Dân chủ Việt Nam chết nghẹt trong bàn tay của Tô Tổng

Công an diễn tập đàn áp đám đông. (Hình: CAND)

Nhanh chóng nắm quyền bằng bạo lực, Tô Lâm lên ngôi trên sự hãi hùng của toàn bộ quan chức Bộ Chính Trị.

Bằng việc sử dụng chính công cuộc đốt lò để triệt hạ hết các đối thủ của mình, theo đánh giá của giới quan sát chính trị, quyền lực của ông Tô Lâm hiện nay là “tuyệt đối,” cộng với tuổi đời còn “khá trẻ,” ông có thể ngồi thêm trọn hai nhiệm kỳ.

Ông Tô Lâm có xuất thân từ ngành công an, trước khi ngồi ghế chủ tịch nước, rồi trở thành tổng bí thư đã nổi tiếng với các chiến dịch đàn áp mạnh mẽ. Trong suốt sự nghiệp, ông chỉ đạo nhiều chiến dịch bắt bớ và đàn áp các nhà báo, nhà hoạt động xã hội, và các nhà bất đồng chính kiến.

Sự kiện ông Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư khiến nhiều người lo ngại rằng giấc mơ dân chủ của Việt Nam đang ngày càng trở nên xa vời hơn. Việc một tướng công an trở thành tổng bí thư của đảng cũng cho thấy sự thăng tiến của ông không chỉ là một thay đổi lãnh đạo, mà còn là tín hiệu rõ ràng về việc chính quyền tiếp tục duy trì và củng cố quyền lực nhà nước thông qua kiểm soát và đàn áp.

Từ hiện tượng Venezuela: Một so sánh thực tế cho Việt Nam

Sự kiện tân tổng bí thư lên nắm quyền diễn ra đồng thời với các cuộc biểu tình dân chủ tại Venezuela, nơi người dân vẫn đấu tranh mạnh mẽ chống lại chế độ Maduro. Mặc dù tới lúc này, cuộc bầu cử dường như vẫn chưa ngã ngũ, nhưng sự kiện này lại một lần nữa khiến người dân trong nước náo nức, như đã nhiều lần háo hức nhìn sang Hong Kong, Thái Lan, Myanmar. Thậm chí có người đã mơ ước rằng sau Venezuela sẽ tới… Việt Nam, vì cùng có chữ cái bắt đầu bằng chữ V.

Thế nhưng, chỉ với một so sánh thực tế khi nhìn vào cuộc đấu tranh dân chủ của Venezuela từ những năm 2014-2015, phe đối lập đã hơn một lần tuyên bố nắm quyền cùng hàng triệu người xuống đường, với sự ủng hộ của các nước phương Tây, các quốc gia láng giềng châu Mỹ. Chế độ độc tài của Maduro vẫn tồn tại cho tới cuộc bầu cử hiện nay bất chấp tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế, lạm phát, biểu tình và phản đối của người dân.

Nhìn gần hơn với các quốc gia láng giềng Việt Nam: Tại Thái Lan, các phong trào biểu tình đòi hỏi dân chủ từng liên tục kéo dài; hay tại Myanmar, từng có hàng triệu người xuống đường để đòi hỏi dân chủ. Thực tế, phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ đến gần được tới mức thấp nhất của những ví dụ như vậy trên thế giới, thì nói gì tới tạo ra sự chuyển biến và áp lực lên nhà cầm quyền.

Khó khăn muôn bề

Phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam những năm qua được đánh giá là đang đi xuống và mất lực. Cùng với sự gia tăng đàn áp là sự đi xuống của phong trào, không có những gương mặt hay ý tưởng mới xuất hiện, không có hoạt động hay vận động xã hội đang chú ý, các gương mặt kỳ cựu và dũng cảm lần lượt bị tù hoặc buộc phải trốn ra nước ngoài.

Sau đại dịch COVID-19 cùng khủng hoảng kinh tế, việc nền kinh tế khó khăn khiến không chỉ người đấu tranh gặp nhiều trở ngại mà còn làm mất đi nguồn lực và sự ủng hộ của những người hỗ trợ cho phong trào. Đúng như ngạn ngữ Việt Nam có câu “phú quý sinh lễ nghĩa,” khi bản thân cuộc sống đang gặp khó khăn, việc tự cứu bản thân mình đã là khó, nói gì tới giấc mơ hay lý tưởng xa xôi cho quốc gia, dân tộc.

Cùng với sự gia tăng đàn áp của ông Tô Lâm khi nắm quyền tại bộ công an, trước khi trở thành tổng bí thư, công an Việt Nam đã có rất nhiều chiến dịch đàn áp và gửi thông điệp rõ ràng tới những nhà hoạt động tại Việt Nam, nhiều người bị bắt cóc, đánh đập, sách nhiễu với thông điệp rất rõ ràng: Công an CSVN không nương tay và sẵn sàng “đàn áp tới chết” với những người hoạt động. Đối mặt với sự gia tăng này, giới hoạt động trước kia tại Việt Nam nếu không chọn giải pháp đi tị nạn, đều phải đối mặt với nhà tù. Đó là thông điệp rõ ràng của Tô Lâm.

Tương lai mờ mịt

Phong trào dân chủ tại Việt Nam từng trải qua nhiều lần bùng lên nhưng chưa tạo ra được chuyển biến đáng kể. Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô những năm 90, sự bùng nổ internet và thông tin cùng phong trào tại Hong Kong và Myanmar những năm 2014-2016, phong trào dân chủ tại vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, cũng chưa tích lũy đủ năng lượng để tạo ra sự chuyển biến lớn nào khả dĩ đặt nền móng cho một chuyển biến rõ ràng và thay đổi trong tương lai.

Trái lại với phong trào dân chủ, sau mỗi lần thế giới biến động, giới lãnh đạo và cầm quyền tại Việt Nam lại học hỏi và gia tăng những năng lực kiểm soát người dân, khiến cho những chuyển biến tiếp theo lại khó khăn hơn trước rất nhiều. Cùng với sự gia tăng về công nghệ kiểm soát, thông tin, truyền thông… người dân trong nước hôm nay càng ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Một tương lai bị “bóp nghẹt” từ hành động tới tận tư tưởng là hoàn toàn có thể xảy ra như trong tiểu thuyết. Là một người quá nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát, đàn áp, ông Tô Lâm hiểu rõ và biết rõ phải làm sao để kiếm soát và gia tăng kiểm soát, thể hiện rất rõ qua việc tích cực thu thập dữ liệu điện tử của người dân, gia tăng kiểm soát về mặt công nghệ đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, các giao dịch điện tử. Người dân giờ đây nếu không bị đẩy vào nhà tù thực tế, thì cũng đang nằm gọn trong nhà tù điện tử của CSVN.

Những năm tháng sôi động đã qua nhưng cuộc đấu tranh dân chủ của Việt Nam vẫn chưa đạt đủ mức tích cực cần thiết, và nay với sự lãnh đạo của Tô Lâm, một người nổi tiếng tàn bạo, giấc mơ dân chủ của Việt Nam càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: