Sự xuất hiện của sư Minh Tuệ như tấm gương chiếu yêu đã soi rọi ra những gì xấu xa, suy đồi và vương giả nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Trong khi hình ảnh đối nghịch, là ông Minh Tuệ với bộ y phấn tảo chắp vá từ những mảnh vải vụn bỏ đi, tối ngủ nghĩa địa, ngày lang thang trên những con đường đầy nắng gió với đầu trần, tay ôm lõi nồi cơm điện, chân không mang dép.
Những hình ảnh này vô cùng đối lập với lối sống xa hoa của những người được phong là “sư,””thầy,” chức sắc trong GHPGVN. Sự xa hoa làm nhiều người liên tưởng đến triều đình và vua chúa thời phong kiến với đầy những cung phụng. Những hòa thượng mặc long bào se sua như hoàng thượng, có cả kẻ chầu chực hau bên, kể cả đám đông dân chúng dân quỳ lạy phía dưới.
Đơn cử như chiếc áo cà sa, thứ được coi là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và tầm thường nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Nhưng nhìn vào bộ sưu tập y phục của các “quan lại GHPGVN” thì nó lại chẳng thua gì long bào của vua chúa thời xưa.
Chẳng hạn như chiếc long bào mà hoà thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban Nghi Lễ Phật Giáo quốc doanh, kiêm ủy viên thường trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, thường mặc trong các buổi tế lễ. Bộ “cà sa” này có cả hình rồng năm móng, một biểu tượng cho quyền lực tối cao của nhà vua, chỉ được thêu trên các bộ long bào của hoàng đế Việt Nam.
Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, sau khi đức vua Gia Long thống nhất toàn cõi Việt Nam, lên ngôi hoàng đế, ngài ra chỉ dụ thêu hình rồng 5 móng trên long bào. Hình tượng này thể hiện tính độc lập của triều đại Việt Nam, ngang với triều đình nhà Thanh (Trung Quốc). Ngoài trang phục thì các đồ dùng của vua đều được thêu, vẽ, đúc, khảm, chạm hình rồng 5 móng để đại diện cho uy quyền tuyệt đối của hoàng đế một quốc gia thống nhất và độc lập.
Liệu hoà thượng Thích Lệ Trang có ngầm xưng vương, khi mặc long bào hình rồng 5 móng, thể hiện quyền lực tối thượng? Hay ông ta quá ngu dốt, không biết gì kiến thức lịch sử dân tộc, cũng như hám của đẹp lộng lẫy, không hề là tâm tính của người tu hành?
Không chỉ ông Thích Lệ Trang, mà ngay cả Pháp chủ Giáo Hội quốc doanh Thích Trí Quảng, cũng có một bộ sưu tập long bào rất phong phú. Việc trình diễn trang phục và nghi lễ như một nhà nước thần quyền, những buổi tế lễ, hội họp có mặt vị pháp chủ này thường diễn ra vô cùng long trọng.
Trên ngai thì pháp chủ mặc long bào, hai bên thì có quần thần chầu phục, bên dưới thì tín đồ quỳ lạy nghe thuyết giảng. Chẳng khác gì những buổi thiết, thậm chí có khi còn long trọng hơn. Nhưng hiện nay, không phải chỉ có pháp chủ được quyền “thiết triều,” mà các sư nhà nước, chỉ cần là trụ trì một chùa thì cũng đã như vua một cõi, như Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh, Thích Nhật Từ…
Người xưa lạy vua vì lòng cung kính của thần dân với người đứng đầu quốc gia, biết ơn công đức bảo vệ Tổ Quốc, bờ cõi nước nhà, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Ngày nay thì khác, người dân có gặp chủ tịch nước không cần phải quỳ lạy, nhưng cứ vào chùa, hay đi đâu gặp các tăng ni thuyết pháp, ai nấy đều phải cúi đầu lạy.
Hình ảnh mới đây làm chấn động lòng người, là trường hợp hoà thượng Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo, đã phải quỳ lạy các thành viên Ban Trị Sự giáo hội quốc doanh tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để sám hối vì lỡ khen ngợi công đức tu tập của sư Thích Minh Tuệ. Điều làm bất kỳ ai cũng phải sợ hãi, là hoà thượng Thích Minh Đạo phải quỳ lạy tạ tội với thành viên Ban Trị Sự Giáo Hội, chứ không quỳ lạy Phật.
Ngồi để người ta lạy mình như lẽ thường, và ngày càng phổ biến, đang cho thấy sư sãi trong giáo hội quốc doanh càng ngày càng ngạo mạn, lạm quyền, bỏ qua những lời Phật dạy để mưu cầu lợi ích cá nhân của bản thân mình.
Trên đây chỉ nói về việc hòa thượng mặc long bào, để người dân quỳ lạy, chầu phục. Ngoài ra chưa kể tới cuộc sống xa hoa của các thầy tu này. Từ những chiếc đồng hồ hàng hiệu, tới việc mua xe hơi không cần trả giá. Đi đâu cũng có vệ sĩ bảo vệ, tín đồ chụp hình, quay phim ca tụng. Sống trong những ngôi chùa nguy nga tráng lệ không khác gì cung điện hoàng gia của vua chúa phong kiến…
Nếu như các triều đại quân chủ ngày xưa buộc người dân phải trung thành với vua theo kiểu “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung,” thì các hoà thượng trong giáo hội quốc doanh ngày nay cũng ép buộc tín đồ phải lập lời thề độc “tuyệt đối trung thành với sư phụ.” Như trường hợp ông Thích Chân Quang, trụ trì chùa Phật Quang. Ông này tự lập ra chín lời thề độc, yêu cầu tín đồ phải thề không phản bội sư phụ, nhất mực nghe lời sư phụ (Thích Chân Quang), nếu phản bội thì “chết làm chó không biết ngày lên, những người thân yêu cũng bị liên lụy khổ nạn.”
Rõ là giáo hội quốc doanh hiện nay chẳng khác nào một chế độ thần quyền chuyên chế, độc quyền quản lý tín đồ trong lãnh thổ Việt Nam. Bất cứ ai ủng hộ những người ngoài giáo hội thì đều bị coi là “tạo phản.” Còn các trụ trì theo chính quyền giống như những lãnh chúa ở địa phương, tha hồ nói nhăng nói cuội rồi ép tín đồ phải trung thành. Một xã hội đột nhiên từ hiện tượng sư Thích Minh Tuệ, đã soi rọi các loại ma tăng đỏ ngày nay.