Tất cả các báo trong nước đều đăng tin giống nhau khi “tường thuật” vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức. Những bản tin (ngày 20 Tháng Ba 2024) về vụ “Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ” đều có đoạn:
“Vừa qua theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông (Võ Văn Thưởng) đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Không bất kỳ tờ báo nào cho thấy “những điều đảng viên không được làm” của Võ Văn Thưởng là gì, trong khi “những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”. Dư luận xấu cụ thể là gì, cũng chẳng ai biết, nhưng chắc chắn rằng cho dù Võ Văn Thưởng có làm gì xấu thì bộ mặt của đảng cộng sản cai trị Việt Nam cũng chẳng vì thế mà xấu hơn.
Những chức danh mà Võ Văn Thưởng bị phế truất, theo “nguyện vọng” của đương sự (như cách nói của báo chí trong nước) gồm:
Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chỉ cách đây không lâu, Võ Văn Thưởng vẫn còn được coi là ngôi sao chính trị sáng của Việt Nam, một đại diện thế hệ trẻ dẫn dắt Việt Nam tiến sâu hơn nữa vào hội nhập quốc tế. Võ Văn Thưởng thậm chí được xem là nhân vật tiềm năng có thể kế thừa ghế Tổng bí thư đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Nói về vụ việc, Sui-Lee Wee, chánh văn phòng Đông Nam Á của The New York Times, viết:
“Truyền thông nhà nước hôm thứ Tư đưa tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã từ chức sau khi vi phạm các quy định của Đảng Cộng sản, là vị chủ tịch nước thứ hai từ chức trong vòng hơn một năm. Những tường thuật liên quan vụ việc không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về hành vi sai trái bị cáo buộc của ông… Những năm gần đây, quyền lực phần lớn được củng cố trong tay lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng… Việc ông Thưởng từ chức có thể sẽ khiến nhiều quan chức trong hệ thống độc đảng vốn tự hào về sự đoàn kết và ổn định cảm thấy lo lắng. Và đó có thể là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đối với tương lai Việt Nam…”
Nhà báo Sui-Lee Wee cũng dẫn lại ý kiến của ông Nguyễn Khắc Giang thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức nghiên cứu ở Singapore, rằng: “Việc hai chủ tịch nước từ chức trong vòng hai năm không phải là dấu hiệu tích cực đối với một quốc gia thường được ca ngợi về sự ổn định chính trị”, rằng cục diện đấm đá trong cung đình kín như bưng của bộ máy đảng cai trị Việt Nam đang báo hiệu một thời kỳ tranh giành quyền lực “căng thẳng” trong nội bộ đảng trước đợt chuyển giao lãnh đạo tiếp theo vào năm 2026.
Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình, Võ Văn Thưởng đã gặp nhiều lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Cần nhắc lại, Võ Văn Thưởng, 54 tuổi, nhậm chức Chủ tịch nước vào Tháng Ba 2023, hai tháng sau khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cũng “từ chức”. Tương tự cách tường thuật vụ Võ Văn Thưởng từ chức, những bản tin Nguyễn Xuân Phúc từ chức cũng có đoạn:
“Ông… là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước”.
Về lý do Nguyễn Xuân Phúc “từ chức”, thông tin được đưa ra tương đối “chi tiết” hơn, rằng Phúc “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.
Với bức màn đen luôn phủ kín chính trường CSVN, chẳng người dân nào có thể biết chính xác điều gì đang xảy ra trong cung đình, rằng nguyên nhân nào khiến Võ Văn Thưởng bị “đá”, và thật sự có bao nhiêu phe nhóm cầm dao rựa đang hoặc sắp chặt chém nhau. Có điều, dư luận râm ran việc Võ Văn Thưởng liên quan đến màn thanh trừng tại Quảng Ngãi, vốn là cứ địa một thời của Thưởng.
Tất cả các cuộc chỉnh đốn đảng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhân danh chống tham nhũng. Tuy nhiên, tham nhũng ở Việt Nam không phải là vấn đề cá nhân đảng viên. Trẻ con cũng biết nguồn gốc tham nhũng Việt Nam là hệ thống cai trị. Nguyễn Phú Trọng phát động đánh tham nhũng từ năm 2016 nhưng hiện Việt Nam vẫn nằm ở hạng 83 trên 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng, dưới Trung Quốc và Cuba. Hàng nghìn đảng viên ở tất cả các cấp chính quyền đã bị cách chức, bị khai trừ khỏi đảng hoặc ngồi tù đếm kiến.
Tuy nhiên, khi đảng càng đánh tham nhũng, người dân càng thấy đảng thối nát như thế nào; khi tham nhũng càng được khơi ra, càng thấy rằng tất cả chỉ là những cuộc thanh trừng trong một hệ thống chính trị khép kín. Điều mỉa mai nhất là, càng xáo trộn nội bộ và nhiều bộ mặt tham nhũng được phơi bày trước toàn dân thì càng thấy Việt Nam chẳng bao giờ có minh bạch. Cách mà báo chí tường thuật những trường hợp “lên voi xuống chó” trên chính trường CSVN – với nội dung y hệt nhau, được mớm từ bộ máy truyền thông đảng và từ công an – một lần nữa chứng minh rằng thực tế chẳng có cái gì gọi là minh bạch và dân chủ ở Việt Nam cả.