Chuyện sư Thích Minh Tuệ “tự nguyện” ngừng bộ hành, theo thông báo của Ban Tôn Giáo Chính Phủ trở thành sự kiện được bình luận xôn xao không kém như các chuyến đi của ông. Nhiều người nói, chính quyền nói ông “tự nguyện” là một cái kết độc đáo, phơi bày rõ bộ mặt của Hà Nội, vốn lâu nay vẫn rêu rao về tự do tôn giáo, bên cạnh việc nuôi dưỡng những con sâu tăng ni để đục ruỗng niềm tin Phật Giáo tinh khiết của người dân Việt Nam.
Dưới đây là vài ý kiến bình luận về cái kết của chuyến hành trình có một không hai của sư Thích Minh Tuệ, rất đáng để đọc, và giúp hiểu được điều gì đang diễn ra ở Việt Nam.
Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Ngài vẫn luôn hiện diện
Ngài không còn cái tôi. Ngài không còn sân hận. Ngài không có tài sản. Ngay cả cái mạng Ngài cũng không màng đến. Ngài coi mọi người đều là người thân, có nghĩa là Ngài chẳng có ai cả.
Muốn khống chế ai, muốn kềm toả ai, thì phải dựa vô điểm yếu của họ. Ngài không có điểm yếu. Nói cho đúng hơn, không có điều gì có thể lung lạc Ngài được. Cho nên, với Ngài, dù giày vò, giễu cợt, nhục mạ… cũng chẳng có ý nghĩa gì. Điều đó chỉ chứng minh tầm mức, tâm thức, và căn tính của những kẻ đối đãi với Ngài mà thôi.
Tôi tin là trong hơn một tháng qua, đã có nhiều người theo Ngài một cách đúng nghĩa. Tức là họ âm thầm thực hành tu giống như Ngài. Họ không cần xuất hiện bên Ngài. Họ không chạy theo Ngài, vì họ biết, Ngài đã đạt cảnh giới cao siêu, và họ cần có thời gian tu luyện để đạt được cảnh giới của Ngài. Họ có khả năng tự vạch ra con đường cho bản thân. Chỉ là chúng ta chưa biết đến họ, giống như chúng ta chưa biết đến Ngài nhiều năm về trước, mà thôi.
Trong số những người thực sự phát tâm đi theo Ngài trong thời gian hơn một tháng qua, tôi tin là một số người sẽ tiếp bước con đường của Ngài đã đi. Những người đó đã chứng thực cảnh giới của Ngài, và họ sẽ cố gắng để đạt được cảnh giới đó. Tuy họ không có khả năng tự vạch ra con đường cho mình, nhưng tôi tin, một số họ sẽ thành công. Trong thời gian ngắn ngủi vừa qua, họ đã chứng minh quyết tâm của họ.
Hơn một tháng qua, với sự xuất hiện của Ngài trên mạng xã hội, đã có không biết bao nhiêu cái mặt nạ rớt xuống. Mặt nạ mang hình cứu độ chúng sanh, mặt nạ mang hình tôn kính Phật, mặt nạ mang hình từ bi, mặt nạ mang hình độ lượng… và cuối cùng là tấm mặt nạ mang hình hỗ trợ, đã bị lột ra.
Hơn một tháng qua, với sự xuất hiện của Ngài trên mạng xã hội, chắc chắn đã có nhiều người noi gương Ngài. Dù ai đó có làm gì với Ngài, thì chắc chắn Ngài sẽ vẫn ở đâu đó xung quanh ta. Ngài vẫn luôn hiện diện trên cõi đời này.
Nhà Văn Phạm Lưu Vũ: Sự kết thúc cũng là một sự kiện
Trong vòng một tháng qua, ngoại trừ một vài trường hợp lẻ tẻ không đáng kể, và những biện pháp ngầm (nếu có), thì cũng phải công nhận việc hành xử của cơ quan chức năng đối với đoàn Khất sỹ Minh Tuệ là đúng mực và thông minh. Hình dung có một sự chỉ đạo khôn khéo, đầy kinh nghiệm và xuyên suốt nào đó. Hy vọng họ thừa thông minh, để không làm hại gì đến sư Minh Tuệ và tăng đoàn.
Không vì sự rúng động, hoảng hốt, ghen tức mà hành xử thiếu khôn ngoan, dưới cả phàm tục và ngược Giáo pháp như GHPGVN, thậm chí bịa đặt, dối trá như ông “khầy” Thích Đức Thiện, ngậm đầy mồm răng, hở cả lợi mà ngôn bậy ngôn bạ như cậu tăng Thích Nhuận Đức…
Thế mới biết, Đời khôn hơn “Đạo” là ở chỗ này.
Riêng tên trọc ma tăng Thích Chân Quang thì bộc lộ rõ sự hốt hoảng, hằn học và lưu manh quá cỡ… thợ mộc.
Còn rất nhiều ma tăng khác, như tên trọc Thích Trúc Thái Minh ở 3V, như con chuột rúc kĩ trong hang mà nín thở, ngậm miệng. Cũng khá khen cho sự “nhẫn nhục” ấy là khôn ngoan.
Nhà thơ Thái Hạo: Viết ngắn
Ngay ở bài viết đầu tiên về sư Minh Tuệ gần hai tháng trước, tôi đã nhận định rằng ông sẽ sớm phải ẩn tu. Việc ông dừng hành cước, dù là với nguyên nhân gì, là một điều hoàn toàn có thể nhìn thấy trước được. Nhưng cái cách như đã diễn ra đêm qua ở Huế thì quả là đáng buồn, và đáng thất vọng.
Một lần nữa, tôi lại thấy chính quyền thiếu một quyết định khôn ngoan, đó không phải là cách hay để giải quyết một vấn đề văn hóa. Văn hóa phải giải quyết bằng văn hóa.
Bởi thế, từ khi “hiện tượng Minh Tuệ” nóng lên, tôi cũng đã viết và mong mỏi chân thành và tha thiết rằng, đây là cơ hội để các ban ngành, các cơ quan liên quan vừa xiển dương một biểu hiện của văn hóa tâm linh đẹp đẽ, vừa tích cực phân tích, “tuyên truyền” để đông đảo người dân hiểu đúng giáo lý nhà Phật, đồng thời để họ biết cách ứng xử hợp lý, văn minh, không gây thành đám đông ngày một lớn như đã thấy, thay vào đó là vừa tự nâng cao đời sống tinh thần, vừa không quấy quả người tu hành.
Tiếc thay, tất cả những việc đó đã dường như không được thực hiện một cách chủ động, bài bản, có hệ thống và nhất quán, mà thay vào đó là liên tiếp các hành động gây hiệu ứng ngược: từ các bài viết (như trên trang Phật giáo đời sống), đến các phát biểu méo mó của nhiều nhà sư “chính thống”, rồi Công văn của giáo hội, hay ứng xử của cán bộ địa phương (như chủ tịch một xã ở Quảng Trị),… Tất cả đều không phải là các giải pháp văn hóa. Và cho đến đêm qua, sau một hành động “nhanh gọn” không có họ hàng gì với ứng xử văn hóa, đoàn người đã “bốc hơi” như chưa từng tồn tại.
Tôi tin rằng sư Minh Tuệ vẫn an toàn, và ông sẽ an toàn. Điều đáng tiếc là, như đã nói, chính quyền và nhất là các ngành liên quan đến văn hóa đã bỏ lỡ một cơ hội quý giá để vừa góp phần xây dựng một nếp sống đẹp cho người dân, vừa tự quảng bá cho hình ảnh của chính mình. Không gì chứng minh mình là một chủ thể văn hóa hiệu nghiệm cho bằng cách ứng xử có văn hóa, khôn ngoan và cao thượng. Tiếc thay. Nhưng, có lẽ như thế mới đúng, và chẳng nên ngạc nhiên làm gì.