Tôi đưa bài này lên vì nghe tin Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng trong buổi gặp gỡ cả nghìn Việt kiều về nước đón Tết Giáp Thìn lại kêu gọi người Việt ở nước ngoài, nay được gọi là “kiều bào”, hãy đóng góp cho việc phát triển đất nước.
Có một luận điểm cho rằng một người càng sống lâu ở nước ngoài thì càng nhớ quê hương của mình. Đối với những kiều dân điều này đúng, còn tị nạn di dân đa phần là không.
Những năm đầu tiên ở Mỹ tôi rất nhớ gia đình, bạn bè, quê hương vì đang tự nhiên mình bị đánh bật gốc rễ để đến sống ở một xứ sở xa lạ. Thời gian đó có lần lên chơi vùng đồi núi California, nằm giữa rừng thông nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn: “Tôi ru tôi giữa đời ơi a biết đâu nguồn cội / tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài” mà lòng bâng khuâng tự hỏi ta là ai giữa đất trời bao la, lồng lộng này.
Nhưng càng ở lâu, hội nhập vào nếp sống mới với công việc, với đời sống thường nhật, cộng với phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, với kinh tế toàn cầu phát triển nên nỗi nhớ quê nhà dần vơi đi và mình trở nên gần gũi hơn với dân tộc, quê hương mới.
Trong vòng hai thập niên qua, nhà nước Việt Nam đã có chính sách khuyến khích người Việt nước ngoài nhớ về quê hương bằng việc đưa ca sĩ qua hát và xuất khẩu văn hoá phẩm. Rồi đến chính sách thu hút tài năng cũng như tiền của người hải ngoại, đơn giản như cho phép về du lịch, cho làm từ thiện, kêu gọi đem chất xám, nguồn tài chánh về đầu tư. Nhà nước nhắn nhủ những con dân Việt sống xa quê hương rằng họ luôn được coi là “khúc ruột ngàn dặm” của đất nước.
Nhưng khúc ruột đó là ruột già, ruột non hay ruột dư thì còn tuỳ người, tuỳ đối tượng và tuỳ lúc. Những năm ngay sau 1975 người Việt ở hải ngoại có lẽ là khúc ruột dư mà nhà nước muốn cắt bỏ đi. Sau họ được nâng cấp lên thành ruột non, ruột già. Tôi đoán rằng những ai đem kiến thức về giúp nước, đem tiền về đầu tư là ruột non. Những ai chỉ thích về Việt Nam du lịch, du hí là khúc ruột già. Còn ai có tư tưởng không đúng với quan điểm nhà nước thì là ruột dư.
Cũng từ khi nhà nước có chính sách gom hết người Việt nước ngoài vào một mối, cụm từ “Ban Việt kiều” được đổi thành “Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài”. Tuy đã đổi tên nhưng hai chữ “Việt kiều” vẫn được dùng sai có chủ đích.
“Việt kiều” là để chỉ những người rời quê hương đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài một thời gian rồi trở về như những ô-sin, du sinh hay công nhân. Còn những ai, trên diện pháp luật đã bỏ quê hương ra đi, xin định cư ở một quốc gia khác rồi trở thành công dân của quê hương mới, họ không phải là Việt kiều. Hiểu được như thế nên tôi khẳng định một điều là mình không phải Việt kiều.
Nhưng tôi là ai? Tôi có thể trả lời “Tôi là người Mỹ”. Hơn nửa đời người sống ở Mỹ, dù tôi chưa là Mỹ 100%, nhưng trong con người của tôi đã theo lối sống Mỹ nhiều hơn Việt từ cách làm việc, tổ chức, đúng giờ, tôn trọng ý kiến người khác, không phân biệt đối xử vì mầu da và biết thưởng thức một một bữa spaghetti, hot dog, hamburger, gombo ngon như ăn nem rán, bún chả hay ăn phở.
Mà có ai có thể định nghĩa một người như thế nào mới được gọi là người Mỹ 100%? Thử nghiệm nhiễm thể DNA ư? Hay trắc nghiệm giọng nói tiếng Anh?
Chắc hôm nào tôi phải đi thử DNA để xem dòng giống của mình là từ đâu. Không biết DNA có phân định được giống Việt hay lại chỉ nói chung chung tôi thuộc giống Hán-Mông thì buồn lắm. Người Việt mình tự hào thuộc dòng Bách Việt, chứ dân Mỹ mà phân tích DNA thì phải tự hào về dòng giống Vạn Tộc của mình.
Còn thử giọng nói tiếng Anh? Thú thật là giọng của tôi còn mang âm hưởng Việt Nam, nhưng không nặng bằng giọng của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger, hay giọng của một vị thày cũ là giáo sư Emilio Segrè, người gốc Ý và là khôi nguyên giải Nobel Vật lí năm 1959.
Nhưng chúng tôi đều hãnh diện là người Mỹ: “I am proud to be American”.
Tác giả Vũ Hoài Nam khi xem Paris by Night 96 [Tôi là người Việt Nam! (1), talawas blog 02.07.2009] nghe em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn nói ông ấy là người Canada thì không bằng lòng và lên tiếng phản đối. Theo tôi câu nói của ông Nguyễn Ngọc Ngạn rất bình thường vì ông đã sống lâu ở Canada, đã đóng góp vào xã hội, hoà mình trong nếp văn hoá ở đó thì hãnh diện làm người nước đó, dù ông có đang nói với khán giả người Việt hay người Canada, người Mỹ, người Pháp. Hơn nữa vì sống ở Canada mà ông Ngạn đã có thể tự do sáng tác, để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị về kinh nghiệm và đời sống ở Việt Nam, về vui buồn của người Việt hải ngoại. Nếu ở Việt Nam những đề tài ông viết đều là cấm kị, nhạy cảm và sẽ không được xuất bản.
Những đứa con của tôi sinh ra ở Hoa Kỳ, vợ chồng chúng tôi vẫn dạy các cháu là phải nhận mình là người Mỹ, phải hãnh diện làm người Mỹ trước đã, như thế mới có thể ngẩng đầu lên trước những bất công, thử thách về mầu da, chủng tộc mà các cháu có thể gặp phải trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Còn việc dạy cho con trẻ biết về nguồn gốc là một chuyện khác, tuỳ theo từng gia đình và cộng đồng.
Tác giả Vũ Hoài Nam e ngại điều hãnh diện của em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn có thể lây lan và làm cho đám trẻ nhỏ Việt quên nguồn gốc. Điều này tôi thấy không đáng lo, ít ra là ở Hoa Kỳ, một quốc gia với lịch sử được viết bởi di dân nên trong giáo trình đều có những bài học về nguồn gốc của người Mỹ.
Từ cấp hai các em đã học và làm bài về nguồn gốc gia đình. Học sinh lớp 7, lớp 8 thường có đề án viết về con đường đến Hoa Kỳ của các em hay của bố mẹ ông bà và bài tường trình về một quốc gia, thường là quê hương nguồn cội. Lên cấp ba những đề tài tương tự được mở rộng hơn. Đây là những lúc các bậc phụ huynh có cơ hội kể lại cho các em biết về hành trình đến Mỹ. Lên đại học việc nghiên cứu về bản sắc càng mở rộng hơn. Trong những năm đầu ở đại học sinh viên có thể viết một bài luận văn theo thể truyện kí kể lại đời mình hay hành trình đến Mỹ của gia đình. Tuỳ ngành học các em có thể tìm hiểu về các món ăn Việt, các loại chè, nghiên cứu về phong tục cưới xin, ma chay hay tổ chức làng xã, hoạt động kinh tế, cơ chế chính trị. Cao hơn là công trình của nghiên cứu sinh ban thạc sĩ và tiến sĩ chuyên về Việt Nam.
Nói chung, thanh thiếu niên và cả người lớn nếu chối bỏ nguồn gốc thì vì một lí do nào khác, chứ không phải vì việc em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn nhận ông ấy là người Canada.
Bài hát “Quê hương” được Giáp Văn Thạch phổ từ thơ Đỗ Trung Quân đã một thời văng vẳng trong những hàng quán, những sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại. Với tôi hình ảnh cánh diều, cầu tre, con đò, nón lá vẫn là nét đẹp quê hương trong trí nhớ. Nhưng khi nhắc “quê hương là chùm khế ngọt” thì kinh nghiệm bản thân qua những lần về Việt Nam rất khó gợi cho tôi hình ảnh đẹp như đã được tượng hình hoá vì có dịp ăn khế quê nhà, mười trái có đến chín trái chua, từ thoáng chua đến chua ê cả răng. Thực ra khế thường được dùng để nấu canh chua – như canh chua cá bông lau là món ăn nam bộ rất ngon – hay được dùng để nêm nước chấm. Chẳng mấy khi có được khế ngọt.
Còn lãnh đạo văn hoá tư tưởng thêm vào bài hát ý tưởng không nhớ quê hương “sẽ không lớn nổi thành người” là hơi cường điệu.
Gần đây, để tạo điều kiện cho người Việt được gắn bó với quê cũ, nhà nước đã ban hành luật quốc tịch cho người Việt hải ngoại cơ hội mang quốc tịch Việt Nam. Tôi tự hỏi nếu mình chính thức mang quốc tịch Việt Nam thì sẽ có những quyền lợi gì? Được mua nhà và đầu tư trong nước ư. Việc này tôi không có nhu cầu và khả năng. Với tư cách công dân Việt Nam nếu tôi có quyền được tự do tham gia ứng cử và bầu cử để chọn người đại diện xứng đáng cho đất nước, khi đó tôi sẽ hãnh diện làm công dân nước Việt. Còn không tôi thấy mình vẫn chẳng được bằng người Mỹ gốc Cam Bốt, gốc Iraq hay gốc Đài Loan vì họ được quyền tham gia những sinh hoạt dân chủ nơi quê hương nguồn cội.
Vì vậy có ai hỏi tôi là ai, tôi sẽ rả lời tương tự như em-xi Nguyễn Ngọc Ngạn, là “Tôi là người Mỹ” và ở đâu có “độc lập, tự do, hạnh phúc” nơi đó là quê hương của tôi.