Cuối tuần trước lễ, tôi đang cưa vài nhánh cây bất ngờ bị gió thổi gãy trước nhà thì có một cặp vợ chồng Mỹ trắng lớn tuổi chậm chạp đi ngang qua và dừng lại bắt chuyện. Thỉnh thoảng gặp họ đi bộ ngang nhà, chúng tôi cũng chào nhau nhưng không nói chuyện. Bữa đó họ dừng lại, câu đầu tiên bà cụ hỏi tôi là “Anh có cần giúp gì không?”
Thông thường tôi vẫn thuê vài người Mễ hay Mỹ La-tinh gì đó làm các công việc lặt vặt như vậy, nhưng hôm đó nghĩ chỉ có vài nhánh cây mình có thể cưa được nên tôi tự làm. Không có cưa máy lại lười đi mượn, tôi cưa tay nên mồ hôi đẫm cả áo dưới cái nóng mùa Hè, dù đã quá xế chiều.
Nhìn ông bà, tôi đoán họ phải giữa ngoài 70, mà cũng có khi đã gần 80 tuổi, lại hỏi tôi “có cần giúp gì không?” Tôi cám ơn và tất nhiên trả lời không cần. Vì thật ra cũng chẳng biết họ có thể giúp được gì nếu họ có trẻ hơn. Nhưng chỉ cần họ hỏi vậy, tôi thấy mình bớt mệt rất nhiều. Lời nói quan tâm nhau đã là một sự giúp đỡ tinh thần to lớn.
Tôi ở khu gia cư này đã khá lâu nên dù không biết hết tất cả nhưng cũng biết đôi điều về các chòm xóm trong khu. Thêm nữa, chúng tôi lại cùng trong niên giám của khu nhà và hầu hết mọi nhà trong khu đều tham gia mạng Nextdoor, thường thông tin cho nhau những gì xảy ra nên thỉnh thoảng cũng có thêm vài thông tin về họ.
Phần lớn họ là những người Mỹ trắng về hưu, có đông đúc thầy cô giáo đang hay đã từng dạy tại ngôi trường tiểu học ngay trong khu tôi ở hay tại các trường học lân cận. Họ là những người rất tử tế và tốt bụng, luôn quan tâm đến việc chung lẫn các láng giềng trong khu, chẳng phân biệt ai. Ngày lễ ma năm nào cũng có vô số trẻ nhỏ được cha mẹ dắt đến khu tôi ở để xin kẹo vì không khí ở đây náo nhiệt, chan hòa, hầu như nhiều nhà đều trang trí khá đẹp và các chủ nhà bắt ghế ra trước nhà trò chuyện, cho kẹo trẻ em.
Tôi rất thích khu gia cư của mình và có thể kể hàng chục kỷ niệm đẹp đã có kể từ ngày mua lại căn nhà đang ở từ một cặp vợ chồng Mỹ lớn tuổi muốn đổi sang nhà trệt.
Ngày lễ Độc Lập làm tôi nhớ đến câu chuyện liên quan đến lá cờ Mỹ. Vài năm trước, có một cụ ông chẳng quen biết gõ cửa nhà tôi, mang theo một lá cờ Mỹ. Ông bảo đi ngang qua, thấy lá cờ tôi treo trước nhà bị rách nên tặng tôi lá cờ mới. Tôi vừa cảm kích lại vừa hết sức xấu hổ. Cờ bị gió thổi, móc vào nhánh cây nên bị rách ở một góc. Tôi đi làm về trễ lại đậu xe ở garage sau nhà nên không để ý. Tôi ngần ngừ, bảo hôm sau sẽ mua thay liền nhưng ông cụ bảo cứ cầm lấy, ông còn dư nên mang cho tôi. Kể từ đó, trong nhà tôi luôn có dư một lá cờ và tôi luôn để ý đến lá cờ sau mỗi trận mưa to hay gió lộng.
Tôi học được một bài học về sự trân trọng với lá quốc kỳ. Lại học được thái độ quan tâm đối xử lẫn nhau từ cụ già Mỹ xa lạ. Và cảm kích cả những thái độ, lời nói quan tâm nho nhỏ như của hai cụ láng giềng bên trên.
Tôi không chắc là tất cả người Mỹ nào cũng đều toàn hảo hay tốt bụng như vậy. Nhưng đó là hình ảnh một nước Mỹ và về phần lớn người Mỹ đã có trong tôi sau vài chục năm sống ở đất nước này. Một nước Mỹ bao dung, bác ái và tốt bụng.
Hiếm có quốc gia nào có khoản tiền đóng góp từ thiện hàng năm lớn hơn Mỹ. Người Mỹ mang hoa tưởng niệm hay cầu nguyện, góp tiền tặng những nạn nhân xấu số trong tai nạn nào đó, bất kể nạn nhân đó thuộc sắc dân nào. Họ quyên góp tặng tiền các nạn nhân trong các vụ thiên tai, không chỉ riêng cho người Mỹ mà cho cả những quốc gia xa xôi nào đó mà chưa chắc họ biết chúng nằm đâu trên bản đồ thế giới. Rồi biết bao người Mỹ ra sức làm việc, phát kiến vô số điều hữu dụng cho cả nhân loại, để đến khi thành đạt và giàu có, họ lại hiến tặng tiền bạc, thậm chí cả gia sản của mình cho mục đích từ thiện khắp thế giới. Họ không ra sức làm giàu cho cá nhân mình.
Tôi học được biết bao nhiêu điều hay lẽ phải từ người Mỹ để luôn tâm nguyện là mình cũng cần cố gắng sống phải đạo như vậy.
Thế rồi, những gì xảy ra cho nước Mỹ trong vài năm qua quả khác xa một nước Mỹ đã có trong tôi. Ở đâu ra và điều gì đã làm xuất hiện không ít những con người cuồng nộ, hung dữ, thậm chí kỳ thị, xảo trá? Nước Mỹ bị chia rẽ tột bực, con người chẳng thể tương nhượng và hàn gắn. Đáng buồn hơn là ranh giới giữa đen-trắng, tốt-xấu đã không còn rõ ràng. Lắm khi sự giả dối được xem là chân lý, cái xấu được tung hô như chính nghĩa và cá nhân được xem trọng hơn cả quyền lợi quốc gia.
Điều này là một góc khuất tiềm ẩn của nước Mỹ và người Mỹ, đã đến lúc lộ diện hay đó chỉ là trận cuồng phong, biến động nhất thời?
Nó làm không ít người dân Mỹ, kể cả những người như tôi thất vọng. Thất vọng nhưng tôi không tin hiện trạng nước Mỹ là vô vọng.
Nước Mỹ từng có những xung đột dữ dội, từng có những cuộc suy thoái trầm trọng, từng dự phần những cuộc chiến tranh tàn khốc hay cũng gánh chịu thiên tai, đại dịch nặng nề nhưng rồi nước Mỹ vẫn trỗi dậy và phát triển mọi mặt. Cái tinh thần tranh đấu và vực dậy của người Mỹ trước những bất trắc, đe dọa luôn mạnh mẽ. Nước Mỹ luôn quan tâm, giúp đỡ và tranh đấu cho sự tự do, dân chủ cùng sự bình đẳng cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, không thể chính nó để bị hủy hoại dễ dàng.
Tôi nghĩ về cụ già đã tặng tôi lá cờ. Những người như ông và biết bao người khác đâu thể nào nhìn lá cờ dân chủ của nước Mỹ có thể bị rách bung được. Cách này hay cách khác, biết bao người đang ra sức bảo vệ đất nước này như đã và đang diễn ra.
Có chao đảo thế nào, nước Mỹ rồi sẽ tái lập lại một xã hội vốn dĩ tốt đẹp cùng những giá trị lâu đời của nó. Đó là điều riêng tôi vẫn tin tưởng và hy vọng trong ngày lễ Độc Lập năm nay.