‘Chấn hưng văn hoá’: Trò vẽ dự án vô văn hóa nhằm hút máu ngân sách!

Kayla Ng

Chính phủ Việt Nam vừa trình Quốc Hội xem xét về đề xuất chi tiền cho chương trình phát triển văn hoá 2025-2035.

Theo đó, Bộ Văn Hoá-Thể Thao-Du Lịch (VHTTDL) cho biết số tiền cần trong giai đoạn 1 (2025 – 2030) là 122,250 tỷ VN đồng; giai đoạn 2 (2031 – 2035) là 134,000 tỷ VN đồng. Tổng vốn thực hiện chương trình trong 11 năm, cần xài đến 256, 250 tỷ VN đồng.

Như vậy, sau khi bị dư luận chỉ trích vì số tiền gọi là “chấn hưng văn hoá” lên tới 350 ngàn tỷ (hồi Tháng Mười năm ngoái), giờ đây Bộ VHTTDL tự giảm bớt để hy vọng được thông qua chương trình. Tức là chỉ trong sáu tháng, chấn hưng văn hóa được đại hạ giá gần 100 tỷ VN đồng!

Người ta tự hỏi, có hay không việc ban đầu Bộ VHTTDL “bơm giá dự án”? Nếu lần này, con số hơn 256 ngàn tỷ bị dư luận tiếp tục phản đối, liệu Bộ này sẽ cho “giảm giá” tiếp không? Văn hóa được hạ giá như vậy, cuối cùng sẽ là bao nhiêu, và chất lượng dự án sẽ như thế nào?

Theo tờ trình chính phủ của Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, gồm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1, việc xài tiền nghe rổn rảng nhưng… vô nghĩa, như xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình, chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác. (?)

Điều này chứng minh rằng hiện nay Bộ VHTTDL chỉ nghĩ ra con số để làm tiền, và vẫn chưa biết sẽ làm gì, suy nghĩ dở dang.

Số tiền 256,250 tỷ này chỉ là ước lượng theo suy nghĩ vô căn cứ các vị lãnh đạo bộ, thậm chí cán bộ quản lý vẫn chưa đủ khả năng để thực hiện chương trình, cần lấy ngân sách để “bồi dưỡng, nâng cao năng lực.” Vậy thì không biết dự án này sẽ thành công kiểu gì.

Đáng sợ hơn, Bộ VHTTDL cũng ghi rõ trong tờ trình rằng đây “chưa phải là con số cuối cùng,” và “trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung Ương để‌ ưu tiên hỗ trợ thêm cho chương trình phù hợp với điều kiện thực tế, và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp đê‌ thực hiện.”. Tức là khi chương trình này được duyệt, thì chắc chắn Bộ sẽ vẽ thêm các chi phí, và chính phủ phải cho thêm tiền, vì dự án lỡ chạy rồi.

Trên chặng đường dài thực hiện, giới chóp bu sẽ đổ lỗi vào tình thế khi lụn bại, và là cớ để đòi thêm ngân sách cũng như chuẩn bị sẵn cho con đường hạ cánh an toàn, khi hàng trăm ngàn tỷ đổ sông đổ biển.

Có thể thấy rõ tham vọng và thủ đoạn của Bộ VHTTDL tệ hơn cả bọn con buôn: nâng giá ảo lên cao chất ngất rồi tiến hành giảm giá. Nhưng thòng thêm là khi làm dự án, “có gì phát sinh” thì cho thêm.

Căn cứ theo điều 47, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đây rõ là hành vi vi phạm pháp luật, Bộ VHTTDL trắng trợn lừa dối khách hàng; mà trong trường hợp này, khách hàng chính là người dân Việt Nam.

Nếu so sánh với những chiêu trò của các nhà thầu Trung Quốc đã và đang áp dụng trong các công trình ở Việt Nam gần đây như đường sắt Cát Linh- Hà Đông, nhà máy đạm Ninh Bình… có thể nói Bộ VHTTDL đã sao y bản gốc cách làm ăn của những tay gian thương nước láng giềng: Ban đầu kê khống giá lên 350 ngàn tỷ rồi giảm giá xuống còn 256 ngàn tỷ; trong quá trình thực hiện dự án thì lại tiếp tục âm thầm nâng giá lên. Vậy nếu con số 350 ngàn tỷ ban đầu không bị dân chúng phản ứng và được duyệt, thì 100 ngàn tỷ sẽ vào tay ai? Hoặc hiệu quả của dự án 350 ngàn tỷ hay 256 ngàn tỷ, khác nhau thế nào?

Nhìn vào những mâu thuẫn này có thể thấy rõ những kẻ đề ra chương trình chỉ nhắm vào chuyện rút rỉa ngân sách cho một âm mưu xài tiền không có đích đến. Gọi là chấn hưng văn hóa, nhưng họ không hề có văn hoá và đạo đức.

Có thể khẳng định chương trình gọi là “chấn hưng văn hoá” này chỉ là một trò lừa cả dân tộc. Nếu “dự án thành công,” nghĩa là sự thành công khi mang về tiền tài cho bọn quan lại đê tiện chia chác nhau trên đồng thuế là mồ hôi nước mắt của dân Việt mà thôi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: