Khoảng hơn chục năm trước, khi thực hiện một cuộc bắt bớ nhằm vào một nhân vật bất đồng chính kiến, một nhà hoạt động nhân quyền, phía công an chí ít còn muốn ra vẻ nhà nước pháp quyền. Họ lùa một lực lượng hùng hậu mặc sắc phục, đeo lon, đeo cấp số hiệu, mang xe thùng đùng đùng xông vào nhà dân để bắt. Cho ra vẻ đúng luật, người bị bắt sẽ được giao các quyết định liên quan đến mình như lệnh bắt, lệnh khám xét, lệnh tạm giam…, dù thường là sau đó gia đình nạn nhân không nhận được mảnh giấy nào. Nhưng tối thiểu vào lúc đó, người bị bắt cũng được hưởng cái “đặc ân” là biết mình bị cáo buộc vi phạm điều luật nào trong (cái gọi là) “Bộ luật hình sự” của (cái gọi là) Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Những năm gần đây, đặc biệt là sau sự kiện Formosa (năm 2017,) dường như vở kịch “thực thi pháp luật” vừa rườm rà, không đủ sức giới thiệu sự khủng bố, nên nhà nước công an trị đã chuyển sang sử dụng phương thức “bắt cóc,” cho tiện.
Có thể liệt kê một số vụ bắt cóc điển hình nhắm vào những nhà hoạt động về môi trường hay nhân quyền như Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Đức Hùng, Ngô Văn Dũng, các thành viên Nhóm Phổ Biến Hiến Pháp,… Những người này đều bị bắt cóc ở ngoài đường bởi những kẻ mặc thường phục (mật vụ.)
Thậm chí nhiều người bị đánh đập dã man như ông Hóa và ông Bình. Không một văn bản lệnh nào về việc bắt giữ được gửi đến thân nhân của những người này.
Cụ thể, anh Nguyễn Văn Hóa bị bắt ngày 11 Tháng Giêng 2017 khi đang đi trên đường, nhưng mãi tới ngày 23 Tháng Giêng, sau khi gia đình làm đơn gửi đi các cơ quan tỉnh thì mới nhận được thông báo tạm giữ của phía công an. Ban đầu, công an bịa lý do Hóa có hành vi “ăn cắp xe máy và buôn bán ma túy” để tiến hành vụ vây bắt. Nhiều ngày sau, gia đình Hóa nhận được thông báo “Tạm giam bị can” của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 20 Tháng Giêng 2017 với cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258.
Hầu hết các thành viên của nhóm Phổ Biến Hiến Pháp bị nhà cầm quyền bắt cóc rải rác từ cuối Tháng Tám đến đầu Tháng Chín 2018. Người thân của họ đã tuyệt vọng tìm kiếm bằng nhiều cách, nhưng vô ích.
Ngày 27 Tháng Chín, bà Nga Kim, vợ ông Ngô Văn Dũng, loan tin trên truyền thông rằng bà đã tìm thấy chồng. “Tôi tìm thấy chồng tôi rồi. Bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn,” bà Nga nói với phóng viên BBC.
Tương tự là trường hợp của Nguyễn Đức Hùng, một người bảo vệ môi trường đầy nhiệt huyết và quả cảm, nhưng ít được công luận chú ý vì anh chọn cách hoạt động âm thầm.
Ngày 14 Tháng Giêng 2022, như đã hẹn trước với người anh trai, Nguyễn Đức Hùng bắt xe khách Hoa Lợi từ Hà Tĩnh để vào Bình Thuận. Đi đến khu vực cổng chào xã Kỳ Nam, Hà Tĩnh, chuyến xe chở Hùng bị một nhóm mật vụ chặn lại và anh bị lôi đi trước sự chứng kiến của toàn bộ hành khách.
Lúc đó vào khoảng 3 giờ chiều ngày 14 Tháng Giêng 2022. Sau hơn mười ngày tìm kiếm khắp nơi, người thân của Hùng đến nhà xe Hoa Lợi thì được nhân viên tường thuật lại sự việc trên.
Hơn một tháng sau khi Hùng bị bắt, cơ quan an ninh điều tra mới chịu “nhả” tấm giấy tạm giam về cho gia đình, tất nhiên là gia đình phải liên tục đi đòi, với sự đồng hành của vị cha xứ và nhiều giáo dân trong vùng. Ngày 13 Tháng Bảy 2022, nhà cầm quyền đưa Hùng ra xét xử trong một phiên tòa không có luật sư và kết án anh 5 năm 6 tháng tù giam theo điều 117. Gia đình anh lại chỉ biết tin sau khi đọc báo nhà nước.
So với những vụ việc vừa kể trên, trường hợp của các ông Phan Vân Bách, Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình mới đây có vẻ như… may mắn hơn đôi chút. Các ông “được” bị bắt ở nhà, không đến nỗi bị vu là ăn cắp, buôn tiền giả hay buôn ma túy như một số người cùng chí hướng khác.
Nhưng việc đi đòi các loại giấy tờ, hay tối thiểu chỉ là những thông tin miệng từ phía công an để được biết các ông bị bắt theo tội gì, cũng là một hành trình đầy gian nan đối với các bà vợ.
Hơn hai tháng nay, gia đình chưa được biết ông Phan Vân Bách bị bắt vì lý do gì. Trong một lần đi tiếp tế, bà Nguyễn Thị Yêu đọc được thoáng qua dòng chữ “tuyên truyền chống nhà nước…” ghi trên tấm phiếu gửi lưu ký cho chồng. Tờ giấy thông báo tạm giam mà bà nhận được vài ngày sau đó, không ghi tội danh của ông Bách. Đó là một tờ thông báo được làm một cách vội vã, cẩu thả đến mức ghi sai họ của ông Bách, địa chỉ cũng không thống nhất, lúc ghi quận Hoàng Mai, khi lại ghi Đống Đa.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình và blogger Nguyễn Chí Tuyến có lẽ là hai trong số những người hoạt động nổi tiếng cuối cùng còn sót lại, bị bắt cùng ngày 29 Tháng Hai 2024.
Vợ ông Nguyễn Chí Tuyến là bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói rằng công an không để lại bất cứ giấy tờ văn bản gì dù gia đình yêu cầu. Bà nói bà chỉ nhớ mang máng nội dung lệnh bắt liên quan đến cáo buộc “tuyên truyền, phát tán các tài liệu chống nhà nước.”
Bà cho biết, phía công an hẹn sẽ gửi những giấy tờ cần thiết cho bà sau. Còn bao giờ gửi thì bà không được biết.
Một người trong gia đình ông Nguyễn Vũ Bình muốn giấu danh tính, tường thuật với đài Á Châu Tự Do hôm 1 Tháng Ba 2024, rằng: “Công an đưa Nguyễn Vũ Bình về nhà đọc lệnh khám xét, đọc danh sách những đồ vật, giấy tờ bị thu giữ… rồi đưa đi.”
Lệnh khám xét có lẽ đã cố tình bỏ trống chi tiết này nên không ai biết ông Bình bị bắt vì tội danh gì, ngoài việc cho rằng ông có thể bị cáo buộc vi phạm điều 117 -BLHS “Tuyên truyền chống nhà nước,” điều luật được sử dụng để bỏ tù những người hoạt động nhân quyền và có quan điểm trái với đảng cộng sản. Và đây là lần tù thứ hai của ông Nguyễn Vũ Bình, một nhà báo không chịu bẻ cong ngòi bút.
Việc phá vỡ các quy tắc trong thủ tục tố tụng hình sự không đơn thuần là sự coi thường pháp luật, nó cho thấy nhà cầm quyền đang dựng lại lịch sử đen tối của ngành công an CSVN mấy chục năm trước. Thời mà cán bộ cộng sản có thể chặn đường bất cứ ai, xông vào bất cứ nhà nào để bắt người mà không cần có lệnh.
Quả là nghịch lý khi càng gắn bó với khối dân chủ phương Tây, cộng sản càng đẩy mạnh những cuộc bắt bớ nhằm vào những người dám phản kháng, những người mưu cầu một xã hội văn minh, dân chủ.
Giới chóp bu cầm quyền tin rằng, Mỹ và phương Tây cần Việt Nam trong cuộc đối đầu với Tàu cộng, do vậy sẽ làm ngơ trước mọi vi phạm nhân quyền. Cộng sản Việt Nam sẵn sàng hy sinh những công dân chính trực, những người yêu nước để đối lấy những quyền lợi nhằm kéo dài sự cai trị.
Hà Nội, Sài Gòn và hầu hết các miền đất khác trên quê hương Việt Nam đang dần vắng bóng những gương mặt tranh đấu cho nhân quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Nhà cầm quyền đã, đang và sẽ còn tiếp tục truy lùng, bắt giam những người cuối cùng, dập tắt những tiếng nói cuối cùng để hoàn thiện cái trại súc vật mà họ gọi là “nhà nước CHXHCN Việt Nam” – thứ thiên đường cho giới cai trị, nhưng là địa ngục cho chúng dân trăm họ.