Nhiều người đặt ra cho mình khoản ngân sách nhất định cho một việc gì đó quan trọng, nhưng lúc nào chi phí cũng vượt qua con số dự định.
Bạn dự định sẵn kế hoạch đi du lịch, hoặc đi thăm bà con họ hàng ở tiểu bang xa, và để dành cho các khoản chi tiêu, và trăm lần như một, bạn sẽ phải chi nhiều hơn dự kiến. Nhà văn và cũng là triệu phú tự thân Ramit Sethi nhìn thấy điều này nhiều lần qua những vị khách mời mà ông nói chuyện trên podcast “Tôi sẽ chỉ bạn cách làm giàu” (I Will Teach You to be Rich) của mình.
Sethi cho biết trong một tập gần đây của podcast: Có bốn chi tiêu lớn mà ít người biết được giá trị thực tế, đó là nhà ở, phương tiện di chuyển, đám cưới, và du lịch.
Theo Sethi, không phải vì những món này có mức giá quá cao nên nhiều người không thể hiểu được, mà là vì họ không muốn biết giá trị thật. Bạn có thể mua một căn nhà vì cho rằng mình có đủ khả năng trả nợ thế chấp, nhưng sau đó lãi suất thay đổi, hoặc thuế bất động sản tăng lên. Chiếc xe mà bạn nghĩ rằng mình dư sức trả thường đi kèm với nhiều chi phí bảo trì hơn là dự đoán. Đám cưới là một dịp đặc biệt, tại sao không thêm điều này điều kia cho tưng bừng hơn?
Sethi đưa ra lý do tại sao sự sai lầm về tiền bạc này lại rất phổ biến và khuyên mọi người cách tiêu xài những khoản lớn như vậy. Nhưng trước khi đưa ra lời khuyên, Sethi thừa nhận anh cũng từng bội chi cho đám cưới của mình vài năm trước.
Anh chia sẻ trên podcast, rằng trước đó, anh và vợ muốn có một đám cưới tuyệt vời, lộng lẫy, chẳng thiếu thứ gì, và đầy đủ toàn thể gia đình quan viên hai họ.
Sau khi tính toán, Sethi thấy mọi chuyện đều có thể thực hiện được, nhưng ngân sách sẽ “được” nhân đôi. “Đây có thể là một sai lầm,” anh nghĩ.
Vào thời điểm tổ chức được đám cưới, Sethi cho biết anh vượt qua được sai lầm đó và xem xét lại chi phí có thể phát sinh nếu “cái gì mũng muốn.”
Là chuyên gia về tài chính, anh kể lại giai đoạn đó của mình để nhấn mạnh sự thật rằng tất cả chúng ta đều là con người, ngay cả chuyên gia tài chính như anh cũng dễ phạm sai lầm về chi tiêu.
Tuy nhiên, đối với một số cá nhân, một tính toán sai lầm lớn cũng khiến họ khó phục hồi lại. Một cặp vợ chồng mới cưới mà anh nói chuyện gần đây trên podcast phải gánh khoản nợ thẻ tín dụng $44,000 sau đám cưới, cũng như khoản thế chấp mà họ không đủ khả năng chi trả vì đã đánh giá quá thấp chi phí.
Khi bạn lên kế hoạch để chi tiêu cho một món gì đó đắt giá, cho dù đó là những kỳ nghỉ hàng năm, hay đám cưới chỉ có một lần trong đời, theo Sethi, điều quan trọng bạn phải nhận ra rằng mặc dù bạn không thể dự đoán chính xác tổng chi phí, nhưng bạn cũng không hoàn toàn bất lực.
Thay vì lo ngại sẽ phải chi tiêu quá mức, hãy chắc chắn rằng bạn vẫn ổn, dù có mắc phải sai lầm.
Sethi khuyến khích mọi người lên kế hoạch chi tiêu có ý thức hoặc một công cụ kiếm tiền khác phù hợp, để biết họ thực sự có khả năng chi trả bao nhiêu khi tính thêm khoản thế chấp hoặc khoản vay vào chi phí hàng tháng của mình.
Về kế hoạch chi tiêu có ý thức, Sethi nhắc mọi người nên phân thành bốn loại:
Chi phí cố định: Tiền thuê nhà, hóa đơn
Khoản đầu tư quan trọng: Hưu trí
Mục tiêu tiết kiệm: Trả trước hoặc mua sắm lớn khác
Chi tiêu theo ý thích: Đi ăn ngoài, giải trí
Vấn đề không phải là việc hạn chế chi tiêu, mà là nhận thức rõ hơn về việc tiền của bạn sẽ đi đâu, và luôn trong phạm vi tính toán để đạt được các mục tiêu quan trọng.
“Khi đã quen với việc quản lý tiền của mình như thế này, hy vọng bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi lập kế hoạch cho những khoản mua sắm lớn, ngay cả khi chi phí đắt hơn bạn ước tính,” Sethi nói. “Cố gắng bám sát vào mục tiêu chỉ là phụ, xây dựng quỹ dự trữ, và kế hoạch cụ thể, mới là chính.”
(theo CNBC)