Hàng ngàn bác sĩ trẻ đình công ở Nam Hàn phải đối mặt với khả năng bị đình chỉ giấy phép hoạt động chỉ vì tham gia vào các cuộc đình công, theo AP.
Hôm Thứ Ba, 6 Tháng Ba, chính quyền Nam Hàn thúc đẩy cảnh sát điều tra những người đứng đầu cuộc đình công đã làm gián đoạn hoạt động của bệnh viện trong những ngày qua.
Gần 9,000 trong số 13,000 thực tập sinh y khoa và cư dân Nam Hàn từ chối làm việc trong hai tuần qua để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tuyển thêm hàng nghìn sinh viên vào các trường y trong những năm tới.
Chính phủ đã ra lệnh cho những người biểu tình quay trở lại làm việc trước ngày 29 Tháng Hai, với lý do mọi người kéo nhau đi biểu tình thì không đủ người chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết người đi biểu tình đều bất chấp lệnh này, dù họ có bị đình chỉ giấy phép làm việc, hoặc bị truy tố.
Các quan chức cho biết xứ sở kim-chi này phải bổ sung thêm bác sĩ để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và có kế hoạch tăng số lượng tuyển sinh trường y hàng năm thêm 2,000 người, bắt đầu từ năm tới. Nhưng nhiều bác sĩ cho rằng các trường đại học chưa sẵn sàng đối phó với sự gia tăng đột ngột về số lượng sinh viên. Nếu làm theo kế hoạch này, dịch vụ y tế tổng thể của đất nước sẽ bị tổn hại.
Hôm Thứ Hai, bộ y tế đất nước này cử quan chức đến các bệnh viện để xác nhận sự vắng mặt của các bác sĩ đình công, nhằm bắt đầu các bước hành chính là đình chỉ giấy phép của họ. Cho đến nay, chính phủ đã chính thức xác nhận sự vắng mặt của hơn 7,000 người đình công. Bộ y tế xác nhận hôm Thứ Ba, rằng các quan chức tiếp tục kiểm tra tại chỗ các bệnh viện và bắt đầu gửi thông báo cho một số người đình công về thủ tục đình chỉ giấy phép.
Các bác sĩ Nam Hàn tổ chức cuộc biểu tình lớn chống chính phủ về kế hoạch tuyển dụng, mở rộng các trường y.
Thứ Trưởng Bộ Y Tế Park Min-soo phát biểu trong một cuộc họp báo: “Đối với những người dẫn đầu cuộc đình công, chúng tôi đang nghĩ đến việc sẽ báo cho cảnh sát, nhưng chưa xác định chính xác khi nào chúng tôi sẽ làm như vậy.”
Ông Park cho biết giấy phép sẽ bị đình chỉ ít nhất ba tháng. Các bác sĩ có cơ hội phản hồi trước khi lệnh đình chỉ có hiệu lực. “Các bác sĩ thực tập bỏ rơi bệnh nhân, thậm chí còn rời khỏi phòng cấp cứu và phòng chăm sóc đặc biệt”, Park nói. “Chúng tôi không thể dung thứ cho những hành động vô trách nhiệm này. Họ đã phản bội đạo dức, lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc.”
Theo luật y tế của Nam Hàn, các bác sĩ không tuân thủ lệnh trở lại làm việc, có thể bị phạt ba năm tù hoặc phạt 30 triệu won (khoảng $22,500), cũng như đình chỉ giấy phép y tế lên tới một năm. Những người nhận án tù có thể bị mất giấy phép hành nghề.
Các nhà quan sát cho rằng chính phủ có thể sẽ chỉ trừng phạt những người lãnh đạo đình công chứ không phải tất cả hàng nghìn bác sĩ đình công. Họ nói rằng sẽ mất vài tháng để hoàn tất các bước hành chính nhằm đình chỉ giấy phép của tất cả 9,000 bác sĩ đình công.
Một trong những bác sĩ cấp dưới đang đình công nói với hãng tin AP hôm Thứ Ba rằng ông và những người khác không có ý định quay trở lại làm việc.
“Chúng tôi chỉ làm việc để cứu bệnh nhân nhưng chính phủ đã biến chúng tôi thành tội phạm. Các bác sĩ thực tập sinh, trong đó có tôi, đã bị tổn thương rất nhiều,” vị bác sĩ muốn chỉ được nêu họ của mình là Jeong, vì lo ngại rằng việc công khai sẽ khiến ông bị trừng phạt nặng nề hơn.
Một bác sĩ đình công khác yêu cầu không nêu danh tính, nói với các phóng viên rằng một số người cuối cùng có thể chịu áp lực của chính phủ và quay trở lại bệnh viện của họ, nhưng cô ấy sẽ không làm như vậy. Tuy nhiên, cô cảm thấy lo lắng về các biện pháp pháp lý có thể phải đối mặt.
Các bác sĩ trẻ chỉ là một phần nhỏ trong số 140,000 bác sĩ của cả nước nhưng lại chiếm tới 30-40% tổng số bác sĩ tại một số bệnh viện lớn, nơi họ hỗ trợ các bác sĩ cao cấp trong quá trình được đào tạo. Nhiều bác sĩ cấp cao ủng hộ các bác sĩ cấp dưới nhưng chưa tham gia cuộc biểu tình của họ.
Cảnh sát Nam Hàn cho biết họ đang điều tra năm thành viên cấp cao của Hiệp Hội Y Khoa Nam Hàn, sau khi bộ y tế đệ đơn khiếu nại vì cáo buộc kích động và tiếp tay cho các bác sĩ cấp dưới bỏ việc, kéo nhau đình công.