Suy nghĩ về công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay

Một trong những khẩu hiệu quen thuộc của ông Trọng khi còn sống (FB)

Sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo đất nước trong một thời gian khá dài, gợi lên nhiều suy nghĩ, nhiều dư luận trái chiều.

Đó cũng là điều bình thường với một người từng nhiều năm gắn bó cuộc đời mình với vận mệnh đất nước như ông.

Nhưng với ông Trọng, điều nổi bật được công luận nhắc đến là công cuộc chống tham nhũng mà ông chủ trương, được nhiều người ưu ái gọi ông là “người đốt lò vĩ đại.” Đó là một trong những khác biệt quan trọng giữa ông và những người tiền nhiệm, nó gợi lên nhiều cảm xúc khác nhau cho những ai vẫn còn quan tâm đến vận mệnh đất nước, đến đời sống vẫn còn cơ cực của hàng triệu đồng bào, đến nhiều bất hợp lý và bất công vẫn còn thách thức xã hội.

Trong một kế hoạch lớn lao như chống tham nhũng, quyết tâm của người thực hiện là điều đáng biểu dương, vì đây là tiền đề cho những hành động đi tiếp sau, là hứa hẹn những kết quả mà nhiều người mong đợi. Dù cho có bị chi phối bởi động lực nào thì quyết tâm chống tham nhũng của ông Trọng là điều mà ai cũng công nhận. Nhưng công nhận một quyết tâm không có nghĩa là hoàn toàn đồng tình với những hành động để thể hiện quyết tâm ấy, và nhất là với những kết quả đạt được.

Trong nhiều năm qua, nhiều người vẫn hình dung hiện tượng tham nhũng tại Việt Nam như một tảng băng chìm. Nó gợi lên nhiều suy nghĩ khác nhau. Người lạc quan chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng, căn cứ vào số ủy viên Bộ Chính Trị, kể cả người của “tứ trụ” và các ông bà bí thư Tỉnh Ủy, chủ tịch UBND tỉnh… bị buộc phải từ chức hay cho vào lò, mà cười hỉ hả. Thật vậy, có đời tổng bí thư nào mà số người bị sờ gáy lên đến hệ cấp cao chót vót thế đâu!

Tuy nhiên, người bi quan thì thấy rằng phần nổi đó còn mỏng mảnh lắm, phần chìm bên dưới của tảng băng vẫn còn quá dày. Nó chứa đựng bao nhiêu điều không thể hiểu nổi, khi kéo giãn hết mức sự chênh lệch giàu-nghèo trong xã hội, tạo ra một tầng lớp ăn trên ngồi trốc mà sự thụ hưởng không tương xứng với những đóng góp của họ. Đó là chưa kể những bất công, oan trái mà họ đã gây ra cho hàng vạn đồng bào.

Người có óc hài hước thì nhìn vào tảng băng tham nhũng khổng lồ ấy với một tâm thế không vui, cũng chẳng buồn, lặng lẽ chiêm ngưỡng tài ảo thuật siêu việt của những quan chức có thể hô biến những đồng lương vài ba mươi triệu một tháng thành ra siêu xe, biệt phủ, hô phong hoán vũ thổi bay hàng đàn, hàng đống con cái họ sang trời Tây, trời Mỹ để du học hay vui chơi!

Một điều nữa: Chống tham nhũng phải gắn chặt với tinh thần “pháp bất vị thân.” Ai cũng rõ, trong xã hội ngày nay, điều kiện này vẫn chưa đạt được, có lúc còn thách thức công luận. Vì cho đến ngày ông Trọng nằm xuống, vẫn còn những kẻ mà người dân cả nước chỉ mặt đặt tên từ nhiều năm qua vẫn chưa trả giá trước pháp luật. Khi mà hàng vạn người dân từng chịu sự oan khuất, bất công từ những người này vẫn chưa được xét soi, cải thiện đời sống của mình.

Khi tảng băng chìm vẫn còn thách thức công luận, vẫn còn là mối đe dọa đời sống an nhiên của người dân, vẫn còn mang lại nhiều “ép-phê” ngược chưa được giải quyết rốt ráo, có thể nói rằng, dù với quyết tâm nào, ông Trọng cũng đã thất bại trong sứ mạng chống tham nhũng của mình.

Điều đó không khó hiểu, vì cây tham nhũng đã bén rễ, cành nhánh đã quá sum suê mà cái kéo cắt tỉa của ông đã khá cùn mằn, vừa cắt nhánh này xong thì nhánh kia đã đâm chồi nẩy lộc. Nói cụ thể hơn, là từ bao lâu nay, ông và bộ máy của ông chỉ chống tham nhũng trên phần ngọn.

Cái gốc là một cơ chế chính quyền có nhiều lỗ hổng, một cơ chế tư pháp chưa thực sự nghiêm minh, một cơ chế đào tạo và tuyển dụng con người còn nhiều bất cập, những thứ đó chưa được cải tiến có hiệu quả. Chống tham nhũng mà chưa chạm vào những cái gốc xù xì, thô ráp đó thì khó mà mang lại hiệu quả mong muốn.

Để tiếp nối di sản, sự nghiệp do ông để lại, những người kế nhiệm ông sẽ đối mặt với nhiều thách thức nặng nề. Dù sao, chúng ta vẫn hy vọng họ sẽ tìm được những thứ “kháng sinh” hữu hiệu đánh trúng và tiêu diệt sạch lũ vi khuẩn tham ô đang tiếp tục tàn phá một cơ thể Việt Nam đang suy yếu từng ngày.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: