Người đàn ông tuổi ngoài tám mươi, tóc rẽ ngôi chải vuốt tươm tất, ánh mắt tinh anh, vóc người nhỏ nhắn trong bộ sơ-vin, phong thái chỉn chu lịch thiệp như một công chức thời cũ, đang ngồi pha trà đón tôi ở tầng hai của căn nhà phố, đường Nguyễn Đình Chiểu, khu chợ vườn chuối. căn nhà mặt tiền mà như thể tách biệt với thế giới bên ngoài của một Sài Gòn náo nhiệt. gian phòng nơi ông tiếp tôi gợi liên tưởng về một ốc đảo hoài niệm với những đồ vật cũ kỹ xỉn màu.
Lần nào cũng vậy, ở con người chờ đợi để được thuật chuyện ấy luôn trong cung cách nhỏ nhẹ, dung dị và từ tốn. Ông là Đinh Tiến Mậu, người được sách báo ca ngợi là nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ nổi tiếng nhất trước 1975. Nhưng tôi lại chờ đợi ở nơi ông câu chuyện của một thợ ảnh, một danh phận bình dị như chính cốt cách của ông.
Lối đi của một thợ ảnh Sài Gòn
Cậu bé quê làng Lai Xá – ngôi làng cách Hà Nội chừng 20 cây số, được coi là cái nôi của nghề chụp ảnh ở miền Bắc – đã sống đời xê dịch từ thuở thiếu thời: Theo chân bố vào Sài Gòn từ thập niên 1930 và theo mẹ ngược ra Hà Nội học nghề làm ảnh, rồi sau đấy, lại trở vào Sài Gòn đoàn tụ gia đình bốn năm trước khi xảy ra sự kiện chia cắt Bắc Nam. Một tuổi thơ trôi nổi, hợp tan không phải vì vận nước lớn lao, mà chỉ vì gia cảnh quá nghèo. Hết lớp đệ thất, ông rời ghế nhà trường để đi phụ việc ở ảnh viện. Nghề ảnh với ông, được hiểu là một chiếc phao mang lại cơ hội mưu sinh, tìm một chỗ đứng trong đời khi con đường thăng tiến chữ nghĩa danh vọng là giấc mơ quá đỗi xa xôi.
Thời bấy giờ, cũng như nghề may, nghề vẽ biển hiệu thuê, nghề làm thợ chớp bóng trong ảnh viện nghe có vẻ nhàn nhã sạch sẽ, không phải lao động cơ bắp vã mồ hôi, nhưng cũng chẳng thể là nghề chẳng thể gọi là vinh thân. Một thợ ảnh giỏi chỉ được coi như một nghệ nhân nắm ngón nghề tân thời. Tên người chụp ảnh – dù chụp đẹp đến đâu – cũng chỉ ẩn dưới tên ảnh viện, nếu đó là ảnh viện có tiếng. Nghề cho đủ sống, nhưng xa hơn, hiếm có ai thành danh nhờ cầm máy trong hiệu ảnh.
Thời kỳ đầu, ông xin phụ việc, được sai vặt làm đủ thứ: Chấm ảnh, phòng tối, treo phông, sắp xếp đạo cụ, tạo dáng cho đến cầm máy chụp trực tiếp trong các hiệu ảnh trong những ngày tháng trôi nổi, lúc Sài Gòn khi Hà Nội. Các hiệu ảnh mà ông chịu ơn học nghề là Hợp Dung (bên bờ Hồ Gươm, Hà Nội) và Văn Vấn (Van Van Photo, ở đường Duranton nay là Bùi Thị Xuân, Sài Gòn). Nhờ phụ việc ở hai nơi này, ông trở thành một “thợ ảnh toàn khoa” với nghĩa “cái gì cũng biết”.
Giai đoạn ở Van Van Photo từ 1950-1958, Sài Gòn có những chuyển biến lớn, nhất là đợt di cư 1954 và sau đó là không khí cởi mở về văn hóa nghệ thuật. Các chuyển biến xã hội và văn hóa đã tác động ít nhiều đến bộ mặt ảnh viện, nhất là những ảnh viện chuyên nghiệp. Có thể thấy rõ nhất, những ảnh viện uy tín thì ngoài khách hàng bình dân đến chụp ảnh, còn có các ngôi sao sân khấu, minh tinh màn bạc lui tới. Ảnh viện chuyên nghiệp còn được những tòa báo đặt hàng chụp ảnh bìa, các hãng băng dĩa hát thuê chụp băng dĩa, nhà xuất bản mua ảnh in ấn nhạc tờ…
Nhưng lối vào nghề ảnh của chàng trai Sài Gòn gốc Lai Xá không vì thế mà tránh được những bước thăng trầm.
Rời Van Van Photo, Đinh Tiến Mậu cùng bạn bè mới ra nghề mở hiệu ảnh Việt Hoa ở gần chợ An Đông. Anh thợ ảnh chỉ học đến lớp đệ thất đã phải tự học tiếng Hoa để làm việc với khách hàng người Hoa, tự học tiếng Pháp để nói chuyện với khách hàng người Pháp công chức ở khu thành Ô-Ma (Camp aux Mares). Ảnh viện Việt Hoa tồn tại được hai năm thì đóng cửa, nhóm thợ ảnh mới ra nghề lại lập hiệu ảnh mới là King’s Photo tại 45 Ngô Quyền, Chợ Lớn.
Người Hoa nhiều lễ lạt quanh năm và rất thích chụp ảnh, nên ảnh viện sống được dễ dàng. Những thợ ảnh trẻ ở King’s Photo lúc bấy giờ sắm được hai chiếc máy tối tân, một là Linhof chụp nội cảnh và một là Zeiss Ikon cho ngoại cảnh. Trên bìa tờ Tiếng chuông năm 1962 ở Sài Gòn, ta bắt đầu thấy dưới các bức ảnh chân dung của minh tinh Thẩm Thúy Hằng có logo của King’s Photo. Nhiều trong số những bức ảnh đưa King’s Photo lên mặt báo lúc ấy là do anh thợ ảnh Đinh Tiến Mậu bấm máy.
“Thời ở King’s Photo, chúng tôi là nhóm thợ ảnh trẻ mới vào nghề nhưng được coi thành công ở khu Chợ Lớn. Tôi bắt đầu cộng tác với các hãng phim và làm quen với những diễn viên thời danh. Tôi mời họ về ảnh viện để chụp hình bìa cho các tờ báo, nhờ đó cái tên King’s Photo bắt đầu xuất hiện trên những báo đại chúng của Sài Gòn”, ông Mậu kể.
Thời kỳ sôi nổi và nhiệt huyết của những chàng trai mới vào nghề ảnh cũng qua nhanh. Chỉ một thời gian ngắn, trong nhóm bạn hùn hạp mở hiệu ảnh, người thì đổi nghề mưu sinh, kẻ theo gia đình ra hải ngoại sống,… chàng trai gốc Bắc lại một lần nữa đi tìm giấc mơ làm nghề ảnh giữa Sài Gòn. Anh thợ ảnh Đinh Tiến Mậu tìm đến Phúc An – một ảnh viện khá vắng vẻ ở số 348 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), xin thuê lại.
Hữu xạ tự nhiên hương, chỉ một thời gian ngắn, khách hàng người Hoa từ khu Chợ Lớn, chợ Đũi, Bàn Cờ… kéo sang dập dìu vì thích lối chụp ảnh, cách căn chỉnh sắc độ trong kỹ thuật buồng tối của anh thợ ảnh trẻ. Phúc An từ một ảnh viện nhỏ và đìu hiu đã có thể cạnh tranh, vượt qua hai ảnh viện lớn trên con đường này là Kinh Đô và Kim Đức.
Khi thấy hiệu ảnh ăn nên làm ra, chủ cũ tìm cách tăng giá thuê nhà và chỉ sau một năm, anh thợ ảnh trẻ đã lại phải tính tới chuyện rời đi; lần này thì phải mở ảnh viện riêng để ổn định. Anh thuê căn nhà 277 Phan Đình Phùng và treo lên biển hiệu Viễn Kính Photo. Đó là năm Sài Gòn xảy ra các biến động lớn: Cao điểm của phong trào Phật giáo với sự kiện nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu cách nơi làm việc của anh thợ ảnh trẻ Đinh Tiến Mậu chừng vài trăm mét. “Tôi đi xem và nghe được cả mùi khói khi đám lửa bùng lên, nhưng tôi đã không chụp bức ảnh nào bởi tôi chỉ đơn giản hiếu kỳ như một thường dân, tôi không biết đến chuyện đại sự”, ông Mậu nhớ lại.
Và cũng năm 1963 xảy ra cuộc đảo chánh. Có thể cái đêm hai anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu phải chạy vào nhà thờ Cha Tam để ẩn mình, thì anh thợ ảnh Đinh Tiến Mậu đang đèo cô vợ trẻ Phan Kim Bình trên chiếc VeloSolex đến tiệm cơm gà Siu Siu ở khu An Đông.
Nói đúng ra, 1963 xã hội biến động nhưng lại là năm may mắn với ông Mậu: Lấy được cô vợ làm nghề kế toán viên hãng IBM và mở được một hiệu ảnh mà không lâu sau, đã làm nên tên tuổi, chỗ đứng của ông trong đời.
Ảnh viện thời hoàng kim
Viễn Kính, nghĩa là thấu kính nhìn xa. Đúng như cách đặt tên cho ảnh viện, từ 1963, người thợ ảnh Đinh Tiến Mậu đã đặt mình vào một dự phóng, viễn kiến trong sự nghiệp. Người bạn đời của ông cũng bỏ việc kế toán cho IBM để ở nhà làm sổ sách cho ảnh viện, rảnh rang thì cùng các con phụ chấm ảnh, tô màu (khi khách hàng chuộng ảnh màu). Viễn Kính Photo nhanh chóng trở thành một ảnh viện được nhiều ngôi sao Sài Gòn, từ Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Thúy, Hà Thanh, Thái Thanh, Thanh Lan, Bạch Yến, Thanh Tuyền, Thanh Nga, Diễm Thúy, Túy Hồng,… cả những nam tài tử, ca sĩ như Duy Khánh, Hùng Cường, La Thoại Tân,… ghé qua.
Khách hàng bình dân đi qua thấy trước ảnh viện có trưng ảnh chân dung ca sĩ, tài tử thì càng thích thú, tin tưởng bước vào nhờ ông chủ bấm cho vài pose. Họ hạnh phúc khi ở góc ảnh chân dung, ảnh gia đình thật đẹp có đóng con dấu Viễn Kính. Những khi có minh tinh điện ảnh đến chụp hình, dân ở khu xóm chợ Vườn Chuối háo hức kéo nhau đến đứng chật trước ảnh viện hiếu kỳ, chờ diện kiến những thần tượng ngoài đời.
Trong căn phòng nhỏ, đồ đạc gọn gàng, nhiều vật dụng đã cũ được lưu lại: Chiếc bàn máy may, bộ ghế salon bọc da nâu đỏ, chiếc đồng hồ Carillon Romanet Morbier có con lắc mạ vàng mỗi tuần lên dây cót một lần vẫn chốc chốc đổ chuông, những hộc tủ, ghế bàn nước gỗ đã xuống màu…
Bầu không khí mà đồ vật vây quanh đã đưa tôi về một quãng thời gian khác – Sài Gòn những năm 1960-1970 – đồng thời với những bức ảnh khổ lớn ghi lại nét xuân sắc rạng ngời của những người đẹp Sài Gòn. Người đàn ông tuổi ngoài 80 thỉnh thoảng vuốt ngược mái tóc bạc trắng, rồi những ngón tay xoa nhẹ lên thái dương như thể khai thông một đoạn nghẽn ký ức nào đó trong câu chuyện thời hoàng kim giữa ông với các nhân vật bên trong những bức ảnh.
Đó là chuyện những đêm khuya, Thanh Thúy đi hát phòng trà về ghé qua rủ ông đi ăn cháo gà trước khi cô ca sĩ lẻ loi đi về căn phòng trọ ở khu miếu Tam Tông; những chuyến chụp ảnh xa với Thanh Nga ở Đà Lạt được bầu Thơ chăm sóc như con trong nhà; những chuyến ra ngoại ô chụp ảnh cho cô Thẩm Thúy Hằng bị lọt vào vòng phục kích, những cuộc gặp gỡ ấm tình thân với người nhạc sĩ tài hoa phụ trách hãng dĩa Continental Nguyễn Văn Đông… Tất cả trở về trong các buổi gặp gỡ giữa tôi với ông một cách tự nhiên, không cần những câu hỏi khơi dòng. Vậy mà tôi và các đồng nghiệp đã nói với nhau về ông rằng, với người thuần túy là một thợ ảnh, học chụp ảnh, tráng ảnh kiểu truyền ngón và không có lấy một quan niệm về cái gọi là “nghệ thuật nhiếp ảnh” nào, thì sẽ chẳng có gì để ghi lại.
Một trong những câu chuyện ông kể làm tôi ám ảnh nhất, đó là những ngày sau 1975. Cũng như những người từng làm những việc có liên quan tới sinh hoạt văn hóa trào cũ, ông mang những thư từ, hợp đồng, giấy tờ của ảnh viện ra sau hẻm, châm lửa đốt. Hiệu ảnh thì vẫn hoạt động nhưng thưa thớt dần, ông phải cộng tác với một số tờ báo thuộc thành đoàn lúc bấy giờ để mưu sinh, trong vai một phóng viên ảnh.
Có một mối day dứt với ông chủ ảnh viện Viễn Kính lúc bấy giờ mà ít ai hiểu thấu, đó là sẽ phải làm gì với hàng ngàn tấm phim của khách hàng. Bởi trước đây ông chỉ giao ảnh cho khách kèm theo con số của tấm phim, nếu khách có nhu cầu thì sẽ quay lại đọc số phim là nhân viên ảnh viện sẽ sao lục và rửa ảnh.
Có nên đốt cả kho phim hay không? – đó là câu hỏi khiến ông mất ngủ. Cuối cùng thì ông quyết định giữ lại với hy vọng sẽ có những khách hàng năm xưa một lúc nào đó sẽ đến xin lại các tấm phim chỉ để gặp lại bóng hình và kỷ niệm ngày cũ. Mười, hai mươi năm, ba mươi năm và bốn mươi năm đi qua, không ai trở lại. Những tấm phim vẫn được lưu trữ cẩn thận trong các liếp nhựa trong chiếc tủ im lìm. Đôi khi ý nghĩa của chờ đợi không phải là một cuộc gặp phía trước, mà ở chỗ bản thân sự đợi chờ.
“Có thể có người đã rời khỏi thành phố, có người đã chết trên biển, có người đã ở rất xa…”, ông nói và nhìn ra ban công, nơi những bông mai muộn lốm đốm vàng. Một buổi sáng tháng Tư, ông kể tôi nghe về người bạn thân thiết, là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tác giả Chiều mưa biên giới và nhiều ca khúc nổi tiếng khác. Rằng, “sau 1975, ông Đông vào trại cải tạo suốt 10 năm, từ Suối Máu đến Chí Hòa, tôi vẫn tìm cách vào ra thăm ổng.
Năm 1985, ông ấy đổ bệnh nặng, người ta đưa về Chợ Rẫy nằm, tôi cũng đến thăm. Còn nhớ lúc ấy tôi còn bị hạch hỏi quan hệ làm sao với ông Đông, tôi chỉ cười bảo, là bạn. Bằng hữu, cho đến bây giờ, khi ông sống đơn độc và khép kín trong căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, khi rảnh ranh tôi lại tới thăm, hàn huyên chuyện cũ. Với tôi, đó là người bạn tốt, giàu khí chất và trí tuệ mà cuộc đời mang lại cho mình.”
Ông kể về những bạn bè ca sĩ thời cũ từ hải ngoại về cũng tìm đến thăm ảnh viện và xin xem lại những bức ảnh khổ lớn mà ông lưu trữ trong căn phòng này. Họ ngồi hàn huyên và đôi khi có những khoảng im lặng hàng giờ, chỉ để tưởng niệm một thời đại xuân sắc hoàng kim đã đi qua. Trên bức tường, Thẩm Thúy Hằng tóc vấn cao, tai đeo bông hột xoàn cỡ lớn, mắt ngọc, đôi lông mày cong được vẽ đậm, môi cười thanh tú. Ngoài nụ cười sáng từ đôi môi trái tim, thì sự quyến rũ của một mỹ nhân đã được quãng diễn trong một thế ngồi tạo dáng theo bố cục zic-zăc đường chéo khung ảnh. Dáng ngồi chia sẻ những gì ưu việt và đặc thù của chiếc áo dài chít eo, tay áo cắt theo lối trois-quatre (3/4), cổ thuyền, ngực vuốt – mà thời bấy giờ gọi là áo dài Bà Nhu.
Trong khi đó, dáng đứng, ngồi ngẫu nhiên của Hợp ca Thăng Long làm toát lên một sinh khí của văn nghệ sáng tạo tự do và phong lưu của một đời sống phóng khoáng tự do. Bức chân dung Khánh Ngọc gợi cảm, Diễm Thúy mạnh mẽ táo bạo, đầy sức sống, còn Thanh Nga thì toát lên vẻ đẹp vẻ quý phái, kinh điển… Những gì làm nên sắc vóc của văn nghệ, văn hóa một thời, làm nên vẻ đài các thanh xuân của những mỹ nhân Sài Gòn cũ đang trở về. Những ánh mắt, môi cười, dáng vẻ, khí chất đó bền lâu, chống lại mọi vết úa xước của thời gian.
Phẩm cách tỏa ra từ các bức ảnh đó thuyết phục ta tin rằng, cái đẹp và sự thanh tao hãy còn hiện hữu, không thể phôi pha. Tôi nhiều lần phải đứng ở góc cao để chụp xuống các bức ảnh mà ông cẩn thận tỉ mỉ đặt để trên nền gạch bông. Bằng máy ảnh số, tôi nín thở để ghi lại các bức ảnh khổ lớn theo cách của một người tìm cách lặn sâu vào một đại dương mê hoặc, ghi lại từng chi tiết đã phủ bụi, làm sao cho không xê xích hay nghiêng đảo, làm sao cho tất cả phản chiếu những hồi quang.
Những lúc đó, tôi được đắm chìm vào một không gian thuần khiết, tự do mà ảnh viện này tạo ra. Và cũng những lúc đó, tôi nhận ra sự bất lực. Cái đẹp là một điều gì không thể dò thấu.
Bên dòng chảy không ngừng
Những ngày đầu năm 2017, tôi rời tòa báo và thất nghiệp. Còn ông: Nghỉ dưỡng già. Một đã nghe gió heo may về, một thì mỏi gối chồn chân quá sớm, nhưng lại gặp nhau ở một điểm – chúng tôi lùi khỏi dòng chảy đời sống nhận nhịp xô bồ của một thành phố ngày đêm sôi động như thác lũ.
Tôi rón rén ở cửa hông của gian bếp, làm quen với ông bà và đưa ra một đề nghị xin được gặp ông mỗi tuần hai buổi sáng để nói chuyện về nghề làm thợ ảnh ở Sài Gòn ngày xưa. Ông ngó sang, tế nhị chờ nụ cười thiện cảm của người bạn đời rồi gật đầu.
Và cứ như thế, suốt nửa năm, tôi đều đặn tuần hai buổi sáng mang sổ, bút, máy ảnh đến căn phòng trên lầu hai. Ông sẽ pha một ấm trà thơm và đợi. Lúc nào ở ông cũng toát ra sự thư nhàn, nhỏ nhẹ nhưng chu đáo từ cách ăn mặc đến tuân thủ giờ giấc của cuộc hẹn.
Điều mà tôi cảm nhận từ lần gặp đầu tiên cho đến lần gặp cuối với ông, thật nhất quán và rõ ràng, đó là trong cốt cách riêng của ông, có cung văn hóa bặt thiệp và chừng mực của người một thời. Vẫn nụ cười ấy, khi tôi trở lại và trao tặng nhân vật cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn – Câu chuyện Viễn Kính (Phương Nam Book & NXB Trẻ, 2017) vào cuối năm đó, ông nắm tay tôi đi trong con hẻm nắng và bảo rằng, “Mình sẽ gửi cuốn sách về bảo tàng nghề ảnh ở Lai Xá, quê hương mình.
Ở ngôi làng đó có cả một bảo tàng nghề ảnh”. Và lần sau đó trở lại, vẫn nụ cười hồn hậu ấy, người thợ ảnh nhìn tôi từ sau màn hương khói lững lờ bay. Bây giờ, câu chuyện giữa chúng tôi là một khoảng lặng im tịch mịch mãi mãi.
Ông Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935, tại Lai Xá, Hà Đông; mất năm 2020 tại Sài Gòn. Hai năm trước đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, bằng hữu của ông qua đời; và hai năm sau đó, một trong những giai nhân ngày cũ, cũng là bạn già mà ông thi thoảng còn giữ liên lạc sau này, bà Thẩm Thúy Hằng cũng rời cõi tạm. Tôi vẫn nghĩ về căn phòng trên tầng hai của ảnh viện Viễn Kính, nơi người thợ ảnh già ngồi rót trà chờ tôi để kể câu chuyện dâu bể thời gian. Cạnh những tủ phim âm bản đã niêm kín những đợi chờ.