khả năng kết bạn hơn khi chúng có cơ hội được ngồi cạnh nhau. Kết quả nghiên cứu tâm lý học của University at Buffalo vào năm 2009: tình bạn ở nhiều lứa tuổi có liên quan đến sự cô đơn ít được ghi nhận ở trẻ em và là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển thời thơ ấu.
Có lẽ Mike gặp may mắn, cậu nói các giáo viên và bạn đồng môn rất cởi mở và thân thiện. Mike cũng cảm thấy hài lòng, nói: “Cháu nghĩ chắc không có nơi nào tốt hơn. Bằng cách dành nhiều thời gian với nhiều nhóm tuổi khác nhau, cháu còn học được cách thay đổi vốn từ vựng, chọn đề tài phù hợp khi nói chuyện.”
Chẳng hạn như với những người bạn cùng tuổi, cậu sẽ trò chuyện về đua xe, chứ không phải các số liệu kinh doanh, trong khi với các đồng nghiệp trưởng thành, cậu thường xoay quanh các cuộc thảo luận kỹ thuật hơn về trí tuệ nhân tạo.
Mark và Melissa không muốn trở thành “phát ngôn viên” của Mike, hay người quản lý của cậu bé. Đúng hơn, họ muốn cậu con trai của mình tìm ra tiếng nói của bản thân và tự mình sử dụng nó. Melissa chia sẻ: “Vợ chồng tôi quyết định sẽ chỉ đưa cháu vào các tình huống xã hội và cố gắng khuyến khích cháu tương tác với mọi người và cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với những người khác ngoài gia đình. Có khả năng giao tiếp tốt là một vấn đề quan trọng.”
Điều đó có nghĩa là Mike đã quen với việc ở ngoài phạm vi an toàn xã hội của mình khi còn bé. “Mike được một số phụ huynh khác hỏi han rất nhiều, như ‘làm thế nào cháu hòa nhập được với xã hội tốt như vậy?’” Melissa kể. “Điều này chỉ khiến con tôi thể hiện mình, giống như việc để cháu tự gọi đồ ăn với người phục vụ bàn khi cháu chỉ mới ba hoặc bốn tuổi, hay tự giới thiệu bản thân với mọi người. Những việc như vậy giúp con trai chúng tôi cảm thấy tự nhiên khi nói chuyện với người khác.”
Đồng thời, hai vợ chồng nhà Wimmers nhấn mạnh rằng họ luôn ở bên cạnh con, để đóng vai trò là điểm tựa và hỗ trợ cho cậu bé; điều này đã khuyến khích Mike thể hiện mình hơn trong “những tình huống nằm trong tầm kiểm soát.”