1.Moscow xem cuộc đột kích vào Kursk của Ukraine là một hành động mang tính khiêu khích trên qui mô lớn, và chỉ trích sự “im lặng đáng ngờ” của Phương Tây.
Để đáp trả, EU nói Ukraine có quyền tự vệ bằng cách tấn công các mục tiêu trên đất Nga. “Chúng tôi cho rằng Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến phòng thủ hợp pháp nhằm chống lại một cuộc xâm lược bất hợp pháp,” đó là lời của ông Peter Stano, phát ngôn viên EU.
Tuyên bố như thế, rõ là EU muốn thách thức Nga. Moscow có vẻ giả vờ không hiểu rằng chính vìệc Nga xâm chiếm lãnh thổ của Ukraine đã dẫn tới việc Ukraine xâm chiếm lãnh thổ của Nga hôm nay. Có qua thì có lại. Thay vì trách Kyiv hay bất kỳ ai, Moscow nên tự trách mình. Tổng Thống Zelensky có lý khi nói rằng quân đội Ukraine tiến vào Kursk là để thực thi công lý. Trong một cuộc phỏng vấn của VOV, tướng Lê Văn Cương, người vốn được cho là thân Nga, đã thừa nhận Kursk là thất bại lớn nhất của Nga trước Ukraine kể từ ngày 24 Tháng Hai 2022.
Và nếu như Moscow làm những cuộc trưng cầu dân ý giả tạo để sáp nhập vào Nga các vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm của Ukraine, thì đừng tức tối nếu một ngày nào đó Kyiv cũng làm một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập Kursk vào Ukraine!
2.Israel nói họ đã “sẵn sàng đáp trả chưa từng có nếu Iran động binh.” Vậy Iran sẽ làm gì để trả thù cho cái chết của Haniyeh?
Cho tới giờ, dù lửa hận bừng bừng, Tehran vẫn chỉ thể hiện lòng hận thù với Israel bằng lời nói. Lời nói không mất tiền mua. Lãnh tụ tối cao của Iran là Ayatollah Khamenei chỉ trích thói “phóng đại sức mạnh” của kẻ thù. Và rằng Iran đang sử dụng các chiến thuật tâm lý để gieo nỗi sợ hãi về một cuộc trả thù tàn khốc. Chỉ là chưa ra tay mà thôi.
Có thực là kẻ thù của Iran đang phóng đại sức mạnh của họ hay không, hay là Iran đang thực sự run sợ trước sức mạnh của kẻ thù? Các chiến thuật tâm lý của Iran là như thế nào, và liệu chúng có khiến kẻ thù khiếp sợ không? Và tại sao Iran vẫn chưa ra tay với kẻ thù mà cứ lừng khừng? Rất có thể là vì Tehran còn đang cân nhắc đắn đo, tính lên tính xuống về hậu quả của một cuộc xung đột toàn diện với Israel. Hậu quả đó chắc chắn sẽ rất thảm khốc. Vấn đề là đâu chỉ Israel hứng chịu cái hậu quả thảm khốc đó, mà cả Iran cũng hứng chịu, thậm chí có khi còn nặng nề hơn Israel rất nhiều. Bởi Israel đâu chỉ một mình mà còn có Mỹ hỗ trợ. Nếu Iran nhắm chịu được thì cứ thượng đài với Israel. Còn không thì thôi, treo găng đi.
Rốt cuộc, rất có thể sẽ chỉ là chuyện chó sủa chó không cắn!
3.Ngày 14 Tháng Tám 2024, Tổng Thống Zelensky cho biết quân Ukraine đã kiểm soát 74 khu định cư.
Nếu đúng như lời ông Zelensky, thì có thể nói quân Ukraine đã đạt được thành công đáng kể nhờ vào cuộc đột kích của họ vào vùng Kursk của Nga. Tuy nhiên, thành công này lại đặt Kyiv vào tình thế khó khăn. Đó là nếu tiếp tục chiến dịch thì Kyiv phải tăng cường viện binh để giữ vững những vùng lãnh thổ vừa chiếm được của Nga, trong tình hình Nga đang phản công dữ dội. Còn nếu Kyiv rút quân để bảo toàn lực lượng thì cuộc đột kích vào Kursk sẽ hóa thành công cốc. Khó lòng có chuyện Kyiv rút quân khỏi Kursk. Nên hoàn toàn có lý khi cho rằng Kyiv tiến hành cuộc tấn công vào Kursk là để biến nơi này thành vùng đệm, đồng thời Kyiv sẽ chiếm ưu thế trước Moscow trên bàn đàm phán sau này.
Nói gì thì nói, rất nhiều khó khăn đang chờ Kyiv ở phía trước. Khi tiến quân vào Kursk, Kyiv thực sự đã chơi một canh bạc đầy rủi ro.
Trong khi đó, việc Kyiv tấn công vùng Kursk cũng đặt Nga vào tình thế lưỡng nan. Đó là Nga sẽ phải rút quân từ Ukraine về để đánh bật quân Ukraine khỏi Kursk, hay đứng nhìn Kyiv tự tung tự tác ở tỉnh biên giới này. Khó lòng Nga chấp nhận mất Kursk vào tay Ukraine.
Với việc Kyiv thông báo đã thành lập chính quyền quân sự đầu tiên tại các khu vực do Ukraine kiểm soát thuộc tỉnh Kursk, có thể nói Kyiv có kế hoạch đóng quân lâu dài tại vùng này. Như thế cả Nga và Ukraine sẽ còn đổ máu rất nhiều ở Kursk.