Vài hàng dẫn truyện
Khi về già, giã từ công việc để bước vào thời gian hưu nghỉ, ta vẫn thường rơi vào nỗi chán nản với cuộc sống quá vật chất tại xứ người và cũng vì quá buồn tẻ với tuổi già cô đơn. Như mọi năm ta lại khăn gói, ba lô tìm về Việt Nam để rong chơi, tìm lại mốt tí chút dư thừa của mùi vị cố hương.
Một hôm khi trời nhá nhem tối, ta đang lang thang ở một vùng quê vắng vẻ mong tìm được nguồn cảm hứng để tìm đề tài mà viết lách cho vui, giải buồn. Không biết từ đâu một cô gái rất xinh đẹp, từ một lùm cây bên đường tiến đến sát gần ta, có chút e thẹn mà hỏi:
-Không phải là Lưu An tiên sinh đó hay sao?
Với tí chút ngạc nhiên ta trả lời:
-Đúng là ta, sao nàng lại biết danh tự của ta? mà hỏi ta có việc gì?
Mỹ nhân không chút ngại ngần, đưa cánh tay trắng muốt kéo sát ta lại gần, áp mặt ta vào bộ ngực trắng hồng, to như hai trái bưởi của nàng, nũng nịu mà nói:
-Thiếp là ma đây, danh tự lúc còn sống chốn trần gian tên gọi Thục An, họ Vương, thiếp vẫn mong muốn được tiên sinh dùng văn chương chữ nghĩa mà viết cho thiếp câu truyện tình yêu của đời thiếp.
Ra vẻ ngạc nhiên, chau ánh mắt ta hỏi cô gái:
-Nhưng sao nàng phải nhờ ta mà không tìm đến người khác, tài giỏi hơn ta, họ có thể viết cho nàng hay hơn, hấp dẫn hơn ta?
Cô gái lắc đầu, trả lời ta rất chậm.
-Lưu tiên sinh quên rồi sao? Từ ngày còn là sinh viên, tiên sinh đã từng kiếm tiền ăn học bằng nghề viết thư tình mướn. Những cặp tình nhân đã thành nghĩa phu thê, những cô gái bán bar cho lính Mỹ đã nhờ tài năng viết thư tình mướn của tiên sinh mà họ có dư dả tiền bạc để thoải mái với cờ bạc đỏ đen hút chích sao?…. Đó không phải là tài năng viết lách, ẻo lả trong văn chương mà tiên sinh có biệt tài hay sao? Thiếp không sai lầm khi nhờ vả tiên sinh đâu, xin tiên sinh cứ an lòng mà giúp cho thiếp, thiếp nguyện lòng mình không để cho tiên sinh phải nhăn mặt, cau mi mà bực bội với thiếp đâu!
Dĩ nhiên với những lời khẩn cầu tha thiết đó, nhất lại là từ một giai nhân sắc nước hương trời mà ta có thể từ chối được?!
Thế là ta đã dành cả mấy ngày theo đề nghị của người đẹp ma mị về nhà nàng tạm cư, sống với nhau mà viết ra truyện tân liễu trai: “Bành Kiến Chung“ này, gửi lên mạng cho mọi người và cho vài kẻ tri âm của ta thưởng thức.
Ta cũng không muốn làm kẻ giả đạo đức mà quên nhắn nhủ với mọi người, nếu có dịp nhớ đừng bao giờ từ chối để thưởng thức cái khoái cảm của tình yêu. Hãy hiểu rằng dù tình yêu thực sự với người đời có xương, da, máu, thịt hay tình yêu trong mờ ảo của hồn ma, bóng quế và cả tình yêu mông lung với hồ ly, thú rừng tu luyện mà thành người thế gian… tất cả dạng tình yêu đó đều là những gốc nguồn của thú vị, của say mê xin đừng ngu ngơ hay cao ngạo mà từ chối để rồi hối tiếc đó!
Đó cũng chính là câu truyện BÀNH KIẾN CHUNG mà ta vừa viết xong do người đẹp ma mị tên là Vương Thục An yêu cầu. Ta cũng xin cung kính gửi đến bạn đọc, đọc cho vui, quên đi những nỗi buồn tẻ nhạt trong cuộc đời mà ai ai trong chúng ta đều có.
(Switzerland, Zuerich June, 2024)
Vào truyện
Tỉnh Thái Hồ, quận Kinh Dương có nho sinh họ Bành tên Kiến Chung, tuổi khoảng 25, học hành khá chăm chỉ nhưng chẳng hiểu sao thì cả chục lần nhưng cũng chỉ đậu được bằng tú tài. Người quen và bạn hữu thường gọi là Chung Tú Tài.
Kiến Chung vốn thuộc hàng danh gia thế tộc, lại là con trai duy nhất nên được nuông chiều hết mực. Song thân qua đời để lại hàng chục cơ sở thương mại trong trung tâm thành phố, hai người chị là phận gái nên cũng chẳng được bao nhiêu, phần lớn gia sản dành cho quý tử. Chính nhờ vậy mà lúc nào Chung cũng rủng rỉnh tiền bạc đầy túi, lên xe xuống ngựa được mọi người cho là kẻ phong lưu.
Họ hàng nội ngoại, người thân quen cũng như bè bạn thấy Chung đã trọng tuổi, thành nhân nên đã bao lần tìm cách gán ghép với nhiều người đẹp, nhưng Chung vẫn lơ là, mỉm cười tỏ ra không mấy thích thú. Mọi người nghi ngờ Chung có bệnh thầm kín mà không thích chuyện gối chăn, nên cũng chán nản bỏ qua. Chung biết vậy nhưng cũng chẳng coi làm trọng mà bỏ ngoài tai, không thèm giải bầy tranh cãi cho mệt.
Chung có sở thích du lịch lang thang đó đây hòa nhập với thiên nhiên, rừng núi. Nghe ai nói nơi nào có phong cảnh đẹp, thiên nhiên hoang dã là Chung tìm cách đến thăm quan.
Một hôm vào trung tuần Tháng Sáu, đồn thổi có hiện tượng kỳ bí xuất hiện gần miền biên ải, chẳng ngần ngại Chung vội vàng khăn gói đi ngay để mong kịp chiêm ngưỡng điều mới lạ. Khi đến địa điểm, trời đã nhá nhem tối, lại gặp buổi trời mưa như trút nước, lạng quạng ra sao mà Chung đi lạc vào một khu vực vắng vẻ đường xá lầy lội. Đang có ý định tìm một hàng quán hay nhà trọ nào tạm trú qua đêm, nghỉ ngơi lấy sức rồi ngày mai mới tìm đến nơi muốn đi.
Nhưng đi mãi đã mỏi chân nhưng chỉ toàn là bìa rừng, hoang dã nên đã có chút phần lo lắng vì không biết làm sao qua đêm giữa núi rừng hoang dã. Quay trở lại thì cũng không dễ, vì làm sao mà nhớ được bao nhiêu góc quanh đã đi qua. Cuối cùng Chung đành cứ đội mưa, rẽ bùn mà đi tới, mặc cho đến đâu thì đến. Nhưng đến một lúc thấy quá mệt, tưởng rằng phải tìm một nơi cao ráo nào để ngủ qua đêm thì thấy lập loè xa xa hình như có bóng đèn chiếu lại. Đến gần mới biết đó là một khu dân cư với vài chục căn nhà lụp xụp có vẻ là một xóm nghèo bên bìa rừng. Đưa mắt nhìn thoáng qua, chỉ duy nhất có một căn nhà tạm gọi là khang trang nhất ở giữa ngõ có ánh đèn loe loét chiếu ra bên ngoài, còn tất cả các nhà khác đều tối thui.
Chẳng còn lựa chọn nào hơn, Chung đến trước cửa căn nhà, lấy tay phủi những hạt nước mưa trên đầu tóc, sửa lại y phục cho gọn ghẽ rồi đưa tay gõ nhẹ vài tiếng vào cánh cửa, mà gọi :
-Có ai trong nhà không? Kẻ lỡ đường xin cho tiếp kiến.
Chờ đợi tí chút, một nữ nhân tuổi khoảng đôi mươi, khuôn mặt trái xoan trắng như tuyết, nhan sắc tuyệt đẹp, miệng cười như hoa nở. Nữ nhân trong bộ quần áo ngủ nhiều mầu sặc sỡ, mùi thơm từ thân xác, trang phục toả ra xộc vào khứu giác làm cho Chung ngây ngất. Giương mắt nhìn đăm đăm người đẹp, mê mẩn không nói gì quên cả giữ ý tứ. Hình như có chút bực mình với khách lạ, nữ nhân mỉm cười đưa tay tát nhẹ vào khuôn mặt đờ đẫn mất hồn của Chung mà nói:
-Này! Khách quan, ngài bị bệnh câm hay sao mà chỉ nhìn thiếp như vậy?
Tiếng nói của nữ nhân đã làm Kiến Chung bừng tỉnh, với vẻ ngượng ngùng, vội vàng đáp:
-Bản nhân vì lạc đường, lại gặp lúc đêm khuya, trời mưa, không tìm được quán xá, nhà trọ nên đường đột đến đây làm phiền nhiễu. Xin chủ nhân rộng lòng mà không trách cứ, cho bản nhân tạm trú qua đêm, sáng mai sẽ xin bồi trả mọi chi phí.
Nữ nhân mỉm cười, rất thân thiện đáp:
-Có gì đâu mà khách quan thắc mắt, đắn đo cho mệt. Nhà tiện nữ tuy bé nhưng có khó gì mà không dành được một chỗ ngủ đàng hoàng cho khách lỡ đường. Xin mời vào.
Nữ nhân đỡ lấy bịch quần áo của Chung để trên chiếc bàn gần cửa rồi vui vẻ chỉ tay vào cuối phòng, nói với Chung:
-Khách quan có thể vào đó tắm rửa cho khoẻ. Tiện nữ vào bếp làm vài món ăn nóng để chiêu đãi khách quý đây.
Chung ngẩn ngơ, chẳng nói được gì, chỉ giương mắt ngắm nhìn người đẹp. Hình như nữ nhân cũng biết mình đang được nam nhân ngắm nghía, nàng giả vờ cúi xuống đưa đôi dép cho Chung, thật ra cố ý phơi bầy bộ ngực trắng căng phồng trước mắt kẻ si tình. Chẳng thể kềm chế được, Chung làm bừa ôm lấy người đẹp hôn hít như muốn ăn tươi nuốt sống. Còn nạn nhân, người đẹp thì cũng ra vẻ ú ớ đẩy nhẹ tay cho có lệ, đưa mắt nhìn khách nam nhân, miệng cười vui mà nói:
-Khiếp, nhìn bề ngoài ra vẻ đạo mạo, nhưng cũng là nòi “thảo khấu tình trường“ đây!
Nghe người đẹp nói, có là người ngu đần cũng hiểu là người đẹp đã nhìn rõ tâm can của kẻ lỡ đường trong khí trời lạnh lẽo mong tìm một chỗ ấm áp với nệm bông, thân xác. Chung sung sướng như mở cờ trong bụng, chẳng ngại ngần mà vòng tay ôm càng xiết chặt. Ghé sát miệng vào tai nữ nhân tán tỉnh:
-Ta có phải là kẻ vô tình, bất lực đâu mà không biết si mê, ham muốn trước sắc đẹp như Tây Thi giáng trần của nàng?
Như chợt nhớ ra điều gì, người đẹp đưa bàn tay trắng mềm tát nhẹ vào mặt Chung nói:
-Tiện nữ họ Quy tên gọi Thục An, không biết chính xác quê quán nơi đâu, nhưng vì loạn ly kiếm sống mà lưu lạc đến đây, cũng chẳng biết song thân là ai và họ sống chết ra sao.
Đáp:
-Cuộc đời nàng đáng thương đến thế sao? Danh tự của ta họ Bành, tên gọi Kiến Chung, người Thái Hồ, quận Kinh Dương, dù tuổi đã trọng nhưng vì vô duyên mà vẫn còn phòng đơn, gối chiếc.
Người đẹp có tí chút chau mày ra vẻ không tin, đẩy nhẹ Kiến Chung ra:
-Thôi chuyện chàng thật thà hay gian trá, để sau hãy nói, xin chàng hãy vào phòng tắm rửa, thiếp sẽ đi hâm nóng vài món ăn đễ tiếp đãi khách tình nhân đã.
Thế là chẳng có gì để ngăn cản những giây phút đê mê của một thanh niên đang thời xung sức trong căn nhà ấm cúng. Bên ngoài tiếng mưa rơi tạo ra âm thanh dập dìu như tấu nhạc. Còn nữ nhân cũng đang thời xuân sắc cô đơn giữa chốn hoang sơ, rừng xanh, núi biếc.Thôi thì làm sao mà kể xiết cho những khoái lạc vu san?
Sáng hôm sau, từ xa xa vài tiếng chim rừng gáy gọi làm Kiến Chung tỉnh dậy, dù vẫn còn ngái ngủ, chưa tỉnh hẳn nhưng cảm thấy nóng rát trên mặt. Chung mở mắt ra thấy mình không phải nằm trên chiếc giường nệm ấm chăn êm với người đẹp đêm qua mà thấy mình đang co ro trên nền đá lạnh sát bên một ngôi mộ dù có chút rong rêu nhưng có vẻ vẫn còn khá vững chắc.
Đưa mắt nhìn chung quang mới biết là một nghĩa trang nhỏ, với vài ba chục ngôi mộ đủ hình trạng, cũ mới khác nhau ở bìa rừng. Lúc đó Kiến Chung biết là đêm qua vì lạc lõng mà vào nghĩa trang để rồi đã được làm tình với một hồn ma của một giai nhân.
Dù có tí chút sợ hãi, nhưng Kiến Chung vẫn còn nguyên bẹn cảm giác đê mê, nhớ thương, tiếc rẻ một đêm hoan lạc bên người đẹp. Dụi mắt ngồi dậy, bộ quần áo mặc trên người đêm qua nhem nhuốc bùn dơ đã được giặt sạch sẽ, khô ráo. Mở chiếc túi xách, vật dụng vẫn y nguyên, nhưng kèm một tờ giấy nhỏ với vài câu thơ viết rất nắn nót, ký tên Thục An:
Hết đêm rồi… Xin tỉnh lại đi anh
Mùi ái ân, xin nhớ mãi đừng quên
Xin đừng buồn khi thoáng sống bên nhau
Âm Dương ơi, thôi cách trở muôn đời!
Cầm mảnh giấy, đọc đi đọc lại bốn câu thơ với tâm trạng buồn bã, suy tư. Kiến Chung đứng dậy lững thững đi quanh ngôi mộ, muốn ghi dấu tất cả những dấu tích tuyệt vời của một đêm tình yêu ma quái, rồi tự nói tối nay sẽ trở lại đây tìm người đẹp.
Đúng như vậy, suốt ba đêm liền sau đó, ngày nào Kiến Chung cũng ra phố mua vài món ăn kèm với hương hoa đến ngồi bên ngôi mộ mong chờ được gặp lại Thục An. Nhưng tất cả đều im lặng, kẻ si tình vẫn là người độc ẩm với cơn say rồi gục ngủ bên ngôi mộ cho đến sáng hôm sau. Biết rằng cuộc tình duyên của mình và hồn ma Thục An chỉ có vậy. Ngày hôm thứ ba, trước khi rời xa, Kiến Chung thắp nén hương cuối cùng kèm theo vài câu thơ đem hoá vàng cùng với một xấp tiền âm phủ rồi buồn bã ngâm to thay cho lời vĩnh biệt rồi lủi thủi ra về:
Nếu em nghĩ chúng mình phải xa nhau
Sao lại nỡ kéo anh vào mộng ảo
Để anh nhớ, một đêm mưa rỉ rả
Mộng đêm dài, nhớ mãi sống bên nhau.
Kiến Chung trở lại quận Kinh Dương với thần thái khác thường, ít nói hơn xưa, luôn luôn như có vẻ như bất an, thường thở dài một mình với vẻ chán nản. Chung mất hoàn toàn vẻ sinh động, hoà nhập như trước kia. Mọi người trong gia trang lo lắng, dạm hỏi nhưng Chung vẫn lầm lỳ, không nói, bỏ ăn. Chỉ vài ba tuần lễ mà thân hình tiều tuỵ. Hai người chị gái của Kiến Chung tưởng đứa em trai bị bệnh, nên đã mời mấy vị đại phu nổi danh trong tỉnh Thái Hồ đến cắt thuốc, cho toa… nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh.
Một hôm,vào khoảng giữ đêm, Kiến Chung đang nằm mê man trên giường, thình lình có bàn tay mát lạnh rờ nhẹ trên trán làm Chung thức dậy, mở mắt nhìn thấy Thục An đang ngồi ở đầu giường nhìn mình buồn bã. Nhìn thấy người đẹp, như được tiếp sức mạnh, Kiến Chung ngồi bật dậy, nắm chặt lấy tay tình nhân mà nói:
-Nàng đến với ta đó ư? Xin đừng ruồng rẫy ta nữa. Ta nguyện chết để được mãi mãi bên nàng.
Bóng ma Thục An đáp:
-Chàng yêu thương thiếp đến thế sao ? Chàng đã làm thiếp cảm động quá, nhưng biết làm sao khi chúng ta hai đường Âm Dương cách trở.
Ôm ghì lấy bóng ma, chảy nước mắt, Chung nói:
-Ta sẵng sàng chịu chết để được gặp lại nàng, hãy thương ta, xin đừng ruồng bỏ.
Bóng ma Thục An hình như quá cảm động với tình si của Kiến Chung, ngần ngừ tí chút Bóng ma nói:
-Tình yêu to lớn của chàng đã làm thiếp cảm động quá, thiếp cũng sẽ vì chàng mà tìm cách cho chúng mình được gặp nhau. Vào đúng ngày rằm, trăng tròn sắp tới vào khoảng buổi chiều tối, chàng hãy đi về hướng Đông Nam, đến một địa phương có tên là quận Phú Tân, rồi chàng vào Tâm Đỗ tửu lầu, ngồi uống nước, sẽ có kỳ tích, để chúng ta có dịp gần nhau mãi mãi, xin chàng đừng quên mà lỡ dịp.
Nói xong, hồn ma của Thục An rút tay ra khỏi vòng tay của Kiến Chung và biến mất. Kiến Chung thẩn thờ đứng dậy vươn tay ra như muốn giữ bóng ma lại, miệng gọi to tên tình nhân.
Tiếng động làm kích động người trong nhà chạy đến, mọi người tưởng vì bệnh tật mà Chung mê sảng.
Kiến Chung ghi nhớ lời hẹn với hồn ma Thục An, nói vài lời chấn an mọi người và tỏ ra vui mừng im lặng nằm trở lại giường cho mọi người yên tâm.
Từ đó, chỉ khoảng tuần lễ, Kiến Chung tươi tắn như xưa, căn bệnh hoàn toàn biến mất. Hai người chị cũng như gia nhân trong nhà không biết tại sao, mọi người nghĩ rằng thuốc thang của các danh y đã tác động tốt mà ra.
Nhớ lời dặn của Thục Vi, đúng ngày rằm, khi mặt trời vừa khuất núi Kiến Chung tìm đến địa phương Phú Tân, tìm vào Tâm Đỗ tửu lầu tìm một chỗ tách biệt ngồi nhìn ra bên ngoài chờ kỳ tích. Đang lúc để mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ, thình lình có tiếng nói sát bên tai:
-Công tử có phải đang đợi chờ thiếp đó chăng?
Giật mình quay nhìn lại, đúng thật là Thục An hiển hiện trước mắt. Kiến Chung mừng như vớ được vàng, đứng dậy ôm lấy cô gái, vồn vã mà nói rằng:
-Thục An, nàng đó chăng?
Cô gái vội vàng lùi xa, tránh khỏi vòng tay của Chung, chỉ thẳng tay vào sát mặt Kiến Chung mà chửi:
-Đồ vô lại, coi vẻ bề ngoài ngươi cũng là kẻ danh gia thế tộc, biết lễ nghĩa thánh hiền của nho gia mà tồi tệ, hạ phẩm cách đến thế sao!?
Kiến Chung khựng lại, giương to mắt nhìn kỹ nữ nhân, linh cảm thấy có gì khác thường, nhẹ nhàng trả lời nữ nhân:
-Nàng không phải là Quy Thục An, mấy tháng trước đã cùng ta chăn gối sao? Cũng chính nàng đã hẹn ta hôm nay đến đây hay sao?
Nữ nhân cũng giương mắt nhìn Kiến Chung, với tí chút ngẩn ngơ, ra vẻ suy nghĩ nói:
-Không, ta không phải là Thục An. Tên là Ái Nhi, ta họ Vương chứ không phải họ Quy. Hôm nay ta ra đây để gặp một người, nhưng ta cũng chưa bao giờ biết mặt, quen tên. Không lẽ người mà ta muốn gặp lại là công tử đó sao?
Kiến Chung cũng đã cảm thấy có gì lạ thường, đưa mắt nhìn rất kỹ Ái Nhi. Đúng là Thục An, từ dáng đi, tiếng nói, khuôn mặt, mầu da… Ngẫm nghĩ một tí, cảm thấy có gì là lạ, ngần ngừ Kiến Chung hỏi rất nhỏ:
-Có phải vai bên trái, phía trước ngực nàng có một nốt ruồi son rất đậm không?
Không ngờ khi vừa nghe câu hỏi của Kiến Chung, nữ nhân đỏ mặt, mở to mắt với vẻ ngượng ngùng hỏi nhỏ:
-Tại sao công tử biết dấu tích kín đáo đó trên thân thể của tiểu nữ? Vì đâu mà ngài biết điều đó?
Với tí chút suy nghĩ, Kiến Chung đã hiểu ra ngọn ngành, đưa tay mời Ái Nhi ngồi xuống chiếc ghế đối diện rồi lần lượt kể cho cô gái nghe tất cả những diễn tiến của lần tao ngộ mấy tháng trước với Thục An, một cô gái đã chết. Rồi khi trở về nhà sinh bệnh tương tư gần chết đã đánh động lòng thương yêu của Thục An để rồi Thục An đã xếp đặt cho cuộc hẹn hôm nay.
Ái Nhi nghe đã hiểu ít nhiều, với vẻ ngượng ngập, chậm rãi giải bầy:
-Cách đây đúng hai ngày tiểu nữ và cả mẫu thân đều nằm mơ thấy một cô gái rất sang giàu đến báo cho biết vào đúng ngày rằm, lúc trời chệnh choạng tối hãy đến Tâm Đỗ tửu lầu này, sẽ gặp một khách nhân họ Bành, tên tự Kiến Chung. Cô gái còn cho biết nam nhân đó có duyên vợ chồng với tiểu nữ, xin đừng coi thường mà mất đi dịp may có được một người chồng giàu sang, tài năng. Mẫu thân và tiểu nữ cũng chỉ nghĩ đó chỉ là chuyện mơ ảo mà không tin. Nhưng giấc mơ lại đến với mẹ con thiếp một lần nữa vào tối hôm qua, cô gái còn dặn mẹ con thiếp không được lơ là mà đánh mất dịp may cho hạnh phúc. Cuối cùng mẫu thân đã sai thiếp đến đây đúng như lời dặn trong giấc mơ thử xem sao, ai ngờ chuyện ngủ mơ lại là thật để tiểu nữ gặp được công tử.
Mang nhiều thắc mắc, sau một lúc nói chuyện, Kiến Chung để nghị:
-Thôi, nàng hãy cho ta diện kiến mẫu thân của nàng để ta hỏi vài điều, chắc chắn mọi sự sẽ sáng tỏ mà thôi.
Sau một lúc kể lể mọi diễn biến cho Vương bà, mẫu thân của Ái Nhi nghe, Kiến Chung có cảm giác Vương bà có gì đó không thật, muốn che dấu. Linh cảm có gì đó mù mờ trong cuộc đời của Vương bà, Kiến Chung nhìn thẳng mặt bà ta mà nói:
-Xin Vương bà cho vãn bối biết, Thục Nhi có phải là chị em của của Ái Nhi không?
Sau một lúc chối quanh, nhưng với lời lẽ cứng mạnh của Kiến Chung và Ái Nhi, Vương bà đành cho biết, khoảng hơn 20 năm trước bà có yêu thương một nam nhân họ Quy, tên Tiểu Đông nghèo hèn nên không được song thân đồng ý. Sau nhiều lần năn nỉ không được bà đã bỏ nhà theo Tiểu Đông được hơn một năm thì đẻ song sinh ra hai đứa con gái, đứa sinh trước đặt tên là Thục An, đứa sinh sau là Ái Nhi. Cả hai đứa bé giống nhau như hai giọt nước, ngay cha mẹ vẫn còn nhiều lần bị lầm lẫn hai đứa con với nhau. Điểm khác biệt duy nhất là ngón tay út của bàn tay phải của Thục An chỉ có hai đốt, nên việc cầm nắm có chút khác biệt với người thường mà thôi.
Khi hai đứa bé mới được khoảng sáu tháng tuổi thì Tiểu Đông sa vào cờ bạc, rượu chè say xỉn. Một hôm vì thiếu nợ đỏ đen đã lén đem bán Thục An lấy tiền trả nợ cờ bạc. Vương bà thấy không thể sống an toàn với người chồng vô nhân này được, đã phải mau mau tìm cách trốn chạy người chồng bất nhân này, nếu không có ngày đứa con gái thứ hai cũng bị hắn bán cung ứng cho cờ bạc.
Vì xấu hổ với gia đình, thân tộc nên Vương bà không dám trở về nhà song thân, mà mang Ái Nhi đến địa phương này sinh sống, đổi lại họ Vương Ai Nhi, hai mẹ con sống ở nơi đây cho đến ngày nay. Vương bà cũng giấu không cho Ái Nhi biết còn có một người chị song sinh tên Thục An. Từ khi rời bỏ tên chồng bất nhân, Vương bà không biết gì về đứa con gái lớn sống chết và lưu lạc nơi đâu.
Sau khi nghe câu truyện của Vương bà, Kiến Chung hồi nhớ lại đêm gặp gỡ hồn ma của Thục An, bên mâm rượu. Mỗi khi Thục An cầm ly rượu lên uống, ngón tay út không bám vào thành chiếc ly mà lộ ra phía ngoài vì chỉ có hai đốt xương. Dù có tí chút khác lạ nhưng cũng không làm cho Kiến Chung thắc mắc, coi như một tật ách nho nhỏ ai cũng có mà thôi. Với lời kể của Vương bà thì mọi sự đã rõ, Thục An chính là chị ruột song sinh của Ái Nhi rồi.
Thế là mọi sự đã rõ ràng, Thục An đã vì âm dương cách trở không thể kết nghĩa vợ chồng với Kiến Chung được nên đã vì tình yêu của mình mà tìm cách gán gép cho Ái Nhi cô em gái song sinh của mình.
Sau đó vài tháng , một đám cưới thành hình, Vương bà cũng về sống với vợ chồng Kiến Chung cùng lo việc thương mại của gia đình cùng với hai người chị, rồi lo việc cải táng mộ phần của Thục An về Thái Hồ, gần nhà để tiện bề cúng lễ.