Quỷ ma hò hẹn

1.

Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan kêu gọi thành lập một liên minh giữa các nước Hồi giáo nhằm đối phó với “sự bành trướng” của Israel.

Ông Erdoğan cho rằng Israel đang tìm cách mở rộng cuộc chiến ở Trung Đông để giành thêm nhiều lãnh thổ. Song Israel đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của ông Erdoğan, gọi ông là kẻ dối trá và kích động hận thù.

Khi kêu gọi thành lập một liên minh như thế, có lẽ ông Erdoğan, một người ủng hộ phe Hamas, muốn cho thế giới thấy ông quan tâm đến số phận người Palestine. Và rằng, với cái liên minh Hồi giáo mà ông mong muốn thành lập đó, Israel sẽ bị đánh bại. Nếu quả thực ông Erdoğan có suy nghĩ như thế, thì có thể nói đầu ông có vấn đề. Ông tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ này quên rằng năm 1967, chỉ trong 6 ngày ngắn ngủi, Israel đã đánh tan tác một loạt nước Hồi giáo. Mà Israel hiên tại còn mạnh hơn hẳn Israel hồi đó. Trong khi các nước Hồi giáo hiện tại thì chẳng mấy nước còn thiết tha với sự nghiệp của Palestine. Họ đã chán rồi. Thân mình lo chưa xong, còn lo cho ai. Người Palestine nên tự giải quyết vấn đề của họ, đừng trông mong vào ai hết. Ai cũng có việc phải lo. Chẳng ai rảnh.

Một điều nữa, ông Erdoğan phải hiểu rằng ngày nào các nước Hồi giáo còn nuôi lòng hận thù với Israel như ông mong muốn, thì ngày đó Trung Đông vẫn còn là một thùng thuốc súng. Chẳng ai bảo rằng mình hạnh phúc được ngồi trên một thùng thuốc súng. Nếu người ta đặt ông Erdoğan lên thùng thuốc súng thì ông cũng đâu có thích. Sợ run là đằng khác.

Rốt cuộc, với uy tín của mình, ông Erdoğan, thay vì kêu gọi lòng hận thù, nên đóng vai trò bắc cầu hữu nghị giữa Israel với các nước Hồi giáo. Như thế mới là khôn ngoan, vì điều đó có lợi cho hòa bình Trung Đông. Hòa bình chứ không phải chiến tranh. Chỉ như thế ông Erdoğan mới thực sự chứng tỏ được mình là người quan tâm tới vận mạng của Palestine. Và chỉ như thế ông ta mới nâng cao được uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế.

2.

Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cho rằng Mỹ có thể hưởng lợi từ lượng khoáng sản giá trị hàng ngàn tỷ đôla của Ukraine.

Ông Graham không ngừng kêu gọi Washington duy trì viện trợ quân sự cho “những người bạn Ukraine,” và cho rằng viện trợ của Mỹ cho Ukraine là sự đầu tư tốt nhất mà Mỹ từng bỏ ra. “Ukraine đang ngồi trên hàng ngàn tỷ đôla khoáng sản và điều này sẽ có ích cho kinh tế Mỹ,” ông Graham nói.

Trước đó, ông Medvedev từng cho rằng việc Mỹ viện trợ dồi dào cho Ukraine không phải là không vụ lợi. Theo Medvedev, Ukraine có trữ lượng khoáng sản trị giá khoảng $15,000 tỷ, chủ yếu tập trung ở vùng Donbas. Khi giải thích lý do Mỹ không ngừng viện trợ cho Ukraine, ông cựu tổng thống Nga này đã vô tình cho thế giới hiểu vì sao Nga muốn làm chủ vùng Donbas cho bằng được. Chẳng phải là để “giải phóng Ukraine khỏi ách phát xít” như Moscow rêu rao, mà chỉ là vì Moscow muốn ăn cướp vùng đất dồi dào tài nguyên này của Ukraine.

Việc Phương Tây hết sức hỗ trợ Ukraine không hẳn là vì Phương Tây ham muốn tài nguyên của nước này. Nhưng việc Nga làm hết sức để chiếm đoạt vùng Donbas của Ukraine chắc chắn là vì muốn ăn cướp vùng đất dồi dào tài nguyên đó. Cái gọi là “giải phóng Ukraine khỏi ách phát xít” thực chất chỉ là tấm bình phong che đậy tham vọng ăn cướp của Moscow.

Rốt cuộc, không phải Kyiv mà chính Moscow mới là phát xít!

3.

Hôm 8 Tháng Chín 2024, báo Tuổi Trẻ Online có bài: “Giám đốc CIA: Putin là một kẻ bắt nạt, ông ta sẽ tiếp tục khua kiếm chém gió.”

Nhưng bài báo này nhanh chóng bị gỡ. Hẳn mọi người biết vì sao.

Chắc chắn ông giám đốc CIA có lý khi nói như thế về Putin, một kẻ chỉ muốn dùng sức mạnh để đàn áp các nước nhỏ, trong có Ukraine. Thế nhưng Ukraine lại không dễ cho Putin bắt nạt. Suốt hơn hai năm qua, kể từ ngày Putin mở cuộc xâm lược vào Ukraine, quân Nga đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường này.

Trước khúc xương khó nuốt Ukraine, Moscow nhiều lần lên tiếng muốn đàm phán hòa bình với Kyiv. Song với bản chất tham lam, Moscow lại chỉ muốn đàm phán với điều kiện Kyiv phải chấp nhận cái gọi là “thực tế chiến trường,” nghĩa là Ukraine phải nhượng đứt cho Nga các vùng lãnh thổ của mình đang bị Nga kiểm soát. Kyiv trước sau không chấp nhận điều kiện này.

Khi Kyiv bất ngờ tấn công vào Kursk, nhanh chóng chiếm hơn 1,000km2 và kiểm soát gần 100 khu định cư ở tỉnh biên giới này của Nga, Moscow liền tuyên bố cắt đứt mọi cuộc đàm phán với Kyiv. Đơn giản là vì Moscow không muốn đàm phán với Kyiv mà không thể tiếp tục đòi Kyiv phải chấp nhận “thực tế chiến trường.” Kursk đang ở trong tay Ukraine mà đòi Kyiv chấp nhận “thực tế chiến trường” thì khác nào Moscow tự vả vào mặt mình.

Với cuộc tấn công vào Kursk, hẳn Kyiv muốn buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận điều kiện của Kyiv, đó là “Ai về nhà nấy,” nghĩa là Nga rút hết quân ra khỏi mọi vùng lãnh thổ đã chiếm của Ukraine, còn Ukraine rút hết quân ra khỏi Kursk.

Với bản chất tham lam và ăn cướp, hẳn Putin sẽ không dễ dàng chấp nhận điều kiện này của Kyiv.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: