Việc đóng quán phở Việt ở Porland bị xét về quan điểm kỳ thị Châu Á

(Ảnh chụp màn hình từ Koin TV)

Phở Gabo, một nhà hàng Việt Nam có 5 năm tuổi ở Portland, Oregon, buộc phải đóng cửa sau nhiều lần bị cáo buộc chuyện nấu nướng có mùi, đã dấy làn sóng phản ứng của cộng đồng chung. Nhiều người nói các luật lệ của thành phố đã bị lạm dụng cho những kiểu tấn công cá nhân nhiều mục đích. Thậm chí, nhiều ý kiến đã đề cập đến khả năng kỳ thị người châu Á đang lan tràn như một phong trào.

Phía cảnh sát của thành phố nói, đó là lời tố cáo của một người hàng xóm giấu tên. Chuyện này kéo dài nhiều tháng, làm ông chủ quán phở nhận giấy phạt, cùng những rắc rối đối phó kiện cáo từ một người không biết là ai.

Eddie Dong, người chủ của tiệm phở Gabo nhận được thông báo lần đầu tiên từ Cục Dịch vụ Phát triển của Thành phố Portland vào năm 2022, rằng ông đã vi phạm quy tắc phân vùng cấm mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư gần đó. Mặc dù đã làm sạch sâu hệ thống ống xả và nướng thịt bên ngoài, nhà hàng vẫn là đối tượng tiếp tục bị khiếu nại của người hàng xóm giấu tên, án phạt.

Chính quyền của thành phố sau khi kiểm tra,đã yêu cầu ông lắp đặt một hệ thống lọc mới trị giá đến $40.000, nhưng không bảo đảm là khi làm xong, ông không bị khiếu nại nữa. Ông Dong đã chán nản dán một thông báo trước cửa vào tháng trước, rằng việc đóng cửa nhà hàng Portland là “do những phàn nàn của thành phố và khu vực lân cận về mùi thức ăn.” Nhà hàng Phở Gabo chính thức đóng của từ ngày 3 tháng Hai năm nay.

Căn nhà ở 7330 N.E. Fremont St. đã từng là nhà hàng Việt Nam trong gần ba thập kỷ. Trước đó là Phở Gabo, không gian này là một tiền đồn lâu đời ở vùng Đông Bắc Portland của chuỗi cửa hàng Phở Hùng địa phương, khai trương vào năm 1995.

(ảnh chụp màn hình từ Koin TV)

Trên trang Yelp của địa phương, Phở Gabo được đánh giá là nằm trong top 10 của những quán ẩm thực được ưa chuộng. Chính vì lý do đó, các ý kiến phản đối rộ lên, thậm chí có người đã gọi đến các cơ quan của thành phố để phản đối.

Để làm dịu dư luận, Ủy viên Portland Carmen Rubio đã gặp ông Dong, và ra lệnh cho Cục Dịch vụ Phát triển tạm dừng điều tra các khiếu nại về mùi, cho đến khi các quy định liên quan của thành phố có thể được đánh giá lại.

Ngay sau đó, đã có hơn 3500 người ký tên vào trang change.org, phản đối chuyện chính quyền Porland đóng cửa nhà hàng Việt vì một lời tấn công nặc danh, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.

‘Thật khó để tin rằng một người ẩn danh có thể liên tục phàn nàn về mùi hôi bốc ra từ một nhà hàng đã tồn tại ở đó suốt 5 năm qua – và một nhà hàng đã tồn tại suốt 30 năm qua, và đột nhiên, người chủ đó hiện đang phải đối mặt với án phạt’, ông Greg Astley, thuộc Hiệp hội Nhà hàng và Nhà nghỉ Oregon bình luận với trang Delish.

Ông Eddie Dong, chủ quán phở Gabo, chia sẻ với Willamette Week rằng “Thành phố nhận được lời phàn nàn của một người hàng xóm rằng mỗi lần ra ngoài, họ không thể chịu được mùi thịt nướng và thịt”.

Lời phàn nàn, được nhắc lại suốt trong một năm rưỡi, bất luận nhà hàng đã không hề có khiếu nại nào trong suốt 5 năm. Các thanh tra viên đã đến kiểm tra hàng chục lần. Một thanh tra đặc biệt lưu ý rằng nhà hàng có mùi ‘giống như món ăn từ chảo’, nhưng điều này hoàn toàn bình thường đối với một nhà hàng Việt Nam.

Tuần trước, Hiệp hội Nhà hàng & Nhà nghỉ Oregon đã yêu cầu thành phố ngừng thực thi ngay lập tức “quy tắc mùi” vì quá chủ quan, không công bằng. Cộng đồng và các nhóm thương mại khác cũng đã lên tiếng về việc đóng cửa nhà hàng và đề cập về chuyện kỳ thị người châu Á đang xuất hiện.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hiệp hội, Jason Brandt viết: “Đối với các vi phạm quy tắc khác, chẳng hạn như tiếng ồn, độ rung và thậm chí ánh sáng chói, có những tiêu chuẩn khách quan, có thể đo lường được. Nhưng đáng ngạc nhiên là quy tắc của thành phố viết về vi phạm ‘mùi’ là hoàn toàn chủ quan. Thật không thể tin được rằng những lời phàn nàn liên tục của một người ẩn danh về “mùi” có thể khiến toàn bộ nhà hàng phải đóng cửa, có khả năng sa thải công nhân và gây ra thiệt hại tài chính không thể khắc phục cho nhà điều hành”.

(ảnh: Facebook)

Năm vị đại diện tiểu bang người Mỹ gốc Việt từ khu vực Portland – bao gồm Dân biểu Daniel Nguyễn, Dân biểu Hải Phạm, Dân biểu Thụy Trần, Dân biểu Hòa Nguyễn và Dân biểu Khánh Phạm – đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về quy định về mùi mang màu sắc định kiến của thành phố. .

Tuyên bố viết: “Chúng tôi tin rằng, như được viết và thi hành hiện nay, quy tắc về mùi của thành phố mang tính phân biệt đối xử và không khách quan theo bất kỳ tiêu chuẩn nào đã biết. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Ủy viên Rubio và đảm bảo rằng quy định của thành phố phải là công bằng và hợp lý, và cuối cùng thành phố Portland vẫn giữ được nền văn hóa ẩm thực sôi động tôn vinh cộng đồng đa dạng của chúng tôi.”

APANO, một nhóm công bằng xã hội toàn tiểu bang ủng hộ người châu Á và các đảo Thái Bình Dương, lập luận trong một tuyên bố rằng những nhận thức về mùi – thịt nướng, nước dùng có mùi đinh hương – có thể “bị ảnh hưởng bởi thành kiến ​​bài ngoại” và “tác động không cân đối đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu của BIPOC”. mang lại sự sống động và đa dạng về văn hóa cho các khu vực lân cận của chúng tôi.”

APANO viết trong tuyên bố: “Chiến thuật nhằm di dời và loại bỏ các cộng đồng người châu Á, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc qua khứu giác đã có nguồn gốc sâu xa ở đất nước này từ hàng trăm năm trước. Với việc đóng cửa này, cộng đồng của chúng tôi đang mất đi một doanh nghiệp nhỏ quan trọng và củng cố những định kiến ​​và lối nói có hại về người châu Á, ẩm thực, văn hóa và quyền thuộc về họ.”

Về phần ông Dong, chủ nhà hàng, cho biết ông rất vui vì những lời phản ứng của cộng đồng và các nhóm. Ông nói rằng mong các chủ doanh nghiệp nhỏ khác không phải trải qua những chuyện tương tự và chờ đợi phán quyết của thành phố, được biết là vào cuối tháng này.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: