‘Lễ Hội Tình Yêu’ của ‘Em Thúy’

Bức tranh sơn dầu “Em Thúy” do họa sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943. Mô tả hình ảnh người cháu gái 8 tuổi của họa sĩ, bức tranh được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn cũng như là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20, được công nhận là Bảo vật quốc gia. (ảnh: Wikipedia.org)

Giới yêu hội họa, hẳn nhiên, đều biết tác phẩm “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn. Bức danh họa này hoàn tất vào năm 1943, và “được công nhận là Bảo vật quốc gia.”

Tuy thế, không mấy ai để ý là có đến hai phụ nữ tên Thúy (và hai đều được dư luận nhắc đến như là nguyên mẫu của tác phẩm nổi tiếng trên) nhưng cuộc đời của họ lại hoàn toàn khác hẳn nhau.

Trong bài “Có Một Người Mẫu Hà Thành,” xuất hiện trên trang Hiệu Minh Blog –  vào hôm 07 Tháng Mười Hai 2010 – nhà báo Kim Dung khẳng định:

Vâng, bà là Minh Thúy – người mẫu năm xưa của bức tranh Em Thúy có một không hai – làm nên tên tuổi của danh họa Trần Văn Cẩn. Hóa ra, họa sĩ Trần Văn Cẩn là bác ruột của bà…

Như mọi thiếu nữ Hà thành gia giáo khác, bà Thúy theo học một trường học nổi tiếng của Hà Nội – Trường PT Trưng Vương. Dường như duyên phận đã đặt bà sau đó, học tiếp sư phạm và trở thành nhà giáo. Bà đã trải qua một cuộc đời dạy học khá êm đềm …

Hai năm sau, qua một bài viết khác (“Hạnh Phúc Ngắn Ngủi Của Em Thúy Trong Tranh Trần Văn Cẩn”) đăng trên báo Phụ Nữ Today, hôm 26 Tháng Chín 2012, tác giả Sao Chi lại cho biết về một bà Thúy khác:

Ngồi trước mặt tôi bây giờ không phải là cô Thúy của 50 năm trước trong bức tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ tặng. Cô Thúy của ngày hôm nay đã tóc bạc da mồi, đôi mắt mờ đục rưng rưng kể lại cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình hơn 40 năm về trước.

Cô Thúy ấy chính là nữ thi sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, ái nữ của nhà phê bình, đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam – Hoài Chân.

Những tưởng cuộc đời của người con gái ấy sẽ trôi êm đềm khi làm vợ của vị giáo sư là Viện trưởng viện vật lý Việt Nam bấy giờ. Tuy nhiên, sống với nhau vài năm, hai trái tim ấy không cùng nhịp đập nên cuộc hôn nhân của cặp đôi ấy đã tan vỡ trong sự tiếc nuối của nhiều người.

Té ra, có đến hai cô Thúy lận. Tuy cả hai đều là “cành vàng lá ngọc” nhưng dường như cái cô “đã trải qua một cuộc đời dạy học khá êm đềm” mới chính là người mậ̃u cho tác phẩm “đã được công nhận là bảo vật quốc gia.” Còn cô “ái nữ của nhà phê bình văn học Hoài Chân” thì không được cái vinh dự đó, và cuộc sống cũng chả êm đềm gì mấy.

Tuy thế, tình duyên của bà với nhà thơ Tuân Nguyễn cũng đã để lại cho đời một “bảo vật” vô giá khác – một thiên tình sử. Mối duyên tình đằm thắm, thuần khiết, chân thật, sâu đậm, cao đẹp, và thánh thiện của họ, giữa cái xã hội mà nhân phẩm rẻ hơn thực phẩm, đã khiến cho lắm kẻ phải kinh ngạc và nhiều người ngưỡng mộ.

Nhà thơ Ngô Minh thuật chuyện:

Chị Thuý làm thơ, dạy đàn tam thập lục ở Nhạc Viện Hà Nội. Chồng trước của chị là một tiến sĩ vật lý danh tiếng, nhưng chị đã ly dị để đi theo tiếng gọi của trái tim, lấy anh chàng Tuân Nguyễn vừa được tha tù sau 10 năm, dù bị gia đình phản đối quyết liệt.

Lấy nhau rồi mà phải ở nhờ nhà những người em, người bạn. Hơn tháng sau, chị Thuý đem tất cả số tiền dành dụm được, rồi bạn hữu góp thêm, mua một gian buồng 6 mét vuông gần Ga Hàng Cỏ.    

Tôi cũng đã từng biết cảnh sống “tương tự” của một đôi nghệ sỹ khác, Lưu Quang Vũ & Xuân Quỳnh, qua những câu thơ của họ:

Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo…

Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác
Anh không giấu em một nghĩ lo nào được
Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.

Nói là “tương tự” thôi, vì Phương Thúy không hề có phút giây nào cả buồn bã nên chả cần phải quay mặt đi đâu hết. Tuân Nguyễn cũng thế, cũng không lo âu gì sất. Cả hai lúc nào cũng vui (như Tết) nên “mấy thước vuông” cũng chả khiến họ phải bận lòng. 

Tác giả Sao Chi kể, mặc dù phải đi bắt cóc, đi hót phân người, hót rác… bán lấy tiền trang trải qua ngày, nhưng đôi vợ chồng thi sĩ ấy không hề mặc cảm hay than vãn gì cả… Cuộc sống của họ dù có vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc.

Mặc dù trong suốt 10 năm sống chung, ông bà không sinh được một người con nào nhưng không bao giờ ông bà than vãn hay nhắc tới chuyện con cái. Bởi vì với họ được sống, được ăn một mâm, ngủ một giường, được làm thơ tặng nhau đã là hạnh phúc.

“Cuộc sống của chúng tôi chỉ có những tiếng cười, có thơ. Chúng tôi có thể nói chuyện cả đêm, hết chuyện này đến chuyện khác. Chúng tôi có thể ngẫu hứng xướng thơ đọc cho nhau nghe suốt đêm mà không biết chán,” thi sĩ Phương Thúy nhớ lại.   

Bộ thiệt vậy sao Trời?  

Tôi cũng là người đa cảm và lãng mạn, nên đã có lúc mộng mơ chuyện “xây nhà bên suối” giống y như nhạc sỹ Văn Cao vậy đó:  

Suối mơ bên rừng thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng …

Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát
Đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi …    

Thẩn thơ “bên rừng thu vắng,” nhìn “dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng” hay “đàn nai đùa trong khóm lá vàng tươi” thì thú vị thật và thi vị lắm.

Tuy thế, ở một nơi không đèn điện/không nước nóng/không lò sưởi/ không bếp ga/ không restroom, không wifi (và cũng chả có rượu bia cùng cà phê thuốc lá gì ráo trọi) thì chắc chắn là không có tui đâu – dù được sống ngay cạnh Suối Mơ, và kề cận với một Marilyn Monroe bốc lửa hay một Nghi Lâm thanh tú, hoặc cả hai người luôn, cũng… nhất định không.

Tui lãng mạn thiệt, nhưng không lãng mạn dữ vậy đâu! Sống mình ên cũng đã khó lắm rồi, vì tui cãi lộn với chính mình hàng đêm mà, và sống chung thì còn khó gấp hai, với bất cứ ai, nhất là một người khác phái! Nói chi đến chuyện ban ngày quần quật hót rác, hót phân, đổ thùng rồi tối về (một căn phòng 6 mét vuông) còn nằm “đọc thơ cho nhau nghe” thì ai mà chịu đời cho thấu.

Vậy mà Minh Thúy với Tuân Nguyễn vẫn sống hạnh phúc bên nhau hết năm này, sang năm khác. Bần hàn, lam lũ, cơ cực, chật vật tới cỡ nào cũng chịu. Hai người chỉ cần “được ăn một mâm, ngủ một giường, được làm thơ tặng nhau” là đủ vui rồi. Tuy niềm vui của họ chỉ đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng rồi cũng mất.

Nay mai nước Việt sẽ có một ngày Lễ Hội Tình Yêu cùng với một con tem kỷ niệm, phát hành đúng vào hôm mà Phương Thúy & Tuân Nguyễn về chung một nhà. (ảnh: TNT)

Đấy là buổi sáng định mệnh. Tuân Nguyễn trên đường đi lấy báo về để Phương Thúy bán, rồi sau đó bình tâm ngồi dịch sách, ấy mà chiếc xe tải đã cướp đi sinh mạng anh. Phương Thúy như thành người điên dại.

Nhiều ngày, chị lặng lẽ xách làn hoa quả đạp xe về nghĩa địa ngoài Thủ Đức thăm mộ Tuân Nguyễn. Có lần, chị tha thẩn cả ngày quanh mộ chồng, như đối thoại cùng vong linh người chồng, đối thoại cùng thân phận xấu số của chính mình.

Những câu thơ bất thần trở lại, an ủi vỗ về chị. Những câu thơ đầy nỗi cô đơn:

Không anh đường bỗng dài ra
Khởi đầu là chỗ chúng ta quay nhìn
Càng đi càng thấy khó tin
Rằng nơi sắp tới có mình em thôi!      

… 

Chiều mưa trở lạnh, tôi về trại an dưỡng Phật Tích (Từ Sơn, Bắc Ninh) tìm thăm chị. Được tin chị vào sống nhờ trại an dưỡng, tôi muốn sớm đến thăm. Trên đường đi, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, sao số phận đưa đẩy chị đến nước này? Một người phụ nữ, sinh ra trong gia đình trí thức, có thể nói  là “danh gia vọng tộc”, ấy mà cuối đời phải vào sống ở “trại tế bần”, vậy có phải là số phận? (Vũ Từ Trang. “Phương Thúy – Qua Mấy Bận Đò Vẫn Cô Đơn Nơi Bến Vắng”).

Cũng như bao nhiêu người khác, khi đời đã về chiều thì tôi cũng buộc phải tin vào số phận hay định mệnh thôi. Tôi còn tin rằng nay mai nước Việt sẽ có một ngày Lễ Hội Tình Yêu (riêng biệt) cùng với một con tem kỷ niệm, phát hành đúng vào hôm mà Phương Thúy & Tuân Nguyễn (*) quyết định sống chung nhà mà chả cần phải vấn danh, dạm hỏi, cưới xin, hay đưa đón gì ráo trọi.

(*) Đọc thêm về nhà thơ Tuân Nguyễn trên tuongnangtien.wordpress.com

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: